Đón tôi ngay đầu bản Tả Phìn vẫn là những chị, những mẹ đeo gùi. Trong gùi ấy là cả “gia tài” của họ. Toàn đồ thổ cẩm. Tả Phìn là bản của người Dao Đỏ, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Con gái Dao Đỏ chăm chỉ và khéo léo, may, thêu hay dệt đều giỏi, nhưng giỏi nhất vẫn là thêu. Những người phụ nữ bán hàng thổ cẩm niềm nở chào mời du khách ở Sa Pa. Ảnh: Đoàn Tú Anh Có lần, lên đến tận xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ, Lai Châu), giáp với đất Trung Quốc, tôi vẫn gặp những cô gái Dao Đỏ ngồi trước cửa nhà cần mẫn đưa từng mũi kim trên mảnh vải chàm. Những hoa văn hình xương lá, hình cây thông, hình quả trám... từ đôi bàn tay các cô gái Dao Đỏ mà thành hình, sặc sỡ và sinh động. Ở Tả Phìn cũng vậy, con gái Dao Đỏ gắn với cây kim và khung dệt. Chuyện xưa, chuyện nay Ngày xưa, nghề dệt vất vả hơn bây giờ nhiều. Các cô gái phải bắt đầu từ khâu trồng bông, trồng lanh để lấy sợi. Rồi qua bao nhiêu công đoạn mới xe thành sợi, mới dệt nên vải. Rồi nhuộm, rồi hồ, qua nhiều công đoạn nữa tấm vải mới sử dụng được. Sau đó là thêu... Cho nên tự may được cho mình một bộ quần áo truyền thống, các cô gái Dao phải mất hàng năm trời với bao nhiêu công sức, sự tỉ mỉ, khéo léo... Bây giờ, tự tay dệt ra tấm vải nhanh hơn nhiều, bởi lẽ chỉ cần mua sợi, mua chỉ có sẵn của Trung Quốc về dệt thôi. Chỉ có việc thêu là mất nhiều công sức nhất, đòi hỏi các cô gái Dao không thể vội vàng hay nôn nóng. Từng cánh hoa, từng xương lá mỏng mảnh hiện dần sau mỗi mũi kim nhỏ và đều tăm tắp... Ngày xưa, phụ nữ Dao chỉ may thêu quần áo cho mình và cho người thân trong gia đình. Từ khi du lịch phát triển thì thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch. Các mặt hàng làm từ thổ cẩm cũng phong phú hơn: khăn, áo, balô, ví, túi xách, mũ, giày... Các cô gái Dao ở Tả Phìn chuyên tâm làm thổ cẩm bán cho khách du lịch. Họ tập trung ở một ngôi nhà rộng, ngay đường cái, lối rẽ vào bản. Hễ có khách du lịch là ùa ra giới thiệu và tình nguyện làm hướng dẫn viên cho khách đi thăm bản, rồi bán hàng cho khách. Thật ra ít khách tâm niệm mua đồ thổ cẩm về dùng, mà chỉ mua làm kỷ niệm, mua tặng bạn bè (cũng mang tính chất kỷ niệm). Thứ nhiều nhất được bán là khăn và ví. Khăn thì chắc chẳng phải do người Dao Tả Phìn dệt, vì không phải khăn dệt tay. Là khăn Trung Quốc, mua ở thủ đô Hà Nội cũng có, ở đâu có hàng Trung Quốc là có những cái khăn len như thế. Hoa văn vằn vèo cho giông giống hoa văn thổ cẩm. Tôi từng mua hàng ôm khăn như thế ở Đà Lạt, ra ngoài Bắc gặp những hàng bán khăn len Trung Quốc mới thấy thất vọng thê thảm. Giờ lại gặp những cái khăn ấy trên đất Tả Phìn. Cái vòng luẩn quẩn Tôi vào nhà chị Lý Lở Mẩy ngay đầu bản. Chị bán cả gùi thổ cẩm to. Hỏi thì bảo: Chị tự làm ra nó đấy! Chị tự dệt đấy! Thế nhưng, trong căn nhà gỗ mái ngói ximăng, vách hở hoang hoác ấy chẳng có cái khung dệt nào cả. Hỏi khung dệt đâu, chị chỉ cười. Hỏi chỉ thêu đâu, kim thêu đâu, cũng lại cười. Lý Lở Mẩy mới ngoài 30 tuổi một chút đã có ba đứa con, toàn gái. Đứa đầu 12 tuổi, đứa thứ hai lên 3 và đứa út hơn 1 tuổi đang ngủ ngon trong địu sau lưng mẹ. Chị xót xa kể về đứa con trai thứ hai, em liền kề cô con gái 12 tuổi, đã chết khi vừa lên 5 mà không biết bị bệnh gì. Chỉ biết đưa lên bệnh viện mấy ngày thì con chết, bác sĩ không cứu được. Chị bảo người Dao cũng thích con trai giống người Kinh. Đẻ nhiều con gái thì buồn. Mai sau chúng nó đi lấy chồng phải cho của, mình nghèo thế này lấy đâu ra của cho con... Câu chuyện bên bếp lửa cứ lan man, lan man mãi... Tôi hỏi sao bây giờ phụ nữ Dao không tự trồng lanh, xe sợi, dệt vải, làm thổ cẩm “xịn” như ngày xưa mà cứ đi mua hàng Trung Quốc? Lý Lở Mẩy buồn buồn bảo khách du lịch sẽ chê đắt không mua đâu. Làm cả năm mới được bộ váy áo, sao mà bán rẻ cho được. Bán đắt thì không có khách mua... Mua sợi, vải Trung Quốc rẻ hơn nhiều chứ. Mình chỉ thêu, chỉ may thôi thì nhanh... Nhìn vẻ ưu tư của chị, tôi biết chị nói thật lòng. Ra về, tôi mua của Lý Lở Mẩy một cái khăn, biết rằng không bao giờ dùng đến. Chiều tối, quanh khu vực nhà thờ đá Sa Pa và dọc theo con phố Cầu Mây gần đấy la liệt những hàng bán đồ thổ cẩm. Đó là chưa kể những đứa trẻ, những bà mẹ xách toòng teng một ít sản phẩm thổ cẩm đi bán rong khắp nơi. Nhưng chẳng mấy người hỏi mua. Những hàng bán thổ cẩm có mặt ở đó như chỉ để làm nên nét đặc sắc cho Sa Pa chứ không phải để những con người đang âm thầm ngồi dưới sương lạnh mưu sinh.Tự dưng nhìn những chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ mà thấy lòng buồn đến thế. Đáp lại lời mời chào “Mua đồ thổ cẩm đi cô, chú” là những bình luận giống nhau: “Toàn đồ Trung Quốc cả, nhìn là biết liền!”. Câu nói buồn buồn của Lý Lở Mẩy lại văng vẳng: “Thổ cẩm mình làm thì không bán rẻ được đâu. Đắt tiền thì khách lại không mua”. Tags: Thổ cẩm
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Hà Nội công bố kế hoạch tổ chức lễ diễu binh, diễu hành mừng 80 năm Quốc khánh PHẠM TUẤN 03/07/2025 UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 173 về tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Tìm kiếm từ khóa 'sâm Ngọc Linh' trên mạng, 90% kết quả là hàng giả NGUYỄN TRÍ 03/07/2025 Khi người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng, thì có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật.
Giá vàng miếng SJC vượt 121 triệu đồng/lượng, giá USD kịch trần ÁNH HỒNG 03/07/2025 Giá vàng thế giới đi xuống nhưng giá vàng miếng SJC bất ngờ bật tăng mạnh vào cuối ngày hôm nay 3-7, lên 121,3 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Thái Lan nói tình hình biên giới với Campuchia đang hạ nhiệt, ông Hun Sen lên tiếng TRẦN PHƯƠNG 03/07/2025 Quan chức Thái Lan cho biết tình hình biên giới với Campuchia đang bắt đầu lắng dịu và hy vọng Phnom Penh sẽ rút quân khỏi biên giới, quay lại đàm phán.