TTCT - Mấy cây bẹo cắm đầu ghe, treo lủng lẳng nào khoai củ, nào quýt, cam, hành tỏi, khóm, xoài... Có cây bẹo cột một trái bí, trái mít rực vàng trong nắng sớm. Minh họa: VIIP Đã bảo “bẹo hình bẹo dạng, treo gì bán nấy” mà. Bập bềnh trên sông nước, hàng trăm ghe thuyền từ sông rạch các nơi đổ về nhóm chợ sớm trên sông nên gọi là “chợ nổi”. Hàng trăm năm, trên mảnh đất Cần Thơ quê tôi, những khu chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền... đã được hình thành như thế. Ai đó từng nói: đường là do người đi lại mà có, chợ nhóm trên sông từ bao đời nay cũng do nhu cầu của con người mà thành. Khi những con đường đất còn trơn trượt, nhấp nhô, khi những con đường nhựa chưa mở, bao người sống quần cư ven sông cứ bước chân khỏi nhà là xuống ghe, xuống xuồng thì những con đường trên sông vẫn là đường huyết mạch để giao dịch hàng hóa, nối liền các vùng miền, thậm chí để sống còn. Một anh bạn nhà ở ngay chợ Cái Răng, năm nay ngoài 70 tuổi, thường kể lúc nhỏ tắm sông ở đây anh rất thích thú trước cảnh ghe này bắc cầu ván qua ghe kia để vào bờ vì ghe xuồng đen nghẹt cả khúc sông. Hàng hóa như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, khóm... người ta cũng ném qua ném lại giữa các ghe, màn tung hứng khiến cậu nhóc mê tít luôn. Trên chợ nổi ngày đó chỉ có vài ghe bán nước uống, bán tàu hủ, sau này do nhu cầu ăn uống mà thêm nhiều ghe bán hủ tiếu, bánh lọt, bún riêu... Tôi thường xuống chợ nổi Cái Răng, ghé quán cà phê ca cổ của Lý Hùng nằm trên chiếc bè nhỏ cặp sông ở đầu chợ nổi. Hai vợ chồng chỉ xấp xỉ bốn mươi, ruộng vườn thất bát chạy ra đây vay tiền mua nhà bè lênh đênh trên sông nước sống qua ngày. Nhờ biết ca mấy câu vọng cổ, mấy bài tài tử nên kết hợp với một tên bạn bán trái cây từ Phong Điền mỗi sáng chạy ghe ra, Lý Hùng và cô vợ Kim Chưởng cũng khiến cái quán nhỏ ven sông có chút sinh khí. Ngoài khách bên chợ xuống chơi nghe hát, thỉnh thoảng các ghe du lịch chở khách Tây cũng ghé lại tìm chút cảm giác lạ trên dòng chợ nổi. Có điều mấy năm rồi mà tay chủ quán đờn ca tài tử này vẫn không sắm nổi cái micro và ampli cho ra hồn, lâu lâu nó lại kêu rột rẹt, nghe mà tức dội. Lúc vắng khách, Lý Hùng thường tâm sự: “Vợ em chạy ghe bỏ mối nước đá, em bán cà phê nước ngọt ngày chỉ được vài chục ngàn. Mấy chục triệu đồng mượn mua cái bè này trả hoài không hết, chỉ trả lời thôi. Chủ cho vay cứ đòi trả vốn lại, nếu không thì thưa ra tòa, em không biết tính sao. Muốn bám chỗ này cho hai đứa nhỏ đi học mà khó quá! Vườn dưới Phụng Hiệp chẳng còn gì, ba má em lại nghèo...”. Ừ, cuộc đời hai vợ chồng có tên giống đào kép này cũng bập bềnh trôi nổi lắm. Trước Lý Hùng chạy ra chợ nổi Ngã Bảy, lúc chợ còn sung nên sống được. Chừng chợ bị dời về tận Ba Ngàn xa tít trong kia, chợ dần tan, tan luôn cuộc sống vừa mới ổn định của cả nhà. Theo dòng chợ nổi, đời gã cũng dập dềnh lên xuống theo nước lớn nước ròng như vậy. Ra vô chợ nổi thỉnh thoảng tôi cũng gặp được nhiều chuyện hay. Như bà Tư bán bún riêu hay cập ghe vào đây, theo nghề từ thời thiếu nữ, con cháu đầy nhà có thể an dưỡng tuổi già rồi nhưng người phụ nữ gần tuổi “cổ lai hi” ấy vẫn cười tươi rói: “Một ngày không xuống ghe đi bán nghe nhớ lắm. Chèo tới chèo lui trên sông riết quen rồi nên ở nhà thấy ngộp!”. Vậy mới biết mỗi người nơi đây đều có thân phận, nỗi niềm riêng. Và con sông bao đời tuôn chảy vẫn mở rộng lòng cưu mang mọi kiếp người. Nhưng có cưu mang được mãi không khi đường sá, cầu cống ngày càng thuận lợi, xe cộ ngày càng đầy dẫy, phương tiện đi lại phong phú, nhanh chóng trên bộ, những ghe thương hồ, những con đường trên sông rạch đã mất dần vai trò. Câu nói xưa “Nhất cận thị, nhị cận giang” mất dần ý nghĩa. Đã có chợ ở khắp nơi với nhiều hình thức. Nào là trung tâm thương mại, nào là siêu thị, nào là cửa hàng bách hóa... Và nằm khép mình ở một chỗ khiêm tốn còn có “chợ truyền thống”! Cái tên gọi cứ làm tôi ray rứt, băn khoăn. Chợ, vốn dĩ đã đầy đủ ý nghĩa, vừa giản dị lại vừa trong sáng biết mấy, việc gì phải khoác thêm cho nó lớp áo diêm dúa, thừa thãi kia? Vậy là cái chợ nổi thân quen với tôi và khu chợ Cái Răng trên bờ kia chính là chợ truyền thống đó. Nhưng mới đây, một anh bạn nhà báo còn cho biết dù chợ nổi đây đang teo tóp dần từ hơn bốn trăm ghe xuống còn trên một trăm ghe thôi thì thành phố vẫn đang có dự án đầu tư quy hoạch lại cho quy mô hơn, hoành tráng hơn để xứng đáng là chợ “văn hóa - du lịch”! Nghe mà ngẩn ngơ. Ôi, trăm năm chợ nổi trên sông! Rồi sẽ dập dềnh, trôi nổi thế nào đây? Một sớm mai nào đó, tôi đứng trên nhà bè Lý Hùng nhìn xuống cảnh xuồng ghe từ các sông rạch tựu về chợ nổi... Chợ nổi Cái Răng vẫn tươi vui, nhộn nhịp trong sinh hoạt thường ngày nhưng trước mắt tôi con sông cứ dập dềnh, dập dềnh như dâng trào lên bao nỗi niềm riêng… Tags: Tạp bút
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.