Ông Kim đi Bắc Kinh làm gì?

DANH ĐỨC 09/04/2018 19:04 GMT+7

TTCT - Trong khi một vài báo ca ngợi chuyến thăm “lịch sử” là dấu ấn cá nhân của ông Kim, thì SCMP 29-3 đã bình luận khá mạnh bạo trong một bài xã luận với tựa đề: “Tại sao không thể gạt Trung Quốc ra bên lề trong chính sự Triều Tiên”

Hòa bình, sơn dầu trên vải toan, tranh của Sun Mu, họa sĩ người Triều Tiên hiện sống ở Hàn Quốc. Ảnh: nknews.org
Hòa bình, sơn dầu trên vải toan, tranh của Sun Mu, họa sĩ người Triều Tiên hiện sống ở Hàn Quốc. Ảnh: nknews.org

 

Những diễn biến dồn dập ở Đông Bắc Á thời gian qua đã khơi lên cả hi vọng lẫn ngờ vực. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đã được định ngày, đoàn ngoại giao K-pop với bức ảnh hiếm có chụp cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un, rồi cả cuộc gặp Donald Trump - Kim rất được chờ đợi, nhưng có lẽ sự kiện nhiều ý nghĩa nhất là chuyến đi của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tới Bắc Kinh tuần trước.

Trước khi hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên, ông Kim và Tổng thống Moon Jae In hay ông Kim và ông Trump có thể gặp nhau, đã diễn ra cuộc gặp đột xuất, song không bất ngờ ở Bắc Kinh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Kim. Lịch sử bán đảo Triều Tiên, nếu có sang trang, vẫn không ở ngoài quỹ đạo của “đất nước trung tâm”.

Tin tức về bán đảo Triều Tiên hôm chủ nhật 1-4 không hề “cá tháng tư” chút nào. Cuộc tập trận hằng năm Mỹ - Hàn Quốc, sau một tháng tạm hoãn vì Thế vận hội mùa đông, đã khởi động hôm chủ nhật với sự tham gia của khoảng 300.000 binh sĩ Hàn Quốc và 11.500 lính Mỹ. Dù hai miền nam - bắc sẽ gặp nhau vào ngày 27-4 tới, cuộc tập trận mà Triều Tiên từng khăng khăng đòi bãi bỏ vẫn diễn ra.

5 phái viên Hàn Quốc trước đó đã đến Bình Nhưỡng giải thích rằng sau khi tạm hoãn vì Thế vận hội mùa đông, giờ không còn có lý do gì để lý giải việc ngưng tập trận. Ông Kim cũng đã hòa hoãn tuyên bố “hiểu được” việc này, theo tiết lộ từ ông Chung Eui Yong, chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc. Phía Seoul đáp lại với việc rút ngắn cuộc tập trận năm nay còn 4 tuần thay vì 8 tuần như năm ngoái, theo Joongang Daily ngày 1-4.

Tiếp tục ván cờ hòa hoãn, vợ chồng lãnh đạo tối cao Triều Tiên đã đến dự buổi trình diễn nhạc trẻ K-pop, một đặc sản Hàn Quốc. Trước đó, ông Kim còn tiếp Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, cùng ông này xem bóng đá, và đồng ý rằng miền bắc sẽ tham gia Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 cùng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Thay đổi tư duy?

Những chỉ dấu cho thấy khả năng đã có một chút thay đổi tư duy ở miền bắc, về sự hòa hoãn và hội nhập. Buổi biểu diễn K-pop tối chủ nhật ở Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng 1.500 chỗ - không bán vé - có tính biểu tượng cao: theo Korea Times cùng ngày, một số thanh niên Triều Tiên vẫn đang phải lao động cải tạo một năm vì tội... nghe K-pop!

Cũng không lạ, mới 3 tháng trước, trong thông điệp đầu năm, ông Kim còn dọa nạt: “Cần đấu tranh mạnh mẽ để thắt chặt đạo đức kỷ luật trong xã hội, thiết lập một lối sống xã hội chủ nghĩa và loại bỏ mọi sinh hoạt phi xã hội chủ nghĩa, để đảm bảo rằng tất cả mọi người, có phẩm chất tinh thần và đạo đức, cuộc sống có văn hóa”.

Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 30-3 đăng lại một số tâm thư của các tầng lớp nhân dân, cán bộ đảng viên trước đó đã xuất hiện trên tờ Thời báo Bình Nhưỡng (Pyongyang Times). Ho Sun Ho, nhân viên Bộ Bưu chính viễn thông, viết: “Chúng tôi rất vui mừng vì tin tức về chuyến thăm Trung Quốc của lãnh tụ tối cao Kim Jong Un. Cuộc thăm viếng nước ngoài đầu tiên của lãnh tụ là biểu hiện của ý muốn kiên định trong việc giữ vững tình hữu nghị song phương truyền thống, một di sản vô giá của các nhà lãnh đạo vĩ đại tiền nhiệm của chúng ta và Trung Quốc”.

Kim Chung Ryol, đoàn viên phong trào thi đua yêu nước “ba cuộc cách mạng” (tức ba cuộc cách mạng do cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành khởi xướng: cách mạng ý thức hệ, cách mạng công nghệ và cách mạng văn hóa) ở khu mỏ Jaeryong, hứa sẽ phấn đấu lập thành tích từ “tin vui” này...

Tuy nhiên, báo chí hải ngoại lại không được hân hoan như thế về chuyến thăm. Tờ báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam (South China Morning Post), ngày 28-3 giật tít có phần ngờ vực: “Máy quay cho thấy Kim Jong Un nhũn nhặn trước Tập Cận Bình”.

Tờ báo viết: “Chuyến thăm Bắc Kinh của Kim Jong Un trong tuần này cho thế giới một cái nhìn thoáng qua hiếm thấy về nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi ông làm một chuyện mà bình thường ông để người khác làm: ghi chép tỉ mỉ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp mặt.

Ở trong nước, ông luôn nổi bật khi trong các chuyến công du, vây quanh ông thường là các tướng lĩnh và quan chức cấp cao tận tụy ghi chép lời của lãnh tụ, như được minh họa trên báo chí Triều Tiên.

Trong chuyến ra nước ngoài đầu tiên từ khi nắm quyền vào năm 2011, ông Kim đang thể hiện hình ảnh khiêm tốn hơn nhiều, sau khi đã lao vào một cuộc khẩu chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mới cách đây 6 tháng, trong đó ông Kim gọi ông Trump là một lão già lú lẫn”.

Trong đoạn phim dài phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 28-4, ông Kim lắng nghe và ghi chép một cách chăm chú khi ông Tập nói rằng hai nước nên trân trọng quan hệ song phương được xây dựng bởi các bậc tiền bối. Đổi lại, lớn hơn ông Kim ít nhất 30 tuổi, ông Tập, ngồi ở phía bên kia bàn hội nghị, mỉm cười, đôi khi gật đầu khi ông Kim cẩn thận đọc diễn từ qua một tờ giấy trước mặt.

Từ góc nhìn đó, SCMP nêu giả định: “Sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại có lẽ đã thúc đẩy ông Kim thăm Trung Quốc, để chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Trump”, và kết luận: “Trung Quốc có vai trò rất lớn trong sự ổn định của khu vực, và vai trò này trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên là không gì sánh được”.

Không thể thiếu Bắc Kinh

Trong khi một vài báo ca ngợi chuyến thăm “lịch sử” là dấu ấn cá nhân của ông Kim, thì SCMP 29-3 đã bình luận khá mạnh bạo trong một bài xã luận với tựa đề: “Tại sao không thể gạt Trung Quốc ra bên lề trong chính sự Triều Tiên”.

Bài báo mở đầu bằng cách đề cập những ồn ào của cuộc gặp Trump - Kim trong tương lai cùng cuộc gặp “lịch sử” Kim - Moon: “Hôm 9-3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thả một quả bom khi chấp nhận lời mời họp thượng đỉnh của Kim Jong Un. Thông báo này đã đưa lãnh đạo Triều Tiên lên mặt tiền của chính trường ngoại giao quốc tế. Một hội nghị thượng đỉnh giữa Kim và Moon Jae In cũng được tổ chức vào tháng 4”.

Trong khi báo chí đang tập trung vào hai cuộc gặp đó, nhất là cuộc gặp Trump - Kim, thì SCMP khéo léo nhắc nhở rằng cả tổng thống Mỹ lẫn tổng thống Hàn Quốc đều đâu có là “trung tâm thế giới”: “Mặc cho các quan chức Mỹ và Bắc Triều Tiên đang bận rộn với các chi tiết của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim..., chuyến đi Bắc Kinh của ông Kim có vẻ như bác bỏ những quả quyết rằng Trung Quốc đã bị gạt sang bên trong chính sự của Triều Tiên”.

Tờ báo nhắc nhở: “Vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên là vô song. Bắc Kinh có thể đã bất ngờ khi hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump được công bố, nhưng Trung Quốc là một bên liên quan đến sự ổn định khu vực thông qua Hiệp ước hợp tác tương hỗ 1961 với Triều Tiên.

Hiệp ước này có một điều khoản về liên minh quân sự, có vai trò lớn trong việc ngăn chặn sự khiêu khích từ cả hai phía của khu phi quân sự. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với an ninh Triều Tiên chỉ tăng lên mà thôi...

Là một trong những quốc gia bị cô lập nhất thế giới, Trung Quốc là cửa ngõ ra thế giới bên ngoài của Triều Tiên. Nói Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên chưa phản ánh hết sự áp đảo của Trung Quốc trong nền kinh tế Triều Tiên: Khoảng 90% ngoại thương của Bình Nhưỡng cũng xuất phát từ việc buôn bán với Trung Quốc, phần lớn là nhập khẩu lương thực và nhiên liệu”.

Vì thế: “... Trung Quốc sẽ không để bị gạt ra bên lề trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên”. Bài báo cũng thừa nhận: “Các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đã làm cho tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á thêm trầm trọng, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ đưa hệ thống chống tên lửa THAAD tới Hàn Quốc”.

Từ gần hai năm qua, trong các cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên, Bắc Kinh và Matxcơva luôn phản đối việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, để bảo vệ Triều Tiên thì ít, mà do lo ngại cho chính mình thì nhiều. Các phản đối đó ít được báo chí phương Tây dẫn lại.

Nhưng SCMP - với cổ đông lớn nhất không ai khác là tỉ phú công nghệ người Trung Quốc Jack Ma - đã có góc nhìn khác, khi cho rằng Triều Tiên phải chịu một phần trách nhiệm về THAAD, do các vụ thử hạt nhân và tên lửa thiếu kiềm chế của họ. ■

Mỹ diều hâu hơn?

Thật ra, chính Mỹ cũng ý thức rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đứng ngoài các diễn biến lớn ở Triều Tiên, theo nhận định của mạng tình báo Stratfor. Chuyến đi Bắc Kinh đột xuất của ông Kim, từ ngày 25 đến 28-3, diễn ra chỉ 3 ngày sau khi bên kia Thái Bình Dương, ông Trump loan báo cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton sẽ được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia thay ông H. R. McMaster.

Ông Bolton vốn là “tam triều nguyên lão”: thứ trưởng ngoại giao về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế dưới trào tổng thống George W. Bush (Bush con), thứ trưởng ngoại giao về các tổ chức quốc tế thời George H. W. Bush (Bush cha), và phó tổng chưởng lý thời Ronald Reagan.

Ông là một nhân vật lão luyện trong các vấn đề tên lửa và hạt nhân của Iran và Triều Tiên cùng các miếng “du kích kế” hay “hoãn binh chi kế” trên bàn đàm phán. Ông cũng là một nhân vật diều hâu nổi tiếng từng tuyên bố sẽ tiến hành chiến tranh với cả Iran và Triều Tiên. Trước khi bổ nhiệm Bolton, Tổng thống Donald Trump cũng đã sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson và thay bằng một nhân vật diều hâu: cựu giám đốc CIA Mike Pompeo”.

Nếu như ông Kim thấy đã tới lúc cần hỏi ý kiến ông Tập, thì đồng thời, ông Trump - vốn cũng ít kinh nghiệm ngoại giao - viện đến sự chỉ dẫn của “cáo già” John Bolton. Các quân cờ có vẻ đã vào đúng chỗ, giờ chỉ còn chờ xem ván cờ sẽ diễn tiến ra sao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận