Ông Putin tìm kiếm gì ở Mông Cổ?

DUY VĂN 07/09/2024 09:37 GMT+7

TTCT - Thảm đỏ, vệ binh danh dự, kỵ binh trong trụ giáp "Trung cổ", Mông Cổ đã đón Tổng thống Nga Vladimir Putin với nghi thức trang trọng, bất chấp lời kêu gọi bắt giữ ông theo phán quyết của Tòa hình sự quốc tế The Hague (ICC).

Ông Putin tìm kiếm gì ở Mông Cổ? - Ảnh 1.

Ông Putin và Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Mông Cổ

Chuyến công du hai ngày (2 và 3-9) của ông Putin đến Mông Cổ, chuyến đầu tiên tới một quốc gia thành viên ICC từng ban lệnh bắt giữ ông hồi tháng 3-2023, đã diễn ra không như mong muốn của Kiev, Brussels và ICC. 

Ông Putin đến Ulan Bator theo lời mời của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh để tham gia lễ kỷ niệm 85 năm chiến thắng chung của quân đội Liên Xô và Mông Cổ trước quân Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol.

Với lý do Ulan Bator đã ký Quy chế Rome về ICC năm 2000 và phê chuẩn vào năm 2002, phương Tây cho rằng Mông Cổ có nghĩa vụ thi hành lệnh bắt giữ Putin. 

Tuy nhiên, cuối cùng Ulan Bator đã ưu tiên cho lợi ích quốc gia, đồng thời sử dụng sự hỗ trợ của Nga làm đòn bẩy cho lợi ích địa chính trị của đất nước mình: Tổng thống Khurelsukh đã nhận lời mời của ông Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan vào tháng 10.

Vẫn là năng lượng

Vì sao ông Putin phải đến Mông Cổ, một láng giềng nhỏ với kim ngạch thương mại hết sức khiêm tốn: chỉ 2,7 tỉ USD (2022)? Trả lời phỏng vấn báo Mông Cổ Onoodor, ông Putin nêu rõ quan hệ đối tác với Mông Cổ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga theo hướng Á - Âu. 

Ông cho biết với sự tham gia của Matxcơva, việc chuẩn bị thỏa thuận tạm thời về khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Mông Cổ đã đạt được tiến bộ đáng kể.

Ngoài ra, Nga và Mông Cổ đang thống nhất thỏa thuận liên chính phủ để Nga cung cấp cho Mông Cổ nhiên liệu, dầu nhờn với giá ưu đãi, cũng như tiếp tục phát triển dự án đường ống dẫn khí đốt Soyuz-Vostok. 

(Chính ông Putin cho biết: "Nghiên cứu khả thi của dự án đường ống Soyuz-Vostok với chiều dài hơn 960km đã được phê duyệt vào tháng 1-2022, khảo sát và nghiên cứu kỹ thuật cần thiết đã hoàn thành và việc chuẩn bị tài liệu thiết kế đã xong vào cuối năm").

Đây là tuyến nối dài của đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia-2 từ các mỏ khí đốt Siberia đến Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc. Theo Điện Kremlin, đường ống mới, với công suất 50 tỉ mét khối mỗi năm, có thể thay thế thị trường khí đốt châu Âu cho hãng Gazprom, nơi trước chiến tranh công ty này bán được hơn 150 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm.

Mắc mứu chính trong hợp tác Nga - Mông Cổ thật ra không phải là phương Tây. Mông Cổ gần đây đã quyết định không đưa việc tài trợ cho dự án này vào kế hoạch kinh tế 5 năm mới của chính phủ. 

Vì vậy, đã nảy sinh nghi ngờ về việc Trung Quốc có cam kết với dự án này hay không. Giữa tháng 8, tờ South China Morning Post viết: "Tương lai của đường ống Nga - Trung không rõ ràng, vì Mông Cổ đã loại dự án [Sức mạnh Siberia-2] khỏi mục tiêu dài hạn của đất nước trong kế hoạch phát triển".

Phát biểu tại Ulan Bator, Tổng thống Khurelsukh thừa nhận ưu tiên năng lượng trong hợp tác Nga - Mông Cổ. Ngoài dự án Soyuz-Vostok, Nga cam kết hỗ trợ Mông Cổ khí hóa đất nước, thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình dựa trên công nghệ hiện đại nhất của Nga, bao gồm cả lò phản ứng mô đun nhỏ. Ngoài ra, việc Nga tham gia hiện đại hóa tuyến đường sắt và sân bay Ulan Bator cũng được thảo luận.

Theo hãng Tass, tổng cộng 5 thỏa thuận đã được ký kết hôm 3-9 về việc Nga cung cấp sản phẩm dầu mỏ, nhiên liệu hàng không cho Mông Cổ, tái thiết nhà máy nhiệt điện-3 ở Ulan Bator, cũng như hợp tác trong y tế, sinh thái (bảo tồn hồ Baikal và nhánh lớn nhất của nó, sông Selenga).

Mông Cổ trong thực tế địa chính trị

Nhà báo Mông Cổ Jargalsaikhan Dambadarzhaa trả lời tờ báo (đối lập) Nga Novaya Gazeta 2-9 cho biết ở nước ông có hai luồng ý kiến chính quanh chuyến thăm của ông Putin. Một số người chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cho rằng Mông Cổ có nghĩa vụ hợp tác với ICC. 

Còn phe kia nhắc Mông Cổ chỉ có hai láng giềng là Trung Quốc và Nga. Nếu Nga ngừng cung cấp nhiên liệu, Mông Cổ sẽ gặp vấn đề lớn. Chính phủ Mông Cổ cố giữ quan điểm trung lập vì đã có thỏa thuận với Nga và Trung Quốc về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Một nhà báo gốc Mông Cổ khác, bà Telmen Altanshagai, trên tờ The Diplomatic nhấn mạnh an ninh năng lượng của Mông Cổ gắn chặt với các nước láng giềng. Nga cung cấp 95% sản phẩm dầu mỏ, chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu của Mông Cổ. 

Nền kinh tế xuất khẩu của Mông Cổ, dựa trên bán nguyên liệu thô như than, đồng và vàng, phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga để vận chuyển đến Trung Quốc. Dù Bộ Năng lượng Nga đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, bao gồm cả xăng, bắt đầu từ ngày 1-3-2024, nhưng bộ này đưa ra ngoại lệ cho một số quốc gia thân thiện, gồm Mông Cổ. 

Thế nên tuy Chính phủ Mông Cổ tự coi mình là "ngọn hải đăng của nền dân chủ ở trung tâm châu Á", họ vẫn "mắc kẹt trong thực tế địa chính trị". Theo bà Altanshagai, đó là lý do Mông Cổ "bỏ qua nghĩa vụ bắt giữ Vladimir Putin, thay vào đó ký các thỏa thuận về cung cấp nhiên liệu từ Nga phục vụ cho lợi ích quốc gia của mình".

Từ thời Liên Xô, Mông Cổ đã nổi tiếng với trữ lượng đồng, than đá và uranium. Các mỏ mới chứa nguyên tố đất hiếm, lithium và titan, cũng đã được khám phá. Mông Cổ có tới 4 tỉnh có quặng uranium và đứng thứ 7 thế giới về trữ lượng đồng và thứ 6 về xuất khẩu tinh quặng. Nga không có nhu cầu cấp thiết về những tài nguyên này, nhưng cũng không muốn phương Tây hoàn toàn sử dụng cơ sở nguyên liệu thô dồi dào đó.■

Chuyến công du và phán quyết ICC

Tháng 3-2023, ICC (Nga không công nhận thẩm quyền) cáo buộc ông Putin và thanh tra viên trẻ em Maria Lvova-Belova về tội "trục xuất bất hợp pháp người dân (trẻ em) khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga", và ra phán quyết bắt giữ họ. Matxcơva giải thích rằng họ chỉ "đơn giản di dân khỏi các cuộc pháo kích của Ukraine và đưa họ an toàn ra khỏi vùng chiến sự".

Bất chấp phán quyết của ICC, ông Putin vẫn thực hiện các chuyến công du nước ngoài tương đối thường xuyên và tham gia các diễn đàn, hội nghị thượng đỉnh, dù chưa bao giờ đến các nước phương Tây.

Tháng 7-2023, ông hủy chuyến thăm Nam Phi dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. (Nam Phi là thành viên ICC). Ông cũng không tới Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20 vào tháng 9-2023, dù nước này không phải thành viên ICC. Kể từ lần tái cử tổng thống Nga tháng 5-2024, nhà lãnh đạo Nga đã đi thăm 8 nước: Trung Quốc, Belarus, Uzbekistan, Triều Tiên, Việt Nam, Kazakhstan, Azerbaijan và Mông Cổ.

Trước chuyến thăm Ulan Bator của ông Putin, Kiev và Brussels nói về nghĩa vụ của Mông Cổ phải bắt giữ ông. Tuy nhiên, không lâu trước đó, ngày 20-5, công tố viên Karim Khan của ICC đã yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel vì tội ác chiến tranh.

Khi đó, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã bày tỏ sự phẫn nộ, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt với ICC. Các thượng nghị sĩ đã gửi thư cho công tố viên ICC: "Hoa Kỳ sẽ không cho phép ICC thực hiện các cuộc tấn công bị chính trị hóa nhằm vào đồng minh của chúng tôi. Nếu quý vị thực hiện các biện pháp chống lại Israel, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đó để chống lại quý vị. Chúng tôi cảnh báo rồi!".

Cho nên dù có cố gắng, ICC xem ra không đủ sức thực thi quyền hành của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận