"Pát" đi !

ĐOÀN KHẮC XUYÊN 29/05/2013 17:05 GMT+7

TTCT - Cháu chưa đầy hai tuổi, đang bập bẹ tập nói. Đang chơi, cháu bỗng chỉ tay bảo: “Pát” đi! Tôi ngơ ngác không hiểu, hỏi cháu muốn nói gì. Cô giữ cháu lúc ấy mới giải thích: cháu muốn lấy cái iPad chơi.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

À ra thế! Chẳng là đã nhiều lần, khi tôi không có nhà, cô đã lấy cái iPad của tôi cho cháu chơi. Cháu mở iPad, “sành điệu” lướt qua các trang để tìm được chương trình giải trí yêu thích “Talking Tom”, rành rẽ cách chơi cùng chú mèo Tom. Cháu thích nhất video hoạt hình “You get me” của Disney kèm điệu nhạc dễ thương mà cháu vẫn nhún nhảy hát theo.

Thế đấy, chưa đầy hai tuổi, cháu đã sống trong cái sinh quyển công nghệ và văn hóa toàn cầu hóa mà ông bà cháu cũng chỉ mới làm quen cách nay chưa lâu. Ở tuổi cháu bây giờ, ông bà còn nghịch đất. Lớn lên, đi học, biết đọc biết viết, dù có đọc truyện khoa học viễn tưởng thì cũng không thể nào tưởng tượng ra được thứ gì như cái iPad cháu đang nghịch. Ước mơ lớn nhất lúc ấy có lẽ là chiếc bút máy hay cây bút bi “xịn”.

Bây giờ, chưa đầy hai tuổi, cháu đã sống trong cái sinh quyển khác, không chỉ khác về công nghệ hay âm nhạc mà còn khác cả từ những thứ đơn giản như thói quen ăn uống... Nếu ông bà cháu vẫn thích ăn chuối, đu đủ - những thứ cây trái gắn liền với một thời thơ ấu quê mùa không thể nào quên - và coi đó là ngon, là bổ thì cháu và thậm chí cả ba mẹ cháu chẳng thèm đụng tới.

Nếu ba mẹ cháu và cháu xuýt xoa với món pizza và những món du nhập xa lạ thì ông bà cháu lại có chút ngần ngại thử. Đó chỉ là nói về những cái cụ thể, thấy được, còn những điều vô hình, sâu thẳm như lối suy nghĩ, lối sống, việc xếp đặt các thứ bậc ưu tiên hay còn gọi là các giá trị trong cuộc đời... ai mà biết được còn những khác biệt nào trong bầu sinh quyển khác nhau của các thế hệ?

Mươi, mười lăm năm nữa, khi cháu lớn lên thành “teen”, thành cô gái, không biết cái sinh quyển công nghệ và văn hóa mà cháu tắm mình trong đó sẽ còn thay đổi tới mức nào khi công nghệ mới xô đẩy nhau ra đời, công nghệ này chưa sống hết vòng đời của nó đã bị công nghệ khác thay thế.

Đồ chơi công nghệ nào sẽ thay thế iPad và hậu duệ của iPad? Trong cái sinh quyển công nghệ và văn hóa mới ấy, cháu sẽ sống và suy nghĩ, theo đuổi những giá trị khác với ông bà của cháu và ngay cả ba mẹ của cháu thế nào? Và liệu ông bà của cháu, nếu lúc ấy vẫn còn sống, có hiểu được cháu, ngược lại liệu cháu có hiểu được ông bà?

Những câu hỏi ấy có thừa không? Có phải tôi đang quá lo xa không? Không hẳn, bởi ngay từ bây giờ, từ khi làm quen với cái iPad, cháu đã không còn mê xem video bé Xuân Mai hát như trước, sẵn sàng ôm cái iPad thay vì đòi dắt ra ngoài ngõ để chơi với mấy bé sàn sàn tuổi trong xóm. Công nghệ đã làm thay đổi lối sống của cháu. Ai biết được lớn lên cháu sẽ còn thay đổi đến đâu?

Tôi tin. Tôi rất muốn tin, như một tác giả đã từng viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần rằng “hãy để bọn trẻ dắt ta đi”. Bởi cái sinh quyển công nghệ, văn hóa và cả tinh thần, lối sống nữa lúc ấy là của chúng, thuộc về chúng. Muốn không để chúng dắt đi cũng không được. Mà sự phát triển của công nghệ là tất yếu, là không thể đảo ngược.

Biết thế, nhưng sao tôi - và tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi - không thể không lo âu khi nghĩ đến những Mi “sói”, những Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, Đặng Văn Khuyến - người trẻ tuổi mới nhất truy sát bằng được người yêu cũ rồi lên trần tình trên Facebook.

Liệu sự phát triển không thể đảo ngược của công nghệ, đi kèm theo nó là cả một sinh quyển văn hóa, tinh thần, lối sống mới, có song hành với sự phát triển của tính người hay ngược lại, công nghệ càng phát triển thì tính người càng suy giảm, mặc dù cái này không nhất thiết là nguyên nhân của cái kia? Công nghệ tốt hay xấu là do người sử dụng, vẫn biết thế, nhưng nếu người sử dụng lúc ấy đã sống trong một sinh quyển văn hóa khác, với những giá trị khác trước, thì sao?

Dường như tôi đã rơi vào bi quan, nhưng có lẽ cũng cần nhìn vào những đổi thay dữ dội như vậy để mường tượng thực tế tốt hơn, thay vì lạc quan không có cơ sở. Nhìn cháu chưa đầy hai tuổi đã lướt iPad điệu nghệ, mừng đó mà lo đó.

Vì sao? Vì cái môi trường xã hội - văn hóa trong đó cháu đang sống, sẽ sống khiến người ta không thể không lo. Ai đó đã nói khi xã hội suy thoái thì có hai cứ điểm cuối cùng cần phải giữ để con người có thể cưỡng lại được sự suy thoái, đó là gia đình và nhà trường. Nhưng ngay cả hai cứ điểm cuối cùng đó hiện nay ai có thể an tâm?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận