TTCT - Là nhà tư vấn, chúng tôi cảm nhận được sự đón nhận hồ hởi các chính sách mới gần đây của VN. Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN là bước ngoặt rất quan trọng đối với việc phát triển điện gió ở nước ta.

Phóng to
Tiềm năng điện gió ở VN rất lớn nhưng trong quy hoạch phát triển, tỉ lệ rất nhỏ - Ảnh: T.T.D.

Thứ nhất, vì nó quy định rõ giá điện gió mà nhà đầu tư có thể bán được là 7,8 xu Mỹ/kWh. Công trình điện gió có vốn đầu tư rất cao, không nhà đầu tư nào không đi vay ở các tổ chức tín dụng để làm dự án. Còn các tổ chức tín dụng thì luôn đòi hỏi chứng minh khả năng hoàn vốn của dự án.

Thiếu yếu tố giá điện gió không thể nào tính được khả năng hoàn vốn của dự án. Lâu nay các nhà đầu tư bị tắc chỗ này. Yếu tố thứ hai là quy định Tập đoàn Điện Lực VN (EVN) phải mua lại toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện gió. Vì điện gió không tích trữ được như những loại hình khác nên EVN mua lại toàn bộ là quá đúng, các nước trên thế giới cũng đã làm như vậy.

Điều quan trọng nữa là đề xuất hợp đồng mua bán điện mẫu sẽ giúp rút ngắn thời gian đàm phán giữa bên bán và mua. Quyết định 37 cũng mở đường cho việc lập quy hoạch điện gió cấp quốc gia. Điều này được nhà đầu tư hoan nghênh vì lâu nay họ phải tự bổ sung dự án của mình vào quy hoạch, rất nhiêu khê.

Mức giá điện gió quy định còn khiêm tốn, nhưng đây là bước đầu, có thể là một cách để sàng lọc, những dự án nào “ngon ăn” nhất sẽ làm trước. Nhà đầu tư sẽ chưa hài lòng, nhưng bước đầu như vậy là ổn.

Hiện nay ở Ninh Thuận đang có làn sóng xin đầu tư vào điện gió sau quyết định này. Ở Bình Thuận cũng vậy, rất nhiều nhà đầu tư xin giấy phép. Còn đối với những nhà đầu tư đã có giấy phép thì giờ đây họ đã có con số đầu vào để tính toán lại cụ thể hơn về hiệu quả đầu tư. Qua tính toán lại một số dự án, hiện nay nếu vay với lãi suất 3-5% thì dự án khả thi. Lúc trước không xác định được chuyện tính toán này. Các tổ chức tín dụng thiên về năng lượng có thể cho vay với lãi suất này. Chẳng hạn, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) có thể cho vay 3% đầu tư vào năng lượng sạch.

Công nghệ điện gió phát triển rất nhanh. Hiện nay, theo tôi biết, các tổ máy đang sử dụng ở VN đều có công nghệ tiên tiến từ châu Âu, không có công nghệ hạng nhì. So với châu Âu, đúng là của Trung Quốc rẻ hơn chừng 70%. Hàng Trung Quốc cũng mua lại công nghệ, bản quyền của châu Âu. Tuy nhiên, họ sử dụng vật liệu và nhân công của mình thế nào để giảm giá thành là chuyện khác, phải tính.

Độ tin cậy về an toàn, công nghệ... giữa hai xuất xứ có khác biệt. Đây chính là rủi ro của nhà đầu tư. Nếu chọn rẻ tiền thì phải lãnh hậu quả. Tuy nhiên cần nói thêm là hàng Trung Quốc cũng có đủ mọi cấp độ, vấn đề là trình độ thẩm định công nghệ của người mua. Ngay tại Mỹ, bệ máy tuôcbin 1,5MW của một hãng lắp ráp tuôcbin cũng được sản xuất tại Trung Quốc. Vì vốn đầu tư rất lớn nên nhà đầu tư phải cẩn trọng trong việc lựa chọn.

Ngành điện đã có nhiều bài học xót xa về các tổ máy nhiệt điện, thủy điện, tưởng không cần phải nhắc lại. Giờ qua đến điện gió, nhà đầu tư phải cẩn trọng, tỉnh táo. Nhà quản lý phải tìm cách đưa ra các tiêu chí để sàng lọc được những thiết bị cấp thấp chứ không thể đưa ra chính sách không dùng hàng nước này, nước kia.

Bài học hay nhất cần tham khảo là châu Âu đã đưa ra những tiêu chí kỹ thuật để sàng lọc. Chúng ta cần nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chí để ngăn ngừa tái diễn những bài học đắt giá xảy ra trong lĩnh vực nhiệt điện và thủy điện. Điều này rất quan trọng.

Quản lý nhà nước đã nhìn thấy rồi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ của những ngành khác. Để làm tốt, ta nên tham khảo tư vấn quốc tế.

Có nhiều ý kiến lưu ý rằng công nghệ cấp thấp đã bị châu Âu loại bỏ, đang nhập khẩu vào VN. Tôi nghĩ điều này có thể xảy ra. Thẩm quyền cho phép hay không thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Bằng chút ít kinh nghiệm thông qua các dự án tại Đức và thực tiễn tại VN, tôi có một vài lưu ý là hãy mua tuôcbin phù hợp với cấp độ gió và môi trường dự án.

Tuôcbin điện gió được lắp đặt trên cao nên phải sử dụng cần cẩu có sức nâng và tầm với tương ứng, ví dụ: tuôcbin FL MD77 công suất 1,5MW đường kính cánh 77m, khi lắp dựng phải có cần cẩu 550 tấn, khẩu độ cần 100m để lắp tuôcbin ở độ cao của cột là 85m. Chi phí thuê cần cẩu là rất đắt (260.000-300.000 USD/tháng), do vậy nếu tuôcbin không tốt phải sửa chữa, thuê cần cẩu sẽ là thảm họa cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư có thể hi vọng điều gì đó ở nhà bảo hiểm nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, họ sẽ không dễ dàng ký hợp đồng nếu đó là tuôcbin cũ hoặc của một nhà sản xuất mà tuôcbin chưa được qua giai đoạn thử thách năm năm.

Khi mua tuôcbin phải kiểm tra các chứng nhận tiêu chuẩn và chất lượng, nếu chỉ có chứng nhận của một quốc gia riêng lẻ không mang đặc trưng quốc tế thì không thể tin tưởng. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét sự phù hợp của tuôcbin đối với các khu vực dự án, vì thế nhà đầu tư phải lựa chọn tuôcbin đạt các tiêu chí xét duyệt, ví dụ tiếng ồn, ảnh hưởng của từ trường đến các khu vực có hệ thống thông tin, rađa, khu quân sự…

Công nghiệp điện gió nói chung, VN đã đảm nhiệm được gần 50% khối lượng công việc từ chế tạo thiết bị đến thi công xây lắp. Tại VN đã có nhà máy sản xuất cột tháp cho tuôcbin với chất lượng quốc tế, đã cung cấp cho dự án tại VN và xuất khẩu. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành các ưu đãi đặc biệt để nhà đầu tư có cơ hội tiếp thu công nghệ, tập trung nội lực, huy động ngoại lực để sản xuất những tuôcbin gió “made in Vietnam”.

Công nghiệp điện gió giải quyết nhiều việc làm từ các ngành như luyện kim, vật liệu xây dựng, vật liệu điện, thiết bị điện, cơ khí, chế tạo máy… Vì vậy nếu chúng ta không tổ chức sản xuất thì VN sẽ phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập thiết bị và chịu lệ thuộc.

Đức là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo thua VN đến ba lần, nhưng họ vẫn đặt ra kế hoạch đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 47% điện của Đức. Trong khi nước ta được trời cho nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhưng quy hoạch điện từ nguồn này lại chỉ luẩn quẩn ở con số rất thấp (5,6%).

Cách giải quyết chưa ổn

VN thiếu năng lượng nhưng không có người đầu tư làm năng lượng. Cơ cấu công suất nguồn điện đến năm 2020 vẫn quy hoạch nhiệt điện than đến 48% trong khi chúng ta sắp phải nhập than. Những vấn đề này cho thấy đang có xung đột trong việc giải bài toán năng lượng. Từ đặt vấn đề sai, suy nghĩ sai nên con đường chúng ta đi cũng sai. Chúng ta nói đột phá nhưng trong cách làm thì không có gì thay đổi.

Ba năm nữa VN sẽ là nước nhập khẩu điện, tại sao không nhìn trước vấn đề này để chủ động mà cứ loay hoay trong việc tính mức giá mua, giá bán. Khi nhập khẩu điện, VN có thể chủ động quyết định giá mua điện hay không? Trên thực tế, giá điện hiện nay của VN rất rẻ đối với người giàu, với doanh nghiệp (vì chi phí điện sẽ được tính trong chi phí sản xuất và cuối cùng người chi trả vẫn là người dùng) và rất đắt với người làm công ăn lương, công nhân, người thuê nhà…

Mâu thuẫn này phải được giải quyết hợp lý bằng chính sách giá giữa nông thôn và thành thị, giá giờ cao điểm và thấp điểm… Cách đơn giản nhất là áp dụng bài học của nước ngoài là sử dụng công cụ FIT (feed-in-tariff) nhưng rất tiếc đến giờ chúng ta vẫn không làm.

Điện gió: ưu tiên nhưng cẩn trọng

Chúng ta cứ cho rằng chi phí đầu tư làm điện từ năng lượng tái tạo cao, nhưng vẫn chưa tính đúng, tính đủ.

Với thủy điện, người ta có tính đến những thiệt hại khi xả lũ, thiệt hại do biến đổi khí hậu vào giá thành hay không? Chẳng hạn như khi làm thủy điện Trị An, có tính đến việc những vùng thấp ở dưới trước đây trồng được lúa, nhưng sau khi làm thủy điện, mặn xâm lấn, không có nước rửa mặn, vùng đất này trở thành đất chết không thể trồng lúa. Thiệt hại này có được tính hay không?

Trong khi các nước trên thế giới suy xét rất cẩn thận khi cấp phép làm điện gió thì ở VN, 50 dự án điện gió được cấp phép là quá nhiều trong khi gió chỉ có nhiều ở khu vực miền Trung và một ít ở mũi Cà Mau. Mỗi cây gió sẽ là một bức tường chắn gió và những cánh đồng gió dày đặc sẽ làm thay đổi khí hậu tương tự làm thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy. Quy hoạch điện gió cũng như thủy điện tràn lan là chúng ta đang hủy hoại tài nguyên đất nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận