Phi thuyền tư nhân đầu tiên

H.N. 18/04/2004 02:04 GMT+7

TTCN - Lần đầu tiên một tàu không gian tư nhân mang tên “SpaceShipOne” (tàu không gian số 1) được Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) Hoa Kỳ cấp giấy phép. Theo dự tính, nó sẽ bay vào khoảng không gian dưới quĩ đạo của Trái đất trong vòng 10 năm tới.


Chủ nhân của dự án này là Burt Rutan, giám đốc Công ty Scaled Composites of Mojave (California). Rutan cũng chính là tác giả thiết kế chiếc máy bay Voyager đã bay vòng quanh Trái đất không cần tiếp nhiên liệu vào năm 1986. 

“SpaceShipOne” đã được giới thiệu với công chúng lần đầu tiên vào ngày 18-4-2003 và đã được bay thử nghiệm thành công vào ngày 17-12 năm ngoái. Mục tiêu các cuộc thử nghiệm sắp tới của nó là bay lên đến độ cao 100km để đoạt giải thưởng “X-Prize” trị giá 10 triệu USD. Thách thức của B. Rutan là hiện nay giấy phép của FAA chỉ có hạn trong vòng một năm, trong khi con tàu này mới chỉ đạt cao độ hơn 20km.

“X Prize Foundation” là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận do các mạnh thường quân đóng góp, cùng “Tinh thần St. Louis”, một tổ chức được thành lập để tưởng nhớ chuyến bay vượt Đại Tây Dương của Charles Lindberg năm 1927 trên chiếc máy bay mang tên “Tinh thần St. Louis”, nhằm kích thích các nỗ lực của tư nhân tiến vào không gian, biến các cuộc du hành trong không gian thành những chuyến du lịch trong tầm với của công chúng. Đã có hơn 20 dự án thuộc bảy nước tham gia tranh giải. Theo các nhà tổ chức, chỉ từ 6 - 7 tháng tới sẽ biết được ai là người thắng giải: bay cao đến 100km, rồi trở lại Trái đất an toàn, hai tuần sau đó phải bay thành công trở lại lần thứ nhì. 

“X Prize Foundation” được thành lập từ tháng 5-1996 nhằm đáp ứng nguyện vọng của công chúng muốn được bay lên không gian. 

Các mục tiêu xã hội mà X - Prize nhắm đến còn là tạo nên một thế hệ “người hùng” mới - gây hứng khởi và giáo dục sinh viên - tập trung sự chú ý của dư luận và vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới này - tạo thách đố giữa các nhà thám hiểm và khoa học tên lửa trên thế giới. 

Các lợi ích kinh tế, kỹ thuật mà X - Prize nhắm đến rất cụ thể và thực tế: mở ra ngành du lịch không gian - phát triển công nghệ phóng vệ tinh với chi phí thấp - phát chuyển nhanh liên lục địa. Nếu như mục tiêu thứ nhất có thể còn là “họa hoằn” (mới có khách tham gia), thì hai mục tiêu sau cùng đã và đang là hai thị trường rất đông khách.

“Tinh thần St. Louis” mà họ nêu ra chính là để chứng minh rằng một êkip chuyên nghiệp tư nhân, qui mô nhỏ, vẫn có thể làm được những công việc mà với nhà nước phải là những nỗ lực “vĩ đại”. Chẳng có gì là ảo tưởng những dự án như dự án tư nhân bay vào vũ trụ này cả. Cơ bản, mọi mộng mơ đều phải trên nền tảng của nền khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý đương thời, bằng không sẽ là mộng tưởng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận