TTCT - 4h41 sáng thứ ba 10-5-2022, server công khai của Ủy ban Bầu cử Philippines cho thấy ứng cử viên Marcos Jr. đã đạt hơn 30 triệu phiếu, tương đương 58,86% tổng số phiếu, quá đủ để trang tin Rappler đăng bài báo: “36 năm sau khi tống khứ Marcos, người dân Philippines bầu con ông này làm tổng thống”. Ông Marcos Junior là người thừa kế của gia tộc Marcos. Ảnh: ft.comBài báo mô tả thực tế kết quả bầu cử: “Con trai của nhà độc tài có sự trở lại mạnh mẽ sau thất bại năm 2016, đem lại niềm hân hoan cho những người trung thành, song làm tổn thương một thế hệ đã lật đổ cha mình”. Nhà độc tài đó là ông bố Ferdinand Marcos, cầm quyền từ năm 1965 tới năm 1986, còn người con trai là ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., 64 tuổi.Bánh rơi xuống từ trờiQuả là ông Marcos “con” quay trở lại mạnh mẽ: 6 năm trước khi tranh chức phó tổng thống ông bị bà Leni Robreo đánh bại; kỳ này ông đánh bại chính đối thủ cũ để giành lấy hẳn chiếc ghế tổng thống. Ghế phó tổng thống sẽ từ bà Robredo chuyển sang bà Sara Duterte - ái nữ tổng thống mãn nhiệm Rodrigo Duterte, vốn được tới 30,6 triệu phiếu bầu (nhiều hơn cả ông Marcos Jr.).Một cụm từ trong bài báo trên đập vào mắt: “Những người trung thành”, tức trung thành với nhà độc tài bị lật đổ và quá cố nay lại trung thành với người con. Làm thế nào lòng trung thành đấy duy trì từ đời này sang đời khác, qua những 36 năm?Nhà phân tích chính trị lão thành Lito Monico C. Lorenzana giải thích: “Trong hệ thống này, tổng thống điều hành tối cao bằng dòng chảy manna [bánh trên trời rơi xuống, tức tài lộc] trong 6 năm tới. Các cuộc bầu cử tổng thống chỉ đơn thuần là cơ hội cho những chính trị gia vô đạo đức, những tay chơi quyền lực và các đồng minh đầu sỏ của họ bán linh hồn cho người chiến thắng cuối cùng. Các đảng phái chính trị đánh cược vào những ai có nhiều khả năng chiến thắng nhất - trong trường hợp này là Bongbong Marcos hoặc Leni. Dù ai chiến thắng đi nữa, những “con chim sớm” sẽ được dự phần những “con sâu sớm””.Nôm na mà nói, chia phần chính trị, quyền lực và quyền lợi cho đến tận cơ sở khi có đến 18.000 ghế địa phương được bầu. Hậu quả là, cũng theo Lorenzana, các đảng phái chính trị không có một bộ “tín điều” nhất quán để phân biệt đảng này với đảng kia; hầu hết họ đưa ra các khẩu hiệu và tuyên bố chung chung.Chương trình nghị sự của họ được dự đoán là hướng đến việc duy trì đặc quyền của các thành viên được bầu chọn, đảm bảo tiếp tục tích lũy đặc quyền cho bản thân, gia đình và đồng minh của họ. Vấn đề ở chỗ chính vì vậy mà các chương trình liên quan đến cá nhân, gia đình, phe phái được ưu tiên hơn so với nhu cầu của xã hội. Và một khi họ được ban tặng đặc ân để cai trị, các chính sách công nhanh chóng được thiết lập từ khuôn khổ của lăng kính lợi ích cá nhân và gia đình, do đó tiếp tục duy trì các thể chế chính trị thiếu sót hiện có - Lorenzana tố cáo.Những chiếc “bánh từ trên trời rơi xuống” đó còn đến tay người dân không? The Interpreter 7-2 giải thích: “Một số ứng cử viên tham gia vào việc mua phiếu bầu thay vì quảng bá nghị trình của họ, những người khác lạm dụng việc cung cấp dịch vụ công cho các mục đích bầu cử thay vì các mục tiêu phát triển rộng lớn hơn”.Chẳng qua, do có những người nghèo muốn chút lợi ích vật chất để đổi lấy lá phiếu của họ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy “khoảng 40% người nghèo nói rằng họ thấy việc mua phiếu bầu diễn ra trong cộng đồng của họ trong khi chỉ 20% thừa nhận đã bán phiếu bầu của mình”. Mối quan hệ mua - bán này về cơ bản ưu tiên lợi ích cá nhân ngắn hạn cho cả các nhà lãnh đạo và khu vực bầu cử của họ, hơn là các mục tiêu phát triển dài hạn của quốc gia.Cha truyền con nốiNhận xét sau cùng này của The Interpreter có thể là một giải thích cho những câu chuyện cha truyền con nối ở thành phố này hay ở một chức vụ khác. Thiệt ra, không chỉ ở Philippines mới có chuyện “mua phiếu”: ở Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra đã nổi tiếng là chiều chuộng giới tài xế taxi, nông dân, và dân nghèo thành thị.Công luận các nước này gọi đó là những triều đại chính trị. Bài xã luận ngày 4-4 của Manila Times, tờ báo lâu đời nhất nước, kêu gọi: “Các triều đại chính trị phải ra đi!”. Trước đó, hôm 30-3, tờ báo này buông ra nhận xét: “Tham gia đảng phái không vì ý thức hệ mà vì tính thực dụng”. Tờ báo thuật lại rằng cuộc tranh luận lần thứ nhì của các ứng cử viên tổng thống đã bàn đến việc đưa ra một đạo luật chống các triều đại chính trị.Một ứng cử viên, nghị sĩ Panfilo “Ping” Lacson phát biểu rằng điều đó khó lòng thực hiện do lẽ nhiều gia tộc đang chiếm đóng các đơn vị chính quyền địa phương cũng như ghế lập pháp hết đời này qua đời khác. Trên thực tế ở Philippines, 3/4 ghế quốc hội được đánh giá là thuộc về các triều đại chính trị khác nhau, mà 39 (15%) trong 253 ghế không hề có người thách thức - tức coi như cha truyền con nối đời đời.Tờ báo chú thích: ứng cử viên Bongbong Marcos Jr. đã không dự cuộc tranh luận đó - chắc do thấy nội dung khá “nhột”? Bởi thế không lấy làm lạ tại sao ông Duterte, trước khi lên làm tổng thống, đã lại giữ ghế thị trưởng Davao trong những hơn 22 năm, và rồi ái nữ của ông cũng đã hai lần làm thị trưởng Davao, thành phố lớn thứ hai Philippines hai thời kỳ, 2010-2013 và 2016-2022, để rồi giờ đây đắc cử phó tổng thống cùng ông Marcos Jr., tạo ra cục diện con hai tổng thống lên làm tổng thống và phó tổng thống.■Về đối ngoại, giới phân tích hiện nêu câu hỏi Hoa Kỳ sẽ làm gì với một Marcos Jr. có tiếng là thân Trung Quốc. Gregory B. Poling của Sáng kiến Minh bạch hàng hải Biển Đông và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Washington) có sẵn câu trả lời trên website của CSIS: “Chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thấy dễ dàng hơn khi làm việc với đối thủ hàng đầu của ông Marcos là Phó tổng thống Leni Robredo... Không giống như Leni, với nền tảng mạch lạc trong quản trị và phát triển đất nước và đối đầu với Trung Quốc ở nước ngoài, Marcos “giấu bài” chính sách... Tuy nhiên, ông đã nói rõ ông muốn thử thời vận trong việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, như nhà lãnh đạo hiện tại Duterte đã cố gắng với kết quả lẫn lộn. Và giống như Duterte, ông hoài nghi về giá trị của các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ ở Biển Đông”.Có vẻ như ông Poling “nắm tẩy” tình hình mà tới đây tân tổng thống Philippines sẽ đối diện: “Marcos sẽ không có cùng không gian hành động như Duterte đã có. Philippines đã cố gắng giơ tay ra và Trung Quốc đã cắn Philippines. Đó là lý do tại sao chính phủ Duterte tái chấp nhận liên minh với Hoa Kỳ và cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong hai năm qua. Công chúng và bộ máy hành chánh của Philippines thậm chí còn không tin tưởng Trung Quốc... Marcos có thể sẽ cố gắng phục hồi hoạt động tiếp cận sớm của ông Duterte với Bắc Kinh, nhưng ông chắc sẽ không dám vứt bỏ liên minh với Hoa Kỳ”. Cần nhắc, người Mỹ ắt rất hiểu gia tộc Marcos: ông Marcos cha từng lưu vong tại Guam và qua đời trên đất Mỹ, cụ thể là ở Hawaii vào năm 1989. Tags: PhilippinesBầu cửGia tộc marcosMarcos Junior
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.