TTCT - - Buồn quá cô ơi... Phóng to Minh họa: Hoàng Tường - Dạ chào chị... hôm nay ở đây trời cũng mây mù quá, chắc là sắp mưa. Chị ở đâu? Chỗ chị chắc là cũng sắp mưa hay đang mưa? - Tôi buồn không phải vì mưa hay nắng đâu cô. Tôi già rồi, lãng mạn gì được nữa. - Đâu có quy định nào cấm người già lãng mạn - tôi vừa nói vừa cười. Bên kia cũng cười. Cuộc điện thoại bắt đầu chừng như bâng quơ vậy. Kinh nghiệm là khi chưa biết bên kia muốn nói gì thì mình cứ kiếm chuyện đưa đẩy để họ vui vui là có người đang nghe và sẵn sàng hồi đáp. - Tôi vừa nhận tiền thừa kế - ngừng một tí, giọng nói vang lên - Nửa tỉ. Con số này đáng để tôi nói lời chúc mừng, nhưng sao giọng nói lặng lờ? Tôi thận trọng thốt lên tiếng “ươm... ườm...” tỏ ý ấn tượng về số tiền, rồi lặng im chờ đợi. - Tôi là chị cả, chuyện lớn là bán nhà chia thừa kế mà tôi không hề được hỏi ý kiến. Mấy đứa em tôi bàn bạc với ba má, rồi kêu tôi tới, thông báo cho tôi biết là chia đều mỗi đứa con được chừng này. Nếu cô là tôi thì cô làm sao? - Chắc chắn là buồn - tôi trả lời - Nhưng tôi sẽ không ôm nỗi buồn trong lòng mà tôi sẽ thẳng thắn hỏi tại sao tôi không được hỏi ý kiến? - Hỏi ai? - ... - Hỏi ba má tôi thì cũng như không vì ba má tôi chỉ nghe lời mấy đứa em thành đạt giàu có thôi. Mà hỏi mấy đứa em thì tôi thấy nhục lắm. Thôi làm bộ như mình ngu không biết cho xong. Tôi uất ức mà cũng đành. Tôi cần tiền kinh khủng. Có tiền ngay bây giờ thì mới cứu kịp thằng út con tôi. - Út của chị... bị bịnh sao? - Bịnh mê vợ người ta. Si mê lú lẫn đó cô, sinh ra mê rượu. Khuyên can hết lời, tôi dọa tự tử nó cũng thà bất hiếu. Tôi sợ có ngày nó bị thằng chồng lụi cho một dao. Chỉ còn một cách là chạy cho nó một suất lao động nước ngoài thì nó mới xa được con đàn bà ma quỷ đó rồi mới bỏ rượu được. - Con trai chị có chịu đi lao động nước ngoài không? - May mà nó chịu. Nghe nói đi nước ngoài thì nó thích lắm. Mới hai chục tuổi đâm đầu vô chuyện trai gái rồi uống rượu giải sầu - tiếng thở dài - Một đằng thì tôi mong nó đi thật nhanh để mau mau cắt đứt với vợ người ta, một đằng thì tôi... Con tôi ngu dại lắm cô, ngu giống y như tôi hồi đó. - ... - Tôi nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp ba má nuôi các em - tiếng hít mũi sụt sịt - ... Sáu đứa... Tôi lấy chồng mà vẫn ở chung với ba má, tiền đi làm về vẫn đưa má tôi lo cho cả nhà. Hồi đó tôi mới mười bảy tuổi, ngu lắm, không như con gái bây giờ khôn ngoan biết dành dụm cho riêng tư cho mình... - tiếng hít mũi mạnh hơn - Chồng tôi muốn ra riêng mà rồi thì tôi sinh con, má tôi nói ở chung với má để có má giữ cháu cho con đi làm. Rồi thì tôi sinh thêm đứa thứ hai, đứa thứ ba, đứa thứ tư... - tiếng hít mũi thành chùm âm thanh rột roạt như những giọt mưa đọng trên tán lá gặp cơn gió thổi qua. Cây bút chì trong tay tôi nguệch một khuôn mặt xương xương, gò má cao, tóc quăn. Phụ nữ tuổi ngoài năm mươi tóc rụng nhiều nên ai cũng uốn quăn để che giấu sự mỏng hoe. - Ba má tôi hồi đó nghèo lắm, quanh năm suốt tháng ở nhà thuê. Biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến cảnh chủ nhà tới mà má tôi trốn sau bếp vì không có tiền. Tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần dọn nhà, có khi mới dọn đầu tháng thì cuối tháng đã lại dọn nữa. Vậy nên mong ước lớn nhất đời tôi là mua được căn nhà. Tới lúc tôi để dành đủ tiền mua căn nhà thì chồng tôi có vợ bé... Tiếng hít mũi ghìm lại. Cây bút chì trong tay tôi vẽ một đôi mắt mở to. Khi sắp khóc mà không muốn khóc thì người ta phải mở mắt thật to để giọt nước không bị trào ra. - Ba má tôi nói tôi đừng đứng tên trong giấy tờ nhà vì sợ khi ly dị chồng tôi sẽ đòi chia. Vậy nên ba má tôi đứng tên chủ nhà. Tôi thả cây bút chì xuống, chuyển ống nghe qua tay phải. - Tôi nghỉ học sớm nhưng mấy đứa em tôi thì không. Tôi lo cho mấy đứa em ăn học tới nơi tới chốn rồi tôi dành dụm đủ tiền mua thêm căn nhà khác nữa. Lúc đó con cái của tôi cũng đã lớn nên mẹ con tôi ra riêng. Mấy đứa em tôi cũng lần lượt lấy vợ lấy chồng rồi mua nhà ở riêng, đứa nào cũng thành đạt... toàn là làm thầy người ta. Ý nghĩ xẹt lên trong tâm trí tôi: “Toàn là làm thầy người ta mà chị phải vừa khóc vừa gọi tới nơi này?”. - Nhưng mà tôi không lo cho con cái được như vậy. Tôi đi bước nữa có thêm ba đứa, tưởng kiếm được chỗ nương tựa, ai ngờ... Con tôi giờ đứa thì làm công cho người ta, đứa buôn thúng bán bưng. Tôi sợ nhất ngày lễ lượt ngày tết, con cháu bồng bế nhau về nói là thăm mà thành ra là kể khổ. Rồi căn nhà của tôi cũng chẳng còn cho con cháu có chỗ về mà kể khổ nữa. Mới đầu là bị cháy nhà, sau thì tôi bán đi mua cái nhỏ hơn để dư ra ít tiền, rồi bán nữa, bán đi bán lại một hồi thì hết. Tôi bây giờ ở nhà thuê giống ba má tôi ngày trước, cũng trốn lén vì không có tiền đúng hạn. Con cái ngu dại, nghèo, bệnh tật... Không biết nói sao cho cô hiểu được cảnh khổ của tôi đâu. Tiếng khóc bật ra rồi nén lại. - Chị ơi, chị đừng khóc - tôi nói khe khẽ, muốn nhắc giá tiền gọi đến đây mỗi phút năm ngàn đồng. - Tôi hết nước mắt rồi... - tiếng hỉ mũi - Để tôi kể tiếp cô nghe. Khổ quá nên tôi xin ba má cho ở chung để đỡ tiền thuê nhà. Căn nhà bây giờ rộng thênh thang vì chỉ còn hai ông bà già với nhau. Cây bút chì trong tay tôi khoanh những vòng tròn, là tôi không biết nên vẽ gì, những ngón tay cứ đưa đẩy. Tiếng nuốt xuống: - Mấy đứa em sợ mẹ con tôi về ở lì để chiếm căn nhà... Ba má tôi nghe lời tụi nó... Tôi tủi cực quá, tôi chửi rủa... Là tôi ngu, tôi càng chửi rủa người ta càng thấy tôi là đồ khốn nạn đúng như các em tôi nói. - ... Tiếng thở sườn sượt: - Sợ tôi chiếm căn nhà cho nên nhất định không cho tôi về ở nhờ, bới móc cái xấu của tôi, xấu hổ vì dính dáng tới mẹ con tôi. Cay đắng cùng cực lắm cô ơi... Lúc nãy tôi nói tới đâu? À, rồi thì tụi nó xúi ba má tôi bán nhà chia đều cho khỏi bị ai giành giựt. Tôi cũng mừng. Cực quá nên hễ có tiền là tôi mừng. Tủi nhục mà mừng lắm. - Bán nhà rồi thì ba má chị ở với ai? - Ở với đứa em giàu có nhất của tôi. Ba má tôi cũng có phần mà. Nó mượn phần tiền của ba má để làm ăn rồi phụng dưỡng ba má luôn. Tôi lái câu chuyện qua hướng khác: - Chị đã tìm được chỗ ở nào vừa với số tiền chưa? - Chưa. Tôi định là lo cho thằng út đi lao động nước ngoài xong rồi còn lại bao nhiêu mới tính được. Mà không yên đâu cô. Mấy đứa con tôi biết tôi có tiền thì tụi nó... đứa thì hỏi xin, đứa thì hỏi mượn... Tôi mới lấy kết quả xét nghiệm về. Tôi bị ung thư cô à. Câu chuyện đột ngột rẽ hướng khác hơn là tôi có thể. Tôi thả cây bút chì xuống. Giọng người phụ nữ khào khào: - Tôi tính nát nước rồi. Nếu mà lo thuốc men thì tiền hết mà tôi cũng chết cho nên tôi để tiền đó chia cho mấy đứa con. Tôi chỉ cần mấy chục ngàn đủ mua một liều thuốc chuột. - Đừng, chị... - tôi bật thốt. - Cảm ơn cô, nhưng mà không khác được đâu. Tôi gọi điện kể lể với cô nãy giờ... - tiếng hít mũi thật mạnh - Là để nhờ cô một việc. Mồ hôi tay tôi khiến ống nghe bằng nhựa trở nên nhơn nhớt. - Thằng út của tôi có tính không nghe lời người nhà mà lại chịu nghe lời người ngoài. Cho nên... để tôi gởi tiền điện thoại trước cho cô, thỉnh thoảng cô gọi điện cho nó, tâm sự với nó giùm tôi, coi như cũng là công việc tư vấn của cô vậy đó. Nghe cô? Biết đâu trời thương thì nó thay đổi. Thì cô bịa ra chuyện gì đó thật cảm động như trong phim để nói với nó. Nó ghiền phim Hàn Quốc lắm. Nghe cô? Tôi đội ơn cô lắm đó. Tôi cố tìm ra một điểm sáng trong câu chuyện kể của người phụ nữ để có thể nói được một câu nào đó hay hay: - Chị đang bi quan, nhưng tôi tin là chị sẽ vượt qua bởi vì chị là một người mạnh mẽ và giỏi giang. - Cô nói sao? - Tôi rất khâm phục chị. Mười bảy tuổi lấy chồng, mà từ trước đó chị đã nghỉ học để đi làm kiếm tiền giúp ba má nuôi các em ăn học, sáu đứa em, còn mua được nhà nữa. Hiếm có cô gái nào ở tuổi đó làm được như vậy. Khi còn rất trẻ chị đã làm được như vậy thì lúc này... - Cô biết hồi đó tôi làm gì không? Tôi đi làm sở Mỹ, là làm đĩ đó cô. *** Mười ngày sau, sếp gọi tôi để đưa một phong bì, phần tên người nhận dài dòng như sau: “Gởi cô nhân viên ở Phòng Tư Vấn số 18, ca trực lúc 11 giờ đêm ngày... tháng... năm...”. Trong phong bì có hai triệu đồng, một số điện thoại, và dòng chữ: “Đây là số điện thoại của thằng út của tôi”. Ngay lập tức tôi nhận ra người phụ nữ của cuộc gọi hôm đó. Tôi kể lại cho sếp nghe. Sếp thở dài lẩm bẩm: - Buồn quá khổ quá thì ai cũng nói muốn chết, nhưng chết đâu có dễ. Cô định khi nào sẽ gọi cuộc đầu tiên cho con út của người đàn bà này? - Ngay bây giờ. Trước tiên là để gởi lại số tiền này cho mẹ của cậu ta - tôi trả lời và nhấn phím. Giọng bên kia nhát gừng: “Má chết rồi”. *** Quan tài sơn son thếp vàng đặt trong chiếc xe tang có mái phủ những tấm vải nhung màu tía thêu phượng và kỳ lân. Những đứa con và cháu chắt ngồi chung với chiếc xe chở quan tài, còn anh chị em của người quá cố thì ngồi trên chiếc xe kế tiếp có hai băng ghế đối diện nhau. Ba người quay lưng lại nên tôi chỉ thấy màu áo trắng, còn ba người kia... Tôi nhìn thấy khuôn mặt của vị bác sĩ mà tôi rất tin cậy vì sự nhân hậu dịu dàng, mỗi khi các con đau ốm mà bác sĩ đó đi công tác vắng là tôi rất lo lắng vì không yên tâm khi giao con mình cho người khác khám. Và khuôn mặt quen thuộc của vị luật sư thường xuất hiện trên tivi mỗi tối thứ hai đầu tuần để hướng dẫn và giải đáp pháp luật. Và cô giáo chủ nhiệm của con tôi. Tags: Truyện ngắnSáng tácPhòng tư vấn
Tin tức sáng 29-11: TP.HCM sẽ bàn chính sách hỗ trợ hơn 1.000 nhân sự dôi dư khi sáp nhập phường TUỔI TRẺ ONLINE 29/11/2024 Tin tức đáng chú ý: TP.HCM dôi dư hơn 1.000 nhân sự khi sáp nhập phường, bố trí như thế nào?; Quảng Ninh sẽ có thêm 1 thành phố trực thuộc vào năm 2025...
Vé số trúng giải bị rách: Vẫn đủ căn cứ để trả thưởng NHẬT LINH 29/11/2024 Tờ vé số trúng giải đặc biệt bị rách mất một phần ở góc phải đã được cơ quan công an xác định không bị làm giả, gian lận thì hoàn toàn có thể được trả thưởng.
Tin tức thế giới 29-11: Ông Putin dọa bắn Oreshnik vào Kiev; Gruzia hoãn đàm phán gia nhập EU DUY LINH 29/11/2024 Vừa ký ngừng bắn, Israel lại không kích miền nam Lebanon, tuyên bố sẵn sàng chiến tiếp; EU cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 18 tỉ euro.
Ô tô cháy dữ dội trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây MINH HÒA 29/11/2024 Ô tô đang chạy trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) bất ngờ bốc cháy dữ dội, bị thiêu rụi.