Quét QR xuyên biên giới

HOA KIM 21/06/2023 17:04 GMT+7

TTCT - Những mạng lưới thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR ngân hàng địa phương đang dần thành hình, mở ra tương lai vi vu quốc tế chỉ với chiếc điện thoại trên tay.

Quét QR xuyên biên giới - Ảnh 1.

Thanh toán không tiền mặt bằng mã QR là chuyện đã cũ ở những thị trường có mảng thanh toán di động phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ. Chuyện người hành khất in sẵn mã QR ra giấy để nhận tiền từ người qua đường hay kẻ trộm yêu cầu khổ chủ quét QR để chuộc lại món đồ bị lấy cắp là những ví dụ cho thấy thanh toán di động đã len lỏi đến cả khu vực phi chính thức.

Thế nhưng chấp nhận thanh toán QR trong nước là một chuyện, khả năng thanh toán xuyên biên giới bằng hình thức này lại là chuyện khác. 

Dù khách du lịch Trung Quốc đã có thể sử dụng mã QR của Alipay tại một số cửa hàng riêng lẻ có chấp nhận ở Mỹ hay Nhật, làm sao để mọi người có thể dùng app địa phương để thanh toán không cần nghĩ ngợi khi ra nước ngoài vẫn là một thách thức. 

Đó chính là bài toán mà các ngân hàng trung ương tại một số khối khu vực, trong đó có ASEAN và EU, đang tìm cách giải quyết.

Tăng kết nối, giảm lệ thuộc

Jeniffer Stenlie, chủ một doanh nghiệp thời trang ở thủ đô Jakarta, Indonesia, có dịp trải nghiệm thanh toán QR xuyên biên giới trong lần đến Thái Lan vào tháng 6-2022. "Chỉ cần quét mã QR đặt tại quầy là được" - người bán hàng thân thiện khẳng định với Stenlie khi cô tỏ vẻ nghi ngờ rằng ứng dụng ngân hàng Indonesia lại có thể sử dụng ở Thái Lan.

Trước sự bất ngờ của Stenlie, giao dịch được thực hiện thành công ngay lập tức và với tỉ giá chuyển đổi ngoại tệ tốt hơn mong đợi. Từ đó cho đến cuối chuyến đi, Stenlie chọn cách quét mã QR để thanh toán bất cứ khi nào có thể khi mua sắm giày dép, đồ ăn và thức uống tại các trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok. "Kể từ thời điểm đó, tôi thích dùng QR hơn thẻ tín dụng hay tiền mặt" - Stenlie nói với trang Rest of World.

Stenlie có thể làm được điều đó là nhờ một thỏa thuận đầy tham vọng giữa Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines - có thể nói là thuộc loại đầu tiên trên thế giới. 

Trong nhiều năm, ngân hàng trung ương các nước này đã nỗ lực kết nối hệ thống của họ với nhau với mục tiêu cho phép người dân mỗi nước sử dụng thanh toán QR cho các giao dịch xuyên biên giới mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào, thường với tỉ giá chuyển đổi ngoại tệ tốt hơn so với các đơn vị xử lý thanh toán quốc tế như Visa hay Mastercard.

Hệ thống thanh toán PromptPay của Thái Lan đã được kết nối với DuitNow (Malaysia)

Hệ thống thanh toán PromptPay của Thái Lan đã được kết nối với DuitNow (Malaysia)

Sau giai đoạn chạy thử nghiệm ngầm, các bên đạt thỏa thuận chính thức vào năm 2022 và hệ thống thanh toán xuyên biên giới này nhanh chóng trở nên thân thuộc với những người làm du lịch địa phương. Nhân viên những cửa hàng từ bình dân đến sang trọng đã bắt đầu biết hướng dẫn du khách quét mã QR bằng ứng dụng ngân hàng quê nhà thay thế cho tiền mặt, thẻ tín dụng, hay phải cài đặt một ứng dụng dành riêng cho quốc gia sở tại.

"Thật ra cơ chế thanh toán xuyên biên giới khá đơn giản. Các ngân hàng trung ương giữa hai quốc gia thực hiện một thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ của mình mà không còn thông qua đồng đô la Mỹ nữa. Vì vậy, nó nới lỏng sự phụ thuộc của đồng nội tệ vào đồng đô la Mỹ" - David E. Sumual, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng tư nhân Bank Central Asia của Indonesia, giải thích với Rest of World.

Đối với khách du lịch, những lợi ích của thỏa thuận này thiết thực và cụ thể hơn rất nhiều. Tháng 4-2023, du khách Gisela Swagarita (33 tuổi, đến từ Indonesia) vô cùng hoảng hốt khi nhận ra mình để quên ví ở khách sạn khi đang dùng bữa ở thành phố Pattaya miền nam Thái Lan. 

Nhưng nhờ có hệ thống thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới, chị có thể sử dụng ứng dụng ngân hàng Indonesia của mình để trả hóa đơn bữa ăn tại một quán cà phê nhỏ. "Vì tôi hơi đãng trí nên việc thanh toán không cần tiền mặt và thẻ ngân hàng sẽ tốt hơn" - Swagarita nói.

Khu vực và hơn thế nữa

Hiện chương trình này vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa có số liệu chính thức nào về khối lượng cũng như tổng giá trị các giao dịch đã được thực hiện từ khi ra mắt. 5 quốc gia nằm trong chương trình đại diện cho khoảng 85% nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và là một trung tâm thương mại và du lịch được liên kết chặt chẽ với nhau. 

Dù vậy cho đến nay không phải tất cả các cửa hàng tại những nước tham gia đều chấp nhận hệ thống QR xuyên biên giới, mà chủ yếu phổ biến tại các địa điểm đón lượng khách du lịch lớn.

Thanh toán bằng mã QR tăng trưởng đột biến trong giai đoạn đại dịch ở các quốc gia tham gia, nhất là ở Indonesia. Giá trị giao dịch QR tại quốc gia này đã tăng gần gấp 3 lần mỗi năm kể từ năm 2019 - khi chuẩn QR thanh toán quốc gia Indonesia (QRIS) ra đời, đạt 98.500 tỉ rupiah (hơn 6,6 tỉ USD) tính đến cuối năm 2022, theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Bank Indonesia.

Ông Teguh Yudo Wicaksono, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Mandiri (Indonesia), gọi chuẩn QRIS là "một cuộc cách mạng". "Nó mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là cho những người chưa có tài khoản ngân hàng" - Rest of World dẫn lời Wicaksono. Người bán không cần trang bị một máy đọc thẻ cồng kềnh, và bị tính phí chỉ từ 1.500 rupiah/giao dịch so với mức phí trong khoảng 2.500 - 6.000 rupiah của các công ty thẻ truyền thống.

Thanh toán theo chuẩn QR quốc gia của Indonesia. Ảnh: Shutterstock

Thanh toán theo chuẩn QR quốc gia của Indonesia. Ảnh: Shutterstock

Mỗi quốc gia tham gia đều đã có chuẩn QR nội bộ riêng, như tại Singapore là NETS, trong khi Malaysia sử dụng DuitNow và Thái Lan có PromptPay. Việc còn lại chỉ là chuẩn hóa để các mạng lưới quốc gia có thể giao tiếp với nhau.

Tháng 3 năm nay, Bank Indonesia cho biết có khả năng mở rộng quy mô thỏa thuận với các nước khác trong khối như Việt Nam, Campuchia, Brunei và Lào. 

Theo một phiên thảo luận nhóm trong khuôn khổ hội nghị G20 năm 2022, bước tiếp theo là các ngân hàng trung ương từ các quốc gia ASEAN sẽ tìm cách kết nối mạng lưới nội khối này với các khối khác trên toàn cầu, Bloomberg đưa tin. 

Mục đích là để thiết lập một khuôn khổ tương tự cho việc chuyển khoản ngân hàng ngay lập tức giữa các nước trên thế giới, với khả năng mở ra kỷ nguyên tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành trong tương lai.

Nhưng trước khi nghĩ đến chuyện xa xôi, Sumual nhấn mạnh rằng các thỏa thuận liên kết dựa trên mã thanh toán QR là bước đi đầu tiên. "Hiện tại QR đã có thể sử dụng ở bất cứ đâu, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc hệ thống này sẽ phổ biến trong bao lâu. Trong vài năm nữa, chúng ta có thể sẽ có một hệ thống thanh toán sáng tạo hơn. Vì vậy tất cả đều phụ thuộc vào sự đón nhận của công chúng" - ông nói với Rest of World.

Đồng euro số

Trong quý 2-2023, Ủy ban châu Âu (EC) dự định đề xuất quy định để thiết lập đồng euro kỹ thuật số sau khi hoàn thành giai đoạn tìm hiểu các khía cạnh về phân phối cũng như chức năng của loại tiền tệ này. Theo đó, đồng euro kỹ thuật số dự kiến cho phép người dùng cuối có thể truy cập và sử dụng thông qua các ứng dụng sẵn có của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc thông qua một ứng dụng riêng do Eurosystem cung cấp.

"Để đảm bảo rằng mọi người trả tiền có thể thanh toán bằng đồng euro kỹ thuật số cho mọi người nhận tiền trên toàn khu vực sử dụng đồng euro - bất kể bên trung gian - điều quan trọng là phải có sự tương tác kỹ thuật hài hòa và tiêu chuẩn hóa giữa người trả tiền và người nhận tiền khi sử dụng đồng euro kỹ thuật số" - báo cáo điều tra giai đoạn 3 của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định.

Vẫn khó "cắt thẻ"

Dù thanh toán di động mà cụ thể là giao dịch bằng mã QR nở rộ, thẻ ngân hàng truyền thống vẫn còn nhiều đất sống, đặc biệt là ở Mỹ, theo tạp chí The Economist. Có những lý do mang tính cấu trúc để lý giải sức sống bền bỉ của mô hình thẻ: các ngân hàng phát hành thẻ đã trở nên lão luyện trong việc giữ chân khách hàng thông qua những chương trình điểm thưởng hấp dẫn, gắn liền với mọi thứ từ mua sắm, du lịch cho đến tích lũy dặm bay.

Những chương trình này duy trì được là nhờ phí giao dịch - tuy có vẻ đắt nhưng không quá lớn để các nhà bán lẻ có lý do từ chối chấp thanh toán thẻ tại đơn vị của mình. Khi bạn quẹt thẻ, một loạt giao dịch ngầm diễn ra: ở Mỹ, các nhà bán lẻ phải trả khoảng 1-3% tổng giá trị giao dịch cho ngân hàng phát hành thẻ, công ty thẻ tín dụng và đơn vị xử lý thanh toán, trong đó phần lớn nhất thuộc về ngân hàng phát hành. Thẻ càng có nhiều điểm thưởng thì phí này càng cao.

Theo dữ liệu được thu thập bởi nghiên cứu sinh tiến sĩ Lulu Wang thuộc Trường kinh doanh Đại học Stanford (Mỹ), đối với giao dịch 100 USD, công ty thẻ bỏ túi 0,14 USD, 0,43 USD được chuyển cho đơn vị xử lý thanh toán và 1,68 USD thuộc về ngân hàng phát hành. Chủ thẻ nhận lại khoảng 1,30 USD thông qua chương trình điểm thưởng.

Mô hình này đặc biệt bất lợi với những nhà bán lẻ nhỏ không có vị thế để thương lượng mức phí thấp hơn. Một nghịch lý ở Mỹ là các ngân hàng lại thích làm việc với công ty thẻ tính phí cao bởi vì nhờ vậy mà ngân hàng cũng được hưởng lợi theo.

"Điều đó thật sự điên rồ" - ông Alex Rampell, đại diện công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, nói với The Economist. Người tiêu dùng có động cơ để chọn loại thẻ có chương trình thưởng hấp dẫn nhất, các nhà bán lẻ thì cắn răng chấp nhận thẻ tính phí đắt vì nếu không họ sẽ phải hy sinh quá nhiều doanh số bán hàng. Tất cả yếu tố này giúp các công ty thẻ như Visa và Mastercard có tỉ suất lợi nhuận lên tới 40-50%.

Bù lại, thẻ mang lại sự thuận tiện cho các nhà bán lẻ vì mạng lưới thẻ sẽ đứng ra xử lý các khiếu nại của người tiêu dùng. Chính vì vậy, một số nước đã ban hành quy định trần phí giao dịch thẻ để khuyến khích thanh toán không tiền mặt trong khi vẫn bảo đảm quyền lợi của các nhà bán lẻ.

Năm 2015, châu Âu đã giới hạn phí mà ngân hàng phát hành có thể thu đối với thẻ tín dụng ở mức 0,3%. Tại Úc, trần phí giao dịch được đặt ở mức 0,8% đối với thẻ tín dụng và 0,2% với thẻ ghi nợ. Nước này cũng khuyến khích các đơn vị kinh doanh thu phụ phí giao dịch thẻ để các cửa hàng không phải lo lắng về việc mất khách vào tay đối thủ cạnh tranh nếu họ thu loại phí này.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận