TTCT - Bên những đĩa mồi vàng au, thơm lừng, quyến rũ thật xa xỉ từ con cá lăng mỗi chiều về ở “thủ phủ Tây nguyên” Buôn Ma Thuột (mốt ăn đặc sản cá lăng đã có mặt ở Nha Trang, về Sài Gòn và ra cả một số nhà hàng “quí tộc” ở Hà Nội), người ta đang “dzô, dzô” 100%, nhưng có lẽ chả ai biết hành trình kỳ lạ để con cá này xuất hiện trên bàn nhậu... Phóng to Số phận ngư dân Hoàng Văn Thân quá nhỏ bé trước thác ghềnh hung tợn ở sông SêrêpôkTTCT - Bên những đĩa mồi vàng au, thơm lừng, quyến rũ thật xa xỉ từ con cá lăng mỗi chiều về ở “thủ phủ Tây nguyên” Buôn Ma Thuột (mốt ăn đặc sản cá lăng đã có mặt ở Nha Trang, về Sài Gòn và ra cả một số nhà hàng “quí tộc” ở Hà Nội), người ta đang “dzô, dzô” 100%, nhưng có lẽ chả ai biết hành trình kỳ lạ để con cá này xuất hiện trên bàn nhậu... Trong lòng nước ở thượng nguồn của những con sông Sê San, Đắc Bla, Pleikrông, Pô Kô, Da Dâng, Kiến Đức, Đồng Nai, Sêrêpôk... có loài cá lăng. Đó là giống cá da trơn khổng lồ chỉ sống nơi nước xoáy, nước càng xoáy chúng càng tụ lại. Đó cũng là một... “ngư trường” chỉ dành cho những ngư dân đặc biệt: nghèo nhưng dám đánh đổi mạng sống để giành lấy từng con cá giữa trời đất. Sống chết đo bằng khoảnh khắc Phóng to Phải bám theo bờ để chèo lao ra những chỗ có ghềnh thác Chiếc xuồng lọt giữa những tảng đá khổng lồ giữa dòng Sê San, về phía hạ lưu thủy điện Yaly chừng 30km. Mao Văn Phương, 40 tuổi, quyết định ghìm giữ xuồng lại và rút thuốc ra hút. Tàn điếu thứ nhất, điếu thứ hai, rồi thứ ba... Dòng nước giao nhau chảy qua ghềnh đá khổng lồ vẫn không đổi kiểu cuộn xoáy. Trải qua chết sống với ghềnh thác bao phen đã chỉ Phương biết khoảnh khắc nào là có thể chớp nhoáng thả xuồng luồn qua một khe đá mà không bị nhấn chìm xuống lòng nước, thân xác không bị kẹt vào khe sâu bên dưới. Ngay dưới mỗi khe nước “hỗn” ấy, cá lăng luôn bơi ngược dòng. Và bằng mọi giá anh ta phải đặt cho được những dây câu đã mắc mồi vào đấy. Một đợt nước sủi trào cao đến 3m, Phương cho xuồng nương theo để tiếp cận khe đá kế tiếp. Bất thần có ngọn nước không thật mạnh như anh đoán để có thể chảy dài ra nối hai vực đá. Chiếc xuồng con “rơi tự do”, gí xuồng vào bậc khe bên dưới. Tưởng đã “tiêu”, nhưng may thay cả người anh đang nằm trong một hốc đá, anh cố vùng vẫy ngoi đầu lên thở qua khoảng trống của dòng nước chảy từ trên cao xuống vực thấp. Lại tiếp tục chờ một con nước mạnh hơn để bẻ quặp luồng nước vô bên trong mới có thể lôi mình ra khỏi khe đá. Nhiều phút trôi qua... Một con nước mạnh xuất hiện, trào ngược và lôi anh lên, rồi cuốn phăng anh đi theo dòng sông lạnh đến 300m giữa đêm vắng núi rừng. Cố nương theo dòng chảy, anh bơi xuôi dần vào bờ. Phóng to Nhiều lúc phải bỏ tay chèo để bám vào những cành cây đưa thuyền vượt ghềnh giăng câu Phương bảo đó là một trong ngót trăm lần anh thoát chết suốt hơn 25 năm qua. Dân câu cá lăng đưa ra công thức: “cứ nương theo dòng nước... là sống” nhưng chắc chắn chả mấy ai dám làm theo. Chứ bất cứ người đàn ông nào ở làng Thái ngay Cầu 14, vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc, di cư từ Tây Bắc vào đây gần 100 năm nay, đã vác xuồng (thật ra là cuốn mảnh tôn lại đưa đến rừng ngồi đóng lại thành chiếc xuồng) ra đi thì bất cần sống chết, cứ khúc sông nào có nhiều chỗ hiểm là tìm đến bởi “nếu dễ bắt thì ai bắt chả được, lấy đâu một ký cá lăng người ta mua đến 220.000-270.000 đồng!”. Và cũng như bao người đàn ông khác ở làng quanh năm “sinh hoạt” trên ghềnh thác đâm quen, Phương thấy sự hiểm trở kia... bình thường dù biết rõ sông suối miền cao muôn vạn hình thù, luôn xuất hiện những “dòng chảy lạ”, không qui luật, có thể nuốt chửng con người nhỏ bé bất cứ lúc nào. Mải mê trên ghềnh thác nơi các dòng sông lạ, có những ngư dân rơi từ đầu ngọn thác cao 9-15m xuống chân thác, vẫn sống, nếu không va vào đá. Thoát chết, họ lại lên bờ uống rượu, rồi ngày hôm sau lại dong xuồng lao vào ghềnh đá. Họ cũng là một thứ... “cá lăng” rồi. Nhưng nghe đâu khoảng 30 người đã thiệt mạng vì con cá lăng trong vòng 15 năm qua ở Tây nguyên, thi thoảng mới đưa được thi thể về (hoặc chỉ báo nhau “đã mất xác”) lặng lẽ nơi ghềnh đá, rừng sâu núi thẳm. Có cậu bé mới 14 tuổi đã chết nằm bên xác cá lăng. Nhiều gia đình hết đời cha đến đời con cứ bám theo con cá lăng ma quái. Nghe đâu có người một đời đi đánh cá lăng đã trải qua 300 đời (chiếc) xuồng tôn bé con (thường chiều dài: 1,8m, rộng: 80cm). Hỏi sao biết chết - sống dễ như bỡn mà cứ mãi theo nghề, ông Lò Văn Nùng, 45 tuổi, nói: “...thì phải tìm đường khác sống chứ! Cả thiên hạ này đã đi thả lưới, quăng chài khắp sông hồ rồi. Chỉ còn sót mỗi con cá lăng dưới sông là mọi người bỏ qua!”. Tuy vậy, cũng có gia đình muốn giã từ con cá này, nhưng vì xưa nay mải theo con cá ma quái ấy mà không hề để tâm đến tích lũy đất đai, lập vườn mở rẫy, đến khi nhận ra đất đai mới là tài sản siêu hạng (chứ không phải dòng sông!) thì đã hết đường quay lại, trong khi rừng đã “đóng cửa” từ lâu, lấy đâu khai khẩn. Cứ thế, trôi dạt...! Phóng to Con cá lăng ma quái trong tay ngư dân Dễ nhận ra họ trên đường lộ: chở trên xe máy bên hông là chiếc xuồng con đã được cuốn gọn lại, đằng sau là một thùng để rọng cá, một bình bơm oxy (bắt được cá bỏ vào cho thở), rồi dây câu, nồi, xoong, gạo, mắm (và đặc biệt là rượu đế). Có người lại mang tất cả những thứ ấy nhảy xe đò, khi cần dừng lại ở con sông nào thì xuống xe, rồi lần mò vào rừng, tìm những khúc sông hoang dã nhất... Mỗi người duyên nợ với một dòng sông, có người chỉ men theo dòng Sêrêpôk, có người lại chọn thượng nguồn sông Đồng Nai, có người gắn bó với Sê San, sông Ba, có người nặng tình với đoạn sông Kiến Đức giáp ranh Campuchia, sông Krông Pô Kô, rồi trôi dạt đến tận Sa Thầy, Ngọc Hồi (Kontum)... Tuy nhiên không phải khúc sông nào cũng có cá lăng, có khi dòng sông dài cả 100km chỉ có đôi ba điểm, nhưng họ phải thả xuồng lần dò cho hết một dòng sông. Cự ly di chuyển của họ thường trải dài 300-500km, mỗi chuyến đi câu kéo dài ba tuần đến ba tháng. Trên hành trình ấy, chính cảm xúc bản thân mách cho họ hạ trại ở đoạn sông nào. Nhưng cho dù là đoạn sông nào thì đó cũng là vùng hẻo lánh nhất, lọt giữa mênh mông đồi núi chập chùng hoặc những cánh rừng nguyên sinh lạnh ngắt. “Muốn bắt được những con cá lăng dài cả thước, nặng 30-50kg thì phải tìm đến những đoạn sông hoang sơ nơi thâm sơn cùng cốc, không dấu chân người”. Trôi theo những con sông, có nơi khi lạc đến đã là địa phận hành chính tỉnh, huyện khác. Vậy nên họ thường xuyên bị nhà chức trách phạt vì không đăng ký tạm trú. “Trời ạ, lúc nào cũng giữa rừng núi bao la thế này, biết trụ sở chính quyền nằm đâu mà đi trình diện!” - ngư dân trẻ Mảo Phi Hảo ca cẩm. Nhiều khi đánh câu sa đà theo con nước, sau nhiều ngày chợt nhận ra mình đã lọt vào vườn quốc gia. Chủ rừng tóm cổ đưa lên bờ, có khi bị hạch sách, thu cá, nhưng thấy họ chỉ là người đánh cá gian khổ, không phải lâm tặc, chủ rừng bèn cho bơi xuồng ngược lại. Ông Quàng Văn Phong, 49 tuổi, 30 năm câu cá lăng, ví mình như dân du mục: du mục... trên sông ngòi. “Đố bà vợ nào biết hôm nay chồng mình “chinh chiến” ở con sông nào?”, ông Phong như tự hào về sự phiêu bồng của nghề câu cá lăng. Nhưng ngư dân 50 tuổi Hoàng Văn Thân lại khác. Một buổi sớm mờ sương nơi thượng nguồn sông Đồng Nai, ở đoạn rừng Quảng Khê, ông Thân rì rà với tôi: “Càng thả xuồng trôi vào những vùng rừng sâu là càng buồn thối ruột thối gan, nhớ về chốn đông người da diết!”. Ông kể tôi nghe cảnh đơn độc của mình khi đêm xuống một mình lục đục trên sông giữa rừng xa. Không chỉ nghe vượn hú, thú kêu, ve sầu rên, muỗi mòng, bọ mắt đốt, cùng cái lạnh hoang dã trùm xuống. Hay cảm giác rợn người khi thường thấy voi đi, thấy dấu chân cọp, beo mới toanh, rồi cả những bữa cơm trong lều với vô số khỉ vây quanh... Đối mặt từng giờ từng khắc với hiểm nguy với ghềnh thác, với đơn độc giữa rừng về đêm, những người săn cá lăng lại mượn rượu đế khỏa lấp màn đêm, xua đi mùi hoang dã. Cả ngày chênh vênh sông nước thả câu, cơ thể rã rời, mỗi tối thường độc ẩm hết thời lượng ba cây đèn cầy tàn họ thiếp đi. Rồi độ 2 giờ sáng hôm sau họ lại bừng dậy, thả xuồng ra chỗ ghềnh thác gỡ cá cho đến khi mặt trời lên. Đêm ngồi bên họ, họ kể tôi nghe chuyện cuốc bộ vượt núi đồi mang cá đi hàng chục kilômet ra quốc lộ để gửi xe đò về phố (cho gia đình đưa đi bán); kể về nỗi xót xa khi những con cá “vàng ngọc” ấy chết (bán người ta không mua); kể về nỗi căm phẫn, ray rứt khi đây đó qua những xóm làng, đoạn sông thấy người ta đánh cá bằng cách gí điện, thuốc nổ; rồi cả tình cảnh bị quan xã, kiểm lâm đến đám “cao bồi làng” chặn đường đòi “mãi lộ” bằng cá (thường bị trấn lột những con cá to nhất)... Thế nhưng với họ, hãi hùng nhất vẫn là những đêm mưa kỳ lạ, bỗng đâu lũ ùn ùn đổ về, phải chạy bán sống bán chết để thoát thân. Cá lăng hoang dã miền Thượng đang là thứ cá có giá cao nhất ở VN hiện nay, thế nhưng nhìn họ cùng nhà cửa của họ, mới thấy giống nhau ở... sự tàn tạ.
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).