“Sân nhà” - Lợi thế rất lớn

HẢI MINH 19/05/2016 16:05 GMT+7

TTCT - Thực tế cho thấy không ít tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới thất bại cay đắng khi đầu tư ra nước ngoài. Đã có cả một nghiên cứu của tạp chí chuyên ngành Harvard Business Review năm 2012 cho rằng ngành bán lẻ “không vượt qua được biên giới quốc gia”!

Cạnh tranh trên quầy kệ siêu thị là có thật. Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định- THUẬN THẮNG
Cạnh tranh trên quầy kệ siêu thị là có thật. Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định- THUẬN THẮNG

“Ông” lớn ngã ngựa

Có rất nhiều ví dụ: Walmart (Mỹ) phải rút khỏi Đức và Hàn Quốc. Tesco (Anh) không thể thiết lập được sự hiện diện ở Pháp và Đài Loan. Metro (Đức) thất bại tại Anh và Đan Mạch. Carrefour (Pháp) đã phải rút lui khỏi Áo, Đức, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh...

Nghiên cứu nói trên cho rằng không giống những ngành khác chịu ảnh hưởng lớn từ toàn cầu hóa, ngành bán lẻ vẫn bị thống trị bởi các tay chơi địa phương ở phần lớn các quốc gia, mọi cuộc mở rộng ra nước ngoài của các hãng bán lẻ cũng dễ thất bại như nó có thể thành công. Việc quốc tế hóa thị trường không phải lúc nào cũng có lợi cho các hãng bán lẻ.

Các hãng bán lẻ đầu tư ra nước ngoài vì nhiều lý do, gồm tăng quy mô và phạm vi, đa dạng hóa rủi ro và tìm kiếm những cơ hội mới. Ngành bán lẻ cũng có biên lợi nhuận thấp, nên các chuỗi siêu thị cần phát triển, mở rộng nhanh để thu hút những nhà đầu tư.

Nhìn ở góc độ mở rộng về mặt địa lý, không có gì bảo đảm một hãng bán lẻ sẽ thành công khi tiến ra nước ngoài. Trên thực tế, không có hãng bán lẻ nào hiện diện cùng lúc ở các thị trường phát triển, nhất là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp. Sự khác biệt trong sở thích của người tiêu dùng không hẳn đóng vai trò lớn ở các hãng bán lẻ, bởi rất nhiều công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã toàn cầu hóa thành công (như Nestlé, P&G hay Unilever...).

Những nhà cung ứng chủ lực ở các siêu thị này đã đóng vai trò đó tại những chuỗi siêu thị lớn trên toàn cầu hơn 20 năm qua. Trong ví dụ ở Việt Nam về việc Tập đoàn Thái Lan Central Group mua lại chuỗi siêu thị Big C từ Hãng bán lẻ Pháp Casino (với giá được cho là 1,1 tỉ USD, gồm cả nợ), cũng như mọi cuộc mở rộng khác, không có gì chắc chắn họ sẽ chiến thắng ở thị trường Việt Nam.

Casino đã phải rút lui đó thôi. Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng nhanh, ở mức 10,6%/năm, ước tính tổng giá trị 110 tỉ USD vào năm 2015. Tới cuối năm 2015, cả Việt Nam có 724 siêu thị và 132 trung tâm mua sắm phức hợp. Con số này được dự báo tăng lên thành khoảng 1.300 siêu thị và 300 trung tâm mua sắm phức hợp cùng hàng nghìn cửa hàng tiện lợi nữa vào năm 2020.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những tên tuổi nước ngoài tham gia từ lâu và liên tục: Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Metro (Đức), Aeon (Nhật Bản)... Cùng quá trình hội nhập kinh tế, việc mở cửa các thị trường là không thể tránh khỏi.

Thương vụ Big C có thể là thương vụ bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam từ trước tới giờ, nhưng không phải là mối lo đặc biệt (và duy nhất) để các hãng bán lẻ nội địa và truyền thông phải phản ứng như thời gian qua. Trong khi những hãng bán lẻ nước ngoài có thể có lợi thế về quy mô, vốn hay kể cả sự hỗ trợ của chính phủ (dưới hình thức này hay khác), họ vẫn đứng trước rất nhiều rào cản khi mở rộng ra nước ngoài.

Thương vụ đầu tư của Central Group, trong khi gây ra lo ngại ở Việt Nam, cũng cực kỳ rủi ro. Mua lại đã khó khăn, các hãng bán lẻ nước ngoài còn đối mặt nhiều thử thách hơn hẳn các công ty nội địa để tạo ra và duy trì được sự tăng trưởng vì chi phí bất động sản với họ sẽ rất cao, cạnh tranh khốc liệt và họ không có nhiều cơ hội lựa chọn được những vị trí mong muốn.

Giống như ở nhiều thị trường đang phát triển, các hãng bán lẻ nước ngoài khó có thể thiết lập những mạng lưới lớn tại Việt Nam. Lotte và Aeon chẳng hạn, số siêu thị phát triển chậm chạp; ngay cả Big C cũng mới có tất cả 32 siêu thị trên toàn quốc (theo thống kê của Bộ Tài chính), rất nhỏ so với một thị trường 90 triệu dân với tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam.

Những hãng bán lẻ nước ngoài cũng không dễ tạo ra lượng khách đều đặn được cho là mới mẻ, khác biệt và có giá trị tốt.

Chậm chân, họ sẽ bị đẩy vào những vị trí không thích thú gì và giảm giá mãi không phải là một chiến lược cạnh tranh lâu bền. Không một chính phủ nào, dù giàu có tới đâu, có thể tài trợ lâu dài cho một hãng bán lẻ mở rộng ở nước ngoài, dù là bằng chi phí nổi qua các khoản trợ cấp, cho vay lãi suất thấp hay kể cả các biện pháp ngầm như tổ chức hội chợ, làm chương trình quảng bá sản phẩm...

Rốt cuộc chính hãng bán lẻ sẽ phải đối mặt với rủi ro khi mở rộng và tự họ phải giải quyết những vấn đề của mình. Luật lệ cũng có thể là yếu tố ngăn cản sự mở rộng của các hãng bán lẻ. Là một ngành chi phí cố định cao, lợi nhuận biên thấp và cạnh tranh khốc liệt, để có lợi nhuận, các tập đoàn bán lẻ sẽ phải mở những chuỗi cung ứng đủ lớn để tạo ra lợi thế nhờ quy mô cả trong việc thu hút khách hàng, tổ chức chuỗi cung ứng và nâng năng suất.

Tuy nhiên, các hãng bán lẻ nước ngoài thường phải phát triển rất từ từ, một thành phố, rồi một vùng, rồi mới ra toàn quốc. Quá trình đó rất mất thời gian và tiềm ẩn cực nhiều rủi ro. Walmart ở Trung Quốc chỉ bắt đầu hòa vốn từ năm 2010 sau 15 năm đầu tư liên tục.

Không phải tất cả đều xấu đi

Những hãng bán lẻ địa phương còn có lợi thế lớn trong việc tập trung nguồn lực. Hiểu rõ và có thể cung cấp những loại hàng hóa hoàn toàn mang tính bản địa, họ sẽ thu xếp để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng địa phương tốt hơn ai hết.

Ngược lại, các hãng bán lẻ đã vươn ra quốc tế sẽ phải tính toán trong một bối cảnh lớn hơn, đôi khi phải hi sinh một thị trường này vì một thị trường khác, khiến ở bất kỳ thị trường cụ thể nào (trừ sân nhà) họ sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng phân bổ các nguồn lực của mình không tối ưu.

Cuối cùng, có lẽ đã tới lúc chấm dứt tư duy gắn sự mở rộng của một doanh nghiệp với quốc tịch của doanh nghiệp đó. Sự cạnh tranh và sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay là một dấu hiệu tốt, trước hết cho người tiêu dùng khi có nhiều lựa chọn hơn với giá cả tốt hơn, dịch vụ tốt hơn.

Nhưng điều đó cũng tốt cho ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ trong nước khi họ cần cải thiện năng suất và có chiến lược đúng đắn để tiếp tục tồn tại và phát triển. Điều tương tự cũng đúng với hàng hóa cung ứng cho các hãng bán lẻ này.

Một hãng bán lẻ nước ngoài có thể sẽ ưu tiên nhập hàng hóa từ nước họ (do lợi thế về địa lý và các mối quan hệ), nhưng xét cho cùng là những nhà đầu tư, họ vẫn sẽ chọn cái nào rẻ hơn và tốt hơn, vì chỉ có như thế họ mới giành giật và giữ được khách hàng trước rủi ro lớn của việc thua lỗ. Nếu hàng hóa Việt Nam đủ sức thuyết phục với người tiêu dùng thì chắc chắn nó cũng đủ sức thuyết phục với các hãng bán lẻ.

Chúng ta đều đã trải qua thời kỳ mà người Việt Nam nắm giữ hoàn toàn “mạch máu” phân phối (cách gọi hệ thống các siêu thị bán lẻ ở Việt Nam) của nền kinh tế. Nó được gọi là “thời kỳ bao cấp”, hay tên chính xác là “độc quyền nhà nước về thương nghiệp”.

Hẳn không ai muốn trở lại một thời kỳ như thế (dù cho lần này có thể thay thế độc quyền nhà nước bằng độc quyền tư nhân). Vì vậy, việc các hãng bán lẻ nước ngoài mở rộng, thâu tóm, sáp nhập nên được coi là một hiện tượng bình thường của một nền kinh tế lành mạnh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận