Tập ăn tập nói không dễ... "ói" bằng tập lái

THỦY PHẠM 31/05/2017 06:05 GMT+7

TTCT - .... Trong chuyến công tác ngắn ngày ở Nhật, tôi ghé thăm anh bạn làm việc trong một văn phòng đại diện Việt Nam ở Tokyo, anh bảo ngày mai đi thi bằng lái xe, thi lần thứ tám rồi, không biết có là lần cuối không...

Minh họa: Bảo
Minh họa: Bảo

 

Câu chuyện của một anh chia sẻ làm cư dân trên mạng nửa đêm còn ôm bụng cười không đỡ nổi.

Anh kể vợ mới thi đậu bằng lái B1, hào hứng dong con xe bốn bánh ra đường. Được một chập thì anh nhận điện thoại của vợ hỏi: “Anh ơi! Nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên trái, nghĩa là nó sắp sửa rẽ sang bên trái và mình phải tránh sang bên phải đúng không anh?” - “Đúng rồi cưng ơi!”.

Ít phút sau vợ lại gọi: “Anh ơi! Nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên phải tức là nó sắp sửa rẽ sang bên phải và mình phải tránh sang bên trái đúng không anh?” - “Đúng rồi em!”.

Chưa kịp đặt máy xuống, chuông điện thoại lại reo lên: “Anh ơi! Cái thằng đằng trước nó vừa nhấp nháy cái đèn bên trái lại vừa nhấp nháy cái đèn bên phải nghĩa là sao anh? - “Nghĩa là xe nó gặp sự cố bất ngờ đang dừng đỗ khẩn cấp, hoặc nó báo là nó sẽ đi thẳng chứ không rẽ về bên nào cả” -

“Vậy hả? Thế mà em nghĩ mãi không ra, chả biết tránh về bên nào” - “Vậy em xử lý sao?” - “Dạ! Vì em không biết tránh về bên nào nên em tông thẳng vào đuôi xe nó rồi!”.

Chuyện tôi đi học

Dĩ nhiên đó chỉ là một chuyện đùa, nhưng nó chứa đựng tới 99% sự thật “trình cầm lái” của những người mới có bằng lái xe ở Việt Nam. Tôi từng là một người như thế, giờ nghĩ lại vẫn thấy... ghê răng!

Đăng ký một khóa học, nói là 3 tháng nhưng tuần chỉ có một buổi lý thuyết và một buổi thực hành. Lý thuyết thì mỗi người ôm một quyển Luật giao thông đường bộ, nhưng hỏi thăm thì gần như không có ai đọc hết, lên lớp chờ thầy bày “mẹo” đánh dấu khi đi thi.

Chăm chỉ nhất chỉ có giờ thực hành nhưng xe ít, giờ học ít, học viên lại đông, thầy lo dạy trò khởi động, chuyển số, lên dốc cầu không tắt máy, mẹo tránh cọc sa hình rồi vào “chuồng” không cán vạch theo đúng bài thi là đã toát mồ hôi cả trò lẫn thầy rồi.

Lúc “rửa bằng”, lên xe thấy cứ ngường ngượng vì xe mình... khác xe thầy và lúc ra đường nhiều khi cuống mà đi liều!

Từ thực tế của mình, giờ ra đường gặp mấy cái xe treo biển “Xe tập lái” hay “Mới lấy bằng” là cứ phải (xin lỗi) tránh xa.

Nhiều khi gặp xe không treo biển gì cả mà nhìn cách lái rất “lạ”, hoặc như rùa bò giữa đường mà phía trước trống không, hoặc đu đa đu đưa không rõ định hướng cũng cố tránh. Lỡ tránh không được thì chỉ biết chờ... vận may.

Học và hành khác nhau là thế!

Năm 2012, trong chuyến công tác ngắn ngày ở Nhật, tôi ghé thăm anh bạn làm việc trong một văn phòng đại diện Việt Nam ở Tokyo, anh bảo ngày mai đi thi bằng lái xe, thi lần thứ tám rồi, không biết có là lần cuối không.

Tôi choáng, lấy bằng lái ở Nhật khó thế cơ à? Anh thủng thẳng kể: Nói là khó cũng không phải khó, nhưng mà nó khó... đỡ. Như thế này nhá. Thi lý thuyết xong, lý thuyết thì dễ đậu, chuyển qua thực hành, nó bảo mình lên xe, mình mở cửa lên xe vào ghế lái.

Chưa kịp thắt dây an toàn, nó bảo mình xuống, mình trượt rồi. Hỏi ra mới biết đúng quy trình thì trước khi lên xe chuẩn bị nổ máy, bạn phải đi một vòng bên ngoài quanh xe xem mọi thứ có OK không, xung quanh có vướng gì không, bánh xe có xẹp không?...

Những thứ đấy nếu ngồi trong xe rồi, dù có hỗ trợ của gương chiếu hậu cũng không thể thấy hết được. Lại có cô đi thi mà mang giày có gót, thế là cũng đi về, hẹn lần sau.

Lần này đã đi ngon ngon rồi, tới lúc thầy bảo muốn mua món đồ, đề nghị dừng xe trước cửa hàng. Mình vừa xinhan đánh lái vào là... trượt luôn. Sau đó được giảng giải là chỗ đó có biển báo xe không được dừng từ giờ đó tới giờ đó...

Nói chung cứ mỗi lần thi thì mình lại mắc một lỗi ngớ ngẩn mà trước đó không bao giờ nghĩ tới. Nhưng khi đã ngồi sau tay lái rồi thì không có chữ “nếu”...

Tất nhiên thi đến tám lần (may quá, về sau anh thông báo lần đó đúng là lần cuối) như anh bạn tôi là một chuyện hi hữu.

Thì cũng hi hữu như chuyện cha lùi xe vô tình cán chết con trai ở Củ Chi, TP.HCM tháng 3 năm ngoái, hay chuyện cha vội đánh xe đi làm cán chết con gái mà không hay biết ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chỉ sau đó một tháng...

Và còn biết bao vụ tai nạn thương tâm bắt đầu từ những chuyện không đáng có như đi giày cao gót khi lái xe, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe, nghe điện thoại hay nhắn tin khi lái xe, mở nhạc quá to trong xe nên không nghe còi báo có tàu sắp qua đường...

Và tất nhiên ngàn lẻ một những bài học trên đường ấy không thể trông đợi học được từ một khóa học lái xe ngắn ngủi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận