Thanh kiếm và lá chắn

HOÀNG PHI 21/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp càng phải chuẩn bị sẵn sàng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Vì sao các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới liên tục bị kiện?

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Những ngày cuối tháng 12-2015, doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đón nhận tin vui. Đó là việc WTO yêu cầu Hoa Kỳ phải thực hiện các điều đã được tuyên trong vụ kiện chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh.

Vụ kiện này do phía Hoa Kỳ khởi xướng từ tháng 1-2004 và đến tháng 2-2005 thì áp thuế chống bán phá giá. Phía Việt Nam sau một hành trình dài 10 năm, qua các giai đoạn tham vấn từ năm 2010 đến khiếu kiện, và cuối cùng vụ kiện đầu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ WTO đã giành được thắng lợi.

Nhưng trước đó chừng một tháng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn cacbon (CWP) nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quyết định khởi xướng điều tra này dựa trên đơn kiện do một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép Hoa Kỳ đệ đơn ngày 28-10-2015. Biên độ phá giá cáo buộc từ phía Việt Nam là cao nhất, lên tới 113,18%.

Nguy cơ bị kiện gia tăng

Các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp thực sự là một phần của thương mại quốc tế và chúng ta không thể tránh được. Khi nhìn vào các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, cần nhìn nhận đó là một trong những biện pháp để lập lại thương mại công bằng chứ không nên luôn khẳng định đó là các hàng rào bảo hộ. Thứ hai, nếu như chúng ta có lý do để cho rằng biện pháp đó được áp dụng không đúng theo quy định của WTO thì chúng ta có quyền phản bác. Thực sự thì chúng ta từng đưa Mỹ ra WTO để kiện về chuyện nước này đã áp dụng một cách tính không phù hợp với quy tắc của WTO.

Chúng tôi đã xây dựng hệ thống cảnh báo cho các doanh nghiệp, có thể đến một ngưỡng nào đó, thị trường đó có thể người ta xem xét chống bán phá giá cũng như chống trợ cấp với mình.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng hướng dẫn các doanh nghiệp khi những vụ kiện như vậy xảy ra, chúng ta nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Sản phẩm CWP từng một lần bị Mỹ điều tra chống bán phá giá vào năm 2011, nhưng lần đó DOC đã kết luận biên độ trợ cấp là 0 đồng và không gây thiệt hại cho ngành này của họ, vì thế không áp thuế. Cuộc điều tra lần này sẽ phải mất một thời gian khá dài khi đến ngày 10-8-2016 phía Mỹ mới ra quyết định. Nhưng một lần nữa ngành thép đang đứng trước những vụ kiện chống bán phá giá ngày một gia tăng.

Thép là sản phẩm từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất. Đây đã là lần thứ 17 trong hơn 20 năm qua và chỉ riêng năm 2015 thì vụ việc nói trên đã là lần thứ 5. Các sản phẩm từ ống thép các loại đến mắc áo bằng thép và thậm chí cả đinh thép cũng đều bị điều tra và áp thuế.

Đinh thép chẳng hạn, không những bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá mà lâm vào một vụ kiện kép vừa chống bán phá giá vừa chống trợ cấp. Kết luận cuối cùng phía Mỹ đưa ra vào tháng 5-2015 là mức thuế từ 288,36% đến 323,99%.

Theo ông Phan Ngọc Tuấn - phó giám đốc Công ty CP liên hiệp Kim Xuân (United Nail Products Co., Ltd.), một “nạn nhân” của vụ kiện này, trước đó ông và những người trong ngành có nghe phong thanh và chuẩn bị để đối phó. Nhưng rồi thuê luật sư mất rất nhiều tiền mà vụ kiện vẫn bị thua thiệt.

Mức thuế quá cao khiến đường vào Mỹ coi như bị chặn lại. Mà thị trường Mỹ là rất lớn nên một mặt kháng cáo bằng mọi cách, một mặt tìm ra các dịch vụ mới, sản phẩm tương tự...

Thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy đến nay, chống bán phá giá là hình thức phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều nhất trên thế giới. Tính đến nay đã có 71 vụ điều tra chống bán phá giá hàng hóa từ Việt Nam, và 36 vụ đã áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá. Hai hình thức khác là chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng ít hơn. Cụ thể, chống trợ cấp có 7 vụ điều tra và 4 vụ áp dụng thuế chống trợ cấp, còn tự vệ có 17 vụ điều tra và 6 vụ áp thuế.

Thép là sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất -l.n.m.
Thép là sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất -l.n.m.
Mỹ chính là thị trường điều tra chống bán phá giá nhiều nhất đối với các sản phẩm từ Việt Nam với 12 vụ tính đến nay. Liên minh châu Âu (EU) xếp sau với 11 vụ. Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ ba với 9 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây là sự gia tăng từ các quốc gia trong khối ASEAN. Riêng năm 2015, trong 17 vụ kiện chống bán phá giá tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan và Malaysia mỗi nước 3 lần khởi kiện các mặt hàng thép và tôn từ Việt Nam.

Mạnh người yếu ta

Tháng 8 năm ngoái, ngành nhựa Việt Nam đón tin phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm nữa đối với các sản phẩm túi nhựa PE. Các doanh nghiệp trong nước không bất ngờ vì thật ra đây là một quá trình gia hạn sau đợt rà soát, tuy nhiên nhiều người vẫn cảm thấy hụt hẫng.

Năm 2008, thời điểm trước khi bị áp thuế, xuất khẩu túi nhựa PE của Việt Nam vào Mỹ là 79 triệu USD, tăng mạnh so với gần 17,5 triệu USD của năm 2006 và 65,5 triệu USD năm 2007. Mức thuế chống bán phá giá 76,11%, theo nhận định của ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái Sơn, “coi như mất thị trường Mỹ”.

Lý do là thị trường này có giá trị lên đến 9 tỉ USD, theo ông Việt Anh, và “chỉ cần xuất khẩu một ngày cũng đã bằng ba lần các thị trường khác như EU và Nhật Bản cộng lại”.

Trong khi các thị trường bên ngoài sử dụng công cụ chống bán phá giá một cách nhuần nhuyễn thì ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ mới một lần duy nhất sử dụng công cụ này. Oái oăm thay, nguyên đơn đứng ra kiện chính là một nhà đầu tư nước ngoài là Posco VST, với thị phần lên đến 81,5% mặt hàng thép không gỉ cán nguội.

Năm 2012, công ty từ Hàn Quốc này xây xong nhà máy và cùng với Hòa Bình, một công ty khác có thị phần 7,8%, khởi kiện. Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc điều tra và cuối cùng Bộ Công thương đã quyết định áp thuế với mức từ 20-40% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Điều này lại khiến các nhà sử dụng nguyên liệu trong nước phản đối. Đại diện của 18 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép inox cho rằng mức thuế đó đã khiến cho giá bán các sản phẩm inox và vật liệu xây dựng làm từ thép không gỉ cán nguội sẽ phải tăng tương ứng 15-30%. Và nếu mua mặt hàng này trong nước thì giá cũng cao hơn 20-21% so với giá hiện tại.

Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam hôm 25-12-2015 là vụ thứ 4 áp dụng biện pháp tự vệ, và là vụ thứ 5 phía Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trường hợp sử dụng phòng vệ thương mại đầu tiên ở Việt Nam là vào năm 2009 khi hai nhà sản xuất kính nổi là Viglacera và Công ty Kính nổi Việt Nam với 90,11% thị phần. Tiếp sau đó, năm 2012, đến lượt các hãng dầu ăn khi bốn nhà sản xuất dầu là Tường An, Dầu thực vật Tân Bình, Cái Lân và Golden Hope - Nhà Bè, chiếm 100% thị phần. Năm 2014 là Vedan với 55,46% thị phần trong ngành hàng bột ngọt cũng nối bước.

Vì sao doanh nghiệp trong nước lại không sử dụng các công cụ này? Ông Việt Anh cho rằng do các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu và các mối liên hệ lỏng lẻo trong chính các hiệp hội và Nhà nước thiếu sự quan tâm.

Trong khi đó phía Mỹ và các quốc gia khác rất nhuần nhuyễn trong vụ này. Chẳng hạn, trong vụ kiện điều tra ngành túi nhựa PE, nguyên đơn khởi kiện là Hilex Poly Co và Superbag đều là hai nhà sản xuất mặt hàng này hàng đầu ở Mỹ. Trong hai bị đơn bắt buộc ở Việt Nam có tên Advance Polybag, một trong ba nhà sản xuất mặt hàng này lớn nhất ở Mỹ. Advance Polybag giữa chừng rút đơn kiện và DOC đã sử dụng dữ liệu dở dang, vốn có lợi cho phía nguyên đơn, để làm căn cứ áp thuế. “Họ rất chuyên nghiệp” - ông Việt Anh nhận định về vụ điều tra kép đầu tiên của Mỹ với Việt Nam.

Sự thiếu chủ động trong thời gian áp thuế chống bán phá giá túi nhựa PE trong thời gian đầu có thể hiểu được, nhưng việc Mỹ áp mức thuế này thêm 5 năm nữa lại là một lý do “rất vô duyên”, theo lời ông Việt Anh. Ấy là sau thời hạn 5 năm, phía Mỹ làm thủ tục “rà soát hoàng hôn” và thấy rằng phía Việt Nam “Chính phủ không có ý kiến, doanh nghiệp không có kháng cáo” nên mặc nhiên cho rằng “phía Việt Nam chấp nhận nên áp thêm 5 năm nữa”, theo ông Việt Anh.

“Phản ứng từ hiệp hội quá yếu ớt. Các doanh nghiệp hầu như không phản ứng vì cũng yếu, không tập hợp lại để kháng cáo, thuê luật sư đi kiện. Trong vấn đề này, Nhà nước phải có tiếng nói” - ông Việt Anh nhận xét.■

Trên thực tế không bao giờ có chuyện tự do hóa thương mại hoàn toàn. Bao giờ người ta cũng dùng những biện pháp này, biện pháp khác như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được nhiều nước áp dụng. Khi hàng hóa của ta xuất khẩu sang đương nhiên có những lực lượng bị cạnh tranh và họ sử dụng những công cụ đó để cản trở mình. TPP cố gắng giải quyết chuyện này thông qua rất nhiều chương khác nhau. Nhưng kể cả khi có TPP thì vẫn có những biện pháp bảo hộ phát sinh trong tương lai. Điều này có tính hai mặt. Một mặt thể hiện chúng ta có năng lực cạnh tranh tốt nên họ e dè. Mặt khác khi chúng ta gặp điều này thì phản ứng của ta như thế nào? TPP giúp ta điều này nhưng không loại bỏ hết được, quá trình đấu tranh này có thể sẽ đưa nhau ra tòa.

Một số quốc gia vẫn coi chúng ta là nền kinh tế thị trường, do vậy biên độ chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ cao hơn. Theo WTO, cuối năm 2018 các nước sẽ coi chúng ta là nền kinh tế thị trường. Khi đó với sự có hiệu lực của TPP sẽ là công cụ để chúng ta đấu tranh tốt hơn.

Ông Lương Hoàng Thái (vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận