TTCT - Mấy chục năm sau, Lao Bảo - vùng đất dữ năm xưa chôn vùi lớp lớp người sau những chấn song nhà tù của thực dân và chứng sốt rét rừng độc địa - đã thành một cửa khẩu thênh thang, một đô thị mới trong sự thịnh vượng không chỉ về tiền của… Phóng to Một thành phố biên ải hiện đại đang lớn lên trên vùng đất dữ năm xưa - Ảnh: Lê Đức Dục Đang ngồi làm việc với tôi, anh Châu, đồn phó chính trị đồn biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, chợt rùng mình, vội nói: “Xin lỗi nhà báo nhé” rồi lăn vội lên chiếc giường trong phòng kéo chăn trùm kín run cầm cập. Tôi chạy đi gọi quân y, các anh trong đồn nhìn vẻ hốt hoảng của tôi khi chứng kiến cảnh ấy thì bật cười: “Sốt rét ấy mà! Chuyện thường ngày ở Lao Bảo! Tí nữa lại dậy chơi bóng chuyền ngay!”. Hình ảnh trận sốt rét của người sĩ quan biên phòng ấy còn ám ảnh tôi mãi mỗi khi nhắc đến Lao Bảo, dù đã hơn 20 năm trôi qua sau chuyến công tác đầu tiên đó, khi vừa bước vào nghề báo. Từ “ác địa” sốt rét Sau 20 năm, câu chuyện về sốt rét ở vùng đất trứ danh “dữ ma độc nước” này chỉ còn trong hồi ức những người dân. Cũng như những ngọn đồi ràn rạt cỏ tranh đã biến mất để nhường chỗ cho một đô thị Lao Bảo vạm vỡ bề thế mọc lên ngay trên cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Nhìn những siêu thị sáng choang lấp lánh, những ngôi biệt thự có giá cả chục tỉ đồng đang mọc lên ngày càng nhiều ở Lao Bảo, ít ai biết xưa kia vùng đất này được biết đến chỉ vì đây chính là nơi của một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương thời thuộc Pháp, còn gọi là “nhà đày” Lao Bảo. Trở lại với câu chuyện sốt rét, hẳn nhiên dễ suy ra lý do mà người Pháp đã chọn chốn thâm sơn cùng cốc này để làm nhà tù: vừa xa xôi hẻo lánh, vừa nổi tiếng nước độc, không còn chỗ nào “lý tưởng” hơn để đày ải tù nhân! Bởi thế từ năm 1908, nghĩa là cách nay 103 năm, nhà tù Lao Bảo đã được dựng lên để giam giữ các “quốc sự phạm” (tù chính trị) của khu vực miền Trung và cả những “quốc sự phạm” của xứ Ai Lao (nước Lào ngày nay). Chuyện sốt rét của tù nhân tại Lao Bảo còn được nhắc đến trong một bài thơ bằng phương ngữ Quảng Trị có câu: “Cà lơ răng xuốc cươi phơi ló/Eng tù đau bẻ nác đa xeng” mà bây giờ muốn thử trình độ tiếng Quảng Trị, mọi người vẫn thách nhau “dịch” được bài thơ ấy, nghĩa là “Người Vân Kiều đang quét sân phơi lúa/Anh bạn tù sốt rét nước da xanh”. Sốt rét trong phương ngữ Quảng Trị gọi là “đau bẻ”, như cách một vài nơi gọi là “ngã nước”. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21 này, sốt rét vẫn còn là nỗi lo cho sức khỏe cộng đồng nhiều nơi, huống chi cách nay cả trăm năm, bị sốt rét khác nào một cuộc hành xác kinh hoàng với những người tù Lao Bảo. Sốt rét ở đây thường ở dạng ác tính, tù nhân bị bỏ mặc, thành ra thực dân Pháp mượn tay sốt rét để giết không ít người. Chuyện nước độc và sốt rét ở Lao Bảo không xa vời như lịch sử của nhà tù. Từ sau năm 1975 đây thôi, khi những người dân đồng bằng Quảng Trị lên đây lập làng kinh tế mới, sốt rét đã cướp đi khá nhiều sinh mạng. Phóng to Tù nhân ở nhà tù Lao Bảo - Ảnh tư liệu Con đường nối từ quốc lộ 9 vào di tích nhà tù Lao Bảo được đặt tên Lê Thế Tiết. Ông là một người tù cộng sản đã bị tra tấn đến chết tại nhà tù này vào năm 1940. Trong căn nhà mặt tiền bề thế vừa cất với kinh phí hơn 500 triệu đồng nằm cạnh di tích nhà tù Lao Bảo, ông Nguyễn Văn Dĩ, một người dân lên đây từ tháng 8-1975, dường như bị cuốn theo dòng hồi ức của những trận sốt rét kinh hoàng khi vừa lên đây lập nghiệp. Khối phố An Hà thuộc thị trấn Lao Bảo nơi ông Dĩ ở là tên ghép từ hai làng An Cư và Hà La của xã Triệu Phước, vùng đồng bằng huyện Triệu Phong mà những di dân đã mang theo khi lên đây khởi nghiệp. Ông Dĩ nhớ lại: sốt rét khiếp quá, dân bỏ đất mới về xuôi rồi vào Nam gần hết nửa làng. Bản thân ông cứ nhớ lại thuở đó là nhớ màu vàng của viên thuốc ký ninh. Uống ký ninh vào thì không thể ngủ được. Sốt rét khiến xơ xác cả những làng quê vừa mới lập. Dân bỏ đi có nghĩa là kế hoạch xây dựng một vùng kinh tế mới ở Lao Bảo sẽ phá sản. Và dân quân, du kích hồi đó đã có kế hoạch canh gác, ngăn chặn những hộ gia đình có ý định bỏ trốn (!). Một người bạn của ông Dĩ sau nhiều lần định trốn khỏi khu kinh tế mới Lao Bảo đều bị chặn bắt đã nghĩ ra kế ăn cau trầu để nước quết trầu đỏ như máu phun trào ra miệng và nửa đêm vờ kêu la nôn ra máu để được khiêng về Bệnh viện Khe Sanh. Vừa tới viện, ông ấy đã bỏ trốn một đi không trở lại. Câu chuyện gian nan ngày xưa được nhắc lại qua những cái chết tức tưởi vì sốt rét của những người dân ở đây như chị Nguyễn Thị Cầm ở cùng khối phố An Hà, ông Lê Văn Câm, chồng bà Tự ở khối phố Đông Chín… Bệnh viện Hướng Hóa những năm ấy mỗi giường đơn chen nhau hai bệnh nhân điều trị sốt rét. Khi chúng tôi vào di tích nhà tù Lao Bảo, anh Nguyễn Văn Sĩ, lên đây làm bảo vệ di tích từ năm 2000, kể rằng vừa nhận công tác một tháng anh đã được nếm mùi sốt rét. Dưới bóng rừng cây vông đồng cổ thụ trong khuôn viên di tích nhà tù Lao Bảo, những dãy nhà lao xưa bị bom đạn đánh sập trong chiến tranh nằm im lìm dưới những đám dây leo hoang dại. Nhưng nhiều ô cửa với chấn song sắt đặc thù của kiến trúc nhà tù vẫn như những con mắt thời gian nhìn xuyên trăm năm dâu bể. Dường như những cây vông đồng ở khuôn viên di tích cũng mang một chút gì đó âm khí rờn rợn của những tù nhân xấu số đã chết vì sốt rét và đọa đày nơi đây. Cụm tượng đài của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với màu son tươi nổi bật trên nền xanh cây lá. Gương mặt những tù nhân “quốc sự phạm” ấy chính là những tên tuổi đã đi vào sử sách, thi ca, những sĩ phu của phong trào Văn Thân, Cần Vương và về sau là người tù cộng sản. Nhà thơ Tố Hữu, từ buổi đầu “thuở ấy trong tôi bừng nắng hạ” cũng đã bị giam cầm đày đọa tại đây. Mấy câu thơ ông viết trong nhà tù Lao Bảo được viết bằng nét chữ gân guốc trên nền tượng: “Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu/Cho da tôi dày dạn với ngày mai/Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Cho nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai…”. Phóng to Ô cửa với chấn song sắt của nhà tù Lao Bảo - Ảnh: Lê Đức Dục Đến “đô thị vàng” nơi biên ải… Tiếng là đất dữ nhưng Lao Bảo lại có một hấp lực kỳ lạ từ sự đưa đẩy của lịch sử. Vùng đất nổi tiếng với sốt rét, nước độc, hẻo lánh xưa kia chỉ làm nơi đày ải tù nhân ấy lại là cửa khẩu của một con đường huyết mạch xuyên Đông Dương: quốc lộ số 9. Đây là con đường nối tuyến xương sống xuyên Việt - quốc lộ 1A của Việt Nam từ Đông Hà, qua cửa khẩu Lao Bảo, băng qua thêm hơn 250km nữa để nối với quốc lộ 13 - cũng là tuyến huyết mạch xuyên Lào và kéo dài đến tận bờ sông Mekong, giáp với Mukdahan - cửa ngõ vùng đông bắc Thái Lan. Những năm chiến tranh, đường 9 là con đường chiến lược gắn liền với một loạt cứ điểm quân sự nằm trên tuyến, nơi xảy ra những trận giao tranh quyết tử như Khe Sanh - Tà Cơn - Làng Vây - Sepon - Mường Phìn... Sau năm 1975, do bối cảnh lịch sử lúc ấy, tuyến biên giới phía Bắc với Trung Quốc và tuyến biên giới Tây Nam với Campuchia đang “có vấn đề”, tuyến đường bộ tốt nhất để thông thương ra nước ngoài của Việt Nam chỉ có thể là quốc lộ số 9 (ngày đó các tuyến đường số 7, 8, 12 chưa được nâng cấp). Và đây cũng là con đường quá cảnh của bạn Lào về cảng Đà Nẵng chở hàng hóa mua bán, viện trợ… từ khối XHCN cho toàn bộ nước Lào. Cùng với những chuyến xe quá cảnh đó, hàng lậu của “tư bản”, mà cụ thể là từ Thái Lan, đã vượt sông Mekong sang đất Lào và vào đất Việt thông qua cửa khẩu Lao Bảo. Câu chuyện về “căn cứ tập kết hàng lậu” ở Lao Bảo 30 năm trước hẳn nhiều người còn nhớ. Và điều căn bản nhất, cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu có những thay đổi, một đô thị cửa khẩu hình thành, những doanh nhân tìm tới, tính toán chuyện làm ăn dài lâu. Từ Quốc môn ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, phóng tầm nhìn bao quát thung lũng với nhấp nhô những tòa nhà trung tâm thương mại và nhà máy, vóc dáng một thành phố biên ải hiện ra đầy hào sảng. Từ siêu thị Thiên niên kỷ ở ngay cửa khẩu, nối liền trung tâm thương mại Lao Bảo, một tòa nhà có kiến trúc xếp vào hàng đẹp ở Quảng Trị, bên kia đường là siêu thị Mukdahan, siêu thị Đông Nam Á, những tòa nhà cao tầng đang mọc lên ngày một nhiều. Tọa lạc ngay trên trục quốc lộ 9 với một mặt tiền dài hơn 50m và chiều sâu chừng 80m gồm hai nhà máy cán tôn, xà gồ, một cửa hàng kinh doanh đồ nội thất và vật liệu xây dựng là cơ ngơi của hai vợ chồng Lê Trọng Bình và Trương Thị Hồng. Nếu chỉ riêng giá đất nơi đây, cái vùng rừng thiêng nước độc mà vài chục năm trước những người dân đi kinh tế mới phải “đào thoát”, nay có giá 250 triệu đồng một mét ngang mặt tiền thì cơ sở của Công ty Bình Hồng đã hơn 10 tỉ đồng. Vừa ghé vào cửa hàng của Bình, tôi đã gặp một số người dân từ Lào sang mua vật liệu. Hóa ra tầm hoạt động của cửa hàng không chỉ phục vụ dân Lao Bảo mà xuyên biên giới, sang tận Sê Pôn, Mường Phìn đất Lào. Phóng to Nhóm tượng của đài tưởng niệm nhà tù Lao Bảo do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng dựng tháng 9-2000 - Ảnh: Lê Đức Dục Khi bố mẹ Bình dắt đàn con tám đứa rời làng quê dưới xuôi lên Lao Bảo lập nghiệp vào năm 1975, Bình mới 8 tuổi. Ký ức của anh cũng như nhiều người dân ngày ấy vẫn là đói và sốt rét. Đói, ăn sắn (củ mì) bị ngộ độc nôn mật xanh mật vàng, có người mất mạng do ăn sắn. Cuộc sống sung túc hôm nay càng khiến người ta nhớ sâu hơn thuở cơ hàn ấy. Học xong lớp 9, Bình đi học trung cấp sư phạm hệ 9+3 và về làm thầy giáo dạy học ở một bản xa. Dạy được mấy năm Bình chuyển sang kinh doanh. Từ một quầy nhỏ lẻ bán ximăng, sắt thép, nắm được nhu cầu xây dựng của dân Lao Bảo với tốc độ phát triển của một đô thị cửa khẩu, chỉ một thời gian sau Bình đã gầy dựng được cơ nghiệp, mở mang địa bàn hoạt động. Đích thân anh lái xe chở hàng sang bán cho các nhà thầu xây dựng trên đất Lào. Sau này khi thông thương ở cửa khẩu thoáng hơn, dân từ Mường Phìn, Sê Pôn quen mối, họ lại đánh xe từ Lào sang Lao Bảo mua hàng của Công ty Bình Hồng. Ở Lao Bảo cũng có những đại gia phất lên rất nhanh, nhưng con đường kinh doanh lương thiện và bền bỉ, sự chia sẻ chân tình với bà con trong phường mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn của vợ chồng Bình - Hồng khiến nhiều người dân nơi đây ngưỡng mộ họ. Ở Lao Bảo, cũng như vợ chồng Bình - Hồng, có những người dân từ buổi đầu gian khó ấy nay đang trở thành những doanh nhân có tầm vóc, thành niềm tự hào cho người dân nơi đô thị biên ải này như Công ty Hào Trang, Công ty Long Sương… Trên con đường Lê Quý Đôn chạy ven hồ Lao Bảo, chúng tôi gặp một hình ảnh thật ấm áp. Đó là ngôi đình làng và nhà thờ họ tộc của những người dân khối phố An Hà. Xưa kia lên Lao Bảo với hai bàn tay trắng, chỉ có tên mảnh làng nơi cố quận được mang theo như một thứ “hương hỏa tinh thần”, nay đời sống khấm khá, dân làng góp nhau xây đình, nhà thờ tộc họ, để nhắc nhớ cội nguồn và cũng như một tuyên ngôn ăn đời ở kiếp với miền đất từng thử thách họ quá nhiều! Cũng trên con đường này, chúng tôi đi qua những biệt thự rất đẹp trị giá cả chục tỉ đồng vừa được xây cất, những biệt thự mà ngay cả ở TP Đông Hà, tỉnh lỵ Quảng Trị cũng chưa có đại gia nào xây được. Nó như một ngụ ngôn hình ảnh về sự thịnh vượng của Lao Bảo hôm nay. Nhưng có lẽ niềm tự hào của đô thị vạm vỡ trên mảnh đất từng nổi tiếng bởi rừng thiêng nước độc này không chỉ là những siêu thị tấp nập bán mua, không chỉ ở những khu phố mới với những biệt thự to đẹp. Trước đây, dân Lao Bảo chỉ cố làm giàu rồi về mua đất xây nhà ở Đông Hà, hay xa hơn vào tận Huế, Đà Nẵng… và cho con cái về đó ăn ở, học hành. Bởi trong cách nghĩ của họ, chuyện làm giàu sẽ là Lao Bảo, còn chuyện học hành chắc phải ở các thành phố khác. Ấy thế mà kỳ thi đại học 2011 vừa rồi, cả tỉnh Quảng Trị có bốn thủ khoa đại học thì tới ba em trong số ấy ở Lao Bảo. Câu chuyện nhỏ mà không nhỏ ấy thêm vào sự thịnh vượng hôm nay của Lao Bảo một cảm giác thật vững lòng. Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm ở cửa khẩu Lao Bảo, trên tuyến quốc lộ 9 từ Đông Hà sang Lào, cách TP Đông Hà khoảng 80km, và ngay cạnh sông Sepon, đối diện qua đường biên giới là khu thương mại biên giới Den Savanh (Lào). Hai khu này là một nút quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, gọi tắt là khu thương mại Lao Bảo. Theo quy hoạch, khu thương mại Lao Bảo có tổng diện tích khoảng 15.804ha, bao gồm toàn bộ diện tích hai thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh và năm xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Dự báo đến năm 2015, khu thương mại Lao Bảo có khoảng 52.500 dân, và khoảng 75.000 dân vào năm 2025, trong đó dân đô thị khoảng 50.000 người. Tags: Nghề báoNhà tùLao BảoQuốc khánh 29Sốt rét rừng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.