Thể thao học đường nhìn từ bóng rổ

DANH ĐỨC 26/05/2023 10:29 GMT+7

TTCT - Nhìn chị em nhà họ Trương thi đấu cho đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam mùa SEA Games 32, lòng tôi bồi hồi nhớ lại cách đây đúng 60 năm...

Lúc bấy giờ, môn bóng rổ ở mái trường Mossard Thủ Đức bắt đầu lột xác và đội bóng rổ nhà trường trung học đệ nhất cấp này (cấp II bây giờ) trở thành một đội có hạng ở Sài Gòn.

Bóng rổ ở TP.HCM hiện nay đang phát triển tốt, đặc biệt ở các trường tư thục. Trong ảnh: các em học sinh tập luyện bóng rổ tại Trung tâm thể thao quốc tế SSA. Ảnh: SSA

Bóng rổ ở TP.HCM hiện nay đang phát triển tốt, đặc biệt ở các trường tư thục. Trong ảnh: các em học sinh tập luyện bóng rổ tại Trung tâm thể thao quốc tế SSA. Ảnh: SSA

Thật vậy, chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy là hai nữ sinh viên Đại học Gonzaga, tức cầu thủ nghiệp dư chớ không phải chuyên nghiệp, và sau SEA Games sẽ lại đèn sách để tốt nghiệp rồi vào đời bằng nghề nghiệp của mình. 

Bóng rổ, cho dù hai cô có đeo đuổi từ nhỏ ở nhà trường tại Houston, vẫn sẽ chỉ là một thú tiêu khiển, một "hobby". Như các học sinh Trường Mossard cách đây 60 năm sau khi được chuyển từ chơi banh tự phát sang chơi có thầy huấn luyện, chơi "cho đã" rồi mỗi người, mỗi nơi, mỗi nghề, mỗi nghiệp trong cuộc đời.

Phải nói là thời đó, môn bóng rổ có nhiều điều kiện để phổ biến, thậm chí còn dễ hơn môn đá banh. Chẳng qua đá banh đòi sân lớn, hiếm trường nào có sân, ngoại trừ Trường Mossard do ở tuốt Thủ Đức, còn bóng rổ thì đầy. 

Trường Taberd tối thiểu cũng hai sân phía đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Đức Minh cũng vậy, hai sân ngay giữa trường. Nói chung, các trường La San đều có sân bóng rổ. Các trường công cũng có sân bóng rổ, như Trường Lê Văn Duyệt ở Gia Định trong nhà chơi phía sau. Cứ thế các trường chơi bóng rổ và tổ chức đấu giao hữu, tranh giải thường xuyên.

Trường tôi cũng vậy. Học sinh chơi với nhau trên hai sân mới và một sân cũ phía vườn cây dầu. Chơi theo lịch được sắp hằng ngày: không bóng rổ thì đá banh, không đá banh thì bóng chuyền... 

Tất cả học trò nội trú chiều tan lớp đều ra sân. Không chơi cả sân (5x5) thì chơi nửa sân (3x3), bằng không thì ném rổ. Thậm chí rảnh buổi nào, lấy banh ra thi ném rổ. Tất nhiên, không phải trò nào cũng chơi giỏi, nhưng nhứt định phải biết chơi, biết luật. 

Còn nhớ những cái tên hảo thủ như Bachir gốc Ấn cao nhứt đội, Fou Di Hong dẻo người vô cùng, Lu Hon mặt đỏ hậu vệ vững chắc... Cứ thế tụi tui chơi và nghĩ mình chơi cũng hay, đúng luật là đủ rồi.

Cho tới một ngày kia, trường mời một đội bóng rổ từ Chợ Lớn tới đánh mới thấy thế nào là bóng rổ. Trong khi đội nhà cứ huỳnh huỵch dằn banh lên rồi chuyền qua lại, tùy tình hình, rồi ném rổ nếu có cơ hội thì đối phương chơi một thứ bóng rổ hoàn toàn khác. Sao mà họ lên banh có nét quá, di chuyển, chuyền banh theo bộ ba, không biết làm sao chặn họ được. 

Rồi cách họ chạy tới rổ, hai bước rưỡi là nhảy lên ném rổ và ghi bàn trong sự bất lực của chúng tôi, không biết làm sao truy cản. Trận đó, tụi tui thua tối tăm mặt mày! Tối đó, cả trường còn thắc mắc trong bữa ăn tối: họ chơi bóng rổ kiểu gì vậy, sao hoàn toàn khác mình, đẹp vô cùng và hơn mình xa? Thắc mắc nhưng "mở mắt" nhận ra rằng có một thứ bóng rổ "có học", có thầy dạy dỗ.

Một tháng sau, 4h30 chiều, học sinh túa ra các sân như mọi ngày, nhưng chiều thứ hai đó, sân bóng rổ số 1 không xếp cho lớp nào mà cho một nhóm "hảo thủ" bóng rổ toàn trường theo ghi nhận của thầy Francois phụ trách thể thao. Tất cả trình diện thầy Cường, huấn luyện viên bóng rổ gốc Hoa từ Chợ Lớn tới dạy. 

Buổi tập đầu tiên chỉ một bài, dằn banh chạy hai bước rưỡi về phía tableau, rồi nhảy một chân lên và ném rổ. Các buổi tập sau cũng chỉ một bài đó, tới giữa tuần thì thầy Cường cũng chọn được hơn một tá tân khóa sinh cho đội bóng rổ tương lai của nhà trường. 

Sau đó là các bài tập vỡ lòng "chạy số 8", ba người vừa chạy tới trước, vừa đổi vị trí, vừa chuyền banh... ngó thấy "đã" vô cùng, huê mỹ quá xá! Rồi những bài tập phòng thủ. 

Cả trường, trong đội banh được chọn hay "chầu rìa" đều ngất ngây trước sự khai tâm: bóng rổ không chỉ là sao cho banh đừng "coller" (dính tay), là ném coup franc (phạt) vô rổ ngọt sớt, mà là chiến thuật trong tấn công và trong phòng thủ.

Giữa lúc một vài đội bóng rổ ở Đông Nam Á đang nhập tịch cầu thủ từ những cường quốc bóng rổ, nhắc lại chút kỷ niệm xưa, với hy vọng bóng rổ học đường, cũng như bóng đá học đường, cùng các môn khác được gầy dựng lại. Môn nào cũng sẽ dễ phát triển nếu như có một cái nền rộng rãi ở đáy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận