Thợ gặt tứ phương

NHƯ Ý 22/08/2008 20:08 GMT+7

TTCT - Do ít đất sản xuất, nhiều nông dân ĐBSCL nghèo dần và sau đó mất đất, trắng tay. hoàn cảnh Đó sản sinh ra những đoàn thợ gặt lúa tứ phương hiện nay. Vụ lúa hè thu 2008 bước vào thu hoạch, cũng là lúc những đoàn người được gọi là “làm thuê nông nghiệp” ấy lại dong thuyền tìm đến những cánh đồng lúa đang chín rộ.

Phóng to
Vợ chồng thợ lúa Tư Khéo và đứa cháu ngoại sống tám tháng mỗi năm trên chiếc ghe già cỗi này
TTCT - Do ít đất sản xuất, nhiều nông dân ĐBSCL nghèo dần và sau đó mất đất, trắng tay. hoàn cảnh Đó sản sinh ra những đoàn thợ gặt lúa tứ phương hiện nay. Vụ lúa hè thu 2008 bước vào thu hoạch, cũng là lúc những đoàn người được gọi là “làm thuê nông nghiệp” ấy lại dong thuyền tìm đến những cánh đồng lúa đang chín rộ.

Chiều cuối tháng sáu âm lịch năm 2008, trên cánh đồng lúa chất lượng cao của xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) đoàn “thợ lúa” tập trung “doanh trại” khá đầy đủ. Cánh đàn ông ngồi tụ năm tụ bảy uống trà nói tiếu lâm, đám thanh niên sang quán cà phê Bảy Tâm đánh tú lơ khơ, còn chị em thì vạch tóc bắt chí cho nhau.

Phận cu đất

Riêng vợ chồng ông Tư Khéo (ông Lê Văn Khéo, 55 tuổi, và vợ là bà Lâm Thị Dung, 41 tuổi) thì ngồi trong chiếc ghe của mình dưới bến sông. Ông Tư lại cãi cọ với vợ về chuyện nuôi cu đất.

Ông vốn mê nuôi cu đất nên nhiều lần bỏ công cắt lúa đi gác cu. Vợ ông bực lắm, mấy lần lén mở lồng cho cu bay đi rồi sau đó tập trung “khẩu chiến” cùng ông buộc ông bỏ tật mê cu để cùng bà và các con đi cắt lúa thuê. Thấy vợ phản đối quá, ông cũng gắng nhịn nghe tiếng cu ngói cúc cu, nhưng thỉnh thoảng lại nói với vợ: “Tôi thương cu đất vì nó giống tôi, giống chúng ta, suốt đời chỉ biết đánh hơi những cánh đồng lúa chín, rồi bay đến chỉ để no cái bụng. Tôi nuôi nó vì muốn mỗi ngày được nhìn nó mà an ủi phận mình, tốn chỉ vài bông lúa, có hại gì đâu”.

Bà vợ liền cãi: “Con gà cũng tìm chỗ có lúa để no cái bụng, khác nào con cu đất của ông. Nhưng nuôi gà còn bán được”. Ông chưa chịu thua: “Con gà chỉ ăn loanh quanh trong vườn nhà, đâu giống chúng ta, đâu giống con cu đất...”. Và cuộc khẩu chiến chỉ chấm dứt khi bà Tư nguýt xéo: “Ông mà nuôi, tôi sẽ sổ lồng cho nó bay”.

Không rõ thực chất ông mê cu đất ở điểm nào, nhưng khi so sánh đời mình với con cu đất, ông rất tâm trạng. Ông kể rằng cưới vợ mấy năm, bốn công đất ruộng ông già cho ở Láng Tròn (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) bay vèo theo sáu miệng ăn của đàn con đang sức lớn. Thế là ông bà xuống xuồng, theo đuôi đoàn làm thuê Láng Tròn rong ruổi khắp các tỉnh ĐBSCL để cắt lúa mướn mưu sinh.

Hơn 10 năm sống đời thợ gặt tứ phương, ông Tư chỉ được một cái là chưa chết đói, ngoài ra chẳng còn gì. “Sáu đứa con đều dốt hết, nay thêm bốn đứa cháu nội, cháu ngoại, đứa 13 tuổi, đứa 11, đứa 8 và đứa 3 tuổi cũng không biết chữ nào. Rõ ràng nghề này chỉ đủ nuôi cái bụng. Ấy vậy mà tôi nói đời mình giống con cu đất, bà ấy lại không tin tôi! Bà ấy chỉ thích làm cái gì sinh ra tiền thôi!” - ông Tư tổng kết đời mình, giọng buồn thiu.

Thân bèo bọt

Phóng to
Nơi ăn, ngủ, nghỉ ngơi và sinh hoạt gia đình của những thợ lúa tứ phương

Những con người mà tôi thấy trên những cánh đồng trĩu hạt này có thể có những hoàn cảnh khác nhau. Song khi đã là thợ gặt thì họ cực kỳ giống nhau ở điểm nghèo khó, con cháu thất học, đời sống trôi nổi nay đây mai đó, mù mịt tương lai.

Đoàn thợ gặt của ông Tư Khéo tập trung gần 20 hộ gia đình với khoảng 70-80 người, trong đó có không dưới 20 trẻ vị thành niên đều thất học. “Mỗi năm chúng tôi chỉ có thể về nhà được ba tháng trong mùa hạn, ăn tết xong là đi, đi cả nhà. Nên đừng hỏi tại sao lũ trẻ con không được học hành và mọi thứ khác đều thiệt thòi. Bèo bọt lắm!” - ông Ba Dũng, một thợ gặt nhóm Láng Tròn, Bạc Liêu, nói. Dẫn chứng cho việc này, ông đưa chúng tôi đi quanh lán trại của những người thợ gặt.

Đó là những chiếc ghe bé xíu nấp dưới những tán cây trâm bầu ven sông; những căn chòi che chắn bằng nilông xanh, đỏ, trắng, sọc trú dưới các gốc me (thuộc ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm) là nơi ăn, ngủ, nghỉ ngơi, sinh hoạt gia đình của đoàn thợ gặt. Ông Huỳnh Văn Hiệp, một thợ gặt ốm tong, gương mặt đầy xương, khắc khổ đang ngồi rửa chén dưới bờ sông, mặt buồn rười rượi vì bà vợ ông đang sốt rét nằm trùm mền trong chòi. Nay là ngày thứ hai bà lên cơn run, nhưng ông vẫn chưa đưa bà đến bệnh viện được vì không có tiền.

Những câu chuyện gian truân của đời thợ gặt tứ phương thật khó mà kể hết. Ngay cả người trong cuộc cũng không nhớ nổi những đoạn trường của cuộc đời mình. Ông Tư Khéo nói: “Quá nhiều bận khổ, riết rồi nó trở thành chuyện bình thường. Như chuyện ngủ nửa đêm bị chìm ghe vậy, nó rất thường. Năm ngoái, trên đường tìm đến mấy cánh đồng đang chín rộ ở Cần Thơ, khi đến sông Cái Côn gặp lúc nước ngược, chúng tôi phải đậu ghe lại ngủ đêm. Đến hơn 1 giờ khuya, ghe tôi bị nước phá và chìm.

Vừa nghe cái lưng lạnh ngắt là tôi thức dậy và xốc ngay thằng cháu ngoại 5 tuổi nhảy xuống mé sông lội lên bờ. Việc đó không cần phải suy nghĩ, quen rồi!” - ông Tư cười nhạt nhẽo. Những thợ gặt nơi đây ai cũng đã trải qua vài lần bị chìm ghe lúc đang ngủ vì một lý do đơn giản: tất cả ghe của họ đều thuộc loại ghe cũ mà người ta định kéo lên để... trồng hành. Họ đến hỏi mua với giá 200.000-300.000 đồng, đem về giặm vá để gồng gánh gia đình mình đi tha hương gặt lúa.

Phóng to
Những đoàn thợ lúa làm việc trên cánh đồng của tỉnh Sóc Trăng

Tìm về những cánh đồng đang chớm vàng ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy những đoàn người làm thuê nông nghiệp đông đúc. Họ thể hiện rõ tính chuyên nghiệp qua việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về số lượng người lao động đông đảo và chấp nhận đi xa hàng trăm cây số để có việc làm.

Ấp Ko Kô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là một địa chỉ quen thuộc đối với những ông chủ ruộng lớn khắp ĐBSCL. “Chỉ cần alô một cái, chúng tôi sẵn sàng cho vài trăm người đến cắt lúa, tuốt lúa và làm các công việc trên ruộng lúa, dù nơi đó có xa hàng trăm cây số” - ông Năm Cọp (Thạch Na Ri), một thợ lúa thâm niên ở ấp Ko Kô, nói. Ông Thạch Khươl, trưởng ấp Ko Kô, cho biết: “Ấp có 434 hộ với trên 1.800 khẩu, thì đã có trên trăm hộ với khoảng 500 người là thợ lúa chuyên nghiệp. Đến mùa vụ đi làm xa, ấp này vắng tanh”.

Khi chúng tôi đến Ko Kô, những thợ lúa đã về nhà, vì cánh đồng Sóc Trăng đang chuẩn bị vào thu hoạch. Trong lúc chờ lúa chín, những thợ lúa Ko Kô tranh thủ dọn dẹp cho sạch đẹp căn nhà mình. Có những gia đình đã bỏ nhà vài ba tháng, cỏ mọc đến hàng ba nhà. Vợ chồng thợ lúa Thạch Thương và Thạch Thị Yên về nhà được hai ngày, nhưng số tiền gần 2 triệu đồng kiếm được ở cánh đồng Vĩnh Long đã vơi đi hơn một nửa.

Chị Yên rầu rĩ nói: “Đợt rồi làm được khá nhiều tiền, mừng lắm. Nhưng về nhà gặp cảnh con bệnh phải tốn hết mấy trăm ngàn đồng. Trả mấy món nợ vay mượn trước khi đi nữa coi như trắng tay”. Chị nhớ rõ hơn mười năm miệt mài làm lụng, vợ chồng chị chưa lần nào có đủ tiền để mua được 1 chỉ vàng phòng thân. Trong khi những ngày thiếu ăn thì năm nào cũng có. “Tại mấy chú hỏi đến nên tôi thấy chạnh lòng. Chứ bình thường tôi không suy nghĩ nhiều vậy đâu. Vì xóm này ai cũng như ai, đều nghèo khó như nhau”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận