Thoái thực ký văn: Nhật ký và tiểu bách khoa thư

SƠN KHÊ 02/02/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng là “tiểu bách khoa thư về lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ 18, 19”, như đánh giá của hai dịch giả Nguyễn Lợi và Nguyễn Đổng Chi (lời giới thiệu cho bản dịch do nhà xuất bản Tân Việt phát hành năm 1944), hay chỉ là “một bộ dã sử ghi chép nhiều sự việc lặt vặt xếp theo từng loại”, như nhà thư mục học Trần Văn Giáp đã nhận định?

Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, đỗ cử nhân năm Ất Dậu (1825), sau đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu (1829), năm Minh Mệnh thứ 10. 

 

 Bìa cuốn Thoái thực ký văn

Ông làm quan trải qua ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Trương Quốc Dụng vừa có văn tài (với các tác phẩm như Chiếu biểu luận thức, Văn quy tân thể, Trương Như Trung tân thể…), vừa thao lược (năm 1862, ông làm Hải Yên Thống đốc quân vụ đại thần). Năm 1863, ông được thăng Hiệp biện đại học sĩ. 

Năm 1864, khi đánh Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên, ông tử trận, được truy tặng Đông các đại học sĩ, đến năm 1880 được liệt vào thờ ở đền Trung Nghĩa.

Trương Quốc Dụng là người học rộng, ham đọc sách, giỏi thiên văn lịch số. Trong thời gian làm quan ông đi khắp Bắc, Trung, Nam nên kiến văn lịch duyệt khá nhiều. 

Đại Nam nhất thống chíĐại Nam liệt truyện đều ghi nhận ông là người “học rộng”. Ngoài Thoái thực ký văn, ông còn tham gia biên soạn các sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục

Thoái thực ký văn có thể xem như cuốn nhật ký nhỏ, nhưng được sắp xếp lại theo từng mục, từng môn loại như Phong vực - cương vực, địa lý hành chính, có đề cập đến thiên văn, thời tiết, đường sá, núi sông và cả chép về các nước Cao Man, Xiêm La, Miến Điến; Chế độ - tước cấp, bổng lộc, khoa cử, binh chế, quan chế, lệ thuế, đàn miếu, lăng tẩm, áo mũ, lễ nhạc…; Nhân phẩm - về các quan lại, những người có nhân phẩm khí tiết, trí tuệ mưu lược; Cổ tích - các di tích, danh lam thắng cảnh, núi sông, đê điều ở các tỉnh…; Trưng kỹ - chuyện kỳ lạ, thần tiên ma quái; Tạp sự - chuyện vặt về thơ văn, khoa cử, nhân phẩm, xử án…; Vật loại - động vật, thực vật.

Sách thể hiện công phu khảo cứu, ghi chép trong đời sống và quá trình đọc sách của tác giả. Cách thức ghi chép phần nào tương đồng với Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. 

Tuy nhiên, các phần sau như Cổ tích, Trưng kỳ, Tạp sự, Vật loại, là những ghi chép vụn vặt trong quá trình làm quan của ông, giống như một cuốn nhật ký nhỏ được ghi chép theo trình tự thời gian về những sự vật sự việc thú vị, kỳ lạ mà Trương Quốc Dụng bắt gặp, sau này được sắp xếp lại thành từng mục theo chủ đề. 

Tính chất nhật ký còn thể hiện qua việc sách lồng ghép những quan điểm, tư tưởng của ông liên quan đến cách đối nhân xử thế, các tục tệ còn tồn tại trong xã hội.

Lấy ví dụ, quan điểm của ông về giáo dục: “Đời gần đây, chính trị và giáo hóa chia làm hai, chức Lại vốn nên tuyển chọn cẩn thận, mà chức Học quan cũng không thể coi nhẹ. Bởi vì học để sau làm quan, người dạy mà không ra người thì cái sai lưu truyền mãi. Vả lại dân thường chốn thôn quê, luôn coi kẻ sĩ là người dẫn đường chỉ lối. Thói ngay của kẻ sĩ thì cũng liên quan đến phong khí của dân. Mà kẻ sĩ ngay hay gian, thật liên quan đến việc Học quan có tài hay không”.

Cũng rất thú vị là những trải nghiệm đời sống của ông: “Năm gần đây tôi coi thi Trường Nam Định, ban đầu lấy không đủ ngạch, mọi người đều trách tôi khe khắt, giục giã inh tai. Thấy lời nói sắc mặt của các đồng sự hầm hầm giận dữ, tôi không muốn bất hòa, đành miễn cưỡng lấy cho đủ số. Nhân nghĩ lại gần đây quan sơ khảo trong trường thường có người không phân biệt nổi câu cú, đó đều là lỗi của quan Chủ ty trước kia lấy đỗ tràn lan. Lòng tôi thường áy náy không yên”.

Ông còn nhìn nhận vận động lịch sử thoát được ra khỏi cái bất biến: “Xét, cột đồng nếu quả đúng Mã Viện đúc thì cũng là người làm ra, vốn không phải do trời đất tạo đặt. Há có thể khiến trăm ngàn đời sau lấy một khối đồng vô tri vô giác để ngăn Nam chặn Bắc ư? Nay lãnh thổ nước ta bao gồm cả đất Giao Chỉ, Việt Thường, Phù Nam, Chân Lạp cổ. Ai có đức sẽ có người có đất, kẻ nào ngăn cản được?”.

Cho đến dạo thời gian gần đây cuốn sách mới có được một bản dịch đầy đủ. Bản dịch lần này có sự đóng góp rất quan trọng là phần danh mục, hi vọng giúp Thoái thực ký văn hữu ích hơn trong vai trò một nguồn tư liệu tham khảo hòng hiểu hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận