TTCT - Các nền tảng giao hàng trực tuyến đang ở thời kỳ cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam đã mở ra một hình thức kinh doanh mới, chủ không biết mặt khách, ngồi cả ngày trong nhà vẫn giải quyết tốt mọi khâu nhập hàng, chế biến, giao nhận. Làm chủ một cửa tiệm online có thể bớt lo nhiều khâu như mặt bằng, nhân sự, nhưng sự vất vả thì không kém so với làm ăn kiểu truyền thống. Gánh hàng rong của một phụ nữ bán bánh tráng trộn tại quận Phú Nhuận bị “bao vây” bởi các shipper công nghệ. Ảnh: NGỌC HIỂN Hơn một năm trở lại đây, con hẻm nhỏ nằm gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bỗng trở nên nhộn nhịp khi mỗi bữa trưa từng đoàn “áo xanh, áo đỏ” lại nườm nượp đến một căn nhà nhỏ nằm cuối hẻm mang cơm đi giao khắp thành phố. Đây là một địa chỉ nổi tiếng trên các app đặt đồ ăn qua mạng với thực đơn đến 34 món nhưng chẳng bàn ghế, chẳng mâm dĩa và chủ quán cũng chẳng bao giờ gặp mặt khách hàng, mọi giao dịch đều... online. Vất vả hơn truyền thống Trong căn bếp gia đình chật chội, nữ đầu bếp Nguyễn Thị Kim Loan (50 tuổi) bước vào “phiên làm việc” giờ cao điểm mỗi ngày: một mình bà “đạo diễn” hơn 30 món ăn với đôi tay không ngơi nghỉ xào nấu cho hàng trăm suất cơm trưa. Tiếng ting ting của điện thoại khi “nổ đơn” dồn dập, tiếng í ới của các shipper cộng thêm tiếng xào nấu thức ăn khiến căn nhà nhỏ của bà Loan rất náo nhiệt. Từ trong bếp, thỉnh thoảng bà Loan lại ngước nhìn ra bên ngoài ô cửa chính, cứ mỗi lần như thế nữ đầu bếp lại nhận được những lời thúc giục của cánh tài xế công nghệ “chị ơi nhanh lên, chị ơi em còn đi giao xa lắm...”. Hơi nóng từ căn bếp phả ra cộng thêm nhiệt độ oi bức vào giữa trưa khiến cho những người nấu và cả người phụ trợ cùng cánh tài xế vã mồ hôi hột khi đứng hàng dài “bao vây” con hẻm cụt. Áp lực về thời gian khiến bà Loan tự nhận công việc này “căng như dây đàn” mỗi khi đồng hồ điểm đúng 10h30. Đây là thời điểm bà đăng ký với 3 app giao thức ăn là Now, GoViet và Grab Food để mở tiệm, bắt đầu nhận các đơn hàng khắp thành phố. Trước đây, bà đăng ký mở cửa lúc 9h30 nhưng chạy đua với thời gian cũng không nấu kịp tất tần tật các món từ sớm nên bà dời thêm một giờ đồng hồ mà vẫn làm không ngơi tay. “Cuộc đời làm bếp của tôi chưa bao giờ bận rộn và áp lực như bây giờ” - bà Loan nói. Gia đình bà Loan từng là một tiệm cơm truyền thống với shipper duy nhất là cha bà. Mọi chuyện bắt đầu khi con gái lớn Thảo Vi, hiện đang theo học đại học ngành thương mại điện tử, cho rằng cần “mở cửa” cơ sở nhỏ này với các app giao hàng để mở rộng khách hàng và ông ngoại khỏi phải đi giao cơm mỗi ngày. Dù mơ hồ về độ lan tỏa của tiệm cơm nhưng Vi vẫn quyết đăng ký thử với các app với hi vọng nếu thành công, mẹ của cô sẽ bớt khổ. Nhưng không ngờ, ngay những ngày đầu “lên sàn” mẹ cô đã “khổ” hơn khi đơn hàng tăng đều đặn, bữa sau lại đặt nhiều hơn hôm trước. Từ chỗ chỉ nấu cơm phần đưa ông ngoại mang đi giao cho các văn phòng ở quận 1 với số lượng chừng 100 suất mỗi ngày, số suất cơm đã tăng lên gấp ba, gấp bốn lần... mà lại có người đến lấy tận bếp. Tuy vậy, bà Loan phải trả phí cung cấp dịch vụ cho các app là từ 20-25% trên mỗi đơn hàng, tức là cứ một suất cơm 35.000 đồng, bà Loan bay chừng 8.000 đồng tiền “cò” cho app. Do khách hàng ngày một đông, bà Loan phải mướn thêm hai người phụ việc và bốn người trong gia đình bà cùng quán xuyến từ giữ xe, phân phối đơn, thu tiền... mới chu toàn công việc. Quá áp lực do số lượng đơn chỉ dồn dập trong một thời gian từ 10h30 đến chừng 12h, bà Loan quyết định nghỉ thứ bảy và chủ nhật để bản thân có thời gian nghỉ ngơi, bởi mỗi ngày bà phải làm quần quật từ 5h sáng cho đến tận chiều muộn. Muôn mặt “chủ tiệm” online Ở tuổi 27, Bích Vân đã có nhiều năm là nhà phân phối độc quyền của một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam. Có một công ty do cô đứng tên sở hữu nhưng cô không có cửa hàng hay một nhân viên dưới quyền. “Cửa hàng” của cô lúc mới khởi sự là trang Facebook cá nhân, sau đó cô nhanh chóng mở một chuỗi “cửa hàng” trên rất nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Lotte… “Mở cửa hàng nhỏ nhỏ thì khách không tin, trong khi giá sản phẩm của tôi không hề bình dân. Muốn chuẩn chỉnh thì cũng phải vị trí đẹp, thiết kế đẹp, rồi thuê nhân viên, điện nước, bảo vệ… sẽ rất tốn kém”- Vân nói về lý do lựa chọn buôn bán online. Vân là điển hình của một CEO thời thương mại điện tử - một mình cô kiêm luôn tất cả các vai, từ giao dịch với nhà sản xuất để “cất” hàng đến nhân viên sale, kế toán, quản lý kho, nhân viên quảng cáo… Cô tự quay các clip review sản phẩm trên chính khuôn mặt của mình và chính bản thân cô là “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm, tự chụp hình sản phẩm để đăng trên các trang và đăng bài bán hàng trên trang cá nhân mỗi ngày. Buôn bán nhưng Vân hầu như không bao giờ gặp mặt khách hàng, người cô gặp là shipper và người khách hàng gặp cũng là shipper. “Nhiều sàn giao dịch sẽ có dịch vụ từ A-Z. Họ tiếp nhận đơn, báo cho tôi sau đó sẽ có shipper tới lấy hàng về kho và từ đó giao đi cho khách. Còn nếu khách đặt trên Facebook thì tôi sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng của Grab, GoViet, AhaMove, Lala Move…” - Vân chia sẻ. Vân chia hàng ra lưu hai kho: kho chính là nhà của cô, kho còn lại là các kho của các sàn thương mại điện tử. “Phí tại các sàn là khoảng 10-20% trên giá bán. Họ giống như thể là đại lý bán hàng ăn hoa hồng. Nếu lưu kho của các sàn thì họ sẽ “bật” chức năng giao hàng nhanh tiện lợi hơn cho khách hàng. Các kênh cũng có dịch vụ chạy quảng cáo hoặc có ưu đãi quảng cáo như treo banner trên trang chủ hoặc trong các ô của các ngành hàng” - Vân nói thêm. Không chỉ sắm vai chủ shop, nhân viên, Lê Diễm (30 tuổi) còn nhận mình là “ô sin cao cấp” tại Crop shop - chuyên bán một loại bánh đặc biệt “không bột, không đường” cho người ăn kiêng và người mắc bệnh tiểu đường - kiêm luôn vai thợ làm bánh. “Tôi nhận ra thị trường này chưa có nhiều người làm sản phẩm để cung cấp nên tự mày mò công thức làm bánh, tự làm, tự bán các loại bánh cho người ăn kiêng đường và tinh bột” - Diễm kể. Tiệm bánh chỉ có một mình Diễm nhưng sản phẩm ăn kiêng không đường không bột của cô có tới gần 40 loại, từ bánh bông lan, bánh mì, bánh quy, bánh trung thu, bánh phô mai, thạch, kẹo, trà sữa, cho đến chân gà, khô bò, chà bông và các loại hạt như hạnh nhân… Nhiều người sẽ tưởng tượng Diễm giống như các chủ tiệm hủ tiếu, quán phở, mỗi ngày thức dậy từ 4-5 giờ sáng để nấu nướng, nhưng thực tế cô hầu như chỉ “làm giờ hành chính”. “Tôi chủ yếu bán hàng trên Facebook, đăng bài trên trang cá nhân, trên các hội nhóm của người ăn kiêng chế độ low-carb (không ăn bột, đường) rồi nhận đơn hàng, ngày hôm nay sẽ làm bánh cho những đơn hàng đã nhận ngày hôm trước, trường hợp còn dư bánh thì sẽ đăng bán tiếp”- Diễm kể. Sau 5 năm, lượng khách hàng của Diễm đã khá ổn định và “hệ thống” cũng hoạt động mượt mà khi cô có các đầu mối cung cấp nguyên liệu ổn định. Làm từ A-Z nhưng Diễm hầu như không bước chân ra khỏi căn nhà thuê ở quận Phú Nhuận. “Nguyên liệu thì chỉ cần mình nhắn, gọi là họ sẽ giao hàng tới cho mình. Làm lâu năm rồi nên tôi cũng đã tìm được những nguồn nguyên liệu tốt. Bán hàng thì đã có shipper. Vì là bánh ăn trong ngày nên tôi chủ yếu dùng các dịch vụ ship hàng nhanh của Grab, GoViet...” - Diễm tâm sự.■ Tiếc vì không thấy mặt khách hàng Từ sau mùa COVID-19, chị Nguyễn Thị Bích Chi (33 tuổi) quyết định biến nhà trọ thành “tiệm ốc” - chỉ bán qua các app giao thức ăn. Chọn ốc tươi ngon, giá rẻ cộng thêm bán khuya đến tận 3h sáng nên tiệm ốc này nhanh chóng được khách hàng ủng hộ. Dù bán online, chị Chi lại rất quan tâm đến khách hàng, chỉ cần đặt món vào giờ nào, cộng thêm vài đặc điểm nhận dạng như cay nhiều, ngọt nhiều... là chị nhận ra ngay khách quen. Thậm chí có khi khách điện thoại, chị Chi lại đoán tuổi, đoán tính cách để tương tác với khách hàng và bẵng đi vài ngày vắng khách quen là nữ chủ quán này cũng “nhớ đơn”. “Tôi ước mơ có được một tiệm nhỏ để vừa bán vừa xem phản ứng của khách hàng, vừa trò chuyện thêm với họ, chứ bán online này cũng khá thật nhưng mình chẳng bao giờ thấy mặt người ăn” - chị Chi nói. Chủ tiệm online đôi khi phải tự mình đi giao hàng. “Các dịch vụ ship hàng như Grab, GoViet thì đơn thu hộ dưới 500.000 đồng, trong khi mỹ phẩm của tôi một sản phẩm đã trên dưới 1 triệu. Các dịch vụ giao hàng khác họ chỉ lấy hàng và giao hàng theo giờ nhất định. Nếu khách hàng hẹn giờ giao cụ thể hoặc giao gấp thì tôi lên các hội nhóm trên Facebook đăng tìm shipper tự do. Không tìm được ai thì cũng phải tự đi ship, cũng đi hoài, đi bục mặt” - Bích Vân kể. Nhiều trường hợp hàng hóa cồng kềnh hoặc người bán phân phối sỉ cho các đại lý bán lẻ lại chọn cách thuê kho ngoài để lưu trữ hàng hóa. Hương Giang - 26 tuổi, đang bán mặt hàng cơ khí máy móc nhập từ Philippines - cho biết cô đang bán hàng trên nhiều sàn thương mại khác nhau và cô cũng chọn cách thuê kho bên ngoài. “Hàng không quá nặng nhưng lại cồng kềnh, nếu dùng dịch vụ lưu kho của các sàn sẽ có mức phí khá cao nên tôi lập ba kho khác nhau ở Đà Nẵng, TP.HCM và Biên Hòa để làm nơi nhập hàng. Mỗi kho sẽ có một nhân viên quản lý, giao nhận hàng và làm hóa đơn, nhân viên đóng gói thường là sinh viên làm theo giờ” - Giang chia sẻ. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thương mại điện tử và cú hích covid -19 Tiếp theo Tags: Mua bán onlineChủ tiệm onlineDịch vụ shipMua bán không thấy mặt nhau
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.