Thu thuế với tài xế xe công nghệ, bao nhiêu là vừa?

CÔNG TRUNG - ÁNH HỒNG 24/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt lùm xùm liên quan đến thu thuế của tài xế xe công nghệ, trong đó tập trung chủ yếu ở tài xế Grab. Nhiều tài xế cho rằng ngưỡng chịu thuế trên 100 triệu đồng/năm, không bao gồm giảm trừ gia cảnh và không trừ chi phí, chẳng hạn như tiền xăng, khấu hao xe…, theo như quy định hiện nay là bất hợp lý và cần phải điều chỉnh.

Tài xế tập trung phản đối thu thuế 60.000 đồng/ngày của Grab vào ngày 26-8 tại TP.HCM. -Ảnh: C.TRUNG
Tài xế tập trung phản đối thu thuế 60.000 đồng/ngày của Grab vào ngày 26-8 tại TP.HCM. -Ảnh: C.TRUNG

Tài xế nói thuế quá “rát”

Theo quy định hiện nay, các tài xế xe công nghệ được xem là cá nhân kinh doanh. Trong trường hợp có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải nộp thuế. Trường hợp có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức thuế 4,5%, trong đó 3% là thuế giá trị gia tăng (GTGT), 1,5% là thuế thu nhập cá nhân. Nếu nhận tiền thưởng thì nộp thuế 1% trên số tiền được nhận.

Tuy nhiên, ngưỡng chịu thuế trên 100 triệu đồng áp dụng từ năm 2015 đến nay là hơn 4 năm, theo các tài xế là đã lạc hậu. Ông Đỗ Ngọc Thịnh - tài xế GrabBike - nói những người chạy Grab hai bánh chủ yếu là người nghèo và cận nghèo. Nhiều người còn phải nuôi mẹ già, con nhỏ.

“Tất cả anh em tài xế chạy xe hai bánh phải chịu mưa nắng cực nhọc, chạy 8 tiếng không đủ ăn nên phải chạy lên 10 - 12 tiếng mỗi ngày. Chúng tôi cũng đi làm không có ngày nghỉ, không có những chế độ ưu đãi nào, vậy mà không được giảm trừ gia cảnh, thậm chí các khoản chi phí thường xuyên rất lớn như xăng dầu, Internet, hư hao xe, trang phục, mũ bảo hiểm... đều không được khấu trừ khi tính thuế” - ông Thịnh bức xúc.

Ông Thịnh cũng đề nghị trước khi thu thuế, Nhà nước nên quan tâm đến gia cảnh của người nộp thuế. “Hiện nay, tài xế xe ôm công nghệ bị áp thuế dưới dạng cá nhân kinh doanh, nhưng thực tế chạy xe ôm là gần như dưới cùng của xã hội rồi” - ông Thịnh nói.

Nhiều tài xế khác cho biết hiện nay “cuộc chiến” giữa các đơn vị ứng dụng công nghệ như Grab, Go-Việt, Vato, Be hay giao nhận thức ăn như Now, Beamin... rất khốc liệt, khiến thị phần ngày càng bị chia nhỏ, anh em tài xế phải làm ngày đêm mới đủ thu nhập. Trong khi việc chạy xe hai bánh không phải lúc nào cũng có khách đều như 2 năm trước, có lúc phải đợi 30 phút mới “nổ” cuốc.

Một tài xế xe công nghệ nhẩm tính thu nhập thực của tài xế hai bánh chỉ 55-60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu cho Grab, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng nhớt, hao mòn xe, 4G, điện thoại... Nếu tổng doanh thu của tài xế được ghi nhận trên ứng dụng Grab là 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập thực tế dưới 6 triệu/tháng.

Còn tài xế nào cố gắng chạy sẽ được thêm khoảng 3 triệu tiền thưởng, như vậy tổng thu thập cũng chỉ 9 triệu đồng/tháng. Mà để được tiền thưởng của Grab cũng “trần ai khoai củ”, mỗi ngày phải chạy tới 12-15 tiếng mới lấy mức thưởng 200.000-300.000 đồng/ngày.

Anh Nguyễn Văn Tiến - tài xế GrabBike - cho biết cứ doanh thu 1 triệu đồng thì Grab khấu trừ 20%, 10% cho tiền xăng, khoảng 10 ngày phải thay 1 bình nhớt 80.000 đồng, mỗi ngày tốn 7.000 đồng tiền 4G, mỗi 6 tháng thay một cặp lốp xe...

Tất cả chi phí đó trong trường hợp không xảy ra hư hao, bệnh tật, tai nạn thì đã chiếm tới 30% thu nhập, hoàn toàn không được khấu trừ. “Nhà nước có chủ trương xóa nghèo bền vững, nhưng với cách đánh thuế này thì chúng tôi mãi nghèo bền vững” - anh Tiến nói.

Kiến nghị nâng lên 150 - 200 triệu đồng/năm

Trước hàng loạt lùm xùm về thuế, chiều 6-9, Cục Thuế TP.HCM và Grab đã có cuộc đối thoại với hàng trăm tài xế của Grab. Ông Phạm Mi Sên - tài xế GrabBike - đã soạn sẵn bản kiến nghị với nhiều chữ ký của tài xế, mong cơ quan chức năng, đại diện là cơ quan thuế có mặt tại buổi đối thoại, cam kết có ý kiến cụ thể, giải quyết rõ ràng.

Ông Sên nói anh em tài xế được Grab thu hộ 4,5% thuế giúp Nhà nước là không sai, cơ quan thuế cũng không sai, nhưng bất hợp lý chính là sự định danh tài xế xe ôm là “cá nhân kinh doanh”, khiến họ không được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ông Sên đề nghị cần phải xem xét vấn đề định danh cho công việc vận chuyển hành khách, hàng hóa của tài xế Grab hai bánh, bởi tài xế xe hai bánh đang được định danh tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác như taxi, xe buýt, xe tải... để áp dụng chung một biểu thuế là chưa hợp lý.

“Điều kiện làm việc của chúng tôi khắc nghiệt hơn các loại phương tiện khác. Nếu như ôtô có túi khí, dây đeo an toàn góp phần bảo đảm cho người vận hành thì tài xế xe hai bánh có duy nhất mũ bảo hiểm, chưa kể nguy cơ bị trấn lột, cướp đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó, quyền lợi về bảo hiểm vật chất với ôtô được quy định chặt chẽ, còn với xe máy hoàn toàn bị bỏ ngỏ...” - ông Sên nói.

Cũng theo tài xế Sên, loại hình vận chuyển bằng xe hai bánh đã có từ rất lâu nhưng chưa từng được xếp vào đối tượng chịu thuế. Đây là loại hình vận tải đặc thù, đòi hỏi phải có những điều khoản phù hợp, không thể đánh đồng với những loại hình vận chuyển khác. “Chúng tôi đề xuất nâng mức thu nhập phải chịu thuế lên 150 triệu đồng/năm và tiếp tục xem xét điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới” - ông Sên nói.

Nên công bằng giữa các đối tượng nộp thuế

Trao đổi với TTCT, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng khi xây dựng luật, cơ quan thuế tính toán mức 100 triệu đồng (khoảng 8,4 triệu đồng/tháng), gần tương đương mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ cần doanh thu vượt lên trên 100 triệu đồng, người kinh doanh phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu thay vì chỉ tính phần vượt này, khiến nhiều hộ cá nhân kinh doanh bức xúc.

Theo ông Sơn, mức doanh thu 100 triệu đồng/năm có thể được xem là con số lớn ở những địa bàn vùng xa, nhưng với những địa phương có mức sống cao như Hà Nội và TP.HCM thì mức này không thấm vào đâu. Kiến nghị nâng ngưỡng tính thuế từ mức 100 triệu đồng hiện nay lên mức cao hơn của tài xế xe công nghệ, theo ông Sơn, là hợp lý.

Tuy nhiên, nên xem xét điều chỉnh chung cho đối tượng là các cá nhân kinh doanh, trong đó có đối tượng tài xế xe công nghệ, chứ không nên chỉ điều chỉnh riêng cho đối tượng tài xế.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cho rằng vừa qua đã có đề xuất về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương vì mức 9 triệu đồng/tháng quá lạc hậu.

“Khi mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương được nâng lên thì ngưỡng chịu thuế của các cá nhân kinh doanh, trong đó có tài xế xe công nghệ, cũng nên nâng lên tương ứng để tạo công bằng giữa các đối tượng chịu thuế” - ông Nghĩa nói.

Về đề xuất tăng mức chịu thuế của các tài xế từ 100 triệu lên 150-200 triệu đồng, theo ông Nghĩa, mức điều chỉnh nên dựa theo căn cứ nhất định, chẳng hạn lương tối thiểu hay mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI)...

Liên quan đến phản ảnh của các hộ kinh doanh nói chung và tài xế công nghệ thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do có sự không tương đồng giữa các sắc thuế. Chẳng hạn cùng là hoạt động vận tải, nhưng cá nhân đang thiệt thòi hơn vì không được trừ chi phí, trong khi doanh nghiệp được trừ.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng liên tục giảm thời gian qua, trong khi biểu thuế với cá nhân không giảm. “Về lâu dài, nên điều chỉnh tương ứng giữa hai sắc thuế nhằm tạo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế”, theo ông Nghĩa.

“Có thể điều chỉnh mức doanh thu trên 150-200 triệu đồng/năm”

Ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM, cho hay thời gian qua có rất nhiều ý kiến về việc xem xét lại quy định cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Theo ông Thiện, khi xây dựng luật, cơ quan chức năng đã tính toán cách tính sao cho đơn giản nhất với cá nhân, vì rất khó để yêu cầu cá nhân phải lưu giữ chứng từ. Do vậy, ngành thuế mới đưa ra phương án tính theo thuế suất trên doanh thu.

“Tuy nhiên, trên thực tế có phát sinh những bất cập, do vậy Cục Thuế TP sẽ ghi nhận các ý kiến phản ảnh và kiến nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để cơ quan này báo cáo Quốc hội nhằm có điều chỉnh hợp lý. Hơn nữa, mức 100 triệu đồng được áp dụng từ đầu năm 2015, đến nay sau hơn 4 năm đã có sự trượt giá, do vậy cơ quan thuế sẽ ghi nhận để kiến nghị điều chỉnh, có thể là đề xuất mức doanh thu trên 150-200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế” - ông Thiện nói.■

Tài khoản của tài xế GrabBike, GrabExpress và GrabFood ngày 26-8 bất ngờ trừ 60.000 đồng/ngày với nội dung: Grab thu hộ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế với đối tác có doanh thu đạt 100 triệu đồng/năm. Thực tế có nhiều tài xế đến thời điểm này doanh thu mới đạt khoảng 70 triệu đồng vẫn bị trừ thuế, khiến tài xế tập trung phản đối chính sách về việc thu thuế tại văn phòng của Grab.

Sau 1 ngày triển khai thu thuế thì sáng 27-8, Grab thông báo ngừng thu hộ thuế với các đối tác tài xế có mức thu nhập chưa đạt đến 100 triệu đồng/năm tính đến thời điểm hiện tại và sẽ hoàn trả số tiền đã thu vào ví của đối tác tài xế.

Ngày 6-9, Cục Thuế TP.HCM và Grab đã có cuộc đối thoại với hàng trăm tài xế của Grab nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến thuế.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế - cho biết chính sách thu thuế đối với tài xế Grab được thực hiện từ năm 2017, hiện nay vẫn thực hiện bình thường. Grab có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế của các tài xế đối với những cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Grab được hiểu là thu hộ cho Nhà nước.

Tài xế Grab là cá nhân kinh doanh nên mức thuế là 4,5%, trong đó 3% là thuế giá trị gia tăng, 1,5% là thuế thu nhập cá nhân. Vì là cá nhân kinh doanh nên sẽ tính thuế đối với những người có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, họ cũng không thuộc đối tượng phải quyết toán thuế cũng như được giảm trừ gia cảnh như người có thu nhập từ tiền công tiền lương.

Giải thích việc thu nhập của tài xế Grab không được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng khi tính toán, với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm mới phải tính thuế cũng tương đương như mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng đối với thu nhập của người làm công ăn lương. Bên cạnh đó, mức thuế suất 4,5% là khá thấp so với cá nhân kinh doanh ngành nghề khác như thương mại 7%, thuê nhà là 10%.

“Nếu một năm một tài xế có doanh thu 100 triệu đồng thì số tiền thuế phải nộp là 4,5 triệu đồng. Chia bình quân ra mỗi tháng, tiền thuế khoảng 380.000 đồng. Đây là mức phù hợp” - đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân cho hay.

Về quản lý thuế đối với Grab, bà Tạ Thị Lan Phương, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, cho biết đến thời điểm này quản lý doanh thu của tài xế rất tốt.

Về đề xuất tăng mức doanh thu tính thuế của tài xế Grab lên 150-200 triệu đồng/năm thay vì 100 triệu đồng/năm như hiện nay, một ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng đề xuất này là hợp lý bởi doanh thu không được trừ chi phí, không được giảm trừ gia cảnh...

Mặt khác, với mức giảm trừ gia cảnh cho người có thu nhập từ tiền công, tiền lương đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất lên Chính phủ để trình Quốc hội thì doanh thu tính thuế của tài xế công nghệ cũng cần phải tăng lên để đảm bảo công bằng, khoan sức dân, chứ không phải là tận thu.

L.THANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận