Báo cáo sự cố y khoa: Khuyến khích thôi chưa đủ

LAN ANH 24/09/2019 22:09 GMT+7

TTCT - Thống kê chung của thế giới được phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết: cứ 1 phút có 5 người tử vong do chăm sóc y tế không an toàn.

 

Ở các nước phát triển, tỉ lệ người bệnh có tổn thương liên quan đến chăm sóc y tế (nhiễm khuẩn nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi bệnh viện, tai biến do nhầm lẫn, sai sót y khoa…) khoảng 6-15%. 

Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này có thể còn cao hơn, nhưng tại VN hiện nay số lượng sự cố y khoa mỗi năm bao nhiêu vẫn còn là một ẩn số. Hệ thống báo cáo sự cố y khoa mới ở giai đoạn khởi đầu là khuyến khích các bác sĩ (và nhân viên y tế) báo cáo sự cố y khoa.

Khi bác sĩ báo cáo sai sót y khoa

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những sự cố y khoa ở VN rất phức tạp, đa dạng, nhiều mức độ, nhưng cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Nhân viên y tế đều biết điều này và xảy ra hằng ngày” - ông cho biết.

Thực tế hầu như ngày nào truyền thông cũng nhắc tới những sự cố y khoa. Trong đó có những sự cố nổi bật như tháng 5-2017 có tới 8 người bệnh tử vong khi đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân của sự cố này vẫn đang gây tranh cãi, nhưng theo kết luận điều tra của cơ quan công an là do chất tẩy rửa tồn dư trong đường ống cấp nước RO.

Trong tháng 6-7 vừa qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện trung ương tuyến cuối của cả nước, xảy ra 2 sự cố rất “lạ”: khoan nhầm chân bệnh nhân và chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân cấp cứu không sát, không chặt chẽ làm bệnh nhân tử vong. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng từng mổ nhầm chân bệnh nhân. Đây là những sai sót ít người tưởng tượng xảy ra ở bệnh viện tuyến cuối, nhưng thực tế vẫn xảy ra.

Tuy nhiên, rất ít sự cố như thế được bệnh viện báo cáo, mà phần lớn được phát hiện do người bệnh khiếu nại. Nhưng người bệnh chỉ có thể khiếu nại trong trường hợp sự cố lớn, hậu quả/tai biến rõ ràng hoặc quá bất thường.

Còn lại những sự cố như viêm phổi bệnh viện, nhiễm trùng vết mổ hoặc hàng loạt trẻ bị lây chéo bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương trong mùa dịch sởi 2014 (có trường hợp đã tử vong) đều không biết rằng mình đã gặp phải một sự cố y khoa. Vì thế, hệ thống báo cáo sự cố mà Bộ Y tế đang thiết lập, theo ông Khoa, là tới bệnh viện tuyến huyện, để khuyến khích thầy thuốc… tự báo cáo sai sót của mình.

Tự nhận sai, liệu có ổn?

Y khoa là ngành có nhiều đặc thù, nếu không phải là dân trong nghề thì không thể biết đâu là đúng, đâu là sai. Nhiều trường hợp nếu thầy thuốc không nói, chẳng ai có thể biết đó là sai. Đơn cử là hành động rửa tay trước khi khám chữa bệnh, chạm, sờ vào người bệnh nhân thì theo con số được Bộ Y tế công bố, cao nhất cũng chỉ đạt 80-90%. Tuy nhiên, việc thực hiện này còn tùy theo có giám sát hay không, nếu không giám sát, nhiều thầy thuốc chẳng rửa tay trước khi khám chữa bệnh.

Nếu thầy thuốc không rửa tay, nguy cơ người bệnh bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết mổ có thể xảy ra. Sau này, nếu sự cố nhiễm trùng xảy ra, chẳng người bệnh nào biết nguyên do, họ nghĩ bệnh mình nặng và chịu đựng điều đó.

Trong khi việc thầy thuốc không thực hiện một hành động rất đơn giản là rửa tay kéo theo rất nhiều hệ lụy: sự cố y khoa, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, khi xây dựng một khoa không kháng sinh thông qua việc tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn, chi phí kháng sinh sử dụng cho người bệnh giảm xuống hàng chục lần.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết trong bảng kiểm đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019 có mục báo cáo sự cố y khoa, lần đầu tiên Bộ Y tế khuyến khích các thầy thuốc và bệnh viện tự nhận và báo cáo rộng rãi sai sót/sự cố của mình, xảy ra tại bệnh viện mình.

Nhưng ông Khoa cho rằng “cần phải thay đổi văn hóa về sự cố y khoa”, bởi 70% nguyên nhân sự cố là do lỗi chung (do bệnh viện chưa phổ biến đầy đủ quy định, việc kết nối giữa các bộ phận chưa hoàn hảo…), chỉ 30% là lỗi cá nhân, nhưng khi sự cố xảy ra thì bệnh viện luôn tìm xem cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Giờ yêu cầu tự báo cáo để “lộ” ra bác sĩ nào làm sai, sai như thế nào, rồi phải đền bù cho bệnh nhân, báo chí đăng tin… Câu hỏi âm thầm sẽ là “Ai lại đi tự nhận sai “dại dột” như thế?”.

Bảo hiểm trách nhiệm cho bác sĩ

Luật khám chữa bệnh hiện hành và nghị định 102 hướng dẫn luật này đã quy định: các bệnh viện phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho bác sĩ. Nếu xảy ra sự cố y khoa, cơ quan bảo hiểm sẽ đứng ra làm trọng tài và sau đó chi trả phí đền bù sai sót.

Đây từng được coi là hướng mở để bác sĩ mạnh dạn hơn trong báo cáo sự cố y khoa, từ đó cơ quan quản lý có thể nhận diện sai sót y khoa xảy ra từ các khâu nào là chính, sự cố nào hay gặp, thói quen nào hay dẫn đến sai sót… nhằm có biện pháp can thiệp.

Tuy nhiên, 3 năm sau khi thời hạn khuyến nghị phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho thầy thuốc, đến nay điều này vẫn còn xa lạ với các bác sĩ ở VN. Lý do là bệnh viện đang ở giai đoạn tự chủ tài chính, luôn tính toán chi phí xem cắt được khoản chi nào, bảo hiểm chính là mục bị cắt, thậm chí không được tính vào danh sách các khoản phải chi. Có thể bệnh viện nghĩ người bệnh làm sao biết họ gặp sự cố y khoa để khiếu nại, ngoại trừ những sự cố lớn.

Nhưng khi thầy thuốc chưa có bảo hiểm, người bệnh sẽ phải chịu thiệt. Mỗi khi sự cố xảy ra, nếu quá bất thường, người bệnh khiếu nại, báo chí truyền thông vào cuộc thì còn được đền bù, còn không phải chấp nhận rủi ro. Ngày 17-9 năm nay được coi là “Ngày an toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất” với khẩu hiệu “Hãy nói ra!”.

Bác sĩ hãy nói ra nếu không may có sai sót. Nhưng với các bác sĩ VN, mỗi ngày phải khám trên 50 bệnh nhân, phải mổ mấy ca bệnh, phải loay hoay với phòng mạch tư, rất nhiều thứ áp lực nên sai sót là dễ có. Trong khi những tiền đề để bác sĩ có thể nói ra sai sót của mình, như bảo hiểm trách nhiệm, lại chưa có. Và người bệnh vì thế vẫn phải chịu thiệt thòi.■

Những sự cố y khoa được xem là nghiêm trọng

Theo thông tư 43 của Bộ Y tế (ban hành ngày 26-12-2018) về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh, có hơn 28 trường hợp được xem là các sự cố y khoa nghiêm trọng gồm: phẫu thuật sai vị trí (bộ phận cơ thể); phẫu thuật sai người bệnh; phẫu thuật sai phương pháp (sai quy trình) gây tổn thương nặng; bỏ quên y dụng cụ, vật tư tiêu hao trong cơ thể người bệnh sau khi kết thúc phẫu thuật hoặc những thủ thuật xâm lấn khác; tử vong hoặc di chứng nặng liên quan tới thuốc, thiết bị hoặc sinh phẩm.

Người bệnh tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến lỗi dùng thuốc; người bệnh tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến tán huyết do truyền nhầm nhóm máu; sản phụ tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến quá trình chuyển dạ, sinh con; nhầm lẫn trong cấy ghép mô tạng (bao gồm nhầm lẫn tinh trùng hoặc trứng trong thụ tinh nhân tạo); tai nạn do thiết kế đường oxy hay những loại khí khác cung cấp cho người bệnh (nhầm lẫn chất khí, chất khí lẫn độc chất); giả mạo nhân viên y tế để điều trị cho người bệnh; tấn công tình dục người bệnh trong khuôn viên bệnh viện…

Xử lý an toàn cho bệnh nhân trước khi báo cáo

Điều 9 thông tư 43 quy định về xử lý và phản hồi về báo cáo, xử lý sự cố y khoa như sau: Nhân viên y tế làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện sự cố y khoa phải xử lý ngay để bảo đảm an toàn cho người bệnh trước khi báo cáo cho bộ phận tiếp nhận và quản lý sự cố y khoa.

Sở y tế chỉ đạo trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh và điều tra, báo cáo nhanh cho Bộ Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố đối với sự cố y khoa quy định tại điểm b khoản 1 điều 5 (sự cố y khoa gây tử vong cho 1 người bệnh và nghi ngờ có nguy cơ tiếp tục gây tử vong cho người bệnh tiếp theo, hoặc sự cố y khoa gây tử vong cho 2 người bệnh trở lên trong cùng một tình huống, hoàn cảnh hoặc do cùng một nguyên nhân…).

Bộ Y tế chỉ đạo trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh và điều tra, báo cáo nhanh trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố. Đơn vị đầu mối của Bộ Y tế, sở y tế phản hồi thông tin cho các cá nhân, tổ chức có báo cáo sự cố y khoa bằng văn bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận