Nhớ HLV Trần Thanh Ngữ: 'Tụi con cứ đá như đánh ghen ấy!'

HUY THỌ 09/12/2019 22:12 GMT+7

TTCT - Từ những ngày đầu hội nhập cho tới thời hiện tại, thể thao nữ Việt Nam đã luôn là mũi nhọn của thể thao nước nhà, bất chấp những thiệt thòi chung của nữ giới trong xã hội và nói riêng trong thể thao.

Cô gái vàng của xe đạp VN Nguyễn Thị Thật thoa kem trước giờ xuất phát. Ảnh: DƯ HẢI
Cô gái vàng của xe đạp VN Nguyễn Thị Thật thoa kem trước giờ xuất phát. Ảnh: DƯ HẢI

14 năm sau khi non sông về một mối, thể thao Việt Nam lần đầu hội nhập với SEA Games vào năm 1989 tại Malaysia. Ở lần đầu tiên dự Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á với tư cách một nước VN thống nhất, chúng ta chỉ có 3 HCV, đều của môn bắn súng, trong đó có một HCV cá nhân do nữ xạ thủ Ngô Ngân Hà mang về. Chị Ngân Hà cùng Đặng Thị Đông và Nguyễn Bùi Thiết còn mang về 1 HCV đồng đội môn súng trường tiêu chuẩn.

Chiếc HCV điền kinh đầu tiên của VN tại đấu trường SEA Games tiếp tục mang dấu ấn nữ giới, đó là Vũ Bích Hường vào năm 1995 ở cự ly 100m rào.

Ở môn bơi lội - một trong hai môn tiêu biểu của thể thao, VĐV đáng tự hào nhất cũng là một cô gái - Nguyễn Thị Ánh Viên.

Chiếc huy chương Olympic đầu tiên của thể thao VN mang màu bạc, có được tại Sydney 2000, và chủ nhân cũng là một người phụ nữ - nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân.

Có quá nhiều cái nhất, cái đầu tiên... của thể thao VN là công lao của chị em phụ nữ. Đến độ, chính các nhà hoạch định chiến lược thể thao VN đã phải đưa ra kim chỉ nam cho sự phát triển: lấy nữ làm chủ công!

Có vô số lần, khi bóng đá nam gây thất vọng cho người hâm mộ, chúng ta thường lấy câu chuyện của các cô gái đá bóng ra làm chuẩn mực. Có thể bóng đá nữ không gay cấn, cạnh tranh và được chú ý nhiều như nam, nhưng để đến được với quả bóng, những người phụ nữ vất vả hơn nam giới ngàn lần.

Chúng ta chưa bao giờ thấy một cầu thủ nam nào đang trong thời đỉnh cao hoặc đã thành danh mà phải đi bán bánh mì để kiếm sống - dù đó là thời bao cấp đầy khó khăn, nhưng với chị em đá bóng, sau buổi tập đi bán xôi, bánh mì là chuyện thường tình!

Một trong những người đã đặt nền tảng, tiền đề để bóng đá nữ VN phát triển - ông Trần Thanh Ngữ, từng dự báo: Đời tui chắc không đợi được HCV SEA Games của mấy tay đàn ông đá bóng, nhưng với chị em thì tin tui đi, chả mấy chốc là có vàng!

Dự báo của ông đã hoàn toàn chính xác: ông từ giã cõi trần đã lâu mà bóng đá nam vẫn chưa có HCV SEA Games. Nhưng với nữ, sau lần đầu dự SEA Games năm 1997 có ngay HCĐ thì đến năm 2001 đã có HCV đầu tiên, và đến nay đã 6 lần đăng quang.

Còn nhớ hồi bóng đá nữ mới khai sinh, ông Ngữ gặp vô vàn khó khăn, mà lớn nhất là định kiến của xã hội. Đầu tiên, ông chẳng thể thuyết phục được cô nào theo mình đi đá bóng, cuối cùng chỉ có chị em bốc xếp ở chợ Cầu Muối, vốn chả sợ trời sợ đất gì cả, là chịu theo ông.

Có những chuyến ông mang đội bóng nữ của mình đi đá giao hữu ở Tây Ninh, cấp trên còn quyết ngăn cản bằng cách rượt theo giữ lại, khiến ông phải lấy vải bạt trùm cầu thủ kín mít trên xe để... ngụy trang!

Dẫn quân đi dự SEA Games lần đầu ở Indonesia, ông vừa bỏ tiền túi chăm lo cho chị em đá bóng, vừa kiêm chăm sóc viên đầy quyền năng. Vốn là dân làm ngành dược, ông rành sáu câu cái chuyện điều chỉnh cho chị em khi tới tháng nhằm tránh lịch thi đấu.

HLV ban đầu của bóng đá nữ không có kinh nghiệm, rồi lúng túng không biết làm cách nào cho chị em hiểu chiến thuật, ông phải xông ra sân chỉ đạo luôn: “Tụi con đá như đánh ghen ấy!”. Tôi còn nhớ như in tiếng cười sảng khoái của ông khi nói: Bảo mấy đứa này đá pressing thì làm sao nó hiểu, nhưng phụ nữ Việt mà bảo đá như đánh ghen là biết ngay là phải đá đeo bám, quyết liệt.

Không chỉ góp phần gầy dựng bóng đá nữ sau ngày thống nhất, ông còn góp sức không ít trong những ngày đầu của các môn đua xe đạp nữ, aerobic... Chính ông thuyết phục lãnh đạo ngành thể thao: Ở châu Á, nhiều nước theo Hồi giáo nên thể thao nữ không mạnh. Nước mình bình đẳng giới nói gì cũng là vào loại ngon lành, vậy nên muốn có thành tích thì cứ đầu tư cho nữ là ngon ăn!

Người khai sinh ra kim chỉ nam “lấy nữ làm chủ công” cho thể thao VN là ông Hoàng Vĩnh Giang, nhưng chính ông Giang cũng thừa nhận mình được ông Tư Ngữ “khai sáng” về thế mạnh của nữ giới Việt Nam trong thể thao.

Vẫn biết chuyện bình đẳng giới ở nước mình còn phải cố gắng nhiều, khi dăm bữa nửa tháng lại nghe, lại thấy clip mấy ông chồng vũ phu nện vợ như kẻ thù. Nhưng những chuyện đó chỉ càng cho thấy chị em phụ nữ xứ ta mạnh mẽ cỡ nào. Kể chuyện phụ nữ Việt mang vinh quang về cho đất nước thì kể cả ngày, từ khoa học, kinh tế, giáo dục... cho đến cái lĩnh vực đọ cơ bắp là thể thao.

Đáng trân trọng hơn, đó là mặt sau nào của chiếc huy chương cũng xù xì; nhưng độ xù xì của những chiếc huy chương do nữ giới mang về hơn hẳn đàn ông. Nói điều đó không phải để làm vui lòng phụ nữ nhân ngày 20-10, vì quý ông phải hiểu là họ tập luyện, thi đấu... xong là xong, gần như chả phải làm gì nữa, ít phải lo con cái, đi chợ nấu ăn; không phải tới tháng lại mất máu, đau bụng thấu trời xanh; không phải chịu lắm dị nghị từ xã hội...

Tóm lại, nể lắm các chị!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận