Từ biển Đông đến RIMPAC

DANH ĐỨC 03/06/2018 03:06 GMT+7

TTCT - Tình hình Biển Đông đang thay đổi chóng vánh và dồn dập, kèm theo những “bình luận” trích từ nhiều nguồn dễ gây ngộ nhận tương quan “nhân quả”. Các sự kiện trên Biển Đông liên quan gì tới cuộc tập trận RIMPAC và những động thái mới của Mỹ? Các dữ kiện sẽ cho phép nhận chân tình hình.

Tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh: Asia News
Tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh: Asia News

 

“Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đối hạm, đối không, cùng các thiết bị nhiễu sóng tại các thực thể tranh chấp ở khu vực Trường Sa của Biển Đông. Việc Trung Quốc vừa cho hạ cánh máy bay ném bom trên đảo Phú Lâm cũng đã làm căng thẳng nổi lên” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo hôm 23-5.

Chi tiết mới về máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc được đưa đến đảo Phú Lâm, vốn của Việt Nam, không là một vu oan giá họa hay là chuyện cũ xới lên, mà là tin chính thức xuất hiện trên Nhân Dân Nhật Báo hôm 18-5 qua đoạn video quay cảnh máy bay hạ cánh xuống đường băng.

Theo The Dipolomat, loại máy bay mà Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm là máy bay ném bom chiến lược H-6K, động thái này buộc Mỹ năm ngày sau đó hủy lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.

Phòng thủ hay tấn công?

H-6K là thế hệ máy bay ném bom chiến lược H-6 thứ nhì, được xem là tương đương B-52 của Mỹ, có thể mang bảy tên lửa hành trình. Thế nên việc đưa H-6K ra đảo Phú Lâm là một động thái gườm sẵn năng lực tấn công, chớ không chỉ mang tính phòng thủ như việc bố trí tên lửa đối hạm, đối không và nhiễu điện tử như Bắc Kinh cho tới nay vẫn “thanh minh”.

Ngày 21-5-2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng: “Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc..., làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực... Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa...”.

Hai ngày sau, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng tôi tin rằng những triển khai gần đây và việc tiếp tục quân sự hóa là vi phạm lời hứa của Chủ tịch Tập (Cận Bình) với Hoa Kỳ và thế giới về việc không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở biển Hoa Nam chỉ nhằm tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực”;

và “trong khi Trung Quốc vẫn cho rằng việc xây dựng đảo là để đảm bảo an toàn trên biển, hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ nghề cá cùng các chức năng phi quân sự khác, việc bố trí các hệ thống vũ khí này chỉ dành cho mục đích quân sự. Chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc loại bỏ các hệ thống quân sự ngay lập tức và đảo ngược quá trình quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp”.

Từ đó mới dẫn đến quyết định ngày 23-5 của Bộ Quốc phòng Mỹ: “Như một phản ứng ban đầu với việc tiếp tục quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Hoa Nam (Biển Đông), chúng tôi đã hủy bỏ việc mời hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập hải quân RIMPAC 2018. Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của diễn tập RIMPAC”.

Đồng thời với việc đưa máy bay ném bom chiến lược ra đảo Phú Lâm, Trung Quốc còn đưa tàu chiến và tàu kiểm ngư hộ tống các đoàn tàu cá xâm nhập vùng biển đảo Lý Sơn của Việt Nam, như từng đưa tàu cá xâm nhập vùng biển Indonesia, song bị Chính phủ Indonesia cương quyết cho tàu hải quân ra đánh chìm hết, bắt ngư dân vào đất liền, trả người sau.

Trung Quốc cũng có lúc đưa những đoàn tàu đánh cá lớn xâm nhập vùng biển Hàn Quốc. Vào tháng 1-2018, 50 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào đánh cá ở gần đảo Gageo Do. Bị phát hiện và cảnh cáo, tàu cá Trung Quốc tìm cách va chạm với tàu tuần tra Hàn Quốc, buộc phía Hàn Quốc phải bắn cảnh cáo cho đến khi họ phải rút lui.

Kể từ sau vụ tàu Trung Quốc ủi tàu cảnh sát biển Hàn Quốc khiến tàu này bị lật hồi tháng 10-2016, Hàn Quốc đã ban hành chính sách mới cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong trường hợp bị các tàu cá Trung Quốc chống trả. Mới nhất, hôm 29-5, theo Cục Kiểm ngư Hàn Quốc, nước này đã phá hủy 7 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ vì cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Hàn Quốc. Đây là quyết định phá hủy đầu tiên do Hàn Quốc tiến hành đối với các tàu cá Trung Quốc trong năm nay.

RIMPAC và tự do hàng hải

Câu hỏi đặt ra: RIMPAC là gì mà bây giờ Mỹ không mời Trung Quốc tham gia nữa? Đây có phải là kiểu diễn tập quân sự “kết bè hiệp đảng”? Không, nếu biết rằng trong danh sách mời diễn tập năm nay có đến 27 nước vành đai Thái Bình Dương và cả bên ngoài, trong đó có Trung Quốc - hải quân nước này từng tham gia diễn tập các năm 2014 và 2016.

Năm 2014, Trung Quốc tham gia đông đảo với bốn tàu được mời và một tàu do thám không được mời. Năm 2016, họ lại có năm tàu được mời. Năm đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố: “Cách tiếp cận của chúng tôi với vấn đề an ninh trong khu vực là luôn bao gồm mọi người, đó là cách tiếp cận cơ bản của chúng tôi...

Chúng tôi phát triển quan hệ đối tác mới với các nước như Ấn Độ và Việt Nam, mà chúng tôi không có mấy chục năm kinh nghiệm như với Philippines. Các nước này đang đến với chúng ta... Nếu Trung Quốc muốn tham gia, tôi nghĩ rằng đây là nơi tốt nhất để chúng ta cùng có mặt”. Cần nhớ rằng năm 2014 và 2016, tình hình Biển Đông đã căng thẳng rồi, song chưa vượt qua ngưỡng tạm nhận là “phòng thủ” để bước sang giai đoạn sẵn sàng “tấn công”.

Ngay cả năm nay, cho tới tháng 4, hải quân Trung quốc còn trong tư thế tham gia, các sĩ quan hải quân Trung Quốc vẫn có mặt trong hơn 1.000 quan chức từ 27 nước tham gia RIMPAC 2018, trong đó có cả Việt Nam, Brazil, Israel cùng Sri Lanka lần đầu tham gia, đến San Diego họp bàn chuẩn bị kế hoạch diễn tập hợp tác nhằm đảm bảo an toàn các tuyến hàng hải và an ninh trên các đại dương.

Mỹ cũng đã nói rõ việc hủy lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 chỉ là “phản ứng ban đầu” đối với việc Bắc Kinh quân sự hóa ồ ạt trên Biển Đông, ngụ ý sẽ còn các hậu quả nữa nếu việc này tiếp tục.

Cụ thể, phản ứng tiếp theo là việc hai tàu hải quân Mỹ, khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam, đã đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để thực thi quyền tự do hàng hải hôm 27-5. Việc Mỹ lần đầu đưa cùng lúc hai tàu chiến tuần tra ở đây cho thấy:

(1) Mỹ đánh giá cao và đầy đủ những bất trắc có thể xảy ra, nhất là sau vụ tuần tra trước đó hôm 23-3 của khu trục hạm USS Mustin qua đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và vụ tuần tra hôm 17-1 của khu trục hạm USS Hopper gần bãi Scarborough, mà đáp lại Trung Quốc đã triển khai trên đảo Phú Lâm một lực lượng lớn tên lửa đối hải, đối không, thiết bị gây nhiễu và máy bay chiến đấu J-11.

Các động thái trên thực tế đã biến nơi này thành một khu vực A2/AD (Anti-Access/Area Denial: Chống tiếp cận/Không cho xâm nhập). Mỹ huy động một lúc hai khu trục hạm hôm 27-5 chính là để đề phòng mọi bất trắc dù họ đang thực thi quyền tự do hàng hải hợp pháp.

(2) Lựa chọn hai tàu USS Higgins và USS Antietam cũng cho thấy hải quân Mỹ đánh giá rủi ro cao ở mức nào. Chiếc USS Higgins thuộc nhóm khu trục hạm lớp Arleigh Burke, có khả năng phóng tên lửa hành trình như Tomahawk, tên lửa đối hạm Harpoon, tên lửa săn ngầm RUM-139 và các loại tên lửa phòng không tầm gần, tầm trung, tầm xa (RIM- 66, RIM-171) cùng tên lửa RIM-162 chống tên lửa diệt hạm, thường được sử dụng như lá chắn phòng không bảo vệ hạm đội.

USS Antietam cũng trang bị các loại tên lửa tương tự, song tập trung hơn vào khâu tác chiến đối hạm. Chiếc USS Higgins cũng chính là tàu mà hôm 15-4 đã phóng 23 tên lửa Tomahwak vào Syria. Đáp lại, Trung Quốc đã huy động cả tàu chiến và máy bay gườm sẵn trên các tiền đồn lấn chiếm và bồi đắp trái phép ở Hoàng Sa, đồng thời tỏ ra giận dữ trước thông điệp rõ ràng từ chiếc USS Higgins.

(3) Thông điệp đó của Mỹ là họ muốn cho thấy khả năng sẵn sàng đối diện mọi bất trắc, sẵn sàng “thách thức những yêu sách chủ quyền thái quá trên biển và thể hiện sự cam kết của Mỹ trong việc duy trì các quyền, quyền tự do và quyền sử dụng biển và không phận được bảo đảm cho mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế”.

Bằng ưu thế quân sự tuyệt đối so với các nước khác trong khu vực có hoặc không có tranh chấp, Trung Quốc đã thiết lập một vùng A2/AD trên thực tế và đang bước qua giai đoạn độc chiếm Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải - hàng không. Mỹ là nước duy nhất không kém thế về quân sự và cũng là nước duy nhất còn có khả năng thách thức yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, bất hợp lý, và ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động bình thường, đúng luật pháp quốc tế, trên biển.■

Các vụ “chặn đường xét giấy” của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông hiện có lẽ là mối đe dọa hàng đầu với an ninh khu vực. Bắt đầu từ vụ chặn xét chiến hạm INS Airavat của hải quân Ấn Độ hôm 22-7-2011 khi tàu này vừa rời Nha Trang, cách bờ biển Việt Nam khoảng 45 hải lý, các hoạt động đó đã diễn ra suốt một thời gian dài. Gần đây nhất là vụ chặn xét một lúc ba tàu hải quân Úc trên đường đến Việt Nam hôm 15-4. Liệu kịch bản “thực thi chủ quyền” trên biển của họ có tái diễn trong tuần này khi hai chiến hạm Pháp sắp thăm Việt Nam? Cùng lúc với việc gây sức ép quân sự, Trung Quốc đã khóa các mỏ dầu của Hãng Repsol trong thềm lục địa Việt Nam và khóa lối ra biển đánh cá ở Lý Sơn. Nếu tiếp tục với cả tàu quân sự của nhiều nước, nguy cơ Việt Nam - và không chỉ Việt Nam - bị khóa hoàn toàn lối ra Biển Đông, yết hầu của lưu thông hàng hải thế giới, sẽ thành hiện thực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận