Tôi không vỡ mộng, nhưng thất vọng...

LÊ ĐẶNG 19/03/2013 22:03 GMT+7

TTCT - 1. Thời còn học phổ thông, mỗi khi đọc báo, xem tivi thấy ai đó giới thiệu mình là sinh viên trường đại học này kia tôi đều rất nể phục.

Không hẳn là mất phương hướng nhưng thất vọng, tiếc nuối... là cảm giác của các độc giả tham gia loạt “Nhng kẻ lạc đường” kỳ này. TTCT trích giới thiệu tâm sự của một sinh viên vừa tốt nghiệp và một giảng viên trong số các ý kiến này.

Là một thanh niên chưa bước vào đời, vẫn đang “ăn bám” bố mẹ, tôi đặt mục tiêu phấn đấu bằng được vào đại học và cách đây năm năm, tôi đã đạt được mục tiêu đó.

Những kẻ lạc đường
Đó mới là cuộc đời

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Những ngày chuẩn bị hành lý, thủ tục để vào TP.HCM nhập học, tôi hừng hực khí thế. Cảm giác đó cũng gần giống đứa bé 7 tuổi bước vào lớp 1. Tôi tưởng tượng viễn cảnh đại học: đó sẽ là những ngày tháng học tập mệt nhọc, suốt ngày cắm đầu trong thư viện, làm khóa luận, trên giảng đường. Thầy cô dạy đại học, nhất là ở trường tôi, sẽ là những người cực giỏi...

Thế nhưng...

2. Thú thật, tôi và nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đã nghiệm ra rằng... học đại học dễ hơn học phổ thông, ít nhất là ở trường tôi, và ít nhất là khía cạnh điểm số, thành tích. Tìm người tốt nghiệp trung bình khó hơn tìm người khá, giỏi. Thế nhưng bạn được học gì? Chương trình nặng nề lý thuyết, thiếu thực tiễn... là câu chuyện chung, tôi xin không nhắc tới. Nhưng ngay cả một khung chương trình cố định, rõ ràng, sinh viên cũng không nắm rõ.

Việc đăng ký môn học ở học kỳ nào cũng nhốn nháo vì không biết môn đó có bắt buộc hay tự chọn, mấy tín chỉ... Rồi khi đã học xong các môn học lại nổ ra chuyện học thừa vài môn tự chọn mà lại thiếu ngần ấy môn bắt buộc. Chuyện hạch sách, làm khó dễ ở các phòng, ban quản lý - hành chính cũng dễ dàng bắt gặp.

Tiếp đến, câu chuyện về sách học, giáo trình cũng bát nháo không kém. Giáo trình là những cuốn sách photocopy chuyền tay nhau, muôn hình muôn vẻ và dường như không có sự thống nhất giữa một tổ bộ môn. Sách giả, sách lậu được bày bán tràn lan ở các tiệm sách. Tất cả để phục vụ mục tiêu duy nhất của sinh viên: thi qua môn. Học qua môn thì không khó, tốt nghiệp cũng không khó. Nhưng tốt nghiệp rồi, mọi kỹ năng của bạn đều “thường thường bậc trung”.

Đó là chưa nói nơi tôi học nhốn nháo như một cái chợ. Những ngôi nhà trọ mọc lẫn với hàng quán ven đường, quán karaoke. Ở đó quán bida, quán nhậu, quán cà phê dày đặc mà nhà sách lại hiếm hoi. Công viên, sân bóng đá tìm mỏi mắt mới ra.

Tất nhiên một môi trường như vậy cũng vừa đủ để sinh viên sinh sống, học tập nhưng lại nảy sinh những câu chuyện để người ta liên tưởng đến câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhiều sinh viên nam là khách hàng thân thuộc của quán nhậu, bida. Chuyện bỏ học, trốn tiết để la cà các quán cà phê có WiFi chẳng hiếm. Nạn trộm cướp là nỗi sợ của sinh viên, họ như rụng rời khi bị mất laptop, xe máy, họ đau đầu tìm nhà trọ mới với hi vọng tìm được sự an toàn hơn.

Ở đó, sinh viên đi xe máy không cần Luật giao thông, chạy ẩu, lạng lách, chở ba, không mũ bảo hiểm... Sống trong một môi trường như vậy, con người bị “lây”, bị ù lì cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên lỗi chính là do bản thân mình. Nhưng giá như những nhà quản lý biết cải thiện những việc trong tầm tay thì môi trường đó sẽ tốt hơn nhiều.

3. Tôi cầm tấm bằng đại học trên tay mà cảm giác chỉ như cầm một tấm giấy thông hành. Tấm giấy thông hành này kẹp vào hồ sơ mà đi xin việc vì đơn giản các cơ quan đều có yêu cầu cao nhất là “tốt nghiệp đại học chính quy”. Còn những kiến thức tôi học có giúp gì được cho xã hội, có nâng con người tôi lên không, xin cho tôi vẫn đặt dấu chấm hỏi hoài nghi.

“Đừng đổ thừa cho hoàn cảnh” - một câu quen thuộc người ta hay nói với nhau. Ngẫm lại những năm học và thấy câu nói này đúng. Bản thân đã không cố gắng hết mình, không có mục tiêu rõ ràng, không có định hướng đúng đắn. Sống và học cho qua ngày, qua tháng, qua năm.

Tôi đã tốt nghiệp đại học, không vỡ mộng nhưng có thất vọng và hối tiếc.

--------------------

Cũng như hai bạn Khánh Linh và Nguyên Thi, tôi từng là học sinh chăm ngoan suốt thời phổ thông. Ở cấp II, tôi học giỏi đều cả văn lẫn toán. Khi chuẩn bị vào cấp III tôi biết mình yêu văn hơn một chút song không can đảm chọn con đường thơ ca (vì sợ lông bông và đói rách!?) nên đăng ký thi vào lớp phân ban A.

Học toán - lý - hóa khô quá, tôi muốn thi ban B vào ngành y, nhất là sau lần nhập viện cấp cứu hình ảnh bác sĩ chuyên nghiệp và nghiêm túc trong áo blouse trắng đẹp lạ kỳ (!). Tuy nhiên, bản thân sợ kim tiêm và máu mủ nên hiểu sẽ không phù hợp công việc bệnh viện. Cuối năm lớp 12, chẳng ai tư vấn nghề nghiệp, chúng tôi hồn nhiên chọn ngành dự thi theo môn sở trường và tâm lý bầy đàn. Đậu cả bốn trường đại học điểm cao, tôi mạnh dạn chọn đại học kinh tế - khoa quản trị kinh doanh vốn là ngành “hot” nhất bấy giờ.

Vào học làng nhàng với những môn đại cương chán ngắt, rảnh rỗi tôi đăng ký học thêm bằng hai ngành luật cho đỡ phí thời gian. Tôi hứng thú học ngay những môn chuyên ngành hấp dẫn vì được miễn những môn đại cương đã học bên kinh tế. Song song thời gian đó, tôi tranh thủ học vi tính và tiếng Anh buổi tối, nhắm đón đầu tôi học cả tiếng Hoa vào cuối tuần.

Lúc ấy do bận rộn học đủ thứ, tôi không để ý trạng thái của mình, chỉ biết rằng dù thích hay không vẫn phải cố gắng học tốt để có tấm bằng đẹp làm chiếc vé thông hành vào đời. (Hầu như bạn bè của tôi cũng vậy, họ tìm những ý nghĩa khác, niềm vui khác bù vào những vỡ mộng đó, sau này đều thành đạt và ngộ ra rằng đó chỉ là chuyện nhỏ do ngày ấy mình trẻ con kỳ vọng nhiều vào giảng đường đại học nên hụt hẫng thôi).

Thật sự có những môn đạt điểm tối đa là do tôi làm đúng theo bài giảng của thầy cô chứ vẫn lơ mơ về ý nghĩa và vận dụng, mãi khi đi làm một thời gian, đụng chuyện tôi mới thấm dần.

***

Kết quả là tôi tốt nghiệp hai đại học loại giỏi và loại khá, nhưng tiếng Anh chỉ ú ớ, tiếng Trung cũng ậm ờ. Làm trong nước ban ngày, tránh nhàn cư sau giờ tan tầm, tôi dự thi cao học. Bảo vệ luận văn thạc sĩ xong, tôi thi tuyển vào ngạch giảng viên của trường đại học và tham gia giảng dạy vài nơi. Song song đấy tôi vẫn làm việc bán thời gian cho doanh nghiệp.

Thời kỳ đầu đứng lớp tôi rất say mê truyền đạt và tương tác với sinh viên, phấn khởi đến nỗi nghỉ hẳn công tác doanh nghiệp để chuyên tâm giảng dạy. Nhưng qua dăm bảy năm “gõ đầu trẻ”, kinh nghiệm và “thủ thuật” tăng lên thì nhiệt huyết giảm dần.

Và bây giờ sau hơn mười năm đi dạy, đôi khi lên lớp mà như trả bài, nhất là hôm nào có nhiều việc khác phải suy nghĩ khiến tôi giảng như quán tính. Đợt nào con ốm quấy nhiễu mấy đêm liền, tôi đi giảng mà lơ ngơ vì mất ngủ... Tâm sự trăn trở này với đồng nghiệp, nhiều người bảo tôi cả nghĩ, cứ lơ đi và tìm cách khắc phục, rằng đi dạy cũng chỉ là một trong các nghề với đủ hỉ nộ ái ố, đừng hão huyền đặt lên nó những ngôn từ mỹ miều rồi khổ sở gánh vác.

***

Chia sẻ với sinh viên và cựu sinh viên, các em động viên rằng tôi giảng vẫn tốt, nhiều bài truyền lửa lắm, có những tâm tình rất thấm thía giúp các em vỡ ra nhiều điều... thì tôi hiểu bên cạnh đó mình còn giảng nhiều bài chán ngắt, nói nhiều câu tẻ nhạt. Đôi khi nghe báo đài ca tụng “nghề cao quý trong các nghề cao quý” mà chạnh lòng, ngẫm mình đã giảm sút nhiệt huyết thì nên chăng chuyển nghề? Vậy làm gì?

Tự thâm tâm tôi luôn thấy mình có lỗi khi phải gắng yêu nghề mà sống, thường tự trào với bạn bè rằng cái gì mình không làm được thì chỉ cho người khác làm. Đôi lúc lẩn thẩn, đang khỏe mạnh, yên ấm với công việc và gia đình, vẫn hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, vẫn lên lớp đều đều với hôm vui nhộn, hôm rực lửa, hôm ngao ngán, đến tuổi này rồi còn lăn tăn nghề nghiệp?

Tôi thèm một cú hích nào kéo tôi đi, mạnh dạn khám phá lĩnh vực phù hợp, mạnh mẽ sống chết với nghề để còn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui công việc mỗi ngày.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận