Trầm cảm rất gần với ý định tự tử

DIỆU NGUYỄN 03/08/2016 22:08 GMT+7

TTCT - Chưa có thống kê hay nghiên cứu quy mô nào, mới chỉ nhìn từ phòng cấp cứu một số bệnh viện, số ca tự tử trong giới trẻ khiến chúng ta phải giật mình.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn


Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khoảng 50-60% người trầm cảm có ý định tự tử và trên dưới 10% người trầm cảm có hành vi tự tử. Nữ giới bị trầm cảm theo ước tính cao gấp đôi nam giới nhưng tỉ lệ nam giới tự tử thành công cao hơn. Các ca tự tử bằng thuốc hoặc cắt mạch máu là phổ biến.

Không chấp nhận bệnh

Từ phòng khám của mình, ThS tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, số người đến tư vấn tâm lý tăng lên, trong đó có khá nhiều người bị trầm cảm, đã từng tự tử trên một lần bởi rất nhiều lý do khác nhau”.

Áp lực từ cuộc sống khiến số người bị stress, trầm cảm đưa chân đến con đường tự tử là rất gần. Quan sát từ các ca gần đây, bác sĩ Thắng cho biết: “Có rất nhiều áp lực con người phải chịu và đi đến tự sát bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, đáng kể là áp lực tiền bạc, gia đình, tình cảm…”.

Giải thích về mức độ bị trầm cảm nặng hay nhẹ có khả năng dẫn đến hành vi tự tử, chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho biết có thể dựa trên những tiêu chí sau theo tiêu chuẩn DSM5 (đánh giá rối loạn trầm cảm của Hoa Kỳ):

có ý nghĩ về cái chết tái diễn hoặc ý tưởng về cái chết, có kế hoạch tự tử cụ thể bên cạnh các tiêu chí khác như khí sắc trầm cảm (cảm thấy buồn hay trống rỗng, tuyệt vọng, khóc, ở trẻ vị thành niên có thể biểu lộ việc dễ bực tức); giảm cân đáng kể không phải do ăn kiêng hoặc tăng cân; mất ngủ hay ngủ nhiều hầu như mỗi ngày; kích động hay chậm chạp tâm thần vận động;

mệt mỏi hoặc mất năng lượng; cảm giác bị mất giá trị hoặc cảm giác tội lỗi quá mức, có thể đạt đến mức hoang tưởng; giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung chú ý hoặc thiếu quyết đoán…

Điều đáng ngại, theo ThS Huệ, đa số khách hàng sau một vài phiên điều trị thì bỏ cuộc do không chấp nhận thực tại để vượt qua. Điều này rất dễ khiến trầm cảm tái phát, người điều trị không kiểm soát được tình trạng khách hàng.

Đây cũng là tình trạng chung mà theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Trúc Phương (khoa tâm lý học Bệnh viện Tâm thần) chia sẻ, ngoài việc bỏ giữa chừng, bệnh nhân không chịu nhận thức mình bệnh, không chịu hợp tác khám và điều trị khá phổ biến.

Đặc biệt là nhóm trẻ vị thành niên, nên càng lớn mâu thuẫn tâm lý càng cao dẫn đến trầm cảm nặng khi trưởng thành hơn.

Tự tử do bệnh lý

Theo bác sĩ Phương, trẻ vị thành niên tính chủ động không cao, suy nghĩ chưa trưởng thành, lệ thuộc vào gia đình… Trong khi đó, việc hợp tác cá nhân bệnh nhân đã khó, trị liệu gia đình càng khó hơn.

“Ban đầu bệnh nhân được người nhà đưa đi chữa vì một bệnh khác như mất ngủ triền miên, rối loạn lo âu… trong đó có dấu hiệu tự tử, bác sĩ khám chỉ định lên khoa tâm lý để được hỗ trợ kết hợp tiếp tục. Gần đây có trường hợp điển hình người bệnh vừa bị trầm cảm, loạn thần vừa rối loạn nhân cách.

Trong những trường hợp bệnh lý đều phải điều trị bằng thuốc kết hợp nhận thức hành vi và tâm lý nâng đỡ” - bác sĩ Phương cho biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thắng cho biết không ít trường hợp tự tử khi đang điều trị các bệnh tâm thần như rối loạn ám ảnh hành vi cưỡng bức, tâm thần phân liệt, ảo thanh luôn nghe có tiếng nói nào đó bắt mình phải chết, bắt mình giết người… khiến không chịu nổi dẫn đến tự tử.

Cũng có một nhóm bệnh nhân trong giai đoạn đầu điều trị trầm cảm có hành vi tự tử do tác dụng của thuốc... Bác sĩ Phương nhấn mạnh: đối với bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc bắt buộc phải có sự giám sát hoặc bảo trợ của người thân, bệnh viện mới cấp phát thuốc và trao đổi tình trạng bệnh lý, lưu ý những biểu hiện bất thường kịp thời thông báo cho bác sĩ điều trị.

Nếu trong lần đầu điều trị không có người thân đi cùng, lần thứ hai phải có người thân đến hoặc bệnh viện sẽ tìm cách liên hệ với gia đình trước khi kê đơn thuốc.

Quan trọng nhất, theo chuyên gia Minh Huệ, là sự hợp tác của bệnh nhân, gia đình mới đem đến kết quả điều trị tốt nhất. Sự hợp tác sẽ giúp tình trạng bệnh giảm đáng kể ở giai đoạn đầu, sau đó mới là sự hỗ trợ, điều trị từ các bác sĩ và chuyên gia.

“Tại Việt Nam, hệ thống bác sĩ tâm lý lâm sàng còn khá mới mẻ, nhân lực và tiềm lực của ngành còn nhiều khó khăn so với áp lực cuộc sống đang ngày càng tăng khiến căng thẳng và trầm cảm cũng từ đó tăng lên. Chính vì vậy, sự hiểu biết để tự giúp bản thân sớm đưa về trạng thái cân bằng càng sớm càng tốt. Gia đình hiểu được vai trò trong việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng” - bác sĩ Thắng nói.■

Theo số liệu tổng hợp từ chín đơn vị của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM (Bệnh viện quận 3, Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Cần Giờ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM), cả năm 2015 có 724 ca tự tử, trong đó có 391 ca tự tử bằng dược phẩm, 179 ca dùng hóa chất… Trong sáu tháng đầu năm, thống kê từ chín đơn vị trên đã có 349 trường hợp tự tử được đưa đến cấp cứu (160 ca tự tử bằng dược phẩm, 106 ca dùng hóa chất…).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận