"Trật tự đa cực" của BRICS

DANH ĐỨC 03/09/2023 05:39 GMT+7

TTCT - BRICS đang đem lại nhiều hứa hẹn, bằng cớ là Argentina, Ai Cập, Iran, Saudi, Ethiopia và UAE sẽ chính thức gia nhập khối vào ngày 1-1-2024.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Sự mở rộng này, theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, là "phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục của khối này" và "sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của nhiều nước vào trật tự thế giới đa cực".

"Trật tự thế giới đa cực" là từ khóa xác định mục đích của BRICS ngay từ thượng đỉnh đầu tiên với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ở Yekaterinburg (Nga) tháng 6-2009 (lúc đó còn là BRIC, Nam Phi gia nhập năm 2010). 

Tuyên bố chung lần đầu đó nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ với một trật tự thế giới đa cực dân chủ và công bằng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, hành động phối hợp và ra quyết định tập thể bởi tất cả các quốc gia" (điều 12). Từ đó, BRICS chủ trương gắn bó với "ngoại giao đa phương, trong đó Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu" (điều 14).

Khủng hoảng tài chính nổ ra trước đó do các thị trường tài chính không giải quyết được cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn, và vấn đề đang lan rộng ra ngoài biên giới Hoa Kỳ, là một trong những động cơ thôi thúc BRICS ra đời. 

Có thể thấy qua tuyên bố Yekaterinburg 2009 thực tế là các cường quốc mới nổi, do chờ đợi mãi không thấy thay đổi ở những định chế quốc tế lâu đời như IMF hay WB, đã tự tạo "riêng một cõi trời" để sớm tiến tới "một hệ thống tiền tệ quốc tế ổn định, có thể dự đoán được và đa dạng hơn" (điều 3).

Vấn đề không chỉ ở chỗ các nước BRICS nổi lên, mà còn ở chỗ siêu cường đang là bá chủ không nhìn thấy tình hình. Ngay từ năm 2009, tay bỉnh bút Fareed Zakaria - nguyên chủ sự tòa soạn tạp chí ngoại giao Foreign Affairs, rồi Newsweek - đã đặt câu hỏi sát sườn: "Điều gì làm xói mòn quyền bá chủ của Mỹ - sự trỗi dậy của những kẻ thách thức mới hay sự xâm lấn quá mức mang tính đế quốc?" (Foreign Affairs 11-6-2009).

Ngay từ đó, tác giả ngoại giao hàng đầu Mỹ này đã cảnh cáo: "Ngày nay, hành vi hung hăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến cho mọi hành động chống lại đất nước ông dường như đều hợp lý, nhưng cũng đáng đặt câu hỏi: Những động lực nào đã tạo ra sự trỗi dậy của ông Putin và chính sách đối ngoại của ông ngay từ đầu?". Tác giả đồng ý là có những thôi thúc trong nội bộ Nga, song chính Mỹ đã "khơi dậy các lực lượng phục thù và chủ nghĩa phục thù ở Nga".

Nay thì BRICS đang đóng lại cánh cửa đơn cực. Song liệu họ có phải là hiện thân duy nhất của chủ nghĩa đa cực và lá cờ đầu của sự độc lập với Mỹ? Không đơn giản chỉ có "A" và "phi A" - nếu thời kỳ đơn cực sắp kết thúc, thì thời kỳ lưỡng cực cũng đã qua rồi.

Cũng thế, chưa hẳn phi đô la hóa sẽ thành hiện thực với một đơn vị tiền tệ mới. Ngay cả Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, khi được hỏi về điều này trong họp báo sau thượng đỉnh, cũng trả lời: 

"Có ai nói về đồng tiền chung đâu. Tại thời điểm này, mọi sự chú ý đều tập trung vào thương mại song phương... độc lập với hệ thống do Mỹ và các đồng minh phương Tây kiểm soát, không nên phụ thuộc vào đồng đô la, euro hay yen... năm nước (chúng tôi) đã tạo ra một dự án khác có tên là "nhóm tiền tệ dự trữ"... và đây mới là khúc dạo đầu". 

Háo hức cũng tốt thôi, nhưng cũng như châu Âu hợp nhất, bao nhiêu năm nhóm họp để trở thành EU, rồi lập ra đồng euro và bây giờ đang... mạnh ai nấy bơi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận