TTCT - Làm một thí nghiệm nho nhỏ thôi, mang truyện tranh của lũ trẻ thành phố về nông thôn cho trẻ con đọc. Tranh: Lê Thiết Cương Thấy ngay trẻ con ở đâu thì rồi cũng say mê loại sách này. Chỉ khác nhau ở chỗ trẻ thành phố được xem nhiều hơn, chúng sẽ có chọn lọc thể loại theo phong trào ở thành phố. Trẻ nông thôn ít tiếp xúc hơn nên dễ dàng thích thú đọc tất cả những gì chúng có. Nỗi thèm khát đọc truyện tranh của trẻ con Việt là có thật. Chẳng phải bây giờ mới thế. Quãng những năm 1960, lũ trẻ lớn lên trong cơn khát truyện tranh triền miên. Trước ngày chiến tranh phá hoại ở Hà Nội còn có thể mua được một ít truyện tranh Tàu. Phần lớn là truyện chiến đấu của Bát Lộ Quân với hình vẽ anh lính quấn băng trắng trên đầu, mắt sáng quắc căm hờn, tay ôm chặt khẩu tiểu liên K-50M nòng khoét lỗ tỏa nhiệt. Hiếm hoi mới có vài cuốn Tam Quốc vẽ Quan Công, Tào Tháo, trẻ con đọc đến thuộc lòng. Nhiều đứa khéo tay còn có thể vẽ lại y hệt các nhân vật trong truyện, bám sát từng chi tiết mô tả. Trẻ thành phố sơ tán ra các vùng nông thôn thỉnh thoảng được phụ huynh mang về cho tờ báo Thiếu Niên Tiền Phong, ấy là cả một sự kiện lớn. Tụi trẻ chuyền tay nhau đọc đến nhàu nhĩ, có đứa cắt trang cuối cùng in truyện tranh đóng lại thành quyển như một tài sản. Truyện tranh có thể cho mượn hoặc đổi lấy nhiều thứ đồ chơi khác của trẻ nông thôn. Truyện tranh trên báo Thiếu Niên Tiền Phong in đen trắng tô màu nền. Có 12 ô cho một số báo, nhưng hiếm khi mới có một truyện kéo dài nhiều kỳ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ dăm họa sĩ vẽ trang này. Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Huy Toàn, Tạ Lựu, Anh Thường, Trương Hiếu. Mãi cho đến năm 1971 mới có cuốn Sát Thát của Lê Vân và Nguyễn Bích. Nhưng phải có đến hơn chín chục phần trăm truyện tranh xuất bản thời ấy là truyện lịch sử hoặc cổ tích, phần nhiều là thứ khó chinh phục được lũ trẻ bởi hình vẽ quá sơ sài, lời văn thì lại quá lê thê mực thước chính tả. Nên trong ký ức những đứa trẻ ngày ấy, bọn già bây giờ, vệt truyện tranh trên báo Thiếu Niên Tiền Phong được nhớ lâu hơn, chắc vì tương đối cập nhật đời sống hằng ngày hơn. Thời nay thì lại có tí “lạm phát” truyện tranh, đủ dạng, đủ loại, phụ huynh bắt đầu ca cẩm, các nhà giáo dục thậm chí không ngớt than phiền về tình trạng truyện tranh tràn lan “mất kiểm soát”. Nhiều cuốn bị thẳng tay xếp vào dạng “không lành mạnh”, các nhà xuất bản, hệ thống phát hành bị phê phán mạnh mẽ vì để những cuốn sách đó “lọt ra ngoài”. Nhưng nếu để ý một chút thì phần nhiều các ý kiến kêu ca chung chung, chưa thấy những ý kiến thật sắc bén dựa trên luận chứng khoa học và thẩm mỹ về truyện tranh thiếu nhi. Đó là điều bất thường. Ngành công nghiệp xuất bản truyện tranh của châu Á hoàn toàn ngang bằng, có nơi như Nhật Bản còn được đánh giá là vượt trội so với châu Âu và châu Mỹ. Không thể có lý giải nào khác ngoài việc nó hay. Ngạc nhiên lớn nhất là chỉ có trẻ con Việt mới thấy nó hay. Ngạc nhiên thứ hai là mọi người lớn đều từng là trẻ con đọc truyện tranh thì bây giờ lại chỉ nhìn thấy khía cạnh không hay của nó. Rất nên chân thành thừa nhận trong chuyện này chính người lớn mới có vấn đề. Truyện tranh là sân chơi không thể thiếu của trẻ con. Ta có thể tưởng tượng một đứa trẻ bậc tiểu học giam mình ở trường suốt tám giờ dưới sự kiểm soát của thầy cô giáo, bắt chước vẽ lại hình trong truyện tranh đưa cho nhau xem. Thỉnh thoảng trò nào nghịch ngợm lắm thì cũng chỉ ở việc chế thêm râu ria, mũ áo cho các nhân vật trong sách và cười. Cứ bình tĩnh mà xét thì sẽ thấy đó là một sân chơi ảo rất hấp dẫn và không kém phần sáng tạo của lũ trẻ khi đồng hành với những nhân vật truyện tranh. Người Việt có thể vẽ truyện tranh hay không, chắc là có. Chưa có thì đi học hỏi, rồi khắc sẽ có thứ của riêng mình. Nhưng học hỏi cái gì lại là chuyện khác. Nếu chỉ quẩn quanh trong chức năng giáo dục của mỹ thuật dành cho thiếu nhi thì hình như họa sĩ nước mình có khi chẳng cần đi học hỏi ở đâu nữa. Tags: Nông thôn
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Singapore - Việt Nam (Hiệp 2) 0-0: Xuân Son liên tục việt vị ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Tiền đạo Nguyễn Xuân Son có nhiều tình huống rơi vào bẫy việt vị của Singapore và chưa thể có bàn thắng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhận cánh cổng gỗ nhà thờ 75 triệu đồng nhưng 'can thiệp tòa án' bất thành DANH TRỌNG 26/12/2024 Ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi UBND, chánh án Tòa án nhân dân TP Hải Phòng... can thiệp giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai của một người dân, hưởng lợi cánh cổng gỗ 75 triệu đồng.
Nga công bố với thế giới về con đường chấm dứt chiến sự Ukraine THANH BÌNH 26/12/2024 Ngày 26-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tổ chức họp báo trực tuyến với các nhà báo Nga và nước ngoài, trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý trong xung đột Nga - Ukraine.
Bách Hóa Xanh thu hồi toàn bộ giá đỗ được cho là ngâm chất cấm từ nhà cung cấp NGUYỄN TRÍ 26/12/2024 'Chúng tôi đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này, cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi'.