TTCT - Phải chăng truyền thống hàng nghìn năm, những nghi lễ ngặt nghèo, và hệ thống quan liêu cứng nhắc quá đỗi đã khiến định chế Nhật hoàng trở thành một gánh nặng với chính người gánh vác nó? Gia đình Thiên hoàng Naruhito. Ảnh: nippon.comBản thân người viết từng có dịp theo chân Naruhito khi ông còn là hoàng thái tử Nhật Bản trong một chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2009. Cánh nhà báo chúng tôi được nhân viên phụ trách lễ tân người Nhật căn dặn từng chút một: lúc di chuyển không được đi ngang hay trước thái tử, chụp ảnh xong phải ngay lập tức rời hướng thái tử đang bước tới, không được quay lưng về phía ông... Rồi khi ông tới thăm một trường Nhật Bản ở TP.HCM, đám nhà báo bị quây vào một chiếc lồng giả tưởng vẽ bằng phấn, muốn tác nghiệp gì thì cứ ở trong đấy, cấm bước ra ngoài.Cũng ở ngôi trường đấy, hoàng thái tử Naruhito - người vừa làm lễ đăng cơ tuần trước - có bài phát biểu ngắn với các em học sinh. Người cầm micro cho ông, một ông giám thị đầu đã điểm sương, đứng cách chiếc bàn ông ngồi khoảng 15m, cúi đầu thật thấp để chào, cầm chiếc micro đến đặt trên bàn, lại cúi đầu chào thật thấp, đi giật lùi trở lại chỗ mình đứng lúc nãy, rồi lại cúi đầu lần nữa. Thái tử chỉ khẽ gật đầu với ông.Toàn bộ sự uy nghiêm đấy chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống hoàng gia Nhật Bản, và khi các nhà báo phải ở trong một chiếc lồng giả tưởng khi đưa tin về Naruhito, chính ông cũng đang ở trong một chiếc lồng còn bức bối hơn nữa, dù nó có là lồng son.Trong hồi ký của ông, Sông Thames và tôi, Naruhito kể lại với nhiều chất thơ về những quán rượu bẩn thỉu mà ông từng ghé qua khi còn là sinh viên ở Đại học Oxford, Anh, hồi những năm 1980. Ông kể những người gác cửa một vũ trường đã từ chối không cho ông vào vì ông mặc đồ jean - không phải kiểu lời từ chối mà quân vương tương lai của ngai vàng Nhật Bản thường phải nghe. Nhưng hai năm học ở Oxford, chuyên về nghiên cứu vận tải thủy ở sông Thames thế kỷ 18 đấy, với Naruhito, có lẽ “là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi”.Làm vua khổ cỡ nào?Hoàng thái tử Naruhito đã trở thành Nhật hoàng thứ 126 từ tháng 5 khi cha ông, Akihito, thoái vị vì tuổi tác và đau bệnh. Lễ đăng cơ của ông diễn ra hôm 22-10 với sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nơi người ta hô vang “Vạn tuế!”, chẳng khác gì 1.200 năm trước.Cuộc sống của các quân vương Nhật Bản gò bó về nghi lễ và bí ẩn tới mức kỳ quặc. Những kỷ niệm vui tươi của Nhật hoàng Naruhito về quãng đời của ông tại Anh suýt nữa thì đã không ra mắt được công chúng.Văn phòng ngự tiền của hoàng gia (tiếng Nhật là Kunai-cho: Cung nội sảnh, nhân đây, tên gọi chính thức của chức thủ tướng Nhật Bản là Naikaku-sōri-daijin: Nội các tổng lý đại thần, tức chính thức chỉ là một thần tử của Nhật hoàng) - tổ chức thuộc chính phủ phụ trách các vấn đề của hoàng tộc, đồng thời là cơ quan xác định những thành viên hoàng tộc được và không được làm gì - không muốn cuốn hồi ký của Naruhito xuất hiện trên các kệ sách vì nó có thể khiến “tính thiêng” của định chế hoàng gia bị tổn hại.Các quan chức ở Kunai-cho rất quyết tâm trong việc bảo vệ hình ảnh hoàng tộc. Khi em trai của Naruhito, Fumihito, kết hôn vào năm 1990, một phóng viên ảnh đã bị cấm vào cung điện hoàng gia vì chụp bức hình vợ Fumihito đang vén tóc cho ông, chứ không phải trong một tư thế chính thức. Bạn có thể kiểm tra điều này qua Google: hầu như không thể tìm thấy bức ảnh nào của những thành viên hoàng tộc không được chăm chút tỉ mỉ. Gia đình hoàng gia, theo lời Shihoko Goto của Trung tâm Wilson, Hoa Kỳ, bị bó buộc trong những nghi thức và luật lệ ngặt nghèo tới mức so với hoàng gia Nhật Bản, “nhà Windsor (gia đình hoàng tộc Anh) sống quá dễ dãi”.Nhật hoàng Naruhito and Hoàng hậu Masako trong trang phục truyền thống tại lễ đăng quang hôm 22-10-2019. (Ảnh: Nikkei Asian Review)Báo chí Nhật Bản về cơ bản cũng tôn trọng những ranh giới mà Kunai-cho thiết lập. Chính các hãng tin nước ngoài đưa tin đầu tiên về việc Naruhito đính hôn năm 1993, rồi tin vợ ông bị trầm cảm năm 2004, dù nhiều nhà báo ở Nhật đều biết các sự kiện đấy. Không giống nhiều hoàng tộc châu Âu, ở Nhật hầu như không tồn tại tin tức giật gân, câu khách trên báo chí về đời sống tình ái, gia đình, của cải của hoàng gia.Các thành viên hoàng gia Nhật Bản cũng chỉ có tài sản cá nhân tương đối ít, đồng nghĩa sẽ không có chỗ cho những hoàng tử kiêm tay chơi tới bến, hay những cô công nương giạt vòm cặp kè với đại gia. Phần lớn tài sản của hoàng gia Nhật bị tịch thu sau Thế chiến 2. Cung điện và các bất động sản hoàng gia đang ở thuộc sở hữu nhà nước. Ngân sách quốc gia cũng trang trải chi phí sinh hoạt cho hoàng tộc và việc bảo trì cung điện.The Economist dẫn một chuyên gia ước tính rằng Akihito, nay được tôn là Thượng hoàng, chỉ chi tiêu cho mua sắm và các hoạt động cá nhân của ông vào khoảng 5 triệu yen (46.000 USD) một năm. Cha ông, Thiên hoàng Hirohito, để lại số tài sản thừa kế không tới 2 tỉ yen (18,4 triệu USD) khi ông qua đời năm 1989.Điều đó khiến cuộc sống gia đình Nhật hoàng tuy được nâng niu thái quá, nhưng cũng bị hạn chế ngặt nghèo. Các hoạt động của họ được/bị sắp xếp tới từng chi tiết nhỏ qua hệ thống quan liêu của Kunai-cho, những phát ngôn công khai của họ được soạn thảo và sửa chữa tỉ mỉ để đảm bảo không vi phạm vai trò biểu tượng của một nhà nước quân chủ lập hiến.Dù hoàng đế và hoàng hậu, giống như các bậc quân chủ những nước khác, thực hiện nhiều chuyến thăm xã giao ra nước ngoài, cũng như thường xuyên ghé trường học và các cơ sở thiện nguyện trong nước, giới chức bảo thủ ở Kunai-cho nhìn nhận vai trò chính của hoàng đế là thực thi các nghi lễ Thần đạo (Shinto) truyền thống của Nhật Bản.Tháng tới, Naruhito sẽ dâng gạo từ hai vùng của Nhật Bản (được chọn bằng bói mai rùa - cỏ thi theo kiểu thời Chu bên Trung Quốc 2.500 năm trước) cho các vị thần cảm ơn mùa màng bội thu - một kiểu tế thần xã tắc. Ông cũng sẽ thực hiện lễ tịch điền, tự trồng lấy lúa, trong vườn thượng uyển. Trong khi đó, nhiệm vụ của hoàng hậu Masako là lo việc tằm tang. Cả hoàng đế và hoàng hậu còn làm thơ cổ thể được đưa ra đọc bình một năm vài lần.Tất cả những nghi thức đó điềm nhiên diễn ra ở một xã hội đang bán xe hơi nhiều nhất toàn cầu, và nổi tiếng thế giới vì truyện tranh (manga) thay vì thơ cổ thể, dù là hài cú (haiku) hay đoản ca (tanka).Hi vọng cải cáchLiệu Thiên hoàng Naruhito có muốn hay có thể hiện đại hóa vai trò của ông không là một câu hỏi mà lời đáp còn chưa chắc. Ông đã đấu tranh thay vợ khi bà bị quở trách vì vi phạm những nghi thức lằng nhằng, mà không ít điều trong đó theo tiêu chuẩn hiện đại là phân biệt giới tính rõ ràng, như việc hoàng hậu nói lâu hơn chồng một chút trong cuộc họp báo chung đầu tiên của họ với vai trò quân chủ; hay việc cả gan bước trước ông một bước ở nơi công cộng!Chính Naruhito năm 2004 than phiền rằng Masako, khi đó còn là thái tử phi và trước kia là một nhà ngoại giao, “đã hoàn toàn kiệt sức” khi cố gắng thích nghi với đời sống cung đình, nơi “cá tính” của bà đã bị bóp nghẹt. Nhưng nếu Naruhito muốn con gái ông kế vị, thay vì cậu cháu trai (luật hiện cấm phụ nữ thừa kế ngai vàng Nhật Bản, dù nước Nhật từng có các nữ hoàng trong quá khứ), ông vẫn chưa công khai ý định đó.Hoàng đế Akihito cũng đã kín đáo cải cách từng chút đời sống hoàng gia, chống lại cả những nghi lễ lỗi thời lẫn những kẻ dân tộc chủ nghĩa viện cớ truyền thống đòi hỏi sự tôn sùng tuyệt đối với hoàng tộc. Ông là Thiên hoàng có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp đầu tiên trong lịch sử sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Không lâu sau đó, ông tới thăm những người mất nhà cửa vì thảm họa, uống trà và ngồi dưới sàn nhà cùng họ. Ông có vẻ cũng nghi ngờ, dù không trực tiếp, kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.Năm 2001, nhân dịp Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đăng cai World Cup 2002, ông nhắc rằng một Thiên hoàng Nhật Bản hồi thế kỷ 6 có tổ tiên là người Triều Tiên. Nhận xét này có ý tứ của nó: một lời phủ nhận những ý tưởng về sự thuần khiết chủng tộc của Nhật Bản, và càng quan trọng nếu xét lịch sử Nhật Bản - bán đảo Triều Tiên. Gần đây hơn, ông đã thuyết phục chính quyền rõ ràng rất miễn cưỡng thông qua một đạo luật để ông được thoái vị.Theo hiến pháp, Thiên hoàng là “biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết toàn dân”. Giống như cha ông, Thiên hoàng Naruhito đang cố gắng thể hiện một hình ảnh bình dân và gần gũi hơn, nhưng sự thay đổi - trước quá nhiều sức ép truyền thống và chính trị - có nguy cơ là không đủ nhanh. Rốt cuộc thì chim quý vẫn sẽ phải ở lồng son.■Con một của Thiên hoàng Naruhito, 59 tuổi, và hoàng hậu Masako, 55 tuổi, là công chúa Aiko 17 tuổi. Cô không được quyền kế thừa hoàng vị theo luật hiện hành. Như thế, người tiếp theo trong hàng thừa kế là hoàng thái tử Akishino, em trai 53 tuổi của Naruhito, rồi tới hoàng tử Hisahito, 13 tuổi, con trai duy nhất của Akishino và công nương Kiko, 53 tuổi. Họ còn có hai con gái, Mako, 27 tuổi, và Kako, 24 tuổi. Gia đình hoàng gia cũng phản ánh cơ cấu dân số chung của Nhật Bản. Số lượng thành viên hoàng tộc giảm từ 24 xuống còn 18 từ năm 2005 tới giờ, khi công chúa Nori từ bỏ địa vị để kết hôn với một thường dân. Hoàng tử Hisahito là thành viên nam giới duy nhất thuộc thế hệ của cậu và gia đình Nhật hoàng hiện có sáu thành viên nữ chưa kết hôn. Nhật Bản từng có 10 nữ hoàng trong lịch sử kể từ nữ hoàng Suiko, tại vị từ 592 tới 628, gần nhất là nữ hoàng Gosakuramachi (tại vị 1762 - 1770). Tags: Đăng quangNgười NhậtNhật hoàngHoàng tộcNghi thức hoàng giaBó buộc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.