TTCT- Nguồn viện trợ cho phòng chống HIV/AIDS đã và đang bị cắt giảm, giải pháp lâu dài nhất cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS là chuyển đổi sang chi trả qua bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giảm nhanh thì nguồn lực từ ngân sách nhà nước không bù đắp kịp. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh phải mở rộng chương trình methadone và các chương trình chăm sóc điều trị để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tài trợ giảm nhanh Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, kinh phí từ các tổ chức quốc tế tài trợ (chiếm chủ yếu trong tổng kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của TP) đã tăng nhanh trong giai đoạn 2006 - 2010, từ 44,5 tỉ đồng lên gần 179 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2011, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế bắt đầu giảm, trong khi ngân sách nhà nước không đáp ứng cho nhu cầu tiếp tục mở rộng các dịch vụ (chăm sóc điều trị, methadone...) để giữ vững thành quả đẩy lùi dịch HIV/AIDS mà TP đã đạt được thời gian qua. Tổng kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TP giai đoạn 2008 - 2013 hơn 960 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). Trong khi nguồn viện trợ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế gần 908 tỉ đồng. Từ năm 2008 - 2013, TP nhận viện trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức như Chính phủ Hoa Kỳ (thông qua PEPFAR), Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Bill Clinton... Trong đó, nguồn lực tài trợ của PEPFAR chiếm 80-85% tổng ngân sách chung cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Ngoài kinh phí hoạt động, một số tổ chức, đặc biệt là PEPFAR, còn hỗ trợ hàng hóa, thuốc, sinh phẩm, bao cao su, bơm kim tiêm, trang thiết bị y tế... Các nguồn viện trợ này sẽ kết thúc trong vòng 1-2 năm tới, trong khi kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho phòng chống AIDS thấp so với nhu cầu, lại giảm vài năm gần đây: năm 2012 gần 7,9 tỉ đồng, năm 2013 còn hơn 6,9 tỉ đồng và năm 2014 chỉ hơn 1,7 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2016 - 2020 lại không có chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Ước tính nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TP giai đoạn 2014 - 2020 là hơn 2.807 tỉ đồng, nhưng khả năng đáp ứng từ các nguồn chưa đến 2.228 tỉ đồng và đều không chắc chắn, nhất là nguồn ngân sách nhà nước vì phải tùy thuộc cân đối thu chi của Chính phủ và TP, thiếu hụt gần 579 tỉ đồng. Thiết kế mạng lưới Thêm 53.000 trường hợp nhiễm HIV mới Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12-1990, lũy tích đến cuối năm 2016 toàn TP đã có 57.122 người nhiễm HIV, và 10.789 người đã tử vong do HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV hiện còn sống là 46.333 người. Bên cạnh đó, ước tính số nhiễm HIV mới ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) hằng năm sẽ tăng từ 6.864 trường hợp (năm 2014) lên đến 8.306 trường hợp vào năm 2020. Nếu giữ nguyên các biện pháp can thiệp như hiện nay, ước tính trong vòng sáu năm tính từ năm 2014, TP sẽ có thêm 53.097 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành. Do nhiều năm nay tất cả hoạt động, dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại TP được tài trợ của các tổ chức quốc tế, nên những đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS đều được miễn phí và họ chưa quen với việc tự chi trả các chi phí khi sử dụng dịch vụ, tham gia BHYT. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP, từ tháng 11-2015, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các sở y tế địa phương kiện toàn cơ sở điều trị (trước 30-6-2016) và thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời đảm bảo người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT được chi trả các chi phí điều trị HIV/AIDS theo quy định hiện nay. Ở TP.HCM hiện có 31 phòng khám ngoại trú, điều trị ARV cho 29.700 bệnh nhân. Ngoài ra còn có 275/322 phường, xã của TP thực hiện cấp thuốc ARV điều trị cho 2.712 bệnh nhân. Hiện một số phòng khám ngoại trú tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 đã khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Mười bệnh viện tuyến quận huyện là quận 1, 4, 5, 6, 7, 9, Thủ Đức, Tân Phú, Phú Nhuận và huyện Bình Chánh đã liên kết với các phòng khám ngoại trú tiếp nhận bệnh nhân BHYT được chuyển từ phòng khám ngoại trú về để khám, xét nghiệm, phát thuốc ARV cho bệnh nhân ổn định. Bác sĩ Thu Vân cho biết để giúp bệnh nhân hiểu được lợi ích của BHYT trong điều trị ARV, chương trình giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đã tư vấn BHYT cho bệnh nhân tại các phòng khám ngoại trú. Trong tổng số 27.579 bệnh nhân đang điều trị ARV (74% bệnh nhân có hộ khẩu TP, 26% bệnh nhân có hộ khẩu tại các tỉnh, thành khác nhưng đang điều trị ARV tại TP) cho thấy 64% bệnh nhân TP có thẻ BHYT, 47% bệnh nhân tỉnh, thành khác có thẻ BHYT. Còn nhiều người nhiễm HIV chưa tham gia BHYT là do không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu, nơi ở không ổn định, thất nghiệp, không đủ điều kiện tham gia cả hộ gia đình... nên không mua được. Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT nhưng không sử dụng khi khám chữa bệnh do sợ bị lộ thông tin bệnh, sợ sự kỳ thị tại địa phương khi xin giấy chuyển tuyến điều trị...■ Tags: HIVAIDSNhiễm HIVNgười nhiễm HIV
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.