Trung Quốc và Ấn Độ an dân như thế nào?

DANH ĐỨC 14/03/2011 19:03 GMT+7

TTCT - Trung Quốc quyết định giảm tốc tăng trưởng, còn 7% trong năm năm tới. Ấn Độ tăng 17% chi tiêu cho an sinh xã hội trong năm tài khóa 2011-2012. Đó là các bước an dân mới nhất của Bắc Kinh và New Delhi.

Phóng to
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực ổn định giá tiêu dùng trong năm. Trong ảnh: người tiêu dùng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy chọn rau cải ngoài chợ - Ảnh: Reuters

Đài CRI (Trung Quốc quốc tế) hôm 5-3 cho biết trong báo cáo công tác chính phủ trước quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh những việc cần phải làm như sau:

- Cần phải thay đổi từ chế độ tình trạng quyền lực quá tập trung nhưng lại không được kiềm chế, kiên quyết trừng trị và đề phòng tham nhũng.

- Cần phải kiên trì phương lược cơ bản quản lý nhà nước theo pháp luật, tăng cường xây dựng pháp quy bảo vệ lợi ích quần chúng, thúc đẩy quản lý nhà nước theo pháp luật.

- Cần thực thi quyết sách khoa học và dân chủ, xây dựng và kiện toàn cơ chế vận hành quyết sách, thực thi, giám sát..., đảm bảo sử dụng quyền lực đúng đắn.

- Cần đảm bảo các quyền dân chủ và quyền lợi hợp pháp của nhân dân, giữ gìn công bằng công lý của xã hội.

Trích đoạn chính thức trên cho thấy trọng tâm của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc là chấn chỉnh tình trạng “quyền lực quá tập trung nhưng lại không được kiềm chế”, thay vào đó là quyền lợi hợp pháp của người dân và công bằng xã hội làm kim chỉ nam.

Đây không phải lần đầu Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói đến hoài bão lấy dân làm gốc. Năm ngoái, ông cũng đã đưa ra một thông điệp chính trị tương tự. Trước phái viên Fareed Zakaria của CNN, hôm 3-10-2010, ông từng tuyên bố rằng “nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự”, rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền”.

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm đổi mới kinh tế ở Thâm Quyến vào ngày 22-8-2010, ông Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố rằng chính quyền cần phải tạo điều kiện để người dân có thể giám sát và phê phán những hoạt động chính phủ và giải quyết điều mà ông gọi là “sự tập trung quá độ của những quyền lực không hạn chế”.

Nói có sách, mách có chứng

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn, chính quyền trung ương muốn tỏ rõ cho các lãnh đạo địa phương rằng đầu tư vào đất đai cùng các ngành công nghiệp hao tốn năng lượng sẽ không còn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế nữa. Nó cũng sẽ giúp các chính quyền địa phương bớt sức ép thi đua tăng GDP.

Tất nhiên, cần nhiều thời gian để những gì ông mong mỏi trở thành hiện thực. Song trước mắt cũng đã có những dấu chỉ cho thấy một số chỉ thị của ông đã được phổ biến đến các nơi cần nhận từ trước và đã có những chuyển biến theo tinh thần này.

Nhật báo tiếng Anh China Daily ngày 4-3 loan tin: “Cảnh sát không được tham gia vào các vụ trưng thu đất đai, giải tỏa các công trình xây dựng, do lẽ các hành động này nằm ngoài nhiệm vụ của cảnh sát. Lệnh này, được nêu ra trong một báo cáo đăng trên website của Bộ Công an hôm thứ năm, cũng cảnh cáo rằng các sĩ quan hay nhân viên cảnh sát nào lạm dụng quyền lực của mình trong các vụ tranh chấp đất đai sẽ bị trừng trị nặng nề...” (1).

Theo bài báo, sở dĩ Bộ Công an có lệnh này là do “các vụ tranh chấp đất đai nổi lên như là vấn đề xã hội nở rộ nhất của nông thôn Trung Quốc. Tháng 5 năm ngoái, Hội đồng nhà nước, tức Chính phủ Trung Quốc, đã ra thông tư cảnh cáo rằng các quan chức lãnh đạo sẽ bị truy cứu trách nhiệm cho các hậu quả nghiêm trọng từ việc sử dụng công an trong các vụ trục xuất cưỡng bách và giải tỏa”. Lệnh trên rõ ràng là một đáp ứng yêu cầu sửa đổi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo để ông có thể “nói có sách, mách có chứng” trong báo cáo trên.

Báo chí Trung Quốc những ngày qua đề cập rất chi tiết các vấn đề trên. China Daily nêu vấn đề “Nhấn mạnh đối thoại với công chúng” (2) với tựa đề phụ rất thời thượng: “Internet cung cấp cơ hội đo lường tốt hơn các mối quan tâm của công chúng”.

Bài báo trích phát biểu của chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc Giả Khánh Lâm trong báo cáo khai mạc: “Các thành viên của hội nghị nên thăm dò các phương pháp mới để truyền thông với công chúng, đồng thời để hiểu thật sự lòng dân ra sao. Hội nghị nên là một kênh quan trọng để dân chúng bày tỏ ý mình với chúng ta, và mặt khác để cho Đảng và chính phủ biết được dân muốn gì”.

Thật ra tên gọi “Hội nghị hiệp thương chính trị” gây khó hiểu về vai trò của tổ chức này. Sở dĩ có tên gọi trên là do vào lúc thành lập năm 1949, tổ chức này gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với một số tổ chức, phong trào khác. Theo tên chính thức tiếng Anh National Committee of the People’s Political Consultative Conference, nay có thể hiểu đúng là một tổ chức tham vấn chính trị.

China Daily cho biết tổ chức tham vấn chính trị này gồm hơn 2.000 đại biểu ưu tú của xã hội Trung Quốc, đang được xem như một “cỗ máy cung cấp tư duy” cho chính phủ cũng như cho các cơ quan lập pháp và tư pháp, bên cạnh quốc hội với vai trò thông qua các đạo luật từ nhà nước đưa qua. Và cỗ máy tham vấn này có 10 ngày để bày tỏ các ý kiến, đề xuất của mình.

Trong kỳ họp năm ngoái, đã có 5.430 đề xuất, trong đó 2.200 đề xuất liên quan đến kinh tế và an sinh. Theo phó chủ tịch Hội nghị hiệp thương, bà Vương Chí Trân, 58% đề xuất đã được xử lý.

Chống bất bình đẳng xã hội

Theo Đài CRI ngày 5-3-2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong báo cáo công tác chính phủ đã nhấn mạnh: “Cần phải điều chỉnh hợp lý quan hệ về phân phối thu nhập, sớm xoay chuyển chiều hướng mở rộng về khoảng cách thu nhập, vì vậy sẽ trọng điểm áp dụng các biện pháp từ ba mặt”.

Khác với các hoài bão chính trị, những vấn đề lương tiền, gạo châu củi quế rất gần gũi cuộc sống được ông đề cập rất chi tiết sau đây:

- Một trong những biện pháp chủ yếu là nâng cao ổn định mức lương tối thiểu, lương hưu và tiêu chuẩn bảo đảm mức sống tối thiểu của dân cư thành thị và nông thôn.

- Hai là nâng cao tiêu chuẩn mức thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thiết thực giảm nhẹ cho những người đóng thuế có thu nhập trung bình và thấp, tăng cường kiểm soát tổng quỹ lương và mức lương của các ngành có thu nhập quá cao, quản lý quy phạm và nghiêm ngặt thu nhập của cán bộ lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan tài chính - ngân hàng.

- Ba là ra sức chấn chỉnh và quy phạm trật tự phân phối thu nhập, kiên quyết loại trừ thu nhập phi pháp, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống giám sát phân phối thu nhập.

Cũng như các mệnh lệnh về sửa đổi bộ máy quyền lực, các chỉ thị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về nâng cấp đời sống người dân cũng đã được chuẩn bị sẵn trước khi kỳ họp quốc hội bắt đầu. China Daily ngày 2-3 loan báo từ nay “nếu chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tăng đến một giới hạn nào đó do chính quyền địa phương ấn định sẵn, sẽ rót tiền bổ sung cho các gia đình có thu nhập thấp bên cạnh các thu nhập, phúc lợi hằng tháng sẵn có.

Nếu chỉ số CPI cứ tăng liên tiếp trong nhiều tháng, các chính quyền địa phương được quyết định nâng thu nhập... Đó sẽ là một cơ chế thường trực nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn của các hộ thu nhập thấp không bị giá leo thang tác động”. Đài CRI kết luận: “Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh rằng phải nỗ lực làm cho đông đảo nhân dân được chia sẻ thành quả cải cách và phát triển nhiều hơn” (3).

Tân Hoa xã đã tóm tắt ý của ông Ôn Gia Bảo bằng tựa đề “Trung Quốc chuẩn bị chấm dứt nỗi ám ảnh GDP” (4). Thay vì 7,5% trong kế hoạch 2006-2010 và 11,2% trong thực tế đã đạt, nay Trung Quốc chỉ nhắm tăng trưởng GDP ở mức 7% trong năm năm tới. Mục đích của sự giảm tốc tăng trưởng này là “nhằm đem lại một sự cải thiện đáng kể về chất lượng và thành quả tăng trưởng”, theo lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Tân Hoa xã viết: “Tỉ lệ tăng trưởng bình quân hơn 9% trong ba thập niên qua đã cho phép Trung Quốc giành được vị trí nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ từ tay Nhật. Tuy nhiên, thành tựu này cũng kèm theo những phí tổn nặng nề là nạn ô nhiễm, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rách toạc, ông Ôn Gia Bảo định nghĩa mô hình phát triển đó là “mất thăng bằng, thiếu phối hợp và không có khả năng bền vững”.

Nay với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn, chính quyền trung ương muốn tỏ rõ cho các lãnh đạo địa phương rằng đầu tư vào đất đai cùng các ngành công nghiệp hao tốn năng lượng sẽ không còn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế nữa. Nó cũng sẽ giúp các chính quyền địa phương bớt sức ép thi đua tăng GDP...” (5).

Ấn Độ tăng ngân sách xã hội đến 17%

Một đất nước đông dân khác là Ấn Độ cũng đã có những quyết sách an dân không kém phần quyết liệt. Ngân sách chính phủ thông qua cuối tháng 2-2011 được đánh giá là nặng về chi tiêu an sinh xã hội và nông thôn. Bộ trưởng tài chính Pranab Mukherjee cho biết chi tiêu an sinh xã hội sẽ tăng 17% trong năm tài khóa 2011-2012, trong đó ngân sách y tế sẽ tăng đến 20%.

Theo Reuters ngày 28-2, Chính phủ Ấn Độ dành nhiều chi tiêu ngân sách cho an ninh lương thực nhằm cung cấp gạo giá rẻ cho dân nghèo, giúp họ vượt qua được sự leo thang của giá thực phẩm và nhiên liệu.

Có thể có rất nhiều câu hỏi kỹ thuật cần đặt ra về tính lợi - hại của các quyết sách ngân sách trên của Trung Quốc và Ấn Độ, song rõ ràng là lãnh đạo hai nước trên đã có ý muốn chính trị dứt khoát: họ đang chịu trách nhiệm về sự an nguy của 3 tỉ người (gộp lại). Và đó chính là thách đố dài hạn lớn nhất.

__________

(1) “Officers to not take part in land requisitions, building demolitions”, China Daily 2011-03-04
(2) “Dialogue with public stressed”, By Wang Jingqiong and Li Xiaokun, China Daily 2011-03-04
(3) China to tie subsidies to low income families with prices, Xinhua 2011-03-02
(4), (5) China prepares to end GDP obsession, English.news.cn 2011-03-06

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận