TTCT - Bộ sưu tập của Loan de Fontbrune bắt đầu từ thời điểm hầu như chưa có nhà sưu tập nào quan tâm mua tác phẩm hay đồ cổ của Việt Nam ở nước ngoài. Nhà sưu tập Loan de Fonbrune tại buổi khai mạc triển lãm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, bảo tàng Cernuschi, tháng 11-2024. Ảnh: KIM POURNINLoan de Fontbrune, người Pháp gốc Việt, một nhà sưu tập chuyên nghiệp và nổi tiếng về mỹ thuật châu Á, trò chuyện về hành trình ấy, khi bà trở về Việt Nam cuối năm 2024.Chị bắt đầu hành trình sưu tập, nghiên cứu lĩnh vực nghệ thuật như thế nào?Từ nhỏ tôi đã mê mỹ thuật, nghệ thuật cổ xưa, đọc sách về văn hóa của các nước như Trung Quốc. Gia đình tôi khi đó sống ở Chợ Lớn, là những người Pháp cuối cùng rời Việt Nam và chỉ rời đi vì bị bắt buộc vào năm 1979. Ba tôi khi đó là bác sĩ giải phẫu rất nổi tiếng, mẹ là y tá trưởng chuyên gây mê.Khi rời Việt Nam, tôi tầm 20 tuổi, đang dạy tiếng Pháp cho những người chuẩn bị hồi hương về Pháp và có thể mua cho mình hai bức tranh của họa sĩ Tú Duyên cùng 5, 6 tấm tranh nhỏ khác trên ngà voi của Đới Ngoan Quân. Đới Ngoan Quân từng dạy ở Trường Mỹ thuật Sài Gòn, rất nổi tiếng với kỹ thuật dùng mực tàu vẽ tranh thủy mặc trên miếng ngà voi nhỏ, nhất là khắc nguyên một bài thơ chữ Hán cùng chữ ký và con dấu trên một hạt gạo.Qua Pháp, tôi học tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếp xúc với văn hóa lịch sử, thấy càng mê, càng muốn nghiên cứu sâu hơn. Năm 1991, tôi lấy chồng là nhà sưu tập Yves Sicre de Fontbrune, chủ sở hữu phòng tranh ở trung tâm Paris và tạp chí nghệ thuật Cahiers d'Art. Anh là gallerist có tiếng, chuyên giao dịch các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng, trong đó có Picasso. Tôi học hỏi rất nhiều từ anh, cùng chồng đi khắp thế giới, đến bảo tàng, nhà đấu giá, gallery, xem các bộ sưu tập tư nhân…Tôi đi sâu vào chuyên môn nghiên cứu về mỹ thuật Việt khi tiếp tục lấy bằng từ những trường như Học viện Mỹ thuật và Khảo cổ (thuộc Đại học Sorbonne), Trường Louvre (ở Bảo tàng Louvre) và Học viện cao học Mỹ thuật. Tôi trở thành sử gia nghệ thuật và văn hóa châu Á sau đó.Bức Hái rau của danh họa Lê Phổ.Khi được tiếp xúc nhiều, học hỏi nhiều, tôi bắt đầu để ý nhiều hơn đến đồ Việt Nam. Tôi thấy ai cũng nói về đồ Tàu, đồ Nhật Bản, đồ Đại Hàn nhưng không ai nói tới đồ Việt Nam. Bản thân tôi cũng muốn biết cách phân biệt giữa đồ Việt Nam với những đồ cổ, hiện vật của các nước châu Á khác. Mỗi khi đi dạo, đi gallery, xem chợ trời… bắt gặp món đồ Việt Nam thì tôi rất vui, như gặp lại được người quen. Tôi mua chúng vì lúc đó những món đó rẻ thôi, người bán không biết nhiều về giá trị của chúng. Chén trà, cái hộp hay món đồ gốm, coi như ký ức của mình. Tôi tự tìm tòi học hỏi để hiểu được, phân biệt được các món của Việt Nam.May là chồng tôi khi đó rất khá giả, biết tôi đam mê nên ông tài trợ, và ông cũng học luôn. Dần dần, ông trở nên rất giỏi về nghệ thuật Việt Nam, nhất là về tranh. Khi ấy, đồ cổ có nhiều hơn tranh. Sau đó, tôi thấy tranh của họa sĩ Việt Nam và mua những bức thấy đẹp, vì giá cũng rất rẻ, dù chưa biết tên của họa sĩ, như những bức tranh của Đinh Minh. Đa số tác phẩm tôi đều mua ở Pháp.Tôi bắt đầu sưu tập vào những năm 1990, khi đó hầu như các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam không được sưu tập, chỉ có mình tôi. Bởi vậy, ai có thứ gì cũng mang đến bán cho tôi. Tôi mua với tình cảm xuất phát từ tình yêu với những gì gần gũi của quê hương. Ví dụ như những bức tranh sơn dầu vẽ hoa của Lê Phổ được bán đấu giá vào cuối tuần, giá khoảng 3.000 francs. Tôi nhớ, khi đó chồng tôi nói, với giá này sao không mua tranh in của Picasso? Tôi trả lời là tôi muốn mua tranh của họa sĩ Việt Nam vì không ai biết và tôi thích sưu tầm về họ. Thời đó, có rất nhiều tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, thỉnh thoảng được đưa ra bán đấu giá nhưng không ai để ý.Rồi tôi sưu tập tranh, đồ cổ, sách vở, tài liệu, cái gì tôi cũng mua. Sau một thời gian, tôi kỹ hơn trong chọn lựa, chỉ mua cái gì rất đẹp, rất toàn vẹn. Tôi có bảo tàng nhỏ trong nhà, trưng bày toàn đồ Việt Nam, như sách vở, tranh ảnh, đồ cổ...Có nhiều tác phẩm rất có duyên, vì tôi không tìm, có tìm cũng không thấy, nhưng bằng cách nào đó đã đến với mình. Ví dụ như bức Lên Đồng của Nguyễn Phan Chánh. Người bạn của chồng tôi rủ ông đến nhà một người đang muốn bán sách cổ, bước vào căn hộ, tôi thấy bức Lên Đồng. Chủ nhà nói chồng bà mua cho bà bức này từ triển lãm thuộc địa năm 1931. Tôi rất yêu quý bức này vì hình ảnh quá quen thuộc được đăng trên tạp chí L'Illustration năm 1932.Cơ duyên khác là bức Thầy Trò của Phạm Hậu, bằng lụa, rất hiếm, được mua nhân dịp người bạn tôi thấy bức tranh treo ở nhà một bà lão. Họa sĩ Phạm Hậu tôi chỉ biết qua sơn mài, nên đây là một bức rất đặc biệt.Tôi nhớ có lần thấy hai bức lụa rất đẹp của Tô Ngọc Vân được đấu giá. Tôi nói với chồng, hai bức đó đẹp và hiếm, vì Tô Ngọc Vân thường vẽ sơn dầu. Chồng tôi đưa cho 200.000 francs, thời đó là nhiều lắm. Nhưng tôi đã không mua được bức nào vì bước giá lên quá cao. Tôi tiếc lắm nhưng cuối cùng đã mua được bức lụa Hái Rau của Lê Phổ, với giá 200.000 francs (cười). Tôi rất buồn vì không mua được bức của Tô Ngọc Vân vẽ các cô gái ngồi thêu. May mắn mấy năm sau, gallery mua được bức đó đã đồng ý bán lại cho chồng tôi làm quà tặng sinh nhật vợ. Thế là bức tranh trở về với tôi sau bao nhiêu năm. Tôi rất cảm động.Tôi là nhà sưu tập, chứ không phải gallerist, vì tôi không buôn bán. Mỗi lần tôi bán là vì có những việc cần kíp, như sau khi chồng qua đời, cần tài chính để lo công việc gia đình. Nhưng tôi không bán những gì mà tôi thương, tôi thích. Tôi nghĩ đó là cách để bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam. Khi mình tìm được những món đồ gắn liền với Việt Nam ở nước ngoài là mình có duyên. Ví dụ ở Pháp tôi mua nhiều, tôi cũng có dịp mua tranh của Vũ Cao Đàm ở Christie's London, gốm cổ Hội An đấu giá ở Mỹ, đến Nhật gặp được một món đồ gốm cổ Chu Đậu. Với tôi đó là một cách gìn giữ di sản.Chị nghĩ về việc gìn giữ di sản đó từ khi nào?Khi bắt đầu sưu tập, giống như tôi gặp một người quen ở ngoài đường. Nhưng từ khi bắt đầu nghiên cứu, tôi nhận thấy đây là những hiện vật quan trọng từ bao nhiêu thế kỷ đã tìm đến tay mình. Ví dụ, gốm rất dễ vỡ, nhưng có những món từ nhà Lý vẫn giữ được đến thời mình, bổn phận của mình là gìn giữ và tiếp tục chia sẻ, để con cháu, những người trẻ tiếp tục gìn giữ. Mình chỉ là người canh giữ ở hiện tại để cho thế hệ tương lai. Bởi vậy những nhà sưu tập trẻ muốn đến tìm hiểu, tôi đều rất sẵn sàng chia sẻ.Bộ sưu tập của chị có quy mô thế nào?Tôi không bao giờ đếm số lượng tác phẩm. Những cổ vật tôi cũng không đếm, lại trải qua nhiều lần dọn nhà và chưa tài liệu hóa được bộ sưu tập. Tôi thi thoảng vào kho xem nhưng chưa xem hết. Nhiều tác phẩm khi mở ra vui quá, như bức tranh khắc trên ngà voi tôi mua từ năm 1979 rồi cất đi, mãi sau này mở ra ngắm thì rất vui mừng.Trong bộ sưu tập của tôi có rất nhiều món đặc biệt hiếm vì tôi biết mình mua cái gì. Tôi chuyên về gốm xưa, là thành viên hội nghiên cứu gốm cổ của bảo tàng. Sau đó tôi mê tranh thời Đông Dương, mê sách. Tôi có những chiếc khay bằng gỗ cẩn xà cừ chưa bao giờ thấy, có lẽ tôi là người duy nhất có, được làm từ thời Chúa Trịnh, vì thường chúng ta có đồ từ thời nhà Nguyễn. Đó là những thứ rất lạ, rất duyên đến với mình. Bởi vậy, tôi muốn làm bảo tàng để mọi người biết về sự quý giá của những món đồ.Tôi đang để toàn bộ bộ sưu tập của mình tại Pháp. Một lý do là khí hậu Việt Nam không tốt cho bảo quản. Tôi rất buồn khi thấy cách bảo quản tác phẩm ở Việt Nam. Tôi đã gặp những thế hệ sau của các họa sĩ lớn, họ muốn bán hết bộ sưu tập cho tôi, nhưng khi tôi đến xem thì không mua được bức nào vì hư hết. Nhiều người mua tranh rất đắt tiền từ nước ngoài nhưng đem về Việt Nam không biết gìn giữ. Hoặc có người mua tranh xưa nhưng lại muốn sửa lại, thêm màu cho đậm hơn. Như có người mua bức lụa của Lê Phổ rồi nói với tôi là sẽ cho sơn lại cho màu đậm hơn. Tôi sợ quá phải ngăn là đừng có đụng vào.Với bộ sưu tập của mình, tôi muốn làm bảo tàng tư nhân, vừa trưng bày hiện vật, vừa có kho sách vở để các nhà nghiên cứu, sinh viên đến tham khảo. Hiện tôi chưa có chỗ để làm.Bức Lên Đồng của danh họa Nguyễn Phan ChánhQuá trình nghiên cứu của chị đóng vai trò như thế nào trong quá trình chị sưu tập?Việc nghiên cứu rất quan trọng. Mình phải học, không chỉ chú trọng học về Việt Nam mà phải mở rộng về văn hóa, mỹ thuật toàn thế giới. Các họa sĩ thời trước ở Việt Nam khi đến Pháp đều đi bảo tàng khắp nơi. Họ gặp các họa sĩ để nhìn được rộng.Vấn đề của người Việt Nam khi tìm hiểu nghệ thuật lại hiếm khi chú trọng đến bối cảnh ngoài Việt Nam. Quan trọng là phải nhìn rộng, phải biết về văn hóa, lịch sử các nước khác. Ở nước ngoài, họ rất chịu khó tìm tòi, học hỏi về những xứ khác. Các triển lãm lúc nào cũng đầy người, có nhiều người từ các thành phố hay tỉnh khác đến xem. Trao đổi ý tưởng rất quan trọng.Chị có làm việc nhiều với các nhà sưu tập Việt Nam không?Thời xưa, các nhà sưu tập nghệ thuật Việt Nam rất hiếm. Thời điểm tôi sống nhiều ở Việt Nam từ những năm 2000 - 2014, tôi gặp một số nhà sưu tập thời xưa. Tôi về đây và mua tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Gia Định, thời đó, ở Việt Nam chẳng có ai để ý đến họ. Bảo tàng Việt Nam cũng chưa có những họa sĩ trước 1975 của Trường Mỹ thuật Sài Gòn, nên tôi mua được nhiều tranh, để chật hết căn phòng, chọn được những tác phẩm rất đẹp mà rẻ.Hoặc các dịp như mua tranh giúp các hoạt động thiện nguyện vào dịp Tết như của họa sĩ Nguyễn Trung, Lê Triều Điển, tôi đi mua với chồng. Khi đó, tôi cũng không biết Lê Triều Điển hay Nguyễn Trung, nhưng thấy đẹp thì mua.Làm thế nào để xây dựng một bộ sưu tập quan trọng?Tôi không giấu những gì tôi biết, vì tôi rất thích chia sẻ. Gần 20 năm trước, tôi nhớ có nhà sưu tập ở Việt Nam vô tình gặp trên máy bay, anh ấy hỏi tôi về sưu tập tranh, tôi nói là mua tranh của các họa sĩ Đông Dương vì giá đang quá rẻ, lại không ai để ý, thế nên anh đã dần xây dựng được bộ sưu tập của mình.Việc sưu tập tùy khả năng tài chính của mỗi người nhưng trước hết hãy mua những gì mà mình thấy đẹp và thích, cùng với đó là phải tự học hỏi, nghiên cứu, không nên mua theo thị trường hay theo người khác. Hãy bắt đầu một cách từ từ. Nếu mua những thứ nhiều tiền thì phải tra cứu kỹ vì bây giờ tranh giả rất nhiều. Tôi nghĩ cái gì cũng phải tự học là trước hết.Tôi không thường xuyên gặp các nhà sưu tập Việt Nam, nhưng trong khi thị trường còn tương đối mới như ở Việt Nam thì phải tự học, vì sưu tập là công việc không dễ. Thời gian đầu, tôi cũng mua nhầm đồ cổ. Nhưng nếu không mua nhầm thì mình không thể lên tay hay có kinh nghiệm. Bao giờ cũng phải bắt đầu và trả giá cho những sai lầm. Tôi quan sát thấy các nhà sưu tập ở Việt Nam đang uổng tiền quá, mua những thứ mắc tiền nhưng lại là đồ giả. Có thể do đôi khi do không được nhìn tranh thật, thấy tranh giả lại quen hơn, nên có khi họ nhìn tranh thật lại nói là tranh giả.Cơ bản là suốt đời phải học. Ai đó góp ý cho mình thì rất biết ơn. Tôi là nhà khoa học, mọi việc đều phải có chứng cớ, xem tài liệu gốc.Với tình trạng nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bị làm giả, chị nghĩ thế nào?Tôi không biết làm cách nào cả. Tôi chỉ nghĩ người mua cũng phải nhìn. Dù có mục đích gì khi mua thì cũng phải tự nghiên cứu, tự học.Những tác phẩm giả không tốt cho cho tiếng tăm của mỹ thuật Việt Nam, như trường hợp của họa sĩ Bùi Xuân Phái rất đáng tiếc, vì đáng lý tác phẩm của ông sẽ cao như các họa sĩ cùng thời nhưng vì giả quá nhiều nên không bán được.Gia đình của các họa sĩ như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm hay Lê Phổ bên Pháp tôi đều quen biết, họ rất đàng hoàng, tôn trọng cha và những di sản của cha. Họ sẽ không để yên nếu thấy có tranh giả của cha mình. Các hành động không tôn trọng thế hệ đi trước sẽ rất tổn hại cho tên tuổi của họa sĩ. Chỉ có giải pháp là những người mua phải cẩn thận để tránh mua tranh giả thôi. Để biết là đồ giả thì phải thấy đồ thật. Không thể có chuyện bức tranh của họa sĩ tài năng mà chữ ký như đứa trẻ mới đi học. Bức tranh thật có hồn, làm mình rung động, tranh giả thấy nó trơ trơ. Tiếp đó phải nghiên cứu về sắc màu, chữ ký, chữ trên mặt tranh, rồi khung, mặt trước mặt sau. Tức là nếu chú tâm thì khả năng mua nhầm rất ít.Điểm tích cực với môi trường sưu tập hiện nay là có nhiều nhà sưu tập trẻ bắt đầu tham gia. Họ là những nhà sưu tập thật. Họ ít tiền nhưng họ thích, nên họ nghiên cứu rồi tự lên tay.Quan điểm của chị về vai trò của nghệ thuật trong xã hội?Đối với tôi, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng. Mình phải có đam mê, nghệ thuật giúp cho cuộc đời đẹp hơn và đưa mọi người đến được với nhau tốt đẹp. Nghệ thuật là ngôn ngữ chung thế giới. Nghệ thuật là vô biên giới. Nghệ thuật làm mình vươn tới cái đẹp, chứ không phải chỉ tối ngày làm ăn, tiền bạc. Năm 1991, Loan de Fontbrune được Bảo tàng quốc gia Guimet - một trong những bảo tàng nghệ thuật châu Á lớn trên thế giới - bổ nhiệm vào vị trí quản lý cổ vật Đông Nam Á. Quá trình đó giúp bổ khuyết lai lịch cho nhiều hiện vật quý báu, quan trọng với mỹ thuật Việt Nam tại bảo tàng này như đồ sứ ký kiểu Blues de Hue, đồ bằng vải, gỗ, đá, kim khí, tượng thờ và vật dụng tôn giáo...Bà là cố vấn cho nhiều bảo tàng tại Pháp và châu Âu như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris, Bảo tàng quốc gia về gốm sứ Sèvres, Bảo tàng Limoges, Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ... Bà có vai trò quan trọng trong việc giúp cho mỹ nghệ và mỹ thuật Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại châu Âu, và là tác giả nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu giá trị về mỹ thuật Việt Nam.Năm 2002, triển lãm do bà cố vấn mang tên "Việt Nam: nghệ thuật và văn hóa, từ quá khứ đến hiện tại (Le Vietnam: art et culture, du passé au présent)" - triển lãm đầu tiên về mỹ thuật Việt tại Bỉ, trưng bày 450 hiện vật từ Việt Nam và khắp châu Âu. Triển lãm này đã góp phần giúp Luật Di sản văn hóa được thông qua tại Việt Nam do triển lãm đã mượn mấy trăm hiện vật rất quý của 13 bảo tàng tại Việt Nam.+ Năm 2012, bà là giám tuyển khách mời cho triển lãm "Từ sông Hồng đến Mekong - Tầm nhìn của Việt Nam (Du Fleuve Rouge au Mékong - Visions du Vietnam)" tại Bảo tàng Cernuschi, là triển lãm quy mô lần đầu tiên thể hiện toàn diện lịch sử phát triển của mỹ thuật Đông Dương.+ Năm 2014, bà được Viện Hàn lâm Hải ngoại Pháp bổ nhiệm làm thành viên thông tín trong chuyên khoa giáo dục, văn chương, khảo cổ và mỹ thuật. Trước đó, những tên tuổi khác gồm vua Khải Định, nhà văn hóa Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng. Tags: Mỹ thuật Việt namMỹ thuậtNhà sưu tậpSưu tập tranhLoan de Fonbrune
Tìm thấy nữ sinh mất tích trước Tết ở Trung Quốc DUY LINH 08/02/2025 Liên quan vụ nữ sinh năm 4 ở TP.HCM bất ngờ mất tích từ trước Tết, tin mới nhất cho biết cô đã được tìm thấy ở Trung Quốc, dự kiến ngày mai 9-2 về tới Việt Nam.
Chủ tịch TP.HCM tham vấn chuyên gia về tăng trưởng hai con số trước biến động thế giới THẢO LÊ 08/02/2025 Chuyên gia gợi ý TP.HCM áp dụng nghị quyết 98, để thúc đẩy tăng trưởng hai con số trong tình hình mới.
Lời kể kinh hoàng của nạn nhân sống sót trên chuyến xe khách bị lật ở Phú Yên MINH CHIẾN 08/02/2025 Liên quan đến vụ xe khách bị lật khiến 3 người chết, những hành khách trên xe vẫn chưa hết hãi hùng nhớ lại khoảnh khắc xảy ra vụ tai nạn.
Thu vé 30.000 đồng, khách vào rung cành mận hoa rụng lả tả, chủ vườn xót xa NGUYỄN HIỀN 08/02/2025 Muốn có bức ảnh đẹp, 3 du khách đã không ngại rung cành mận khiến hoa rơi rụng lả tả, chủ vườn ở Lào Cai không khỏi xót xa.