Đi tìm một định hướng phát triển mới

NHIÊN ANH 01/02/2025 05:40 GMT+7

TTCT - Năm nay, cuối năm và đầu năm dường như dồn lại làm một, trong một không khí cấp tập chưa từng thấy, và đòi hỏi cao chưa từng thấy, khi cửa sổ phát triển để vượt hẳn lên của nền kinh tế quốc gia đang ngày càng thu hẹp lại.

Đi tìm một định hướng phát triển mới - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 ở TP.HCM cuối cùng cũng đã về đích vào cuối năm 2024, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang khát hạ tầng hơn bao giờ hết. Ảnh: AFP

Nền kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2024 với tỉ lệ tăng trưởng hơn 7% và giá trị xuất khẩu lên đến hơn 400 tỉ USD, trong đó con số đóng góp xuất khẩu của FDI là gần 300 tỉ USD. 75% giá trị xuất khẩu, do đó chủ yếu sẽ vẫn nằm trong túi của các nhà máy đầu tư nước ngoài, còn chúng ta, là phần chi phí gia công.

Vượt lên không dễ

Chúng ta không thể tự hào về điều đó, nhưng thiết nghĩ cũng không nên mãi coi đó là thất bại. Vì các quốc gia Đông Nam Á khác, có xuất phát điểm trước chúng ta hơn 10 năm, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, chưa nước nào thực sự thoát ra được khỏi vai trò quốc gia gia công. 

Họ cơ bản vẫn an phận với vị thế quốc gia sản xuất phi công nghệ, cho dù đã có thời điểm, giữa những năm 1990, các nước đó từng được kỳ vọng sẽ kế bước Đài Loan và Hàn Quốc để trở thành những nền kinh tế công nghiệp hoàn chỉnh, trong mô hình đàn sếu bay.

Chúng ta đi sau họ 10 năm, có đủ bài học nhãn tiền của các quốc gia Đông Á - vốn đã thành công, bao gồm cả nền kinh tế láng giềng khổng lồ Trung Quốc. 

Đến nay, chúng ta vẫn chưa vượt thoát để trở thành được một quốc gia công nghiệp có sản phẩm hàm lượng nguyên liệu, nhân công và công nghệ phần nhiều từ nội địa, như Hàn Quốc đã làm với tủ lạnh LG, tàu thủy Hyundai và điện thoại Samsung.

Gần giống Indonesia và Malaysia, chúng ta đang có hàng ngàn triệu phú đô la, hàng trăm đại gia bất động sản có thể xây được cả một đại đô thị. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng chỉ có vài mươi người đủ giàu và đủ đam mê để xuất khẩu cho bằng được một sản phẩm made in Việt Nam tử tế.

Những nỗ lực đáng khâm phục

Từ góc độ người làm sản xuất, tôi ngưỡng mộ cách Hòa Phát xuất được container rỗng đi Mỹ, Trung Nguyên xuất khẩu cà phê thành phẩm và mở được chuỗi 21 không gian - cửa hàng ở Trung Quốc, rồi 4 nữa ở Mỹ, với tâm thế rõ ràng: tạo lập cho bằng được thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Còn có những doanh nghiệp khác, không nhiều, vẫn đang kiên trì cho mục đích xuất khẩu. Họ có thể thành công hoặc chưa, nhưng khát vọng và ý chí của họ, nếu được kế thừa bởi một thế hệ doanh nhân nhiệt huyết và được nuôi dưỡng bởi các chính sách hỗ trợ thích đáng và tận tâm của Nhà nước, thì chúng ta vẫn có hy vọng.

Trong cuốn How Asia Works (Châu Á vận hành như thế nào), tác giả Joe Studwell đã mô tả chính sách "Kỷ luật xuất khẩu" của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc: Ưu đãi tối đa cho các doanh nghiệp có tiềm lực, có chiến lược xuất khẩu, để có cho bằng được sản phẩm xuất khẩu có chỗ đứng trên thị trường thế giới. 

10 doanh nghiệp được hỗ trợ may ra có một, hai doanh nghiệp sống sót và tạo ra được khả năng nâng cấp công nghệ và sản phẩm cạnh tranh được ở tầm vóc toàn cầu, và cuối cùng mới có được Hyundai, Samsung hay Huwei.

Khả năng làm được điều đó trong tương lai hiện đang trở nên ngày càng khó khăn, nếu không có một con đường khác mới mẻ hơn. 

Con đường mới đó hiện có vẻ là đặt cược lớn vào công nghệ, lĩnh vực mà những người lãnh đạo quốc gia và hoạch định chính sách đang đặt niềm tin rất lớn - như con bài tẩy cuối cùng để quyết định ván bài: đưa Việt Nam nhảy qua được hố bẫy thu nhập trung bình.

Công nghệ số, kinh tế chip, kỷ nguyên AI… đòi hỏi hiệu năng và tốc độ, một chậm trễ và sai hướng đã làm Intel, đế chế chip hàng đầu, rơi vào thảm trạng suy thoái. Chậm trễ và sai hướng cũng đe dọa sẽ khiến những quốc gia kỹ nghệ hùng mạnh như nước Đức rơi vào tình trạng phải rượt đuổi.

Hiệu năng của xã hội, do đó, buộc cũng phải được thay đổi một cách triệt để bằng những bước nhảy - thay vì những cải tiến chậm chạp, hình thức. Công cuộc tái cấu trúc hầu hết bộ máy chính phủ và công quyền dường như là một bước nhảy logic, phù hợp với những gì đang diễn ra ở những quốc gia buộc phải đổi mới.

Với những gì đang được mô tả và diễn ra những ngày cuối năm, đó phải coi là một cú sốc, hiểu từ nhiều nghĩa. Sốc tiêu cực với những người buộc phải rời môi trường an toàn bao năm và vẫn tưởng mình có thể "tọa hưởng kỳ thành" một khi đã trở thành "người nhà nước". 

Nhưng đó là cú sốc tích cực với nền kinh tế nói chung, vốn đã phải chịu đựng tình trạng cồng kềnh kém hiệu quả của hệ thống công quyền quá lâu.

Với toàn bộ xã hội, đây là cú sốc cần có, nên có. Bởi nền tảng để cú sốc này được khởi sự, đã được chuẩn bị và tích lũy từ lâu - bắt nguồn cả từ nhu cầu nội sinh, lẫn áp lực từ bên ngoài. 

Bỏ qua những đại ngôn, mỹ từ của truyền thông, sự thay đổi mà nhiều người mong muốn này, đang thực sự chuyển động, kể cả khi nó sẽ kèm theo những hệ quả cần giải quyết trong vấn đề an sinh, như mọi đồng tiền đều có hai mặt.

Hơn nữa, khả năng thành công của công cuộc cải cách bộ máy này vẫn nằm hoàn toàn trong tay chúng ta, còn kiểm soát được, nên khó thể biện minh cho một lý do khách quan nào để lại đưa ra lý giải rằng tinh gọn bộ máy là điều không thể làm được. 

Dẫu vậy, như mọi cú sốc lớn khác, cuộc cải cách vẫn đòi hỏi một nỗ lực rất khác biệt. Sư tử, dù khi bắt một con thỏ, vẫn phải dùng hết sức của mình. Cải cách thành công được bộ máy công quyền rõ ràng là một thử thách lớn hơn vậy nhiều.

Năm Thìn vắt qua năm Tỵ, là hai con giáp biểu tượng cho sự linh thiêng và thông thái, sự khởi đầu năm mới bắt đầu từ khi năm cũ chưa kết thúc, hy vọng cũng là điềm báo về một sự mới mẻ đáng mong chờ. (Dẫu chắc chắn sẽ có vô số thách thức, bao gồm cả những loại khó khăn chưa từng gặp bao giờ). 

Bởi thế, tiễn năm cũ, đón năm mới, ai cũng mong làm được gì đó mới mẻ, khác đi so với những lối mòn năm cũ. Chí ít cũng là một cái mới khiêm nhường, kiểu như không than phiền cho thực tại nữa, mà hãy chỉ tập trung lo cho tương lai!■

Tổ chức nghiên cứu Oxford Economics nhận định nền kinh tế Việt Nam đã "tăng trưởng tốt hơn khu vực" trong năm 2024, ở mức 6,7% (nhiều tổ chức khác đưa ra ước tính 7%), và dự báo xu hướng đó sẽ tiếp tục vào năm 2025, với mức tăng trưởng 6,5%, là "nền kinh tế tăng trưởng nhanh nổi bật trong nhóm ASEAN-6 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam). Ngân hàng HSBC cũng cùng nhận định tương tự.

Cơ sở cho dự báo đó là những lĩnh vực sản xuất cơ bản vẫn tăng trưởng tốt, bao gồm gia công, lắp đặt, đóng gói, test sản phẩm bán dẫn, cùng các lĩnh vực truyền thống như dệt may. Oxford Economics nói thu nhập người lao động sẽ tăng ổn định nhờ việc làm trong lĩnh vực FDI, qua đó hỗ trợ tiêu dùng tư nhân, cũng như tích tụ tài sản.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo hai rủi ro lớn trong năm tới: nguy cơ chính quyền Mỹ mới áp thuế quan, và thị trường bất động sản có thể sẽ chưa hồi phục tới cuối năm 2025, kèm theo nguy cơ đổ vỡ nợ xấu.

Xuất khẩu trong năm 2024, dựa vào linh kiện điện tử, điện thoại thông minh và hàng dệt may, tăng 14,5%, lên mức 405,5 tỉ đô la. Việt Nam đã hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng và phân rã địa chính trị, dẫn tới nhiều công ty sản xuất rời Trung Quốc.

Nhưng cùng với quá trình này, giới phân tích lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp rủi ro bị áp thuế quan lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, điều khiến Goldman Sachs nhận định Việt Nam "có nguy cơ đáng kể" sẽ bị Mỹ áp thuế quan.

Còn Oxford Economics thậm chí dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á phải chịu thuế quan cao hơn vào Mỹ thời chính quyền Trump.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận