TTCT - Tạm dịch hai câu thơ của Đỗ Phủ: "Vãn lai cao hứng tận, dao đãng cúc hoa kỳ" trong bài Cửu nhật Khúc Giang, để ngày Tết, nói chuyện hoa cúc trong thơ và họa. Đương xuân đáng lẽ tán thưởng hoa mai như bao độ bao người, nhưng chợt nhớ nhiều năm rồi, cứ gần Tết là bưng vài chậu cúc về để sân nhà, thấy trời xuân vẫn vậy. Lại, coi nơi chợ bông thì cúc chiếm quá nửa, phần kia thì chia cho trăm thứ hoa khác khoe hương đua sắc. Bởi vậy nói về cúc giữa xuân có khi cũng nên.Vũ Cao Đàm, Hoa cúc, 1949, Lụa, 53,5x45cm. Đấu giá tại Bonhams ngày 11-12-2024. (ước giá 90.000-120.000 euro). Ảnh: BONHAMSNgô Xương Thạc, Cúc thạch. Lạc khoản: Hoang nhai tịch mạc vô tình, Lão cúc độc đắc thu chi thanh, Đăng cao nhất khiếu tác trùng cửu, Bả xích thành hà xan lạc. Ngô Xương Thạc. Đinh Tị: “Non vắng đìu hiu vô tình, Cúc già riêng được cõi thanh, Lên cao kêu rằng trùng cửu, Khoảng chốn tiên vui ngậm ráng mây trời”. Ảnh: FLICKRĐâu đó hồi nào chưa rõ, cúc được xếp vô tốp bốn giữa ngàn hoa, trong đặc danh tứ quân tử "mai lan cúc trúc", hay biểu trưng cho bốn mùa xuân hạ thu đông, mai trúc cúc tùng.Thi hứngKhông phải chỉ mỗi cụ Tiên Điền phá cái lệ xuân mai, nói toàn "Xuân lan thu cúc", như chị em Kiều thì "Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai", còn trong bài Tráng sĩ kêu trời thì "Xuân lan thu cúc thành hư sự, Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên" (Nguyễn Thạch Giang dịch thơ: Xuân lan thu cúc thành chuyện hão, Hạ nồng, đông rét giục ngày tàn). Gẫm từ thời Chiến quốc bên Tàu, cụ Khuất Nguyên đã từng ước lệ xuân lan như vậy, Cửu ca-Lễ hồn viết: "Xuân lan hề thu cúc, Trưởng vô tuyệt hề chung cổ" (Lan mùa xuân cúc mùa thu, Triền miên sanh mãi không dứt). Mới thấy biểu tượng hoa xuân không hẳn mai hay đào, nên kéo theo cái chuyện cúc không cứ là thu.Cụ Ức Trai từng gợi ý rằng cúc nở không kịp thu có khi lại hay, "Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn, Cho hay thu muộn tiết càng thơm" (Quốc âm thi tập, Cúc). Phải chăng gần ngàn năm trước ấy, trong cõi tự nhiên nghinh sương ngạo tuyết thì dù cúc khoe sắc nhằm tháng chín tháng mười hay tháng chạp đều không hạn cớ gì, miễn đẹp miễn thơm hết mình.Văn nhân thưởng cúc, phần đông hay theo kiểu cụ Yên Đỗ nhắc chuyện ông Đào, rằng ông thường đạp tuyết tìm hái cúc, rượu với cúc nhâm nhi, ngắm cúc ngân nga hát, làm những câu "Thái cúc đông li hạ, Du nhiên kiến Nam sơn" (Dưới giậu đông hái cúc, Điềm nhiên trông núi Nam).Họa cảmNgười sau phục dựng hình tượng Đào Uyên Minh cao khiết qua biết bao bức vẽ. Bắt đầu từ thời Tống, Triệu Linh Nhưỡng với Uyên Minh thưởng cúc đồ (30x260cm, Bảo tàng Cố cung Đài Bắc), tiếp sau, nhiều họa gia nổi danh thời Minh như Chu Thần, Đường Dần (Bá Hổ), Cừu Anh, cho đến cận đại như Trương Đại Thiên, Phó Bảo Thạch đều lấy "Uyên Minh thưởng cúc" làm cảm hứng đề tài. Hồi tháng 11 năm rồi, còn thấy Christies đưa lên sàn một bức của Trương Đại Thiên vẽ năm 1982, khởi giá 800.000 HKD (100.000 USD). Hay như Bảo tàng lịch sử Đài Loan gần đây còn thâu tàng bức Uyên Minh thưởng cúc của họa sĩ đương đại Uông Hạo (mực và màu trên giấy, 70x160cm, 2001).Đôi tri kỷ Đào với Cúc được truyền tụng mãi, lâu dần khiến cúc được nhân cách hóa, như hình ảnh nói lên sự giản dị, cứng cỏi và thanh tao, tranh vẽ hoa cúc cũng hàm chứa ý nghĩa ấy.Từ thời Tống, nhiều họa gia nổi danh như Hoàng Thuyên, Triệu Xương, Từ Hi… đã lấy cúc làm đề tài, qua Minh - Thanh càng nhiều thêm tên tuổi lớn để lại danh tác: Từ Vị, Vương Trung Lập, Trần Thuần, Bát Đại Sơn Nhân, Thạch Đào, Uẩn Thọ Bình, Tưởng Đình Tích, Ngô Xương Thạc đều nổi danh một thời.Trong các danh họa kể trên, riêng Chu Đạp (hiệu Bát Đại Sơn Nhân, 1626-1705) với phong cách đại tả ý qua đường nét thô phác và bố cục giản đơn có phần độc lạ so với quy củ đương thời, lối vẽ ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sau, đặc biệt là Tề Bạch Thạch (1864-1957).Khiết hoa bách cúc, trích, Huỳnh kiếm long cúc. Ảnh: PINTERESTBát Đại Sơn Nhân, Bình hoa cúc (lạc khoản: Giáp Tuất chi Trùng dương họa, Bát Đại Sơn Nhân). Ảnh: zettl.blogCúc tửu diên niên. Lạc khoản: phải, Tam bách thạch ấn phú ông Tề Hoàng họa; trái, Cúc tửu diên niên, Bát thập tam tuế lão nhân Bạch Thạch hựu triện: “Phú ông ba trăm ấn đá Tề Hoàng vẽ. Ông già 83 tuổi Bạch Thạch viết chữ triện”. Ảnh: PINTERESTBức Cúc tửu diên niên (Cúc với rượu sống lâu) của Tề Hoàng (hiệu Bạch Thạch) ở bảo tàng Freer Gallery of Art (Mỹ) có lẽ là bức tranh về hoa cúc được biết đến nhiều. Đề tài cúc tửu này được ông Tề vẽ nhiều bức, vài bảo tàng Trung Quốc cũng có, về sau cũng có nhiều người phỏng theo (có ghi nguồn) hoặc nhái theo na ná rồi bán trà trộn tùm lum. Sau Tề, đệ tử là Lý Khổ Thiền (1899-1983) cũng nổi danh với đề tài hoa cúc. Còn sau nữa có tranh cúc để đời như Trần Đại Vũ, thì nhiều lắm.Với người Nhật, xứ sở hoa anh đào, có lẽ cúc thuộc hàng đệ nhị quốc hoa. Từ những tranh vẽ lụa hay bình phong sơn mài thếp vàng khổ lớn của nhiều họa sĩ hồi khoảng thế kỷ 18, cho đến đủ hình thức diễn tả trên vật dụng trong dân gian như các thứ khay ly chén dĩa, hoa cúc hiện diện khắp. Lại, đồ văn cúc được thiết kế cách điệu trên huân chương từ thời Minh Trị, trên đồng yen và trên hộ chiếu hiện nay. Mức độ phổ biến khắp quý tộc bình dân đến vậy cho thấy cúc được ưu ái biết nhường nào.Hồi năm Minh Trị thứ 26-36 (1893-1903), Trường Cốc Xuyên Khiết Hoa (Hasegawa Keika) lần lượt đưa in bộ tranh khắc gỗ với tiêu đề Khiết hoa bách cúc, gồm 3 tập với 75 bức thể hiện 75 giống cúc, kỹ pháp họa thuật công phu như khảo họa, lại độc đáo ở chỗ định danh cho từng giống, như Bạch Vương Quan (nón vua trắng), Hổ Nhiêm (râu cọp), Huỳnh Kiếm Long (kiếm long vàng), Nhật Nguyệt Tinh (trời trăng sao), Vạn Tuế Lạc (vui muôn năm)… Có thể nói, cúc trong hội họa Nhật mạnh ở tính trang trí, lại tinh tế phong phú trong khảo họa và định danh, làm nên nét đặc sắc.■ Đa số họa sĩ Việt thường vẽ thiếu nữ bên hoa huệ hoa lan, hay ảnh hưởng quy ước "mỹ nhân tiêu" mà vẽ thiếu nữ bên hoa chuối. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tác phẩm mỹ nhân bên hoa cúc khá ấn tượng, như Lê Phổ với bức Cô gái bên đồng hoa cúc giữa nắng ấm trời thu, hay Mai Trung Thứ với bức Reunion (Gặp gỡ) diễn tả hai thiếu nữ gặp nhau trong vườn cúc dại, một cô tay cầm bó cúc vừa hái, kể ra thấy tranh đề tài này không nhiều. Tranh hoa cúc được chú ý gần đây có lẽ là bức lụa Hoa cúc của Vũ Cao Đàm vẽ năm 1949, mà mới cuối tháng 12 vừa qua thấy Bonhams đưa ra đấu giá; hồi tháng 3-2024, sàn Aguttes từng gõ búa 164.000 euro cho một bức Les chrysanthèmes (Hoa cúc) khác cũng của tác giả này.Bìa tạp chí Tri Tân số Xuân Quý Mùi 1943Bìa tạp chí Tri Tân số xuân Quý Mùi (1943), họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ trang trí toàn hoa cúc, năm này hoàn cầu chiến tranh nên đường nhập giấy tắc, báo xài giấy dó thủ công làm bìa, giờ hóa ra lại hay, tợ như kiểu sang ngầm, chòm cúc mãn khai trên mộc mạc thâm trầm nền giấy cũ. Tags: Mỹ thuậtHoa cúcNguyễn DuTề Bạch ThạchHội họa
Thủ tướng: Chuẩn bị cho khả năng ‘chiến tranh thương mại’ thế giới để phản ứng nhanh nhạy NGỌC AN 05/02/2025 Trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới có thể sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, giữ nhịp tăng trưởng.
Phụ nữ lạ bịt kín mặt đến cổng trường dụ dỗ đón học sinh, trường ra cảnh báo khẩn QUỐC NAM 05/02/2025 Một phụ nữ lạ bịt kín mặt đến cổng trường tại thị xã Quảng Trị dụ dỗ học sinh lớp 6 để đón về nhưng rất may phụ huynh đến kịp.
Quán ăn ở Nha Trang bị tố 'chặt chém' du khách Trung Quốc đã tháo toàn bộ bảng hiệu NGUYỄN HOÀNG 05/02/2025 Quán ăn ở Nha Trang bị tố 'chặt chém' du khách Trung Quốc đã tháo toàn bộ bảng hiệu, cửa đóng.
Người phụ nữ khỏa thân rơi khỏi xe ô tô do 'say quá tự lột đồ' DOÃN HÒA 05/02/2025 Lực lượng chức năng đã mời những người liên quan trong đoạn clip ghi cảnh người phụ nữ không mặc quần áo rơi khỏi xe ô tô ở Nghệ An tới làm việc.