TTCT - Cho chữ và viết chữ đẹp là một nghệ thuật đã lâu đời cũng như chính chữ viết. Bốn chữ viết như rồng như rắn mà quý độc giả thấy ở bìa tờ báo này là "Cát mộng duy xà" (Rắn đem điềm tốt), thủ ấn của nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025. Ngoài ý nghĩa như lời chúc cát tường cho năm mới con rắn, viết và tặng chữ ngày xuân, cũng như viết và tặng chữ nói chung, là truyền thống lâu đời của người Việt.Phần mở đầu “Lan Đình tập tự”: “... tuế tại Quý Sửu, mộ xuân chi sơ, hội ư Cối Kê Sơn Âm chi Lan Đình, Tu Hễ sự dã”: “Năm Quý Sửu, vừa lúc vào cuối xuân, bạn bè tụ hội cùng nhau nơi Lan Đình, vùng Sơn Âm huyện Cối Kê để dự lễ hội Tu Hễ”, bản chép lại phỏng theo Vương Hy Chi của hai vua thời Tống, thế kỷ 11 và 12. Ảnh: Sothebys.comRộng hơn nữa, thư pháp, hay nghệ thuật viết chữ đẹp, ra đời ngay từ khi con người biết viết chữ, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Học trò ngày nay vẫn rèn vở sạch chữ đẹp. Thư mời đám cưới, trong thời của AI, của cả nghìn loại phông chữ điện tử muốn kiểu gì cũng có, vẫn trang nhã và sang trọng hơn nhiều nếu được viết tay bởi một cao thủ viết chữ nào đó, không khác gì người ta tranh nhau mua quạt chỉ vì có chữ của Vương Hy Chi trên đó, 1.600 năm trước.Từ Vương Hy Chi tới Sotheby'sNhân vật Vương Hy Chi này, nổi danh với đoản luận Lan Đình tập tự, tất nhiên là cũng có văn tài, nhưng ông lưu danh thiên cổ và trở thành đại danh nhân văn hóa với 1,4 tỉ người Trung Quốc hầu như chỉ nhờ một chuyện, mà trong nhiều xã hội công nghiệp - công nghệ ngày nay đã bị hạ cấp xuống chỉ còn là tài lẻ: viết chữ đẹp.Ngày 3-3 âm lịch năm 353, ở Trung Quốc thời cổ là tết Thượng Tị, Vương Hy Chi cùng 40 vị văn nhân nho nhã tới Lan Đình tại núi Hội Kê thuộc huyện Sơn Âm (nay là phía đông tỉnh Chiết Giang) ăn tết. Họ thả cốc đựng rượu bằng lá sen xuôi dòng nước lững lờ. Cốc rượu dừng lại gần người nào nhất thì người đó phải uống và làm một bài thơ. Khi Vương đã ngà ngà thì số thơ cũng đã kha khá. Mà phàm đã làm thơ thì đều phải in thành tập phát cho bạn bè thân hữu (chứ thơ làm lúc xỉn, e là khó bán). Mà đã in ra thì phải có người viết đề tựa. Vương là người viết chữ đẹp nhất hội (và thật ra là đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc), bèn viết một đoản luận chỉ 324 chữ Hán nói về niềm vui ngắn ngủi mà phù phiếm, cùng nỗi buồn bảng lảng của cuộc đời. Năm đó, ông đúng 50 tuổi, theo quan niệm Trung Hoa là tuổi tri thiên mệnh, thư pháp của ông lúc bấy giờ cũng là ở đỉnh cao sự nghiệp. Bốn chữ "Cát mộng duy xà" ở bìa báo được viết theo lối chữ triện, lấy cảm hứng từ Thi kinh, Tiểu nhã: "吉夢維何,維熊維羆,維虺維蛇" (Cát mộng duy hà, duy hùng duy bi, duy hủy duy xà: "Điềm lành ra sao, thấy là con gấu, thấy là con rắn"). Trong ít nhất hai thiên niên kỷ, thư pháp được coi là hình thức nghệ thuật cao nhất ở Trung Hoa, và Vương Hy Chi là mẫu mực. Bản gốc Lan Đình tập tự nay không còn, nhưng lối viết chữ của Vương trở thành khuôn vàng thước ngọc tới tận ngày nay. Vàng ngọc này không chỉ là kiểu nói ước lệ tượng trưng. Năm 2010, một cuộn giấy chỉ có bốn dòng chữ chép theo lối chữ của Vương, tức thậm chí không phải bản chính, mà chỉ là bản nhái, của một thư pháp gia thời Đường, đã bán được ở cuộc đấu giá của nhà China Guardian tại Bắc Kinh với giá 308 triệu nhân dân tệ (46 triệu đô la Mỹ). Hay mới tháng 10-2024, nhà đấu giá quốc tế Sotheby's ở Hong Kong đã khoe và đấu giá các bản chép tay bài Lan Đình tập tự của hai hoàng đế nhà Tống, Nhân Tông và Cao Tông (thế kỷ 11 và 12), với giá rao 95 triệu đô la Hong Kong (12 triệu đô la Mỹ).Hai trang chép kinh Quran viết theo lối thư pháp Muhaqqaq (Bảo tàng Anh quốc). Ảnh: middleeasteye.netChỉ mấy chữ giun dế mà lớn tiền như vậy là có lý của nó.Thư pháp: Một lịch sửNghệ thuật viết chữ đẹp từng rất được coi trọng không chỉ ở nền văn hóa chữ tượng hình Trung Hoa. Thư pháp xuất hiện gần như cùng lúc với chữ viết - phát minh quan trọng nhất của nền văn minh con người hiện đại. Hệ thống chữ viết đầu tiên của con người, chữ hình nêm Sumeria, được ghi nhận xuất hiện tại Lưỡng Hà vào khoảng 3.200 năm trước Công nguyên. Nó trở thành nền tảng cho những hình thức tri thức thành văn mới, như văn bản có trật tự ngữ pháp, kinh kệ, văn bản hành chính, sách địa lý lịch sử, y khoa, thiên văn học, rồi văn chương và thi ca. Tri thức và văn chương cổ đại mã hóa bằng chữ viết khuyến khích sự phát tán văn hóa ở quy mô thế giới, chẳng hạn như các thế giới xoay quanh chữ Hy Lạp và Latin ở phương Tây, chữ Ba Tư và Aramaic ở Trung Đông, chữ Cyrillic ở Nga, hay chữ Hán ở phương Đông.Với nhiều nền văn hóa cổ đại, chữ viết từng là đặc quyền của chỉ một giai tầng nhỏ bé, nhưng nắm quyền kiểm soát xã hội, và do đó, thư pháp trở thành một nghệ thuật cấp cao. Ý nghĩa của từ ngữ làm thay đổi ý nghĩa của đời sống, nên hình thức của từ ngữ - thư pháp - trở nên đan cài chặt chẽ với đời sống. Từ văn bản hành chính, các bản kinh kệ chép tay, đến hội họa và thi ca, thư pháp giao cắt với tất cả.Với các nền văn hóa chữ tượng hình Á Đông, như Trung Hoa hay Nhật Bản, nghệ thuật thư pháp đỉnh cao đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác và tập trung tinh thần chỉ có ở những bậc thầy tầm cỡ Vương Hy Chi. Nhưng họ không phải ngoại lệ, thư pháp trong thế giới chữ viết Ả Rập, Ba Tư, Hindi, hay ngay cả chữ Latin, đều đã và vẫn đang có vai trò lớn lao trong đời sống và nghệ thuật.Với thế giới Hồi giáo, vốn kiêng kỵ hình ảnh trong các bối cảnh tôn giáo, thư pháp trở thành một hình thức nghệ thuật chủ đạo. Họ có tới 7 hệ thư pháp lớn: Kufic (bắt nguồn từ thị trấn nam Iraq Al-Kufa, chữ đứng ngắn, chữ nằm dài), Dewani (tức phong cách Ottoman, chữ uyển chuyển, uốn lượn), Thuluth (chữ "mỹ thuật công nghiệp", chuyên dùng trên đồ gốm sứ, bia mộ, vải dệt...), Naskh (chữ tròn và dạng "lưu thủy", chuyên dùng để chép kinh kệ, viết văn, làm thơ), Rayhani (chữ nhọn và dễ đọc, để chép kinh Quran phổ thông), Muhaqqaq (nghĩa là "thành tựu", hay "sáng tỏ", có thể coi dạng chữ Vương Hy Chi của thế giới Ả Rập, đẹp mắt nhất về mặt mỹ thuật), và Riqa (kiểu thư pháp mới nhất, ra đời từ thế kỷ 19, thường dùng trong thiết kế đồ họa, tạp chí, quảng cáo...).Ở châu Âu Kitô giáo, nghệ thuật thư pháp gắn liền với việc diễn giải hình ảnh trong thánh kinh cho quảng đại quần chúng vào thời Trung Cổ. Trước khi kỹ nghệ in được truyền vào châu Âu giữa thế kỷ 15, tỉ lệ biết đọc biết viết ở đây là cực thấp. Truyền thống chép tay kinh kệ ở các tu viện khắp châu lục do đó khiến thư pháp gắn liền với những bản thánh kinh không chỉ chép bằng thứ chữ nắn nót tuyệt đẹp, mà còn được lộng vàng và cả chạm trổ tinh xảo, cực kỳ tốn kém thời gian, công sức lẫn tiền bạc, có khi hàng chục năm trời. Nghệ thuật và kỹ thuật viết chữ đầu tiên của một chương sách hay bài luận theo lối chữ hoa tỉ mỉ và kỳ công đôi khi bằng thời giờ chép cả chương đó, cũng bắt đầu từ châu Âu. Lan Đình tập tự (trích):"Phàm người ta khi gặp gỡ nhau, thời gian thường là ngắn ngủi. Có người thu lượm điều chí thú, cất giữ trong lòng, rồi cùng bạn bè trong phòng đàm đạo. Có người lại ký thác ra ngoài rồi buông thả theo tháng ngày phóng lãng. Tuy nắm giữ hay xả bỏ mỗi người một khác, thư tĩnh hay nóng vội cũng chẳng giống nhau, song đều lấy làm vui. Nhận vào cho mình rồi tự mình thỏa nguyện, chẳng biết rằng tuổi già kia đang sắp tiến tới nơi.Rồi đến lúc chán chường mệt mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, dẫn đến chỗ lòng đầy cảm khái, những gì trước đây yêu thích, phút chốc bỗng thành thứ cũ xưa, rồi không thể không xúc động tâm tình. Huống chi tuổi thọ con người ngắn dài cũng đổi thay cùng với tự nhiên, rút cuộc rồi cũng đến hồi kết thúc. Người xưa từng nói: "Sống chết là chuyện lớn", lẽ nào điều đó chẳng khiến đau lòng hay sao!Mỗi khi xét đến nguyên do cảm hứng của người xưa, thấy dường như cùng mình tương hợp, thì thường hay vì văn chương mà bi thương cảm thán, trong lòng chẳng rõ vì sao. Vốn biết rằng xem chuyện tử sinh không khác gì nhau là điều hư ảo, đánh đồng Bành Tổ trường thọ với Thương Sinh yểu mệnh là cách nghĩ xằng. Nhưng người đời sau nhìn về người đời nay cũng giống như người đời nay nhìn về người đời xưa, thật đáng buồn lắm thay!". Từ “Đức Phật” viết bằng chữ Devanagri (Hindi) và Nastalique (Urdu) kết hợp, tranh và chữ thư pháp thuộc chùm 60 tác phẩm “Samrup Rachna” của tác giả người Pakistan Syed Mohammed Anwer, như một lời kêu gọi hòa bình cho hai dân tộc Ấn Độ và Pakistan, 2012.Một trang trong thánh kinh Kitô Lindisfarne, phần mở đầu cho Phúc Âm Matthew, với câu đầu tiên bằng tiếng Latin: “Liber generationis Iesu Christi filii David filii Abraham” (Đây là sách gia phả của Đức Jesu Christ, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham). Cuốn thánh kinh hết sức kỳ công này được tạo tác thủ công vào khoảng năm 715-720 ở tu viện Lindisfarne, vùng Northumberland giáp ranh Scotland và England ngày nay. Cuốn kinh hiện được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Anh, London, được coi là một trong những cuốn sách đẹp nhất thế giới, là sự kết hợp vô cùng độc đáo giữa nghệ thuật Hiberno-Saxon, Địa Trung Hải, Anglo-Saxon, và Celtic. Ảnh: WIKIPEDIACũng gắn với tôn giáo, nhưng theo các truyền thống cực kỳ đa dạng, là thư pháp Ấn Độ. Dù là với Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ na giáo hay Tích khắc giáo (và cả Hồi giáo), những bản kinh kệ viết tay đẹp lộng lẫy và đa dạng ở xứ sở có tới hàng nghìn ngôn ngữ gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của những tôn giáo này. Những nhà thư pháp rất được trọng vọng trong các xã hội Ấn Độ cổ, và tác phẩm của họ gắn liền với một truyền thống tiểu họa, trang trí sách và thủ công vô cùng đặc sắc.Ở các tu viện Phật giáo khắp tiểu lục địa Ấn Độ, những bản kinh kệ một thời được các nhà sư chép tay tỉ mỉ, đôi khi đó là công việc duy nhất của họ trong suốt ngày dài. Trong nhiều truyền thống Ấn Độ khác nhau, hoạt động rèn chữ này không chỉ để tạo ra một văn bản mới, mà cũng là yêu cầu về tinh thần và thể chất của những người tu tập, hay như người Việt vẫn nói "nét chữ nết người".Trở lại với Trung Hoa, trong khi ở nhiều nơi khác, nghệ thuật thư pháp đã lùi khá xa về quá vãng thì với nền văn hóa chữ tượng hình đang muốn vươn mình cùng "Trung Hoa mộng", các giá trị truyền thống lại được ra sức cổ xúy. Trẻ em Trung Quốc ngày nay học thư pháp từ năm 6 tới 15 tuổi ở trường trong các lớp nghệ thuật. Từ năm 2018, học sinh dự kỳ thi cao khảo không còn được cộng điểm cho thành tích ngoại khóa toán, khoa học và thể thao nữa, mà chỉ nghệ thuật, bao gồm thư pháp, mới có điểm cộng.Đây là nỗ lực có chủ đích của chính quyền nhằm xây dựng "sự tự tin về văn hóa", để thúc đẩy các "giá trị Trung Quốc". Hơn thế, thư pháp càng trở nên quan trọng trong thế giới Hoa tâm rộng lớn, nơi tuy hết sức đa dạng về ngôn ngữ, nhưng về cơ bản vẫn là "đồng văn", không chỉ gói gọn ở Trung Quốc đại lục.■ Tags: Nghệ thuật thư phápThư phápVương Hy ChiChữ viếtLan Đình Tập tự
Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên BÁ SƠN 07/02/2025 Khu vực Tây Nguyên sẽ được khai phá bởi các tuyến cao tốc cùng loạt dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ giúp rút ngắn thời gian đi lại, mở rộng cửa giao thương.
Giá vàng tăng nửa triệu đồng/lượng ngày vía Thần Tài ÁNH HỒNG 07/02/2025 Giá vàng miếng SJC sáng nay, 7-2, tăng 500.000 đồng/lượng, lên mức 90,3 triệu đồng/lượng sau khi giảm mạnh vào ngày hôm qua.
Ông Lê Văn Đông làm Viện trưởng Viện KSND TP.HCM TUYẾT MAI 07/02/2025 Lãnh đạo Viện KSND tối cao đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Văn Đông (viện trưởng Viện KSND tỉnh Thanh Hóa) làm viện trưởng Viện KSND TP.HCM.
Xử phạt tài xế xe đầu kéo cản trở đoàn xe ưu tiên HỒNG QUANG 07/02/2025 Tài xế xe đầu kéo không giảm tốc độ dù đường cong cua và trơn trượt, khi phanh gấp đã làm thùng xe bị văng, rê sang phần đường của xe ưu tiên.