Truyện ngắn: Gia tài của ngài Fosster

KURT VONNEGUT (MỸ) 16/02/2017 03:02 GMT+7

TTCT - Công việc của tôi là chuyên bán những lời khuyên cho giới khách hàng giàu có. Vừa chân ướt chân ráo vào làm tại một công ty tư vấn tài chính, tôi đã phải chi khoản tiền lớn để sắm những bộ cánh thật bảnh, trong khi mức thu nhập cụ thể chưa biết là bao...

Minh họa: Kiều Hải
Minh họa: Kiều Hải

Còn khi cần tới nhà một vị khách nào đó, việc đi lại bằng xe taxi là điều tất yếu. Sao cho khách hàng thấy mình là một người ăn nên làm ra, gây cảm tưởng cho họ rằng mọi sự rồi ra sẽ hết sức xán lạn.

Tôi thích chọn giới quý ông được hưởng thừa kế, bởi dù sao họ cũng không mấy khắt khe trong chuyện muốn khuếch trương tài sản vốn có. Thông thường chúng tôi kiểm đếm những giấy tờ có giá trị, rồi vạch phương án cho chúng chóng “sinh sôi nảy nở” theo cách nhanh nhất.

Để hoàn thiện vai trò của mình, tôi phải tạo ra bộ dạng dửng dưng khi đề cập tới con số chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đôla; trong thâm tâm chỉ mong nhận được phần hoa hồng nhỏ nhoi từ số tiền đó là tốt lắm rồi.

Sau rốt cũng có người cần nhờ đến tôi. Vị khách xưng danh là Herbert Foster vừa gọi điện thoại tới văn phòng, ngỏ lời rằng một người bạn thân cho biết có thể cậy nhờ chỗ chúng tôi hòng kiểm tra thực lực tài chính của mình. Tôi thu xếp chóng vánh cuộc gặp ở nhà khách hàng.

Thiên hạ bây giờ thường đánh giá con người ta qua mẽ ngoài, do vậy cần cấp tốc tạt về chỗ trọ thay bộ vét và giày mới, rồi đường bệ vẫy taxi đến chỗ hẹn. Vừa đi vừa thẩm định danh tính khách qua máy laptop, té ra thân chủ có mức thu nhập thường niên dạng dưới trung bình, cỡ bốn chục ngàn USD mỗi năm.

Thôi chẳng sao, tuy thoạt tiên tôi đinh ninh rằng “phi vụ” đầu chắc phải kiếm được vài trăm, “ai dè chỉ được mấy chục đô còm”, tôi thầm nghĩ. Thật phí thời gian. Dù sao cũng đã lỡ rồi, điều cốt lõi là cần giữ uy tín cho công ty đã ưu ái tuyển dụng mình.

Sau màn chào hỏi, tôi cùng chủ nhân bước vào phòng khách của căn nhà ọp ẹp xây trước thời Đệ nhị thế chiến. Ngài Herbert Foster khoát tay vẻ trịnh trọng:

- Xin giới thiệu bà xã nhà tôi, tên bà ấy là Alma.

- Rất hân hạnh - tôi lịch thiệp đáp từ.

Người phụ nữ cao ngỏng dáng khắc khổ bẽn lẽn nở nụ cười thay lời chào. Tôi muốn lấy lòng gia chủ theo quy tắc ứng xử đã học, liền chỉ cậu bé chừng hai tuổi đang cố leo lên chỗ bàn phím chiếc dương cầm kê trong góc:

- Còn đây chắc là chàng quý tử thừa kế...

- Mê đàn y hệt cha nó - bà vợ giải thích.

- Ngài thường chơi nhạc gì? - tôi lên tiếng thăm dò.

- Cổ điển.

Tôi nhìn thẳng vào mắt khách. Ngài Foster nhỏ thó có khuôn mặt hình bán nguyệt, với những chiếc răng cửa to tướng chứng tỏ tạng người biết điều. Hẳn ông ta rất hạnh phúc bên bà vợ không “xứng đôi vừa lứa”, cứ xem ánh mắt hồ hởi khắc rõ. Tôi mở đầu:

- Gia sản của ngài...

- Không dám, ngài định nói về cái gì? - chủ nhân hỏi vẻ ngạc nhiên.

- Thì số tín phiếu lâu nay... - tôi tiếp tục.

- Rõ rồi... Nhưng ta nên nói chuyện này ở phòng trong, dù sao cũng yên tĩnh hơn...

- Herbert, không được bán đâu đấy! - bà vợ xen vào giọng quả quyết.

- Cứ yên tâm đi, Alma. Anh chỉ muốn thẩm định qua thôi.

- Tôi hiểu - tôi đáp thận trọng - Thực ra số tín phiếu gửi tại quỹ tiết kiệm của nhà mình có tổng trị giá là bao nhiêu?

- Ba ngàn rưỡi đôla - bà vợ nói đầy tự hào.

- Thôi khỏi cần vào trong nữa. Tôi thân chinh đến đây cốt tư vấn miễn phí cho ông bà, nên để nguyên món đó bởi tín phiếu tiết kiệm đang có chiều được giá... Vậy thôi, tôi có thể cáo từ được chứ?

- Xin chớ vội - ngài Foster khẩn khoản - Còn chuyện này nữa...

- Cái gì? - bà vợ lại xen vào.

- Có gì đâu, kế hoạch trung hạn ấy mà... - ông chồng lấp lửng.

Chủ nhân liền ẩy nhẹ lưng tôi hướng vào phòng trong, rồi nhanh tay sập cửa lại hòng ngăn cậu con trai định ùa theo. Herbert lập tức nhún người lên mở một ngăn cửa bí mật ẩn sau đường ống dẫn nước, rồi lôi ra một chiếc phong bì khổ lớn đã ố vàng.

- Ồ, của quý đấy! - tôi như reo lên khi nhìn thấy chiếc túi giấy quen thuộc từ kho bạc nhà nước.

- Alma! - ông chồng gọi giật giọng như thể kiểm tra xem bà nhà đang ở đâu.

- Cái gì hả anh Herbert? - tiếng hỏi lại ngay sau bậu cửa.

- Sao em không đi pha nước mời khách?

- Ôi, em quên mất..., có ngay bây giờ đây.

Chủ nhân chỉ vào chiếc phong bì khi tiếng chân vợ vừa khuất dưới bếp:

- Thế nào?

- Xin mạn phép được hỏi ngài có nó từ nguồn nào? Theo chủ quan của tôi thì đó là kiểu túi chuyên dụng chỉ dành đựng trái phiếu quốc gia, được phát hành đã lâu trong một dịp đặc biệt...

- Đúng, mười tờ công trái của ông tôi để lại trước khi nhắm mắt. Viên luật sư của ông cho biết cách đây chừng hai năm trị giá của chúng là nửa triệu USD.

- Bây giờ thì hơn rồi...

- Hơn bao nhiêu? - Herbert vội hỏi.

- Theo tôi biết vào thời điểm này phải tăng độ năm chục phần trăm, nghĩa là cỡ... 75 vạn!

Số tiền khổng lồ chẳng khiến vẻ mặt chủ nhân thay đổi. Vẻ bàng quan bao trùm như thể ngài Foster vừa nghe tôi thông báo cái câu cửa miệng, rằng ngoài trời tuyết bắt đầu rơi vậy... Chợt Herbert rướn cặp lông mày lên ra chiều bảo tôi im lặng, khi nghe tiếng đi lại vọng qua từ phòng khách.

- Bà nhà có biết khoản này không?

- Không, vì Chúa - chủ nhân chợt nhăn mặt - Chưa phải lúc...

Tôi cẩn trọng kiểm tra số công trái theo bản năng nghề nghiệp, trước khi thầm thì vào tai ngài Foster:

- Tôi sẽ về lại văn phòng ở New York đối chiếu thực trạng, rồi đem tới ngay cho ngài bản dự toán chính thức, cũng như các phương án nên đầu tư sao cho có lợi nhất.

Khách hàng đầu tiên của tôi - Herbert Foster - vận bộ vét mòn cả hai ống tay áo, không có hơn một đôi giày để ngoài hành lang. Chưa trả góp hết chiếc xe đời cũ, thường ăn cá hộp và phô mai thay vì thịt đông lạnh. Tivi xem nhờ hàng xóm.

Còn bà nhà tự may lấy quần áo cho mình và cậu nhỏ, cũng như vải trải giường, vỏ gối và rèm cửa. Tất tật đều từ thứ vải đại hạ giá cần thanh lý. Gia đình Foster duy trì một lối sống quá khiêm nhường, giới hạn trong mức lương kế toán quèn của ông nhà tại một hãng buôn sỉ.

Có Chúa chứng giám, rằng lối sống đạm bạc ấy đâu có tội lỗi gì, còn căn bản hơn kiểu sống “cơm đường cháo chợ” của tôi nữa. Điều khúc mắc ở đây là họ vẫn đeo đuổi cái cảnh “giật gấu vá vai” ấy, trong khi để cả nửa triệu đô “nằm chết” trong nhà suốt hai năm trời.

Ngày hôm sau bản dự báo đã hoàn tất. Sau khi tính đến mọi nguy cơ như thiên tai và chiến tranh, lạm phát và thiểu phát... có xảy ra bất cứ kiểu gì thì số công trái quốc gia ấy cũng không thể thấp hơn mức 850.000 USD. Tôi quyết định gọi điện thoại thông báo tin sốt dẻo cho thân chủ:

- Mọi thứ đã sẵn sàng. Khi nào chúng ta có thể nói chuyện được? Nhất thiết cần trao đổi thêm vài điều nữa. Theo tôi, tối nay có được không? Tôi nghĩ rằng tối thứ bảy chắc ngài ở nhà...

- Không, tối nay tôi bận rồi.

- Công ty buôn sỉ mà cần làm thêm vào ngày nghỉ cơ à?

- Không, chỗ khác..., tại một nhà hàng. Tôi làm vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.

“Kỳ thật”, tôi thầm nghĩ. Một người đang sở hữu cả đống tiền cần gì phải cày thêm ngoài giờ những ba tối mỗi tuần.

- Thế còn thứ hai?

- Thứ hai tôi chơi nhạc cùng dàn đồng ca trong nhà thờ.

- Thứ ba vậy?

- Thứ ba tập với nhóm hướng đạo sinh tình nguyện.

- Vậy tối thứ tư?

- Đánh dương cầm cho dàn nhạc cổ truyền.

- Chắc chỉ mỗi tối thứ năm là ngài được rảnh?

- Đâu có, tối thứ năm là dịp đưa cả nhà đi xem phim miễn phí.

- Vậy thì khi nào?

- Bất cứ lúc nào anh thấy tiện...

- Nhưng vào ban ngày ngài thường đi làm, đến buổi trưa lại làm phiền giấc nghỉ...

- Không sao đâu, trưa thứ ba này đi. Tôi thường về nhà ăn trưa đến đầu giờ chiều.

- À quên, tôi muốn thông báo tin cực mới, rằng tổng trị giá là 85 vạn đôla.

- Hừm...

- Nghĩa là tăng thêm cả trăm ngàn so với số tiền ngài vẫn tưởng.

Đầu dây đằng kia là tiếng cúp máy đột ngột, để lại những tiếng “tít... tít...” trống rỗng vô hồn.

Do có công chuyện khác nên mãi sau hai giờ chiều tôi mới tới được nhà ngài Foster. Chủ nhân đã trở lại sở làm, bà vợ vồn vã ra mở cửa. Điều khiến tôi kinh ngạc là bà Alma đề cập ngay tới thứ “cơ mật” tôi đang giấu trong áo khoác:

- Herbert bảo rằng chớ có tọc mạch. Nên ngài cứ yên tâm để lại tờ dự báo đó, tôi không đụng tới nó đâu.

- Ngài Foster đã nói với bà về tờ dự toán này, đúng không? - tôi thận trọng hỏi lại.

- Herbert cũng nhắn lại là ngài đừng hi vọng rằng anh ấy sẽ trao mớ trái phiếu cho các quỹ đầu tư...

- Tôi chỉ gợi ý thế cốt giúp ông bà thôi chứ đâu có quyền quyết định - tôi thủng thẳng đáp mà lòng buồn tái tê.

Thấy tay bị bẩn khi vội xuống taxi, tôi ngỏ lời muốn vào bên trong rửa ráy. Đương nhiên nữ chủ nhân đồng ý, nhưng không rời tôi nửa bước với thái độ hết sức cảnh giác. Khi trở ra chợt thấy bức ảnh treo cạnh lò sưởi, tôi liền dừng lại.

- Nom bà rất đẹp trong tấm hình này - tôi chỉ vào người phụ nữ trong ảnh.

- Ai cũng bảo thế... Nhưng quả thực đâu phải là tôi, mẹ của Herbert đấy.

- Sao giống nhau một cách kỳ lạ vậy. Còn đây là ba ông ấy, đúng không? - tôi chỉ tấm ảnh lồng khung đen kế bên.

- Cha tôi chứ. Chúng tôi không giữ tấm hình nào về ba anh ấy.

Thông tin quan trọng có thể toát ra từ đây, tôi tiếp tục:

- Herbert là con người rất chu đáo. Chắc cha ông cũng vậy?

- Bỏ mặc vợ con... Xin đừng nhắc tới ông ấy trước mặt Herbert.

- Xin thứ lỗi. Vậy những phẩm chất ông nhà học được từ người mẹ?

- Bà nội thằng bé luôn muốn con mình trở thành một người tốt và chân thành.

- Hẳn bà ta cũng là nhạc công?

- Không, ông nội kia. Nhưng Herbert vận dụng năng khiếu âm nhạc theo sở thích của mẹ về nhạc cổ điển, trong khi ông nội chỉ chuyên chơi nhạc jazz. Lang thang hết quán này đến quán khác thay vì ở nhà chăm sóc vợ con, cho đến khi bà nội quyết định ông nên chọn một trong hai thứ và ông nội đã bỏ đi...

Tôi gật đầu ra chiều cảm thông, trước khi khơi tiếp mạch chuyện:

- Thế ông nội của Herbert mới mất hai năm trước à?...

- Đó là người lo cho mẹ con anh ấy, sau khi cha Herbert chối bỏ họ.

- Thế bà có biết ông nhà thường chơi nhạc ở nhà hàng nào không?

- Có, biết chứ. Mọi chỗ Herbert lui tới anh ấy đều nói để tôi rõ. Âu cũng là một cách để người ở nhà an lòng. Chí ít bổn phận làm chồng là phải vậy... Vả lại thời gian này Herbert tích cực làm thêm cốt mua tặng tôi chiếc tivi nhân sinh nhật sắp tới.

Chạng vạng tối thứ bảy tôi lần theo địa chỉ mà bà Alma đưa. Một quán tối mò, chật hẹp và ồn ào. Tôi len lỏi giữa đám thực khách xô bồ, phải hét lên cốt át tiếng ồn như vỡ chợ khi hỏi tay pha rượu đứng nơi quầy chính.

Nhưng con người rành rẽ chỉ sau chức danh chủ quán này chẳng giúp được gì, đơn giản anh ta chưa nghe thấy cái tên “cúng cơm” của ngài Foster bao giờ. Chắc vị khách hàng của tôi làm thêm thứ công việc tầm thường nhất trong nhà hàng, chứ chưa hẳn đã góp mặt trong ban nhạc...

Tôi quyết định thâm nhập xuống gian bếp và vồ lấy viên bếp trưởng người da màu:

- Xin lỗi, ở đây có nhân viên nào tên là Herbert Foster không? Anh ta thường làm thêm vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

- Không biết!... Tôi chưa từng nghe thấy cái tên “trời đánh” ấy bao giờ! - người đàn ông gốc Phi quả quyết.

- Vậy có thể anh ta làm công việc dọn dẹp khuân vác dưới tầng hầm.

- Cái quán bình dân này làm gì có tầng hầm để trữ đồ. Chúng tôi luôn dự trù trước mức tiêu thụ trong ngày cho bên tiếp phẩm, nếu còn thừa thì trữ trong hầm lạnh kề ngay gian bếp.

- Cảm ơn và xin lỗi vì đã làm phiền ngài.

Tôi trở ra và ngồi thừ xuống một cái bàn kê trong góc khuất. Suy nghĩ mông lung... Một con người chân thành như Herbert không thể nói dối được, thậm chí trong âm giọng ông ta còn toát lên vẻ tự hào khi cho biết mình thường đi làm thêm nữa...

Biết đâu ngài Foster chọn ngẫu nhiên cái địa chỉ nào đó trong cuốn danh bạ điện thoại cốt để vợ yên lòng... Bỗng dưng chẳng ai bảo ai, mọi người đang đứng ngổn ngang án ngữ lối vào quán đều tự động dẹp qua một bên nhường lối cho ai đó...

Té ra bây giờ người tôi cần tìm kiếm mới chịu xuất hiện. Herbert nhanh chóng đi tới chỗ để đàn dương cầm kê trên gác lửng lộ thiên, bật nắp đàn và gõ lên bàn phím những khúc dạo đầu đầy mê hoặc.

Tôi gọi lớn giọng mà ông đâu có nghe. Sở thích âm nhạc thừa hưởng từ người mẹ đã chiếm lĩnh hết thảy. Tiếng đàn du dương tràn ngập mọi góc quán, như mời gọi giục giã cho những điệu nhảy trữ tình... Tôi không ngờ rằng tại một quán ngoại ô tồi tàn người ta lại mê nhạc cổ điển đến vậy!

Tôi rướn người huơ tay tạm biệt Herbert cho có lệ, bởi đôi mắt nhắm nghiền chìm đắm theo những nốt nhạc đâu có thiết mục kích những gì đang xảy ra xung quanh. Các giai điệu cổ điển nằm lòng đã chiếm lĩnh con tim và khối óc vị khách hàng giàu có của tôi.

Tôi về nhà mở máy vi tính xác định trị giá gia sản thêm lần chót. Không gì có thể thay đổi Herbert Foster được! Như bà Alma từng khẳng định trong lần gặp cuối cùng, rằng món gia tài gần cả triệu đôla ông sẽ để lại cho con trai mình, rồi đến lượt nó lại tiếp tục di chúc cho lớp hậu duệ.

Người mẹ chỉn chu đã truyền thụ cho Herbert những giá trị của lòng tự trọng, chỉ những gì mình tự tay làm ra mới xứng là gia sản quý giá nhất.

TRẦN QUANG LONG dịch

Kurt Vonnegut
Kurt Vonnegut

Kurt Vonnegut (1922-2007) là nhà văn trào phúng hiện thực Mỹ hàng đầu của trường phái hậu hiện đại, từng giảng dạy cách hành văn ở Đại học Harvard danh tiếng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cây bút đương thời trên khắp thế giới.

Nhiều tác phẩm tiêu biểu của ông được đưa vào giáo trình giảng dạy hệ trung và đại học ở Mỹ như Lò sát sinh số 5 (1968), Món điểm tâm cho các nhà vô địch (1973), Người tù (1979), Dick mù (1982), Đảo Galapagos (1985), Trò bịp (1989), Kẽ hở của thời gian (1997)…

Ngoài ra Kurt Vonnegut còn viết rất nhiều truyện ngắn đăng báo. Gia tài của ngài Foster cùng với Sự dối lừa là hai truyện của Kurt Vonnegut lọt vào danh sách “100 truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỷ XX” do The New York Times bình chọn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận