Bán lẻ đi tìm công thức tăng trưởng mới

NAM MINH 20/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Không chỉ các chợ truyền thống, nhiều đơn vị bán lẻ theo mô hình hiện đại cũng gặp rất nhiều khó khăn hai năm vừa qua. Khác biệt nằm ở chỗ họ luôn đi tìm những công thức tăng trưởng mới và ngay khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, đã có kế hoạch phục hồi và mở rộng quyết liệt để bù đắp cho giai đoạn mất mát doanh số.

Thị trường bán lẻ đang dần được hâm nóng trở lại khi người tiêu dùng và khách du lịch bắt đầu quay lại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Gần như ngay lập tức, hàng loạt thương hiệu bán lẻ có dấu hiệu sẽ mở rộng quy mô quyết liệt.

 
Tốc độ tăng trưởng cửa hàng tiện lợi của một số quốc gia châu Á giai đoạn 2017-2021 (%). Ảnh: IGD Research 

Phục hồi

Ghi nhận của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý 1-2022, doanh số bán lẻ tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng 10,7%, bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,9%, dịch vụ du lịch tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Các con số đó không phản ánh hết sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường bán lẻ TP.HCM trong quý 1-2022. 

Cục Thống kê thành phố ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là gần 267 tỉ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Mức giảm lớn nhất tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, matxa, du lịch… do tốc độ mở cửa trở lại vẫn còn chậm.

Ngoài ra phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn trong thời gian đầu sau kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. 

Tuy nhiên, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại.

Đáng chú ý, sau khi mở trở lại đường bay quốc tế, lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 3-2022 đã tăng 115% so với cùng kỳ, đạt 41.700 lượt - mức cao nhất kể từ tháng 3-2020, với khách du lịch chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Năm 2021 chứng kiến lượng lớn các cửa hàng, nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính yếu đóng cửa, đặc biệt ở phân khúc F&B và thời trang khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. 

Nhưng năm 2022 có thể khởi đầu cho một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ nhờ độ phủ vắc xin, việc nới lỏng hạn chế đi lại trong nước và giữa các quốc gia trên thế giới.

Nhận xét về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, phó giám đốc nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam, cho rằng: 

“Những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong ngắn hạn. Thị trường dự báo sẽ ấm dần lên và hồi phục vào những tháng cuối năm". 

"Lượng khách mua sắm đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần và lượng khách du lịch trong nước tăng cao vào kỳ nghỉ Tết cho thấy người tiêu dùng đã bắt nhịp với hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành thương mại khác nhau”.

 
 Thói quen mua sắm của người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Ảnh: Bảo Anh / TTNews

Khốc liệt cuộc đua mở rộng

Kênh bán lẻ hiện đại đang chứng kiến cuộc đua đầu tư và mở rộng quy mô khá gay cấn khi nhiều hãng bán lẻ lập kế hoạch đánh chiếm khoảng trống mà các đối thủ yếu hơn bỏ lại. 

Điển hình như Uniqlo với việc khai trương cửa hàng bán lẻ thứ 11 tại Saigon Centre TP.HCM, Pandora khai trương cửa hàng mới tại AEON Long Biên, Hà Nội.

Hãng AEON đặt mục tiêu mở 100 siêu thị AEON MaxValu đến năm 2025. BRG Retail hợp tác mở rộng chuỗi siêu thị Fujimart với Sumitomo Corporation thì đặt mục tiêu đạt khoảng 50 cửa hàng mới vào năm 2028. 

Đáng chú ý, Tập đoàn Alibaba nâng cấp chuỗi giá trị kinh doanh tại Việt Nam bằng cách thành lập các trung tâm phân phối quy mô lớn ở Long An, Đồng Nai, hướng tới phục vụ nhu cầu lưu kho của các nền tảng thương mại điện tử chính ở Việt Nam.

Thời gian gần đây, một số công ty bất động sản cũng tìm cách lấn sân sang bán lẻ, như một cách xây dựng hệ sinh thái của riêng họ. 

Đây là một chiến lược kinh doanh quen thuộc khi các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh muốn xây dựng hệ sinh thái đa dạng bao gồm bán lẻ, nhằm tận dụng nguồn vốn, liên kết sản phẩm bán lẻ phục vụ chính cộng đồng cư dân và khách hàng của họ và bao phủ thương hiệu tới số đông người dùng. 

Điển hình có thể kể đến Nova Retail của Tập đoàn NovaLand với chuỗi cửa hàng phân phối các thương hiệu nổi tiếng như Nike, GAP, The Face Shop, Sơn Kim Retail của Sơn Kim Group với chuỗi của hàng tiện lợi GS25 và chuỗi nhà hàng, spa đi kèm.

Song song kế hoạch mở rộng, một số chuỗi cũng đặt ưu tiên tái cấu trúc, cải thiện biên lợi nhuận. Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động cho biết sẽ tạm dừng mở mới trong năm 2022 để tối ưu hóa hoạt động. 

Chuỗi cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế Giới Di Động, giữ chức giám đốc điều hành - động thái khẳng định quyết tâm đưa Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn thông qua các điều chỉnh lớn về công thức vận hành. 

Ngoài Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động còn lấn sân sang các thị trường bán lẻ khác còn nhiều tiềm năng với thương hiệu AVA gồm AVAKids (sản phẩm mẹ và bé), AVAFashion (thời trang), AVASports (thể thao), AVAJi (trang sức) và AVACycle (xe đạp).

Còn Masan dự kiến sẽ tung ra mô hình “mini mall” - tức một cửa hàng tiện ích tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm (WinMart), dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khỏe (Phano) và đã đặt mục tiêu mở 30.000 cửa hàng trước năm 2025.

Báo cáo tháng 2-2022 của Savills châu Á - Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ cũng đánh giá mặc dù tỉ lệ tiêm vắc xin ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, tốc độ phục hồi của các thị trường lại không nhất quán. 

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các thành phố lớn phục hồi nhanh nhất với hoạt động kinh doanh ổn định và gián đoạn định kỳ. 

Trong khi các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê một cách khiêm tốn từ khoảng 0,5-13% thì các thị trường lớn như Singapore, Hong Kong, Seoul, Tokyo, giá thuê mặt bằng tiếp tục sụt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 với mức từ -16% đến -28%.

Theo đánh giá của bà Trần Phạm Phương Quyên, quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, sức tiêu dùng nội địa Việt Nam ngày càng lớn và ổn định, đồng nghĩa với tiềm năng về doanh thu lớn cho một vài ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc mẹ và bé, thời trang thể thao, ẩm thực… 

Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ phải mở rộng thêm chi nhánh, không gian trải nghiệm, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Bà Quyên cũng cho biết trong thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, phụ kiện và đồ chuyên dụng thể thao ngoài trời… về Việt Nam, hứa hẹn giúp phục hồi và tạo ra sức sống mới cho thị trường.■

Thách thức và những xu hướng mới

Chứng khoán Vndirect nhận thấy ba xu hướng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bán lẻ. 

Đầu tiên, “đa kênh và trực tuyến” trở thành động lực chính cho các công ty bán lẻ. 

Thứ hai là nhu cầu ngày càng tăng với các “sản phẩm thông minh” cùng các hỗ trợ giúp họ làm việc tại nhà. 

Cuối cùng, chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch sang “thương mại hiện đại”. 

Các nhà bán lẻ áp dụng chiến lược theo xu hướng trên sẽ có lợi thế cạnh tranh và đạt được tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới.

Nhưng giai đoạn hậu đại dịch cũng gây ra thách thức to lớn cho các hãng. Chi phí thuê mặt bằng tăng mạnh tại các đô thị lớn khiến việc tìm kiếm địa điểm mở cửa hàng, siêu thị ngày càng khó khăn. 

Lạm phát cao hơn khiến người dân có thể thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những sản phẩm và dịch vụ không phải thiết yếu. 

Cuối cùng, chi phí năng lượng đứng ở mức cao, đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gây áp lực cho các nhà bán lẻ trong bối cảnh giá bán đầu ra khó có thể tăng mạnh vì đang trong giai đoạn cần kích cầu tiêu dùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận