Chuyện của lớp 100% học sinh yếu kém

TTCT - 100% học sinh lớp 10B3 (Trường THPT thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nhận kết quả xếp loại yếu kém sau năm học 2009-2010. Từ gốc rễ của câu chuyện phân loại học sinh yếu kém đã mọc lên những trái đắng day dứt...

Lớp 10B3 của Trường THPT Sa Đéc. Khẩu hiệu lớn “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” trên tường liệu có thể thực hiện được với sức học này? (Tôn trọng ý kiến các em, chúng tôi không chụp ảnh HS lớp 10B3) - Ảnh: Q.V.

11 học sinh (HS) lớp 10B3 bỏ học khi chưa hết học kỳ 1, cả 30 HS còn lại đều nhận kết quả xếp loại yếu kém. 

Thầy Lê Quang Triết, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B3, cho biết: để được lên lớp, HS chỉ cần có một trong hai môn chính (văn - toán) đạt điểm trung bình là 5, môn còn lại trên 3,5 điểm, các môn khác không được dưới điểm 2. Thế nhưng 30 HS còn lại của lớp 10B3 đều không vượt qua thang điểm đã hạ rất thấp này. 

“Đã có hơn 30 năm giảng dạy, đây là lần đầu tiên tôi gặp một lớp quá yếu như thế này. Quá buồn, cảm thấy mau già hơn” - thầy Triết nói.

Trường THPT Sa Đéc từng là một trường điểm của thị xã Sa Đéc với truyền thống dạy và học rất tốt, tỉ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ cũng thuộc loại tốp đầu ở Đồng Tháp. 

Lớp học ngổn ngang

Những HS chúng tôi gặp đều thừa nhận các em đã bị mất căn bản, không theo kịp bài giảng, tâm lý bị hụt hẫng, ức chế dẫn đến chán nản. “Lớp lúc nào cũng huyên náo, ồn ào, thầy cô giáo của em cố gắng đủ mọi cách rồi nhưng cũng bất lực” - một HS nói.

Thầy Triết kể: “HS khá giỏi tốt nghiệp cấp 2 đều được tuyển ra trường chuyên, số còn lại được đưa hết vào hai trường công lập là THPT Sa Đéc và THPT Nguyễn Du. Riêng Trường Sa Đéc là nơi phải tiếp nhận hết số HS được xét tuyển vào lớp 10, số HS này lại được phân ra thành hai khối A và B. Khối lớp 10A có hạnh kiểm, học lực tương đối tốt, còn ở khối 10B trường lại rải đều mỗi lớp từ 14-15 em HS lưu ban vào học, do đó năng lực học tập ở mỗi lớp rất thấp”.

Em P.P.T., lớp trưởng lớp 10B3, nói bản thân em và nhiều bạn trong lớp biết sức học của mình còn hạn chế nên rất muốn được nghe thầy cô giảng bài, nhưng trong lớp nhiều HS khác luôn quậy phá, ảnh hưởng đến việc học tập. “Nhiều khi thầy cô đang giảng bài bị các bạn la hét nên phải ngừng dạy, nhiều bạn còn nói năng vô lễ sau lưng thầy cô, dùng chai nước ném lên bục giảng, bôi mực lên ghế giáo viên, thậm chí dọa kêu cha mẹ vào đánh thầy...”.

Một HS nữ cho biết thầy cô giảng bài vừa sức các em, nhưng hơn nửa số HS không tiếp thu được. Trong khi đó bài mới lại dồn thêm, bài tập không làm xuể, cứ thế một số bạn chán nản quậy phá không cho các bạn khác học. Do không có hình thức răn đe kỷ luật nên các bạn “lờn thuốc”. Một HS nữ khác hỏi: “Nếu em nói sự thật ra thì liệu trường có hình thức kỷ luật nào tốt hơn đối với các bạn quậy phá đó hay không?”.

Lớp trưởng P.T. nói: “Vào lớp 10B3 học được một tuần em đã tự thấy khó có thể lên lớp rồi. Lớp em không nề nếp, có hơn 10 bạn lưu ban, nhiều bạn không đủ trình độ vẫn được vào học lớp 10. Thậm chí sau khi lớp vào học được hơn một tuần rồi mà trường còn đưa thêm ba bạn học kém nữa vào lớp. Trong khối 10B lớp nào cũng phải nhận thêm vài bạn thuộc diện xét vớt này”.

H.T.C., một HS từng có kết quả học tập khá từ cấp II, thừa nhận hầu hết thầy cô đều dạy nhiệt tình, có phương pháp và kiến thức truyền thụ phù hợp với HS, nguyên nhân chính là bản thân em và các bạn chưa có thái độ học tập tốt, thậm chí nổi loạn. Em hi vọng năm tới lớp sẽ được sắp xếp gạn lọc lại và được thầy cô quan tâm giảng dạy phù hợp với trình độ của từng em.

Mẹ B.T., người mà các giáo viên và HS trong lớp đều cho là nhân vật “quản trò” quậy phá trong lớp, thừa nhận con mình hiếu động, thường xuyên bị thầy giám thị gọi điện về báo cho gia đình. “Bị mời nhiều lần vợ chồng tôi mắc cỡ lắm. Thỉnh thoảng kiểm tra thấy tập vở bỏ trống, hỏi thì cháu nói thầy cô chỉ ôn tập, làm bài tập tại lớp nên không viết bài. Không biết con nói thật hay không”.

Thương con, nhưng cũng như mẹ B.T., nhiều cha mẹ HS lớp 10B3 đã không biết cách kiểm tra, giám sát dạy dỗ con mình. 

“Không hiểu sao ngành giáo dục lại lùa cùng lúc quá nhiều học sinh yếu kém vào học lớp con tôi và đặt lên vai thầy cô trọng trách nặng nề như vậy. Trường học phải có kỷ cương, nề nếp thì học sinh mới tiến bộ, chứ như ở lớp con tôi, học sinh đã không có nền tảng, lười biếng lại còn không sợ ai, ngang nhiên quậy phá thì làm sao khá nổi. Bây giờ chuyện đã lỡ rồi, nhà trường nên phân loại học sinh và tổ chức ôn tập cho các cháu thi lại cho thật tốt, chúng tôi sẽ cùng nhà trường động viên con đi học nghiêm túc”.

(Bà Châu Thị Hồng, mẹ của một học sinh lớp 10B3)

Những người thầy trĩu nặng nỗi buồn

Kết quả buồn của năm học cũng trĩu nặng trên vai các giáo viên lớp 10B3. Và không chỉ riêng 10B3, cả tám lớp khối 10B còn lại đều chung thực tế: HS lên lớp rất ít. Mỗi lớp chỉ có vài em được lên lớp, cao nhất là lớp 10B9 cũng chỉ có 10 em.

“Tôi thấy rất tội các em, vì quá trình học từ tiểu học lên cấp III kiến thức đã bị hụt hẫng. Do vậy khi tiếp nhận các em, chúng tôi chỉ biết cố gắng giúp các em học đạt yêu cầu. Nhưng năng lực các em có hạn như thế, chúng tôi đã không thể kéo các em lên được” - thầy Triết nói.

Bất lực trước tình trạng HS yếu kém và ngỗ nghịch, cô Trần Thị Mỹ Châu, giáo viên tiếng Anh, cho hay mỗi lần vào lớp “cảm giác buồn nhiều hơn vui bởi tôi không biết dạy cách nào dễ nhất cho các em học được nữa. Lớp 10 rồi mà cuối giờ vẫn phải thu tập lại để xem các em có chép bài không”. 

Mặt khác do nội quy của trường, giáo viên không có quyền mời HS gây mất trật tự, vi phạm nhiều lần ra khỏi lớp, HS không chép bài vẫn không sợ bị hạ hạnh kiểm và hạ học lực, cuối cùng vẫn chỉ còn lại sự bất lực.

Giáo viên môn công nghệ nói trăn trở lớn nhất của cô là đa số HS không có tinh thần học tập, do vậy biện pháp nào đi nữa cũng khó mà giúp các em tiến bộ. “Bước vào lớp dù chuẩn bị bài giảng tốt đến mấy cũng không tránh khỏi tâm trạng ngao ngán. Phân nửa lớp 10B3 là HS lưu ban, nhiều tiết học chỉ giảng bài được nửa thời gian, nửa thời gian phải để chấn chỉnh kỷ luật, dạy đạo đức ứng xử” - cô Dương Thị Mỹ Chi, giáo viên hóa, nói.

Thầy Đức, giáo viên toán, cho biết nhiều khi thầy viết bài trên bảng, dưới lớp vẫn có 3-4 em chạy lòng vòng đùa giỡn. Mở lớp phụ đạo toán cũng không thành vì chỉ có hai em chịu đi học, phụ đạo hóa thuyết phục mãi cũng chỉ có sáu em đến học. Thầy kể từng trò chuyện với phụ huynh để khuyên họ về chuyện thay đổi môi trường học tập cho con, người cha sau khi cảm ơn đã nói “không ngờ thầy còn quan tâm đến con tôi hơn cả tôi nữa”.

Thầy Lê Văn Hữu Lợi - hiệu phó, chủ tịch hội đồng kỷ luật trường - thừa nhận phản ảnh của giáo viên bộ môn là xác thực, song cho rằng tuy có các thầy cô nghiêm khắc quản lý tốt nhưng cũng có thầy cô chưa đủ bản lĩnh để xử lý HS quậy phá. Thầy phân tích: “Giáo viên còn sợ áp lực đe dọa, phiền phức khi phạt HS vi phạm, vì phải tiếp xúc nhiều đối tượng kiểm tra, tranh luận, giải trình và chịu cảnh xin xỏ... nên thường chần chừ, né căng thẳng cho mình”.

 “Chúng tôi rất đau buồn. Chủ trương chung của địa phương và của ngành yêu cầu phải thu nạp mọi HS vào trường, chúng tôi không thể kiến nghị gì khác, thậm chí không dám than phiền. Trách nhiệm của nhà trường là phải tiếp nhận dạy dỗ HS và cố gắng giúp các em tiến bộ nhưng rất tiếc nhiều em không thể học được. Loại ra thì dễ nhưng chúng tôi không muốn đánh mất cơ hội cũng như quyền được học tập của các em. Tôi từng rất xót xa khi thấy một HS nắm tay mẹ ra về khi không đủ điều kiện học ở trường này”.

(Thầy Lê Văn Hữu Lợi - hiệu phó, chủ tịch hội đồng kỷ luật trường)

Khi phóng viên TTCT đến, các giáo viên lớp 10B3 đang lo lắng chuẩn bị kỳ dạy bồi dưỡng cuối cùng để giúp 14 HS lớp 10B3 thi lại lên lớp 11, trong khi không biết các HS của mình có thật sự muốn học và có thể vượt qua lần thi lại này để được lên lớp hay không.

Ảnh: Q.V.

“Đầu năm tôi khảo sát chất lượng đầu vào, không em nào đạt trên 5 điểm. Đến giờ, nhiều em vẫn không làm được những phép tính đơn giản như giải phương trình bậc nhất, mấy em nam còn không mang sách vở. Hỏi các em có hiểu bài không, các em trả lời không học bài thầy ơi. Tôi bảo các em ráng nói được dù chỉ một ý dễ nhất trong bài thầy dạy, ví dụ như xét dấu nhị thức bậc nhất phải làm gì, thầy sẽ cho điểm 5, trò đáp em không biết, thầy cho em 0 điểm hay 1 điểm cũng được”.

Kết quả đã được đoán trước

Thầy hiệu trưởng Ngô Thành Dung cho biết Trường THPT Sa Đéc mỗi năm tuyển 18 lớp 10, gần 800 HS không qua thi tuyển, cứ tốt nghiệp lớp 9 là vào học.

 “Theo quan điểm của Sở GD-ĐT và của thị xã Sa Đéc, vì yêu cầu sớm tiến đến phổ cập THPT, phải đưa mọi HS lứa tuổi phổ thông từ cấp II vào học cấp III, coi như 100% được vào học. Khi xét tuyển đợt 1 xong, UBND thị xã Sa Đéc đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo trường phải xét tuyển bổ sung, nhận hết các em không trúng tuyển đợt 1. Như vậy, trường phải chấp nhận hết số HS yếu, không đủ kiến thức để theo học cấp III, trong khi lẽ ra số này phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình bổ túc hay đi học nghề. Số HS này năm học 2008-2009 là 138 em, năm 2009-2010 là 43 em” - ông cho biết.

Chất lượng đầu vào thấp, khả năng tiếp thu bài yếu, trong khi tác động xấu từ game, Internet ảnh hưởng rất lớn đến HS, nhiều phụ huynh lại không theo dõi sát tình hình học tập của con em mình, kết quả năm học vừa qua của Trường THPT Sa Đéc gần như đã được đoán trước. 

Cả 18 lớp khối 10 có 667 HS, chỉ 324 HS được lên lớp, 248 em phải thi lại, 95 HS lưu ban. Năm học trước, Trường THPT Sa Đéc chỉ đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT 52%, trong khi toàn tỉnh là 64%, xếp thứ 24/37 trường trong tỉnh. “Kết quả đó không chỉ là nỗi nhức nhối, bức xúc mà cả ban giám hiệu trường cũng đã phải chịu kiểm điểm trước sở và UBND” - thầy hiệu trưởng nhìn nhận.

“Sở và địa phương đánh giá tình hình học tập của HS ở cấp II rất khả quan. Thế nhưng vào cấp III, kết quả học tập của HS ở hai trường THPT Sa Đéc và THPT Nguyễn Du rất yếu kém. Về phía nhà trường, chúng tôi không thể từ chối được, bởi đây là chỉ đạo từ trên buộc trường phải lấy hết số HS không trúng tuyển đợt 1” - thầy Dung cho hay. 

Bên cạnh đó, sau khi phải tách ra từ trường chuyên, Trường THPT Sa Đéc phải nhập 23 lớp từ Trường tư thục Nguyễn Đình Chiểu nên hiện có tới 60 lớp học (chuẩn quốc gia là 45 lớp), công tác quản lý vì vậy cũng là một gánh nặng.

Năm học tới, Đồng Tháp có hai địa phương là thị xã Sa Đéc và TP Cao Lãnh được thi tuyển vào lớp 10 (tuyển trên 80% tổng số HS dự tuyển), trong khi 10 huyện thị còn lại vẫn xét tuyển. 

“Chúng tôi mong chất lượng HS đầu vào sẽ được nâng lên vì các em có thi tuyển thì sẽ có học. Năm nay trường nhận vào 16 lớp 10, đầu vào được thi tuyển, chúng tôi sẽ không kiến nghị gì thêm. Trước mắt phải chấp nhận nỗi đau buồn vì sự yếu kém của năm học này để xây dựng lại truyền thống học tập chất lượng của trường từ nhiều năm qua” - thầy hiệu trưởng nói trong hi vọng.

 HS M.B., trước học ở Trường THCS Hùng Vương, cho biết em có số điểm tốt nghiệp cấp II là 36 điểm (điểm chuẩn xét vào Trường THPT Sa Đéc là 32,5 điểm). Song cuối năm lớp 10 ở Trường THPT Sa Đéc, môn toán của M.B. chỉ được 1,8 điểm, hóa 3,8 điểm, tiếng Anh 3,9 điểm, văn 5,3 điểm.

M.B. buồn rầu nói khi mới vào học lớp 10, ôn tập kiến thức cũ còn hiểu bài nhưng sau đó vì đã bị mất căn bản nên học đuối dần, bài mới không tiếp thu nổi, nhất là hai môn toán, hóa. “Em thấy thương thầy cô, vì thầy cô dạy nhiệt tình, thân thiện nhưng vẫn cứ bị các bạn quậy phá. Em đã cố gắng nhưng không riêng gì môn toán, các môn khác như hóa, lý cũng chỉ tiếp thu được 20-30%. Bây giờ phải chấp nhận học lại lớp 10, em chỉ mong có môi trường học tập tốt hơn”.

                                                
                   
Image caption
               

ĐẤY LÀ LỖI HỆ THỐNG" 

Trao đổi với TTCT qua điện thoại, bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp (phụ trách khối phổ thông), cho biết tình trạng học sinh yếu kém như ở lớp 10B3 là do lỗi hệ thống.

* Ban giám hiệu và giáo viên Trường THPT Sa Đéc cho rằng sự sa sút về chất lượng học tập ở trường mà lớp 10B3 là một điển hình có nguyên nhân từ đầu vào, học sinh chưa đạt chuẩn, kỷ luật học tập chưa tốt. Còn theo bà, nguyên nhân cơ bản là gì?

- Tôi nghĩ nói như thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương như vậy cũng đúng, bởi thời gian qua các trường phổ thông rơi vào tình trạng đó. Giáo dục phổ thông 9-10 năm liền không có sự sàng lọc nào hết. Thầy cô cấp dưới đánh giá khả năng học tập của học sinh rồi đẩy lên cấp trên. Nói “đẩy lên cấp trên” thì không đúng, mà là đưa lên cấp trên theo quy chế. Quá trình đánh giá cũng mang tính chất rất chủ quan, nghĩa là mình dạy và chính mình đánh giá sản phẩm của mình chứ không phải người khác. Cơ chế đó, việc làm đó trước đây báo chí đã phản ánh là học sinh ngồi nhầm lớp hay học sinh không đúng chuẩn... Việc này là có.

Hiện nay tỉnh đang thực hiện cuộc vận động “hai không”, giáo viên nâng trách nhiệm của mình lên, và khi nâng trách nhiệm trong việc giảng dạy, đánh giá thì sẽ ra kết quả là những em không đủ năng lực phải ở lại. Cho nên nói nhìn vào số học sinh ở lại mà bảo thầy cô dạy yếu thì rất khó bởi nó yếu cả hệ thống, yếu từ lớp dưới lên lớp trên.

Thầy cô, nhà trường đều muốn sản phẩm của mình là tốt nhất, đâu muốn học sinh yếu, khi học sinh yếu kém thì nhà trường phải nâng chất lượng quản lý và giảng dạy. Nhưng khi thầy cô đã cố gắng mà học sinh lại không chịu học, gia đình không quan tâm, không hỗ trợ thì cũng không thể đáp ứng được. Việc này không thể đổ lỗi cho gia đình, cho học sinh, rõ ràng đây là trách nhiệm của thầy cô. Song học sinh cũng phải xác định động cơ, thái độ học tập nữa. Hai cái này gặp nhau thì mới có được kết quả tốt đẹp. Đối với Trường Sa Đéc và các trường khác, tôi nghĩ cần phải phân tích học sinh để tập trung giảng dạy và lấy lại kiến thức căn bản.

* Nghĩa là Sở GD-ĐT đã nhìn ra sai sót và thấy được nguyên nhân chính?

- Nếu nhìn vào Trường THPT Sa Đéc mà không thấy được thực trạng và các nguyên nhân gốc rễ thì người ta dễ cho rằng năng lực của cán bộ quản lý không tốt, thầy cô thiếu tinh thần trách nhiệm. Có thể nói điều đó là chưa đúng. Tỉ lệ tốt nghiệp của Trường Sa Đéc những năm trước luôn cao vì trường có lớp chuyên và không phải nhận số học sinh chưa đạt chuẩn từ các trường bán công, tư thục. Nhờ vậy mà trường được sàng lọc đầu vào và tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông ở mức cao.

Năm trước, khi sở thành lập trường chuyên thì đã tách lớp chuyên khỏi Trường Sa Đéc. Theo Luật giáo dục thì trên địa bàn không còn trường ngoài công lập nữa, vì vậy phải đưa hết số học sinh trường tư thục nhập vào Trường THPT Sa Đéc.

Đây là số học sinh đã không đủ chuẩn vào trường công lập trước đây. Chính vì vậy mà chất lượng chung của học sinh bị giảm xuống. Và khi số học sinh yếu này biểu hiện không ngoan, ham chơi thì chính các em lại tạo ra sự lây lan về thái độ thiếu ý thức học tập, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của trường.

Tôi hi vọng năm nay hết đợt học sinh này sẽ tạo ra môi trường học tập tốt hơn. Cũng có nguyên nhân Sa Đéc không có điều kiện để phân luồng cho những học sinh không đủ năng lực vào trường phổ thông được đi học trung cấp nghề, học trung học chuyên nghiệp... nên phải đưa hết các em vào trường phổ thông.

* Bà nhận định gì về việc học và dạy thực chất của Trường THPT Sa Đéc?

- Trường THPT Sa Đéc là một trường có truyền thống dạy và học tốt, có rất nhiều giáo viên giỏi và tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ quản lý có năng lực tốt. Do vậy, việc thực hiện “hai không” ở trường là có giải pháp cụ thể, không buông lỏng quản lý. Cả sở và trường đã quyết tâm thực hiện “dạy thực chất, học thực chất”, do vậy khi giáo viên đã cố gắng hết sức mà học sinh vẫn không tiến bộ được thì đành phải để các em ngồi lại chứ không để học sinh ngồi nhầm lớp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận