COVID-19 và chiếc giỏ Trung Quốc

CHIÊU VĂN 13/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Giờ đã có thể nói chắc chắn rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ gây ra tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu, không chỉ trong ngắn hạn.

Các nhà máy đã mở cửa trở lại ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc phía trước. Ảnh: National Interest
Các nhà máy đã mở cửa trở lại ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc phía trước. Ảnh: National Interest

Tin tức lan đi về những trọng điểm dịch bệnh mới ở Ý và Hàn Quốc đã khiến nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng trên thế giới giảm điểm mạnh mấy ngày qua. Giới đầu tư hiện đang tính toán xem những tài sản nào là bị tác động mạnh nhất bởi con virus quỷ quái. 

Những chứng khoán giảm điểm mạnh nhất là của các công ty dựa vào các chuỗi cung ứng phức tạp có tính chất toàn cầu, như sản xuất xe hơi; hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp, như du lịch và hàng không; hay có liên quan chặt chẽ tới mức cầu của thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc, như dầu mỏ.

Nỗi lo lớn

Giá vàng thế giới đã chạm mốc cao nhất trong bảy năm qua vào cuối tháng 2, đồng đôla Mỹ cũng tăng giá, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ở mức thấp kỷ lục 1,29% vào ngày 27-2, đồng nghĩa nhu cầu sở hữu loại tài sản được coi là tuyệt đối an toàn này đang cao hơn bao giờ hết.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng thừa nhận hôm 31-1 rằng “trong ngắn hạn, [nền kinh tế thế giới] có khả năng cao sẽ tăng trưởng chậm lại”.

Tuy nhiên, đó chỉ là những dấu hiệu bề mặt của một căn bệnh tiềm tàng nghiêm trọng hơn nhiều. Cho tới đầu năm 2020, mọi chuyện có vẻ vẫn còn sáng sủa với kinh tế toàn cầu.

Đúng là tăng trưởng đã chậm lại so với năm 2019: từ 2,9% xuống mức dự báo 2,3%, và 3,6% xuống 2,9% riêng ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn là khá cao. COVID-19 đã tới, đã thấy và đã thay đổi tất cả.

Trong một cuộc gặp mặt của các bộ trưởng tài chính nhóm G20 mới đây, IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của họ cho Trung Quốc năm nay xuống còn 5,6%, thấp nhất kể từ năm 1990. Điều này có thể cản trở đáng kể tăng trưởng trên toàn cầu trong bối cảnh sự phụ thuộc của kinh tế thế giới vào Trung Quốc và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đang lớn hơn bao giờ hết.

Trong đại dịch gần nhất ở Trung Quốc, dịch SARS năm 2003, nền kinh tế “công xưởng của thế giới” mới chiếm 4% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số đó đã là 17%.

Hơn thế, vì Trung Quốc đã trở thành trọng điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn sản xuất ở đó sẽ ảnh hưởng tới sản lượng ở những nơi khác. Những nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu thô, như Úc, phần lớn châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của họ.

Nhưng các nước phát triển cũng không phải ngoại lệ. Lấy ví dụ, kinh tế Nhật Bản - vốn đã giảm 6,3% trong quý 4-2019 so với cùng kỳ vì một đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 - giờ có thể đối mặt với cả một năm 2020 suy thoái vì thương mại với Trung Quốc sụt giảm. 

Các hãng sản xuất ở châu Âu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, khi khối kinh tế này phụ thuộc vào thương mại hơn, so với Mỹ chẳng hạn.

Đại công xưởng lo sợ

Nếu coi Trung Quốc là công xưởng của thế giới thì thị xã Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang chính là phòng trưng bày của công xưởng đó. Ở thị xã này có chợ bán sỉ lớn nhất thế giới, với diện tích bằng 770 sân bóng đá (khoảng 550ha), bán mọi thứ từ giày dép, túi xách cho tới ống xả xe máy.

Năm nay, chợ bán sỉ đã phải mở cửa muộn hai tuần vì COVID-19 và lượng giao dịch cũng giảm hẳn, dù khó có thống kê chính thức. Tất cả khách muốn vào khu chợ phải đeo khẩu trang, kiểm tra y tế và được yêu cầu giảm thiểu giao tiếp.

Hình ảnh khu chợ quốc tế Nghĩa Ô cũng là bức tranh thu nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc cho tới thời điểm này. Dù số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần qua và chính quyền trung ương đã quyết định nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như bình thường, việc thực thi trên thực tế là không đơn giản.

Hiện vẫn còn hơn 100 triệu lao động nhập cư Trung Quốc vẫn ở quê tránh dịch, và giới chức trách đang rất nỗ lực để đưa họ trở lại những nhà máy vừa bắt đầu mở cửa. Chính quyền Nghĩa Ô chi tiền cho các chuyến xe lửa và xe đò chở công nhân từ nông thôn quay lại nhà xưởng.

Một chương trình hỗ trợ tiền vé máy bay cho những thương nhân quốc tế - vốn trước dịch bệnh luôn tấp nập - tới đây mua hàng trước ngày 29-2 cũng đã được khởi động.

Nhưng các đơn hàng đặt ở đại công xưởng Trung Quốc lúc này không dễ thực hiện. Một chủ nhà máy sản xuất đồ trang sức bằng nhựa giãi bày với The Economist là bà không tài nào tìm được công nhân, vì hầu hết các công nhân của bà - vốn quê ở vùng nông thôn - không muốn khăn gói quả mướp lên thành phố để rồi bị cách ly 14 ngày, rất có thể là với những người thực sự mắc bệnh.

“Tôi đơn giản là nói với khách hàng họ phải đợi vài tuần nữa, nhưng tôi cũng chỉ áng chừng vậy thôi chứ không dám nói chắc” - bà chủ nhà máy bộc bạch.

Ở tỉnh Chiết Giang, trung tâm sản xuất và thương mại của Trung Quốc, 90% các hãng xưởng đã nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bất trắc còn ở phía trước. “Chính quyền, các doanh nghiệp và người lao động, tất cả đều đang đánh cược với rủi ro” - Jason Wang, giám đốc một công ty bán áo khoác, nói.

Giống như nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã sản xuất trở lại hiện giờ, Wang phải rất kỹ lưỡng trong vấn đề dịch tễ. Công nhân được đo thân nhiệt thường xuyên, luôn phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau một ghế ở nhà ăn. Nhưng nỗi lo là rất lớn: chính quyền đã thông báo chỉ cần một công nhân bị xác định nhiễm virus, cả nhà máy sẽ phải đóng cửa.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Giới phân tích cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc chỉ có thể hoạt động đầy đủ trở lại sớm nhất là từ cuối tháng 3. Ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch và cũng là một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, các lĩnh vực sản xuất then chốt đã được nối lại, bao gồm sắt thép, hóa chất và linh kiện điện tử. Nhưng các hãng xưởng ở đây cũng gặp vấn đề như ở Chiết Giang vì COVID-19 và nếu có gì khác thì đó chỉ là trục trặc còn trầm trọng hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Hán có biệt danh là “Chicago của phương Đông”, với tỉnh Hồ Bắc chiếm hơn 4% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. 

Riêng tỉnh này sản xuất 2,41 triệu chiếc xe trong năm 2018, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xe hơi của Trung Quốc và nhiều hơn sản lượng của cả nước Pháp. General Motors, Honda Motor và Groupe PSA đều có nhà máy liên doanh ở đây. Hơn 500 hãng sản xuất phụ tùng xe hơi cũng có nhà máy ở Vũ Hán.

“Sản lượng chung của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đã bắt đầu đánh giá lại mạng lưới cung ứng của mình để xem liệu có thể sản xuất phụ tùng bên ngoài Trung Quốc hay không” - giám đốc một hãng xe người Nhật Bản nói với Nikkei Asian Review.

Sự đứt gãy đó lan rộng ở nhiều lĩnh vực. Trong ngành dược phẩm, hiện phần lớn nguồn cung ứng các loại thuốc kháng sinh của thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc, tập trung ở không tới một chục nhà máy, bao gồm một cụm công nghiệp dược phẩm lớn tại Nội Mông Cổ.

Thật ra, Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất chủ đạo hoạt chất dược phẩm chưa được lâu. Nhà máy lên men penicillin cuối cùng của Mỹ đóng cửa vào năm 2004, khi các cụm công xưởng của Trung Quốc đạt hiệu suất khó nước nào cạnh tranh nổi.

Tuy nhiên, những biến cố lớn như dịch COVID-19 cho thấy hiệu suất kinh tế có thể không phải là tất cả. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng lần này là dịp lên tiếng cho những kinh tế gia có đầu óc quốc gia chủ nghĩa như Peter Navarro - người Mỹ và tác giả cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt Chết bởi Trung Quốc

Hôm 23-2, trên Fox News, ông Navarro nói nước Mỹ thuê ngoài “quá nhiều” với một ngành tối quan trọng như thuốc men, và điều đó cần phải thay đổi.

Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc, thì bình luận sự áp đảo của Trung Quốc trong những lĩnh vực như dược phẩm hay thuốc trừ sâu từ lâu đã là một quan ngại lớn. 

Ông nói khả năng các công ty sẽ rời bỏ Trung Quốc ồ ạt là không cao, nhưng dịch bệnh chắc chắn gióng lên hồi chuông cảnh báo. “Thời kỳ toàn cầu hóa với việc đặt cơ sở sản xuất ở nơi có hiệu suất cao nhất đã qua rồi” - Wuttke nói với The Economist.

Đó thực ra chính là nguyên tắc nổi tiếng của kinh doanh rằng không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, kể cả khi đó là chiếc giỏ tốt nhất.■

Kiểm điểm thiệt hại

Một số thiệt hại trực tiếp của COVID-19 đã có thể tính đếm ngay từ lúc này.

Ấn Độ có một chương trình quốc gia sản xuất 100 gigawatt năng lượng mặt trời tới năm 2022, nhưng tiến độ chắc chắn sẽ chậm lại bởi Trung Quốc chiếm 80% sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của nước này.

Indonesia từng đặt mục tiêu thu hút 10 triệu khách du lịch Trung Quốc mỗi năm, giờ có thể mất 4 tỉ đôla doanh thu từ du lịch vì COVID-19. Hàng nghìn hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hoa ở nước này đã mất việc.

Ngày 19-1, Myanmar tổ chức trọng thể buổi lễ mừng “Năm quan hệ văn hóa du lịch Myanmar - Trung Quốc”, sau khi lượng du khách Mỹ và châu Âu vào nước này giảm mạnh. Hai ngày sau đó, WHO ra thông báo chính thức đầu tiên về COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận