COVID-19 và thế kỷ châu Á

CHIÊU VĂN 06/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Khi ngày kết thúc đại dịch COVID-19 có vẻ đang đến gần, có nhiều lý do để lạc quan về một thế kỷ 21 của châu Á.

Tháng 7-2020, diễn viên hài người Malaysia gốc Hoa Nigel Ng nổi tiếng trên mạng chỉ sau một đêm. Trong video khởi đầu cho kênh YouTube với 362 triệu lượt xem tính đến tháng 12-2021, nhân vật của Ng - “Uncle Roger” (Chú Roger) - xem và phản ứng bực bội với một video hướng dẫn món cơm chiên trứng của Đài BBC (Anh).

Video YouTube đó, và rất nhiều video sau này, nhanh chóng thu hút sự chú ý của các khán giả châu Á trên toàn thế giới bởi những bình luận hài hước về việc văn hóa châu Á, đặc biệt là văn hóa ẩm thực, thường bị chê bai và hiệu chỉnh lại ở phương Tây cho phù hợp với nhãn quan, nhu cầu hay đòi hỏi về lợi nhuận của dân da trắng ra sao.

Ảnh: ft.com

 Ng, sống ở London, thành công tới mức bỏ nghề trong lĩnh vực dữ liệu để trở thành một tay diễn hài toàn thời gian, đặc biệt ăn khách một phần nhờ tình trạng phong tỏa trong dịch khiến dân chúng phải ở nhà và xem YouTube nhiều hơn. Thành công đến với kênh YouTube của anh, đi kèm không ít tranh cãi, có thể coi là một trong những dấu hiệu về một thế kỷ châu Á đã đến.

Sức mạnh kinh tế...

Đây sẽ không phải là thế kỷ châu Á đầu tiên. Theo sử gia kinh tế quá cố Angus Maddison, châu Á chiếm hơn một nửa tổng sản lượng kinh tế thế giới trong 18/20 thế kỷ đã qua. Sức mạnh gia tăng của châu Á, không chỉ về kinh tế, vì vậy là một sự “phục hưng” hơn là một cuộc cách mạng.

Đã cần tới sự tập trung vốn tư bản khổng lồ nhờ việc khám phá Tân Thế giới, rồi cuộc cách mạng công nghiệp và tiến trình thuộc địa hóa tàn bạo sau đó, châu Âu mới đoạt được vị thế trung tâm thế giới vào thế kỷ 19. 

Rồi cần tới hai cuộc thế chiến và chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh để Hoa Kỳ vươn lên vị trí thống soái. Tuy nhiên, ngày nay châu Á đang trở lại với quy mô dân số khổng lồ - chiếm hơn một nửa tổng dân số toàn cầu (mà nhân đây, xin nhắc là đã sắp cán mốc 8 tỉ người vào cuối năm 2021, chứ không còn là 7 tỉ nữa).

Thế kỷ 18 và 19, khi kinh tế châu Âu bắt đầu cất cánh, ảnh hưởng chính trị và văn hóa nối gót. Điều tương tự xảy đến với Hoa Kỳ trong thế kỷ 20: Quyền lực chính trị và ảnh hưởng văn hóa bành trướng trên bệ phóng sản lượng kinh tế. 

Ngày nay, châu Á đang ở vị thế khá giống Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20: một người khổng lồ kinh tế nhưng ảnh hưởng chính trị và văn hóa vẫn còn nhỏ bé.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy khoảng cách đó đang được san lấp nhanh chóng. Tư thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ chưa bao giờ lung lay như lúc này. 

Suốt thế kỷ 20, họ đã tốn quá nhiều nguồn lực cho những cam kết đắt đỏ nhằm xây dựng một “trật tự thế giới tự do”. Trong nhiều vấn đề, từ vaccine COVID-19 tới các thỏa thuận thương mại và biến đổi khí hậu, khoảng trống quyền lực đang lộ ra khi Washington không còn xoay xở nổi. 

Liệu châu Á có thể lấp vào khoảng trống đó? Và liệu văn hóa châu Á có tỏa khắp toàn cầu, giống như nghệ thuật và thời trang châu Âu, hay âm nhạc và phim ảnh Mỹ từng chinh phục cả thế giới?

Lịch sử có thể lặp lại chính nó, nhưng không bao giờ là một sự sao chép giống hệt. Thật ra, nếu có một thời đại châu Á đang tới thì ở chính châu Á cũng không có nhiều mong đợi về việc ứng viên khả dĩ nhất của khu vực tạo lập được ảnh hưởng toàn cầu - Trung Quốc - sẽ trở thành thế lực thống trị. 

Châu Á vẫn là một định nghĩa tương đối, ngay cả về mặt địa lý, chứ đừng nói về văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ, hay nhất là chính trị. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sự tản mát và đa dạng của châu Âu thế kỷ 19 đã không ngăn được thực tế về một thế giới “Âu tâm” còn hiện diện tới ngày nay.

Năm 2022 này, thế kỷ châu Á đã đi được hơn 1/5 chặng đường. Nhiều tiên đoán về nó vào năm 2000 đã tỏ ra chính xác. Trung Quốc tiếp tục lừng lững tiến lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Một giai cấp trung lưu cực kỳ năng động và tăng trưởng cực nhanh xuất hiện khắp khu vực, từ Trung Quốc tới Ấn Độ và Đông Nam Á. Tới năm 2050, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính 3 tỉ người châu Á sẽ có mức sống tương đương với dân châu Âu và sẽ là nơi tạo ra một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu.

 
 Psy và làn sóng Hàn Quốc. Ảnh: AFP

 ... Sẽ lan sang ảnh hưởng văn hóa và xã hội?

Trở lại với câu chuyện của Nigel Ng. Kênh YouTube của anh có mục đích chính là để giải trí, nhưng sâu xa hơn, vẫn có thể qua đó thấy được một sự phản kháng văn hóa, ít ra là trong lĩnh vực ẩm thực. 

Tiếng nói của “Uncle Roger” là sự bức xúc thay cho một thực tế rằng những nhà hàng tên tuổi của châu Á, nấu món Á, có đầu bếp người Á, nhiều khi chỉ là một tiệm ăn vỉa hè, vẫn khát khao và đôi khi cần tới một sự đánh giá của phương Tây như kiểu “gắn sao Michelin” (từ một công ty lốp xe ở Pháp).

Những người như Ng là bằng chứng cho thấy, trái với trong quá khứ, châu Á không còn chấp nhận chỉ là nơi tiếp nhận văn hóa phương Tây nữa. Suốt một thời gian dài, châu lục 4,7 tỉ dân chủ yếu nhập khẩu phim ảnh Hollywood và âm nhạc “US - UK”, trong khi chiều ngược lại hết sức mờ nhạt. 

Nhưng trong thế kỷ mới, cùng dòng lưu thông hàng hóa và con người đổ đi từ châu Á đông đảo chưa từng thấy, sức mạnh văn hóa cũng đã bành trướng nhanh chóng.

Làn sóng Hàn Quốc vẫn đang diễn ra là một minh chứng. Từ hiện tượng Psy, với video YouTube đầu tiên cán mốc 1 tỉ lượt xem vào năm 2012, cho tới ban nhạc BTS lừng lẫy từ 2013 tới nay, và mới nhất là bộ phim đình đám trên Netflix Trò chơi con mực (2021), làn sóng Hàn Quốc đã tỏ ra là một trào lưu văn hóa lâu bền chứ không hề là hiện tượng nhất thời. 

Trước khi bước ra toàn cầu, các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc có lợi thế quyết định là một thị trường khu vực cực lớn để họ luôn có thể nghĩ tới một “siêu phẩm” tiếp theo.

Hiện thì trong hầu hết các lĩnh vực văn hóa, dù đo đạc bằng giá các tác phẩm nghệ thuật cổ hay ứng dụng xem phim trực tuyến, phương Tây vẫn đang áp đảo, nhưng châu Á chắc chắn đang thách thức thế thống trị đó một cách nghiêm túc. 

Năm 2018, một bức thư pháp của Hoàng Đình Kiên thời Tống đã bán được với giá 62,8 triệu đôla, vẫn còn “khiêm tốn” so với những bức tranh cổ phương Tây, nhưng những kỷ lục mới ắt sẽ sớm được lập khi dân Trung Quốc, và châu Á nói chung, ngày một giàu lên.

Tương tự, thế thống trị của Netflix trong lĩnh vực phim ảnh trực tuyến hiện giờ không hề chắc chắn, khi rất nhiều tay chơi sừng sỏ của Trung Quốc và những ứng dụng mang tính địa phương, đặc thù ngôn ngữ, đều đã nhập cuộc. 

Một ví dụ, năm 2016 nền tảng iQiyi của Trung Quốc đã mua độc quyền phát sóng bộ phim Hàn Quốc Hậu duệ mặt trời ở nước này và có được hơn 1 tỉ lượt xem trên nền tảng của mình.

Tất nhiên, phải có cơ sở kinh tế cho điều đó: Samsung đã vượt qua Apple để trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, với 18,8% thị phần và 315 triệu chiếc điện thoại bán ra vào năm 2020. 

Đáng nói hơn, trong danh sách 10 công ty sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới năm 2020, chỉ có 2 nằm ngoài châu Á (Apple của Mỹ hạng nhì và ở vị trí thứ 10 là Alcatel, Pháp), theo zippia.com.

Ẩm thực là một khía cạnh khác mà châu Á đang thật sự “xâm chiếm” phương Tây và cả thế giới. 

Dòng người di cư cũng như sự toàn cầu hóa của ẩm thực nhờ YouTube, khách du lịch và các ứng dụng liên quan tới đồ ăn đã khiến một thị trấn vài chục ngàn dân ở Anh, Canada, Sandinavia hay Bắc Mỹ luôn chắc chắn sẽ có một vài nhà hàng Á: Hoa, Ấn, Nhật, Thái, Việt..., ngay cả khi những nơi đó có rất ít người châu Á sinh sống.

Điều đó liên quan mật thiết tới việc châu Á đang trở thành một điểm trung chuyển toàn cầu và là nơi có tốc độ phát triển sân bay nhanh nhất thế giới bởi châu lục này chiếm 50% tổng mức tăng trưởng hành khách đi bằng máy bay của một thập niên qua. 

Năm 2009 châu Á mới có 150 triệu lượt hành khách quốc tế, nhưng tới năm 2018 con số đó đã tăng lên thành 415 triệu. 

Châu lục này cũng đang sở hữu 11/45 sân bay lớn nhất thế giới. Đại dịch COVID-19 đã khiến tiến trình đó chậm lại, nhưng chắc chắn sẽ không thể ngăn cản thực tế là tương lai của ngành hàng không, cũng như nhiều thứ khác, là ở châu Á.

 “Nhân vật Uncle Roger chỉ ra dân phương Tây làm hư món cơm chiên trứng thế nào. Những đầu bếp không hề tìm hiểu kỹ lưỡng và định lợi dụng đồ ăn của dân châu Á để kiếm lời. Nếu thực sự lắng nghe nội dung của tôi, bạn sẽ thấy mọi điều Uncle Roger làm là nhằm nâng tầm văn hóa. Tôi có thể nói hoàn toàn tự tin rằng tôi không hề nói điều gì tiêu cực trong các video của mình với nền văn hóa của chính tôi, vì tôi tự hào là một người châu Á.

Nigel Ng trả lời phỏng vấn Esquire

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận