Cuộc đào thoát ngoạn mục của Carlos Ghosn

THƯ KỲ 13/08/2020 02:08 GMT+7

TTCT - Carlos Ghosn, cựu tổng giám đốc Hãng xe hơi Nissan, đã trốn thoát khỏi nước Nhật bay về Lebanon vào những ngày cuối năm ngoái, gây xôn xao dư luận cả mấy tháng sau đó. Nhân vật chính cuộc giải cứu, Michael Taylor - nay phải ngồi tù ở Mỹ - kể lại tình tiết câu chuyện cho tờ Vanity Fair trên số báo tháng 7 và 8-2020.

Michael Taylor (ảnh nhỏ trên), người đạo diễn phi vụ giải cứu ngoạn mục Carlos Ghosn (ảnh lớn). Ảnh: Daily Mail
Michael Taylor (ảnh nhỏ trên), người đạo diễn phi vụ giải cứu ngoạn mục Carlos Ghosn (ảnh lớn). Ảnh: Daily Mail

Mùa xuân năm ngoái, Taylor đang thất nghiệp thì nhận cú điện thoại từ người bạn là doanh nhân Lebanon. Người bạn, được Taylor gọi là Ali, cho biết có một nhân vật đang “mắc kẹt” ở Nhật Bản cần trốn thoát. Dù cần thêm rất nhiều thông tin, Taylor vẫn đáp “có thể”.

Đúng người đúng việc

Taylor đúng là người cho loại công việc này. Ông từng điều hành một công ty Mỹ, là nhà thầu tư nhân cho quân đội Mỹ, chuyên lượng định rủi ro và từng giải cứu nhiều người thoát khỏi các tình huống tưởng chừng bế tắc.

Trong 20 năm qua, qua giới thiệu không chính thức của FBI hay Bộ Ngoại giao Mỹ, ông từng giúp cứu một bé gái bị cha bắt đi nước khác trong cuộc tranh giành quyền nuôi con, hay một cô bé lái xe gây tai nạn ở Costa Rica sắp bị bắt giam...

Có khoảng 20 lần như thế, giá tính cho khách cần giải cứu vô chừng, từ 20.000 đến 2 triệu đôla mỗi vụ. Thế nhưng bí mật đưa một người nổi tiếng ra khỏi nước Nhật với hàng rào an ninh nghiêm ngặt là điều Taylor chưa làm bao giờ.

Chỉ cần vài cú điện thoại, Taylor đoán ngay ra nhân vật Ali nhờ giải cứu là cựu tổng giám đốc Hãng xe Nissan Ghosn, sinh ra ở Brazil và là người gốc Lebanon. Cuối thập niên 1990, Nissan rơi vào khủng hoảng, gần phá sản. Hãng xe Renault lúc đó bỏ ra 5,4 tỉ đôla giải cứu theo đề nghị của Ghosn.

Năm 1999, Ghosn được cử sang Nhật làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch Nissan và một thời gian ngắn sau đã lật ngược tình thế. Sau đó, ông còn đề xuất một liên minh giữa Renault, Nissan và Mitsubishi nhằm chia sẻ công nghệ và nền tảng sản xuất. Ông nhận lương từ cả ba đại gia xe hơi này, cộng lại lên đến 17 triệu đôla vào năm 2017.

Tuy có công vực dậy Nissan, Ghosn bị nhân viên Nissan chống đối vì lối sống hoang phí, rồi bị điều tra với cáo buộc lạm dụng chức vụ tư lợi trên tài sản công ty và khai thấp thu nhập để trốn thuế. Chẳng hạn, ngôi nhà của ông ở Beirut là tiền của Nissan bỏ ra mua và nâng cấp hết 15 triệu đôla.

Lần lượt ông bị các hội đồng quản trị, đầu tiên là Nissan, sau đó là Mitsubishi, bãi chức, rồi cuối cùng phải từ nhiệm chức chủ tịch kiêm CEO Renault. Không những thế, ông bị chính quyền Nhật bắt giam với cáo buộc thâm lạm tiền bạc của Nissan và sau đó được tại ngoại, giam lỏng tại nhà để hầu tra. Ghosn, đã 66 tuổi, tuyên bố ông vô tội, còn gia đình ông cho rằng đây chỉ là chuyện đấu đá chính trị doanh nghiệp.

Nhà của Ghosn tại Tokyo được lắp camera giám sát, hai căn hộ ở Brazil và Lebanon của ông bị tịch thu. Bỏ trốn có nghĩa ông ta sẽ mất 9 triệu đôla tiền bảo lãnh tại ngoại. Thế nhưng bị giam lỏng chờ ngày xét xử là một cực hình với Ghosn: với hệ thống tư pháp phức tạp của Nhật, có thể ông phải chờ nhiều năm. “Tôi có thể chết ở đây”, Ghosn nói, theo lời kể của một người bạn. Kế hoạch thuê Taylor của Ali là lối thoát duy nhất.

Ali giới thiệu Taylor với vợ của Ghosn, bà Carole Ghosn - hai người làm đám cưới vào năm 2016. Taylor bay qua Beirut gặp Carole, bàn bạc trong nhiều giờ. Bà kể lúc Ghosn bị tạm giam, buồng giam của ông sáng đèn suốt 24 tiếng, trong buồng không có giường mà chỉ có tấm chiếu kiểu Nhật, mỗi ngày chỉ được ra ngoài nửa tiếng.

Bà nói Ghosn bị thẩm vấn liên tục, có lúc kéo dài tám tiếng đồng hồ. Taylor bay về Massachusetts, lòng vừa hoài nghi vừa tò mò. Đến đây, theo tường thuật của Vanity Fair, Taylor trải qua một quá trình “hợp lý hóa” lương tâm cho quyết định nhảy vào giải cứu bằng cách lên án hệ thống tư pháp Nhật, kể cả chuyện tra tấn tù nhân, dù thực tế Ghosn đang tự do ở nhà mình! Cuối cùng, ông nhấc điện thoại gọi cho Ali: Tôi nhận lời.

Taylor nhận định: Ghosn không bị mang vòng giám sát trên chân, vẫn còn được giữ hộ chiếu Pháp nhưng ngoài camera an ninh, Nissan còn thuê hai thám tử tư canh giữ suốt ngày đêm. 

Thoát khỏi Nhật chỉ có hai con đường. Đi đường biển thì phải chạy dọc bờ biển Nhật Bản, vượt hơn 4.000km để đến Thái Lan, rồi từ đó mới hi vọng lên máy bay về Lebanon. Đi đường này phải mất hai đến ba tuần, rất rủi ro với tuổi tác và điều kiện sức khỏe của Ghosn. Chỉ còn lại đường hàng không và phải bay bằng máy bay riêng.

Cuộc đào thoát

Suốt mấy tháng liền, Taylor tụ họp một nhóm đặc nhiệm thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn: an ninh sân bay, tin học, cảnh sát, phản gián..., hầu hết từng có thời làm cho ông. Mọi chuyện diễn ra như trong một bộ phim giải cứu con tin. Họ phải chọn một hãng bay tư nhân ít hỏi han khách hàng nhất.

Tuy thế, khi họ đặt vấn đề liệu hãng bay có nhận chở một vị khách ẩn danh, hồ sơ bay giữ kín, việc chi trả để ngoài sổ sách thì gần như tất cả đều từ chối. Cuối cùng, họ tìm được một hãng bay ở Thổ Nhĩ Kỳ, với “thành tích” từng chở vàng ra khỏi Venezuela bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Để đưa khách lên máy bay mà không ai phát hiện, họ cần một chiếc thùng lớn. Sau khi đo kích cỡ cửa khoang chứa hàng máy bay, Taylor thuê một hãng trang trí sân khấu ở Beirut làm hai chiếc thùng lớn bằng ván ép, góc cạnh gia cố kỹ, chiều ngang chỉ nhỏ hơn cửa máy bay 1cm, loại thùng dùng để chứa loa sân khấu. Thùng có khoan nhiều lỗ để Ghosn thở.

Cuối cùng là chọn ngày giải cứu. Taylor muốn đưa Ghosn đi trước Giáng sinh 2019, nhưng lúc đó máy bay bận hợp đồng khác. Lúc máy bay về, Ghosn lại có một phiên hầu tòa phải dự. Cùng lúc, Taylor phát hiện hệ thống camera giám sát nhà Ghosn tuy mở 24/7 nhưng không truyền đi trực tiếp. Nhà chức trách chỉ đến lấy đĩa mỗi tuần một lần vào một trong ba ngày đầu tuần. Nếu Ghosn được đưa đi vào thứ năm hay thứ sáu, rất có thể đến tuần sau nhà chức trách mới phát hiện.

Sáng 28-12-2019, Taylor hạ cánh xuống sân bay quốc tế Dubai. Đi cùng là George Zayek, cựu binh của quân đội Lebanon. Máy bay họ thuê đến trễ vì khách trả máy bay trễ; chiếc Bombardier Global Express mãi 10h16 mới cất cánh bay sang Nhật, trễ hơn dự định 90 phút.

Đích đến là sân bay quốc tế Kansai tại Osaka. Sở dĩ Taylor chọn sân bay này vì nó không có máy quét đủ lớn để quét thùng chứa loa. Máy bay hạ cánh xuống Osaka vào 10h30 sáng 29-12. Hai thùng chứa loa được đưa lên xe, đi kèm là Taylor và Zayek. Họ xuống ở khách sạn Star Gate gần sân bay. Từ đó, họ đáp tàu lửa siêu tốc đi Tokyo.

Trong lúc đó, Ghosn rời nhà lúc 2h30 chiều, đầu đội mũ len trùm kín, che mặt bằng khẩu trang. Ông đi bộ đến khách sạn Grand Hyatt. Đến đây, lời kể của Taylor với tờ Vanity Fair bắt đầu khác cáo buộc của bên công tố. Theo lời Taylor thì Ghosn chờ ngoài sảnh gần lối ra. Chẳng bao lâu sau, Taylor xuất hiện, bắt tay Ghosn và bảo: “Đã đến lúc về nhà thôi”.

Còn theo lời công tố nộp lên cho tòa Massachusetts, Ghosn lên lầu, vào phòng 933; phòng được đặt bằng tên con trai của Taylor - Pete. Ghosn thay quần áo. Một giờ sau, Taylor và Zayek tới. Đoạn sau đó thì lại trùng khớp. Ghosn, Taylor và Zayek rời Grand Hyatt khoảng 4h30 chiều, lên tàu siêu tốc ở Tokyo, hơn 8h tối đến Osaka, về lại khách sạn gần sân bay và ngồi chờ.

Sau đó, Taylor ra sân bay một mình. Ông báo cho quản lý sân bay đoàn khách của ông về trễ nên phải vội qua hàng rào an ninh cho kịp một cuộc họp quan trọng ở Istanbul. Quay về khách sạn, ông cho Ghosn vào chiếc thùng lớn, đậy nắp và cài then. Chừng 10h tối, hai người đẩy hai thùng lên hai chiếc xe và bắt đầu chạy vào sân bay. Họ chạy qua cổng trót lọt và cuối cùng đẩy được hai thùng lên máy bay.

Taylor luôn miệng nói thùng chứa thiết bị âm thanh rất đắt tiền nên phải cẩn thận... Không ai bắt họ cho hàng chạy qua máy chiếu, kể cả máy xách tay. Đúng 11h10, máy bay cất cánh; tính ra Taylor và Zayek có mặt ở Nhật chưa đầy 13 tiếng. Ghosn lúc này yên vị trên ghế máy bay, miệng cười tươi thoát nạn.

Máy bay đáp xuống Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghosn được đưa lên một máy bay khác chờ sẵn gần đó để bay qua Beirut. Riêng Taylor và Zayek bay thương mại trên một chiếc chở khách để đến Beirut sau. Lúc này, tin tức về cuộc đào thoát của Ghosn đã được báo Lebanon đăng ầm ĩ, nhưng phải đến thứ ba tuần sau chính quyền Nhật Bản mới biết! Ghosn trở thành kẻ đào tẩu bị truy đuổi quốc tế, nhưng được Lebanon che chở như một người hùng.

Riêng Taylor cũng bị Nhật Bản ra lệnh truy nã vào ngày 30-1 và sau đó chính thức nhờ Chính phủ Mỹ bắt hộ để dẫn độ về Nhật, xét xử với tội danh hỗ trợ tội phạm bỏ trốn. Một ngày cuối tháng 5-2020, khi đang ngủ tại nhà ở Massachusetts, 15 cảnh sát Mỹ gõ cửa chìa lệnh bắt Taylor và con trai Pete. Nhiều lời đồn đại nói cuộc đào thoát của Ghosn tốn hết 30 triệu đôla.

Taylor cho tờ Vanity Fair biết chi phí thực sự chỉ khoảng 1,3 triệu đôla, hầu hết để trả tiền thuê máy bay và nhóm giải cứu. Taylor nói ông không nhận được đồng nào cho riêng mình. Giờ Taylor và con trai vẫn ngồi trong nhà giam chờ ngày tòa xử xem có đồng ý cho Nhật dẫn độ hay không. Khác với Ghosn, họ không được nộp tiền xin tại ngoại nên không có cơ may nào được giải thoát!■

Michael Taylor có những lợi thế lớn: từng là lính đặc nhiệm dày dạn kinh nghiệm, quen đường đi nước bước ở Lebanon, có quan hệ rộng với những “chuyên gia” nhiều lãnh vực. Cả bố và mẹ ông đều là người lai da đỏ thuộc bộ tộc Cherokee.

Vào đỉnh điểm cuộc chiến tranh Iraq, công ty ông có đến 2.000 nhân viên, đa số là cựu lính đặc nhiệm hay dân tình báo về hưu. Năm 2007, ông trúng quả một gói thầu lớn do người bạn cũng là lính đặc nhiệm giới thiệu: 54 triệu đôla để huấn luyện lính Afghanistan trong vòng 5 năm.

Ngay lúc hợp đồng kết thúc, ông bị truy tố về tội sử dụng thông tin đặc quyền do người bạn cung cấp để thắng thầu. Ông bị tuyên 19 tháng tù, công ty giải thể, nguồn giới thiệu từ FBI hay Bộ Ngoại giao Mỹ chấm dứt. Đúng lúc Taylor đang phải làm đủ nghề để kiếm sống thì Ali gọi đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận