Đứt gãy công nghệ và sự phân hóa thị trường lao động

TRUNG TRẦN 25/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Số liệu được các hãng xe công nghệ báo cáo chưa đầy đủ cho thấy tổng số tài xế xe máy và taxi công nghệ đăng ký để được “nổ app” đón khách của Grab, Gojek, Be… vào khoảng 500.000. Đó là một con số khổng lồ nếu biết rằng các công ty công nghệ này thâm nhập vào thị trường Việt Nam chỉ mới hơn 5 năm qua.

Xấp xỉ nửa triệu nhân lực sẵn sàng tham gia vào một thị trường lao động mà họ phải tự trang bị công cụ, phương tiện lao động chính - là chiếc xe do chính mình đầu tư 100% tài chính. Để so sánh, số đầu xe thời thịnh vượng nhất của các hãng taxi hàng đầu, như Vinasun và Mai Linh, cộng lại chỉ khoảng 15.000.

Mức tăng chóng mặt

Một so sánh khác gián tiếp hơn: so với số lượng công nhân ở Bình Dương là khoảng 1,2 triệu sau hơn 30 năm mở cửa với vô số những chính sách và vốn đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng, đường sá…, mới thấy hết quy mô và tốc độ mở rộng kinh khủng của nền tảng công nghệ số trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho thị trường lao động.

 
 Ảnh: Indian Analytics Magazine

Chạy xe công nghệ là một công việc bấp bênh, thu nhập không thể dự đoán và người lao động không có bất cứ một chính sách bảo hiểm nào, trong khi họ phải bỏ 100% vốn đầu tư ban đầu cho phương tiện kinh doanh. 

Trong khi đó, giới chủ và điều hành thực sự của các hãng này - những người nắm bắt được quy mô thị trường logistics đô thị và có trong tay thông tin về tệp khách hàng, nền tảng kỹ thuật để xác định không gian, thời gian và cách thức xác nhận giao dịch và thanh toán - lại là những người nắm quyền quyết định thu nhập của đối tác. 

Hơn thế, họ không cần phải có một giao kèo dài hạn nào với người lao động. 

Việc buộc họ phải có trách nhiệm nào đó với đối tác kinh doanh, như cơ quan công quyền gần đây lên tiếng, e là một yêu cầu đi ngược sự tất yếu của thị trường lao động trong thời đại mà sự đứt gãy công nghệ - thuật ngữ dùng để mô tả sự phát triển công nghệ số đạt đến một tốc độ mà những yếu tố liên quan đến nó, như thị trường lao động, buộc phải dẫn tới đổ vỡ chứ không thể theo đuôi bằng các điều chỉnh có tính hành chính, “gọt chân cho vừa giày”. 

Những đứt gãy công nghệ tiêu biểu trong quá khứ là sự ra đời của xe hơi làm tuyệt diệt xe ngựa vận chuyển, hay gần đây nhất là máy tính cá nhân đã làm biến mất chiếc máy đánh chữ và thư ký đánh máy.

Các nền tảng công nghệ về xe ôm công nghệ hay bán hàng online không làm mất đi việc làm của các bác xe ôm hay người thu ngân. 

Nó chỉ làm phân hóa thị trường lao động: các kỹ năng mời chào, đưa đón khách hàng, tìm được đoạn đường ngắn nhất để phục vụ khách tốt nhất bây giờ đã được nền tảng số làm thay một cách gần như hoàn hảo.

Những người tài xế xe ôm hay taxi từng đem lại giá trị dịch vụ thực tế nhất là đưa khách hàng đến vị trí họ mong muốn, bây giờ chỉ thực hiện công đoạn cuối cùng trong chuỗi những công việc từ tìm kiếm, mời chào, thương lượng và vận chuyển. 

Càng ít chức năng được thực hiện, vai trò của họ càng ít quan trọng, tiền công do đó càng ít đi, và mối lo cho nhà chức trách có lẽ là ở chỗ lực lượng lao động này có thể bị đào thải bất cứ lúc nào.

Nếu họ bị cạnh tranh bởi đồng loại, đấy vẫn còn là một điều may mắn cho con người nói chung. Nếu họ bị cạnh tranh bởi máy móc, ví dụ xe tự hành của Tesla, thì họ có khả năng giành giật bao nhiêu thị phần? Thời nay, họ sẽ không thể phá xe của Elon Musk sản xuất, như cách cha ông họ đã đập phá máy dệt chạy bằng hơi nước ở Anh hơn 200 năm trước.

Điều đáng tiếc trong công tác thống kê ở Việt Nam là chúng ta chưa có được số liệu đầy đủ về nhân khẩu học, trình độ giáo dục, phân bổ theo vùng miền… của gần nửa triệu người dùng có đăng ký app chạy xe cho các hãng công nghệ. Ví dụ, có bao nhiêu là người trên 50 tuổi? Bao nhiêu là thanh niên có trình độ trên phổ thông trung học?

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thấy đây là một thị trường lao động dễ tham gia, và bởi vì dễ tham gia nên nó cũng chính là một bẫy phân hóa để từ đó được thấy một phần lực lượng lao động đã bị quá trình đứt gãy công nghệ đưa xuống mảng lĩnh vực ít yêu cầu kỹ năng, dễ bị đào thải và khả năng có cơ hội vươn lên một công việc có chất lượng hơn là không dễ dàng.

Giáo dục có thích ứng kịp?

Đứt gãy công nghệ là tác động mang tính cách mạng, nên không thể đòi hỏi đa số lớn dân chúng có thể thích ứng ngay. 

Điều đó đồng nghĩa chúng ta buộc phải chấp nhận rằng rất rất nhiều người - kể cả có bằng cấp - rồi sẽ buộc phải chấp nhận những công việc mà để làm thành thục thì ngay cả bằng phổ thông trung học cũng chưa chắc đã cần, ví dụ: đóng gói, dán nhãn, phân loại, giao nhận nội bộ…

Khi các thuật toán càng thông minh, công việc của con người hoặc sẽ rất phức tạp - dành cho số ít lao động bậc cao - hoặc là rất đơn giản, cho số đông, mà khi làm việc hầu như họ không sử dụng mấy kiến thức, bằng cấp của mình.

Những điều này chỉ vài năm trước nghe chỉ là lý thuyết, nhưng dần dà chúng ta có thể nhận thấy nó đang hiện diện rõ ràng từng ngày. Ngoài tài xế xe công nghệ, còn là số lượng nhân viên làm các công việc thủ công trực tiếp trong ngành bán lẻ. Kể cả những ngành thời thượng như công nghệ thông tin, chúng ta cũng từng nghe đến lời ca thán lẫn tự hào: Trên thế giới, Việt Nam là cường quốc viết code.

Nguy cơ số việc làm mất đi do sự phát triển của công nghệ là điều luôn hiển hiện. Vấn đề chung của thế giới là tạo ra được bao nhiêu việc làm mới để bù vào số đã bị mất. 

Còn vấn đề riêng của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, là trong số việc làm mới được tạo ra, chúng ta có cơ hội giành được bao nhiêu việc làm đòi hỏi có hàm lượng chất xám cao. Vấn đề này phải được giải quyết bởi chất lượng của đào tạo và đào tạo lại - lĩnh vực mà chưa bao giờ chúng ta dám tự hào. ■

Một kinh nghiệm trong quá khứ thường được coi là bài tập tình huống của các quốc gia phát triển là khi Singapore giữa những năm 1990 quyết định từ bỏ chiến lược công nghiệp để trở thành quốc gia phát triển bằng dịch vụ tài chính, trung tâm ngân hàng, đầu tư và phát triển công nghệ của khu vực. 

Hàng chục ngàn nhân sự trung và cao cấp ở khu vực nhà máy công nghiệp đột nhiên chới với, bởi những kinh nghiệm lâu năm của họ trong công xưởng là vô dụng khi quốc gia chuyển đổi chiến lược. 

Chính phủ của thủ tướng Goh Chok Tong lúc đấy đã tiến hành đào tạo lại cho số nhân lực này, ai vượt qua sẽ là nhân viên tài chính và môi giới chứng khoán, ai không vượt qua thì sẽ là hướng dẫn viên du lịch, còn ai đứng cuối trong các kỳ sát hạch sẽ phải chấp nhận trở thành tài xế taxi.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với các tài xế xe công nghệ của Công ty Grab, bình quân thu nhập (đã trừ phí, xăng xe…) của tài xế xe máy là 318.000 đồng/ngày (7 triệu đồng/tháng), tài xế xe hơi là 564.000 đồng/ngày (12 triệu đồng/tháng). 

Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ… từ công ty cung ứng dịch vụ không thường xuyên và khá thấp. Thu nhập không cao, nhưng tài xế xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Trong đó, tài xế xe máy là 9,2 giờ/ngày, xe hơi là 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ dường như không có và phải chịu áp lực giao hàng sớm, đúng giờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận