G20 và cuộc chiến chống COVID-19

DANH ĐỨC 31/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Rome, mà giờ này năm ngoái trở thành thủ đô đầu tiên thọ nạn COVID-19, hôm 21-5 đã hầu như hồi phục để tổ chức Thượng đỉnh Y tế G20 trực tuyến. Phải chăng nhờ kinh nghiệm thực tế, tuyên bố chung sau đó có vẻ thuyết phục, với những điều kiện cho sự hồi phục vào lúc nhiều nơi trên thế giới đang rối bời vì những đợt dịch chưa ngưng.

Tính thuyết phục của G20 là nhờ sự bao trùm của diễn đàn thành lập năm 1999 này, bao gồm cả nước giàu lẫn nước đang phát triển, mới nổi. Thượng đỉnh Y tế G20 Rome còn thuyết phục hơn do bao gồm cả những nước đang chống dịch thành công lẫn những nước đang khốn đốn vì dịch.

Thượng đỉnh G20 Y tế thế giới dù diễn ra trực tuyến, nhưng chủ nhà chính thức là Rome, Ý. Trên màn hình là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: g20.org

 

Tuyên bố chung Rome bắt đầu bằng tái khẳng định: “Đại dịch này tiếp tục là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và sức khỏe toàn cầu chưa từng thấy”. Đến 21-5, đã có 167 triệu ca nhiễm và 3,46 triệu ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Ngay trong ngày diễn ra thượng đỉnh, có thêm 608.000 ca nhiễm mới cùng 12.457 ca tử vong trên toàn cầu.

Những lời nhắc cơ bản 

Bằng cách nhấn mạnh, ngay từ đầu, rằng đại dịch này là “một khủng hoảng chưa từng thấy”, các lãnh đạo G20 muốn nhắc các chính phủ phải tự vấn xem đã có lúc nào chủ quan hay chưa, với Ấn Độ là ví dụ nhãn tiền.

Nước này vẫn rất “tang gia bối rối”, cuối tuần qua tiếp tục ghi nhận 3.741 ca tử vong và 240.842 ca nhiễm mới trên toàn quốc trong 24 giờ. Vì thế, dù dân tình còn lắm hủ tục, ở đất nước được mệnh danh là nền dân chủ đông dân nhất thế giới này, cũng đã nổi lên những phê và tự phê gay gắt.

Tờ The Hindu 24-5 nêu câu hỏi cuộc khủng hoảng hiện tại là do “xui xẻo hay bất công?”. 

Và trả lời: “Hiện có rất nhiều tài liệu viết về việc chính phủ mất cảnh giác và tuyên bố chiến thắng virus quá sớm, coi thường lời khuyên và các dữ liệu khoa học. Virus tấn công trở lại với các biến thể đột biến gây chết người hơn. Đại dịch là không thể tránh khỏi, nhưng sự tàn phá của nó lẽ ra đã có thể ngăn ngừa”. 

Ở Rome, điểm nhấn mạnh thứ nhì trong tuyên bố chung là đại dịch vẫn đang “tác động trực tiếp và gián tiếp lớn bất thường tới những người dễ tổn thương nhất…”. 

Đồng nghĩa các nước cần thành khẩn tìm hiểu “những người dễ tổn thương nhất” thực sự là ai, và “các tác động trực tiếp và gián tiếp” là gì. Có những nước người dân lĩnh mấy gói cứu trợ rồi, nhưng cũng có những nơi chưa thấy một đồng xu cứu tế! 

Có những nước, dù còn trong nhóm thu nhập thấp, nhưng dân chúng đã được chích ngừa lai rai, nhất là những nhóm dễ tổn thương nhất. Những nước khác thì không.

Sau hơn một năm chiêm nghiệm đại dịch trên toàn cầu, G20 đã nhìn thấy một chân lý: “Đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả các quốc gia có thể kiểm soát được dịch bệnh”. Đây là một nhấn mạnh tối cần thiết và đầy ý nghĩa thực tế, khi mà đó đây đã có những hí hửng “thiên hạ sụm hết vì dịch, giờ là lúc ta phất cờ!”.

Thông điệp của G20 rất rõ: không nước nào có thể phất lên một mình trong một đại dịch toàn cầu. Làn sóng “tái dịch” ở châu Á càng cho thấy sự mong manh của mọi quốc gia trước đại dịch, và chỉ khi nào kiểm soát được dịch ở quy mô toàn cầu, thế giới mới hi vọng trở lại bình thường. 

Để làm được điều đó, theo tuyên bố chung, cần “chích ngừa, quy mô lớn, toàn diện, an toàn, hiệu quả và công bằng”.

Một gói vaccine Covax ở Panama. Liên minh Covax là hy vọng để triển khai tiêm vaccine trên toàn cầu có trật tự và công bằng hơn. Ảnh: UNICEF

 

Làm gì để cùng có vaccine?

Không chỉ nhắc nhở suông, G20 cam kết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ với tất cả các nỗ lực hợp tác về mặt này [vaccine], đặc biệt là Sáng kiến ACT - Accelerator (ACT-A). Chúng tôi nhấn mạnh sự hỗ trợ của chúng tôi với việc chia sẻ vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng và giá cả phải chăng trên toàn cầu, trong đó có việc hợp tác với ACT-A”.

ACT-A là chương trình hợp tác toàn cầu mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vaccine, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia, bất kể mức thu nhập. 

Nguyên tắc nền tảng cho ACT-A là phân phối công bằng các nguồn lực phòng chống COVID-19 cho những người cần chúng nhất. “Việc một người có thể tiếp cận xét nghiệm, điều trị và vaccine COVID-19 sẽ không phụ thuộc vào nơi họ sống”, theo mục tiêu được WHO đề ra.

Tuyên bố Rome cũng nêu 16 “nguyên tắc” để Thượng đỉnh G20 Rome tháng 10 tới quyết định. Đáng chú ý là về bối cảnh dấy lên nhiều ý kiến kêu nài gác đi quyền sở hữu trí tuệ các bằng sáng chế vaccine. 

Về mặt kinh tế cũng như thương mại toàn cầu hậu WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), thỏa mãn yêu cầu này coi như bỏ qua Hiệp định TRIPS vốn ấn định các tiêu chuẩn tối thiểu với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các thành viên WTO bất kể mức độ phát triển.

Lãnh đạo G20, gồm nhiều nước đang là chủ nhân các bằng sáng chế vaccine này, đề ra trong Tuyên bố Rome phương hướng giải quyết: “Hợp tác nhất quán trong khuôn khổ Hiệp định TRIPS và Tuyên bố Doha năm 2001 về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy việc sử dụng các công cụ như thỏa thuận tự nguyện việc cấp phép về sở hữu trí tuệ, tự nguyện chuyển giao công nghệ và bí quyết, và tổng hợp bằng sáng chế theo các điều khoản được hai bên thỏa thuận”.

Trên cơ sở “lý trước, tình sau”, G20 đi vào chi tiết kế hoạch này trong đoạn 6 của tuyên bố chung: “Hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình xây dựng năng lực chuyên môn và phát triển năng lực sản xuất các công cụ [phòng chống dịch] tại các nước đó và trong khu vực, dựa trên các nỗ lực của Covax, phát triển và cải thiện năng lực sản xuất, xử lý và phân phối toàn cầu, khu vực và địa phương”. 

Cần nhắc, trong các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, Việt Nam cũng đang kêu gọi việc cấp phép sản xuất vaccine.

Tiêm vaccine ở Mỹ. Ảnh: Getty Images

 

Đại dịch toàn cầu cuối cùng?

Thượng đỉnh Y tế G20 Rome còn mang nhiều tham vọng khác, như qua tuyên bố của Chủ tịch EU Ursula von der Leyen, đồng chủ tịch G20 Rome, nhân danh các chính phủ và các tổ chức quốc tế: “Tuyên bố Rome phải gửi một thông điệp rõ ràng đến tất cả mọi người trên toàn thế giới". 

"Chúng ta phải đoàn kết cả hai phía để chấm dứt đại dịch này, để phòng ngừa và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai… Chúng ta phải cùng nhau đảm bảo rằng đây là đại dịch toàn cầu cuối cùng. Đây phải là mục tiêu của Tuyên bố Rome: Rằng chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn”.

Làm gì để biến tham vọng thành thực tế? Một ý chính là: “Phải đảm bảo rằng chúng ta không rơi vào chủ nghĩa dân tộc về y tế, duy trì được chuỗi cung ứng được mở, và sử dụng tất cả các công cụ hiện có để hỗ trợ việc tiếp cận vaccine, chẩn đoán, điều trị và các nguồn cung cấp y tế khác”.

Các nhà lãnh đạo cũng nói tới việc thiết lập các cơ chế tài chính bền vững và lâu dài để đối phó dịch bệnh hiện tại và trong tương lai. Thế nào là bền vững tài chính, nếu như không phải tập trung cho phòng chống dịch, giảm chi những thứ vô bổ màu mè, để khi cần kíp không phải vái tứ phương? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận