Gánh nặng của bằng chứng

HẢI MINH 22/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - Pháp luật là do con người nghĩ ra và để điều chỉnh các mối quan hệ của con người. Không có thứ pháp luật nào nằm ngoài nhận thức và nằm ngoài các quan hệ xã hội, luân thường đạo lý, cũng như tập tục truyền thống.

Công lý là một vấn đề quan hệ xã hội và đôi khi là cả tập tục, đạo đức, truyền thống. Ảnh: justspeak.org.nz
Công lý là một vấn đề quan hệ xã hội và đôi khi là cả tập tục, đạo đức, truyền thống. Ảnh: justspeak.org.nz

 

Với hệ thống pháp luật hiện tại - ngay cả ở những nơi đã có nền tư pháp độc lập và tương đối công bằng, đòi hỏi chứng minh “chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa” (beyond reasonable doubt) trong một phiên tòa xét xử nghi phạm ấu dâm khiến cán cân lợi thế nghiêng hẳn về phía bị cáo, vì những lý do sẽ được nêu dưới đây. Một nguyên lý hợp lý hơn có lẽ là “bằng chứng ưu thế” (preponderance of the evidence), hay “nghĩa vụ chứng minh” (burden of the proof), mà nghĩa đen là “gánh nặng của bằng chứng”.

Năm 1999, một vụ án ở Anh đã khiến cả nền lập pháp - tư pháp nước này phải thay đổi sự nhìn nhận trong những vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Daisy (không phải tên thật), một cô bé 11 tuổi, ra tòa để cung cấp bằng chứng chống lại một người chú ruột bị cáo buộc đã hiếp dâm cô bé. Mọi người đều nhất trí cô bé đã bị xâm hại, nhưng bên bị nói người chú không phải thủ phạm.

Phiên tòa rất căng thẳng, cô bé được gọi lên. Đầu tiên, một đoạn băng về cuộc trao đổi của cô bé với cảnh sát được bên công tố chiếu, rồi cô bé phải đối mặt ngay lập tức với những cật vấn hung hăng từ luật sư bên bị.

Tay luật sư bào chữa cho người chú đã tìm cách thu thập những tài liệu ở trường Daisy rằng em mắc chứng khó đọc, nhưng không được. Vì thế tay luật sư yêu cầu em đánh vần chữ trăng lưỡi liềm (crescent) và đếm ngược từ 20. Cô bé đã bật khóc và xin được tạm nghỉ, nhưng thẩm phán quyết định phiên tòa vẫn tiếp tục. Chỉ khi cô bé bắt đầu trở nên hoảng loạn, phiên tòa mới tạm dừng.

Bên bị hỏi tiếp Daisy về những lần em được cho là có tiếp xúc về thể xác với một số người đàn ông khác. Cô bé nói có một gã đã “sờ soạng khắp người tôi nhiều lần” từ lâu rồi. Khi được hỏi tại sao cô không nói với cảnh sát trong đoạn băng hỏi đáp đã phát, cô bé đáp: “Không biết”. Cô phủ nhận những lần tiếp xúc khác và phủ nhận câu hỏi của luật sư bên bị nghi ngờ cô từng thủ dâm. Tòa đã tuyên người chú vô tội và phán quyết này đã gây giận dữ trong công chúng lúc đó.

Chính quyền Anh sau đó đã công bố các quy định mới bảo vệ những nhân chứng đã trải qua sang chấn và dễ tổn thương, bao gồm trẻ nhỏ, khi ra làm chứng trước tòa. Trẻ giờ sẽ được làm chứng qua video, hay đằng sau một màn hình, với sự cho phép của tòa. Luật mới cũng quy định nhân chứng là trẻ em trong các vụ xâm hại tình dục lần đầu sẽ được cung cấp bằng chứng, bao gồm cả việc đối chất trước tòa, qua băng ghi hình, và được phép có một người lớn ở bên cạnh khi cung cấp bằng chứng nhằm giúp các em hiểu được những câu hỏi.

“Nhưng bất chấp những cải cách nhằm giảm bớt những chấn động và giúp trẻ nhỏ trình bằng chứng tốt hơn, tỉ lệ buộc tội với các vụ xâm hại tình dục trẻ em vẫn thấp một cách đáng nản” - báo Anh The Guardian vào năm đó bình luận.

Gwynn Davis, giáo sư ở Đại học Bristol, chỉ ra rằng tư duy pháp lý không thể quá cứng nhắc, bởi bằng chứng trong hầu hết các vụ xâm hại trẻ em hầu như dựa hoàn toàn vào lời chứng của một đứa trẻ, thẩm phán sẽ phải quyết định giữa điều đó và những gì bị cáo nói (chính là ý nghĩa của “bằng chứng ưu thế”).

“Nếu bạn là một thẩm phán được yêu cầu định đoạt xem một người có phải là có tội chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa - Davis phân tích - Thì bạn sẽ đánh giá lời chứng của đứa trẻ ra sao? Làm sao bạn quyết định chúng có nói thật hay không?”. Các luật sư bên bị sẽ nhắm tới việc tấn công sự khả tín của đứa trẻ, và ngay cả trong một nền tư pháp đã tương đối hoàn chỉnh, đó vẫn là một chiến lược làm đau đầu bên công tố.

Laura Hoyano, cũng ở Đại học Bristol, chỉ ra bất lợi rất lớn của bên nguyên: “Khó khăn lớn nhất theo chúng tôi thấy là kỳ vọng mạnh mẽ rằng đứa trẻ phải là một đứa trẻ hoàn hảo khi đưa ra bằng chứng. Họ (bên bị) sẽ nhắm vào hai điều: sự khả tín của đứa trẻ có thể bị lung lạc không, và liệu đứa trẻ có trụ nổi một cuộc đối chất”.

Trẻ con bình thường đã khó rồi, chứ đừng nói những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, vốn tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và cả thể chất. Những trẻ bị lạm dụng thời gian dài có thể phát triển các trạng thái tâm lý rất hỗn loạn. Hoyano nói ngay cả việc làm chứng qua băng ghi hình cũng chỉ là một liều thuốc tạm thời. “Cả vụ án vẫn hoàn toàn dựa trên đôi vai mỏng manh một đứa trẻ, thường là một đứa với quá khứ đầy sợ hãi. Chính các trẻ như thế là mục tiêu của bọn ấu dâm”.

Một cạm bẫy nữa là vấn đề các trẻ bị xâm hại hơn một lần. Các em như thế sẽ đáp lại bằng một cơ chế phòng vệ hoặc có hiểu biết về quan hệ tình dục mang tính bản năng, làm xói mòn hình ảnh nạn nhân ngây thơ và khiến các em rất dễ tổn thương.

Nghiên cứu của Đại học Bristol với 94 cuộc điều tra nghi phạm ấu dâm cho thấy những vụ mà cảnh sát không theo tiếp không phải là vì họ nghi ngờ tội ác đã xảy ra, mà là họ cảm thấy bằng chứng một phía từ đứa trẻ sẽ không thể được trình bày mạch lạc trước tòa và dẫn tới việc kết án. Họ đã phải cay đắng bỏ dở chính vì yêu cầu “beyond reasonable doubt”.

Không có vật chứng và nhân chứng thứ ba, sự khả tín của đứa trẻ trong những vụ việc này trở thành yếu tố quyết định. “Nhiều trẻ từng liên quan tới một cuộc điều tra trước đó, bị bệnh tâm lý hay bị nghi ngờ nói dối. Bằng bản năng nghề nghiệp, cảnh sát và cơ quan công tố phản ứng lại với những điều đó như sự bất lợi cho khả năng thắng kiện. Họ cũng tin rằng nếu đứa trẻ trì hoãn không báo ngay vụ việc, thì bồi thẩm đoàn sẽ không nhận được lời giải thích về hành vi như thế, điều sẽ bị bên bị khai thác”.

Câu hỏi “Sao không tố cáo ngay?” - cho rằng sự khả tín của một nạn nhân bị lạm dụng tình dục cao hơn nếu người đó tố cáo ngay lập tức - là vô cùng bất công với các vụ mà nạn nhân là trẻ nhỏ. “Đó là một giáo điều dựa trên định kiến” - Hoyano nói. Báo cáo của bà viết: “Chúng tôi thấy rằng những nhân chứng là trẻ nhỏ vẫn bị tấn công trong các cuộc đối chất vì đã không báo lại vụ việc ngay lập tức, dù điều này hoàn toàn nhất quán với mô thức tâm lý đã được định dạng rõ ràng là trẻ có xu hướng giữ bí mật vì xấu hổ và sợ hãi khi bị xâm hại”. Thường xuyên hơn nhiều, trẻ em chỉ biết im lặng, nhất là nếu kẻ xâm hại là một người gần gũi. Đây là một mô thức mà gần như mọi chuyên gia tâm lý đều thừa nhận.

Bởi sự bất công đó, ở một số nước, như Đức, tòa có thể mời các chuyên gia để cân nhắc bằng chứng một đứa trẻ đưa ra và xác định xem chúng có khả năng xác thực hay không (lại một lần nữa, “preponderance of the evidence”). “Câu hỏi tối thượng với tất cả chúng ta sẽ là: Liệu đứa trẻ này có đáng tin không?” - Hoyano nói, chứ không phải là nguyên lý chứng minh “chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa”.

Một vấn đề tâm lý nữa khiến vấn đề thêm rắc rối: trẻ nhỏ có trí nhớ về các sự kiện quá khứ thiếu nhất quán hơn nhiều so với những trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành. Hiểu lầm về ngôn ngữ với những thuật ngữ pháp lý rối rắm và cực kỳ quan trọng (mà thật ra nhiều người lớn cũng chẳng hiểu hết) giữa những người thẩm vấn - luật sư, công tố viên, cảnh sát, quan tòa, và cả phụ huynh của trẻ và trẻ, vốn có hệ thống từ vựng và cách cấu trúc câu rất khác, càng chất chồng thêm khó khăn lên việc tìm kiếm “đứa trẻ hoàn hảo”.

Trẻ con rất miễn cưỡng trả lời những câu hỏi chúng không hiểu, nên dùng ngôn ngữ của người lớn để dồn ép chúng sẽ dẫn tới những câu trả lời bối rối, thiếu nhất quán và làm giảm sự khả tín của chúng.

“Đây là một vấn đề không dễ giải quyết - Davis kết luận - Nhưng chúng ta phải tìm ra cách để tiếp cận tốt hơn bằng chứng của trẻ nhỏ, có thể nói rằng trong bản chất của nó, những phiên tòa xét xử tội phạm ấu dâm mâu thuẫn với hạnh phúc của đứa trẻ ở phiên tòa đó. Câu hỏi ở đây là làm sao chúng ta giúp đỡ các nhân chứng nhỏ tuổi nếu ta càng bảo vệ các em khỏi thế giới tòa án lạnh lùng, các em lại càng trở nên khó đáng tin?”.

Nguyên lý “nghi ngờ thì không kết tội” đã là nền tảng tối quan trọng với một nền tư pháp thực sự độc lập và công bằng, nhưng ngay cả nguyên lý đó không phải lúc nào cũng đúng, khi mà nó tạo ra gánh nặng bất công lên những người tranh tụng lẽ ra là phải bình đẳng trước tòa án và công lý.■

Quan điểm công lợi

Với những người bị kết tội oan sai, cuộc sống của họ sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ: các mối quan hệ đổ vỡ, bị lăng mạ, tổn thất về tiền bạc, phải ngồi tù oan... Tuy nhiên, ở vế kia của phương trình là tác hại của việc tuyên vô tội cho một kẻ đã thực sự thủ ác. Nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ cho thấy sang chấn tâm lý với người bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ còn lớn hơn cả sang chấn của các cựu chiến binh đã trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK56506/). 

Hơn nữa, những kẻ ấu dâm thường có xu hướng phạm tội nhiều lần. Đó là chưa kể tới những tác hại xã hội: những kẻ phạm tội được tha dẫn tới một vòng lặp tai ác: tỉ lệ buộc tội thấp hơn khiến tỉ lệ lên tiếng thấp hơn, và cứ như thế. Trong một vòng lặp tai ác khác, khi một người được tuyên vô tội trên cơ sở bên công tố không thể chứng minh “không còn nghi ngờ gì nữa”, điều đó tạo ra ấn tượng sai là người đó thực sự vô tội và những người cáo buộc là những kẻ dối trá. Tất cả củng cố cho sự tái phạm, định kiến ở các thẩm phán, và làm giảm khả năng kết tội đúng người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận