Gặp thời thế, thế thời phải thuế

HOA KIM 08/04/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Làm thế nào để các chính phủ có thể dung hòa giữa mong muốn cung cấp hỗ trợ kinh tế và kích thích tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 với nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách sau hơn một năm chống dịch tốn kém? Hay nói cách khác là làm sao tăng thu thuế mà không kìm hãm đà phục hồi sau dịch của nền kinh tế?

Một hướng đi đang được một số nước ném đá dò đường là đánh thuế nền kinh tế số.

 Câu hỏi mà các nước phải đối diện trong năm 2021 không chỉ là các biện pháp hỗ trợ thuế cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2020 hiệu quả đến đâu, mà còn là họ có đủ khả năng duy trì các khoản cứu trợ ngắn hạn này trong bao lâu nữa, và một chính sách bền vững hơn để thay thế chúng, nếu có, sẽ là gì?

(Trích thư ban biên tập trong báo cáo The Inward Investment and International Taxation Review của Hãng tư vấn Skadden Arps Slate Meagher & Flom LLP)

Thuế tự giác

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang ra sức tìm kiếm một sự đồng thuận quốc tế trong việc đánh thuế nền kinh tế số, trong đó có dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (dự án BEPS) với sự tham gia của hơn 135 nền kinh tế thông qua 15 hành động để giải quyết vấn đề lẩn tránh thuế do các doanh nghiệp đa quốc gia khai thác các lỗ hổng và sự thiếu phối hợp giữa hệ thống thuế của các quốc gia.

Một số nước không đủ kiên nhẫn để chờ đợi một giải pháp chung đang tiến hành những chính sách đơn phương để tận dụng nguồn thu màu mỡ. “Thuế Google” của Tây Ban Nha, có hiệu lực từ ngày 16-1 năm nay, là một ví dụ. Sắc thuế 3% áp cho các công ty lớn có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên, và doanh thu ở riêng Tây Ban Nha trên 3 triệu euro, áp dụng cho doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ trung gian và quảng cáo trực tuyến, bao gồm kinh doanh dữ liệu dựa trên thông tin người dùng. Tại Anh, “thuế dịch vụ số” hiệu lực từ ngày 1-4 áp thuế 2% trên doanh thu của một số công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và sàn mua bán trực tuyến có doanh thu từ các dịch vụ số vượt quá 500 triệu bảng Anh và doanh thu từ các dịch vụ số tại Anh trên 25 triệu bảng Anh.

Liên minh châu Âu (EU) và Úc cũng đã có cách tiếp cận tương tự. Ví dụ, EU đã thiết kế hệ thống Mini One Stop Shop (MOSS) yêu cầu các pháp nhân ngoài EU thuộc diện có thể đánh thuế phải đăng ký tại một trong các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, mức độ tuân thủ của các đối tượng này đến đâu thì còn phụ thuộc vào tinh thần tự giác, vì chi phí để thực thi có hiệu quả trên thực tế là quá lớn và xác định vị trí của khách hàng những công ty này làm bằng chứng đánh thuế cũng không hề dễ dàng.

 
 

Nhìn từ một nước Đông Nam Á

Theo báo The Jakarta Post, các quy định thuế quốc tế hiện hành chỉ cho phép một quốc gia đánh thuế lợi nhuận của pháp nhân kinh doanh nước ngoài nếu pháp nhân đó tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú (PE - permanent establishment) tại quốc gia đó. 

PE được định nghĩa là một địa điểm cố định nơi các hoạt động kinh doanh được tiến hành, chẳng hạn như chi nhánh, văn phòng hoặc nhà máy. Quy định này đang lộ ra nhiều bất cập khi công nghệ đã và đang thay đổi nhanh chóng mô hình kinh doanh của các pháp nhân nộp thuế. Các giao dịch xuyên quốc gia ngày nay có thể được thực hiện từ xa mà không cần thiết lập sự hiện diện thực tế tại quốc gia của người tiêu dùng. Thực tế này có thể đặc biệt thấy rõ ở Indonesia, đất nước 270 triệu dân với nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ với tiềm năng đáng kể và được định giá đến 40 tỉ USD.

Một đặc điểm cơ bản của các doanh nghiệp số là sự không phụ thuộc vào các tài sản hữu hình. Điều này cho phép những công ty này đăng ký hoạt động ở các nước thuế suất thấp mà không nhất thiết có sự hiện diện (vật lý) tại khu vực địa lý của khách hàng, tránh được các khoản thuế trên các giao dịch với người tiêu dùng ở quốc gia đó. Một nghiên cứu năm 2019 của Deutsche Bank ước tính đây là một trong những nguyên nhân chính gây thất thoát 50-70 tỉ euro tiền thuế mỗi năm ở khu vực EU, chiến 17-23% nguồn thu từ thuế doanh nghiệp.

Chính phủ Indonesia từ năm 2020 đã ban hành luật về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên quốc gia. Luật này cho phép cơ quan thuế nước này xem một nhà cung cấp nước ngoài có “sự hiện diện kinh tế đáng kể” (SEP - significant economic presence) ở Indonesia như là có cơ sở thường trú, vì vậy có thể bị đánh thuế trên lợi nhuận kinh doanh xuyên biên giới. SEP được xác định dựa trên các yếu tố như nhà cung cấp đó có phát sinh doanh thu, có tệp người dùng hay các hoạt động marketing bền vững tại một quốc gia.

Tuy nhiên, các hiệp ước về thuế mà Indonesia đã ký kết không công nhận khái niệm SEP, khiến quy định này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng trong thực tế. Để lấp kẽ hở, luật cũng giới thiệu khái niệm “thuế giao dịch điện tử” (PTE) để đánh thuế lợi nhuận kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài thuộc phạm vi tài phán của các đối tác có ký kết hiệp ước thuế với Indonesia. Tuy vậy, vì PTE tách bạch với hiệp ước thuế nên nhiều chuyên gia lo ngại quy định này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đánh thuế hai lần.

Chính phủ Indonesia cũng đang cố gắng thắt chặt các quy định thương mại điện tử trong năm qua để quản lý ngành công nghiệp có tổng giá trị hàng hóa đạt 83 tỉ USD năm 2020, theo báo cáo e-Conomy SEA 2020. Các biện pháp bao gồm quy định về con dấu điện tử trên hóa đơn chứng từ giao dịch số, yêu cầu doanh nghiệp vừa và nhỏ phải xin cấp phép mới được bán sản phẩm của họ trên các sàn thương mại điện tử, và buộc các sàn này ưu tiên hàng hóa nội địa và có khu vực đặc biệt để giới thiệu các sản phẩm này nhằm bảo vệ thương hiệu trong nước trước làn sóng hàng ngoại nhập.

Indonesia có khoảng 34 triệu game thủ, ước tính chi 1,1 tỉ USD/năm cho các trò chơi điện tử theo số liệu năm 2018, và con số này được dự báo tăng lên 4,3 tỉ USD vào năm 2030, đưa Indonesia vào top 5 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho trò chơi điện tử, cũng theo AGI. Điều đáng buồn là chỉ 0,4% số tiền này thuộc về nhà phát triển game trong nước, trong khi tuyệt đại đa số doanh thu từ game chảy vào túi các nhà cung cấp nước ngoài mà chính phủ vẫn đang loay hoay tìm cách đánh thuế - Deo Damiani, một cựu game thủ hiện làm việc cho một công ty tư vấn và nghiên cứu về thuế, viết cho trang CNBC Indonesia. Theo chính sách thuế mới có hiệu lực từ tháng 7-2020, trò chơi điện tử thuộc danh mục hàng hóa hoặc dịch vụ vô hình được phân phối thông qua hệ thống điện tử và bị đánh thuế giá trị gia tăng 10% - do người chơi chi trả.

Bình đẳng và trung lập

Theo bà Laura Simmonds - một luật sư về thuế từng làm việc trong Dự án BEPS của OECD, mọi quốc gia cần chú ý các nguyên tắc công bằng, đối xử bình đẳng và trung lập khi thực hiện các biện pháp đơn phương nhằm đánh thuế nền kinh tế số, ít nhất là cho đến khi một giải pháp quốc tế được thống nhất.

OECD thừa nhận áp lực đánh thuế nền kinh tế số đang gia tăng vì đại dịch COVID-19. Tháng 12 năm ngoái, tổng thư ký OECD Angel Gurría tuyên bố trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng các công ty công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trong đại dịch sẽ là mục tiêu của các quốc gia đang tìm kiếm nguồn lực để giật gấu vá vai.

Mỹ, quê nhà của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, dường như sẽ gánh lấy phần thiệt nhiều hơn nếu ngày càng nhiều nước áp thuế các giao dịch số. Nhận ra điều này, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ sẵn sàng đe dọa áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia đơn phương áp thuế kỹ thuật số gây thiệt hại cho gà nhà.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm ngoái đã phải chọn giải pháp hòa hoãn với người đồng cấp Mỹ và chấp nhận dời thời hạn cân nhắc dự luật đánh thuế các dịch vụ số sang năm 2021. Trước đó, Pháp từng dự định đánh thuế 3% doanh thu từ các dịch vụ cung cấp cho người dùng ở Pháp bởi các công ty có doanh thu trên 25 triệu euro ở Pháp và tổng doanh thu 750 triệu euro toàn cầu. Đáp lại, ông Trump dọa áp thuế 100% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Pháp như phô mai Camembert, rượu vang và rượu champagne.

Gurría từng cảnh báo vào cuối năm 2019, “không đạt được thỏa thuận (về đánh thuế nền kinh tế số) trong năm 2020 sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ các quốc gia sẽ hành động đơn phương, gây ra những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mỏng manh”. Thực tế ra sao thì thời gian đã trả lời.■

Các nhà lập pháp bang Connecticut của Mỹ đang xem xét một dự luật mà nếu được thông qua sẽ đánh thuế doanh thu quảng cáo kỹ thuật số từ những gã khổng lồ như Facebook, Amazon và Google. Những người ủng hộ đến từ cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ cho rằng dự luật này có thể tạo ra nguồn thu lên tới 250 triệu USD/năm, dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà vận động hành lang của ngành công nghệ. Maryland vào tháng 2 năm nay trở thành bang đầu tiên thông qua loại thuế này và các biện pháp tương tự đang được xem xét ở ít nhất 5 bang khác cũng như nhiều nước châu Âu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận