Tân tổng thống Hàn Quốc: Cử tri và khát vọng công bằng

D.KIM THOA 22/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Dù không phải một ứng viên quá nổi bật trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 9-3, nhưng cựu tổng trưởng công tố Yoon Suk Yeol đã giành chiến thắng chung cuộc, trở thành người chèo lái nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới từ tháng 5-2022.

Theo giới quan sát, sự nghiệp chính trị của ông Yoon, 61 tuổi, đã lên vùn vụt mấy năm qua, dù xét về nhiều mặt, ông là một người ngoại đạo, chỉ vừa gia nhập “cuộc chơi” chính trường. 

Với chuyên môn chính là ngành luật, ông từng nổi tiếng với vai trò chủ trì cuộc điều tra dẫn tới bản án chung cuộc phế truất và bỏ tù cựu tổng thống Park Geun Hye năm 2017. Năm 2019 ông được bổ nhiệm làm tổng trưởng công tố dưới thời Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In.

Mối quan hệ giữa ông Yoon và ông Moon rạn nứt sau khi ông tổng trưởng công tố quyết liệt điều tra các bê bối liên quan một số đồng minh của ngài tổng thống. Xung đột khiến ông Yoon quyết định từ chức, gia nhập chính trường, sau đó trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng đối lập. 

 
 Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Reuters

Kỳ vọng một “Bao Công”

Dù không phải là tất cả, song việc từng là tổng trưởng công tố Hàn Quốc đã là một lợi thế rất lớn cho ông Yoon trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh. Như nhận định của hãng tin Yonhap, các công tố viên ở Hàn Quốc có quyền lực lớn hơn nhiều so với những người giữ cương vị tương tự ở nước khác.

Công tố viên xứ sở kim chi có quyền điều tra về mọi tội lớn nhỏ và có đặc quyền trong việc quyết định truy tố hay buộc tội. Cựu tổng thống Roh Moo-hyun trước đây còn cho các công tố viên được độc lập tuyệt đối: họ có toàn quyền quyết định và không chịu bất kỳ sự can thiệp nào trong các cuộc điều tra của họ.

Cơ quan công tố Hàn Quốc dần dần đã trở thành bộ phận hành pháp có quyền lực vô cùng lớn. Đó là cơ quan duy nhất có thẩm quyền điều tra và buộc tội, một mô hình chưa từng có tiền lệ trên thế giới. 

Cách tổ chức phân quyền của cơ quan này cũng theo hệ thống cấp bậc từ dưới lên trên - một kiểu ngành dọc - không chịu sự chi phối của các chính trị địa phương lẫn trung ương, và tổng trưởng công tố là người có quyền lớn nhất.

Tháng 7-2019, khi đề cử ông Yoon làm tổng trưởng công tố, Tổng thống Moon ca ngợi ông là người hoàn hảo để dẫn dắt quá trình cải cách công tác truy tố, bởi ông Yoon “sẽ là người không chấp nhận hy sinh sự liêm chính khi đối mặt với sức ép chính trị”.

Trớ trêu thay, ông Yoon đã chứng minh cho sự chính xác của nhận định đó bằng cách nhắm vào một trong những đồng minh thân cận nhất của tổng thống. 

Khi ông Cho Kuk được ông Moon bổ nhiệm bộ trưởng tư pháp Hàn Quốc, ông Yoon - ở cương vị tổng công tố - đã mở cuộc điều tra ở quy mô vô tiền khoáng hậu nhắm vào ông Cho, xới tung lên mọi thứ liên quan tới ông này, từ các chứng nhận giải thưởng cho tới các quỹ đầu tư rủi ro.

Sức ép từ cuộc điều tra buộc ông Cho Kuk phải từ chức vào tháng 10-2019 - dư luận Hàn Quốc nổi giận vì ông Cho có vẻ rao giảng đạo đức hơi nhiều, trong khi bản thân ông không hề tuân thủ những nguyên tắc đạo đức đó! 

Cuộc tháo chạy ê chề của người đồng minh thân cận đã kéo tụt tỉ lệ ủng hộ của công chúng với Tổng thống Moon.

Trong khi đó, nhờ cáo trạng nhắm vào ông Cho Kuk, ông Yoon đã giành được thiện cảm và sự ủng hộ từ chính các thành viên đảng đối lập Quyền lực Nhân dân, ngay cả trước khi ông chính thức tuyên bố tranh cử và sau đó trở thành ứng viên tổng thống của đảng này. 

Có thể nói không ngoa rằng ông Yoon là “sát thủ của các tổng thống” khi cho tới nay, ông đã trực tiếp tham gia những cuộc điều tra bền bỉ phanh phui tội tham nhũng và nhận hối lộ của hai cựu tổng thống Hàn Quốc: bà Park Geun Hye và ông Lee Myung Bak, đồng thời góp phần hạ bệ uy tín của một tổng thống khác, ông Moon Jae In.

Một chương mới cho nền chính trị Hàn Quốc?

Hẳn nhiên, việc là “nhân tố mới” trên chính trường đồng nghĩa với những thách thức không nhỏ đang chờ đợi ông Yoon phía trước. Ông chưa từng kinh qua vị trí một chính trị gia, nên sẽ rất khó biết ông sẽ điều hành thế nào. 

Asianews bình luận, nhìn vào cương lĩnh tranh cử của ông, có thể thấy chúng phần lớn dựa trên việc xem xét, đánh giá lại các chính sách của ông Moon, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khi giá nhà ở Hàn Quốc đã tăng vọt ngoài tầm kiểm soát những năm qua.

Về chính sách kinh tế, ông Yoon đề xuất kế hoạch đảo ngược mọi biện pháp của chính phủ đương nhiệm. Chỉ trích ông Moon đã can thiệp quá sâu vào kinh tế thị trường (trong đó có chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc - Korean New Deal), ông Yoon nhấn mạnh vai trò của khối tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID.

Ông cam kết sẽ dành thế chủ động cho doanh nghiệp, đảm bảo tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, chính sách để họ đổi mới sáng tạo và tạo thêm nhiều việc làm. 

Để làm điều đó, hai chính sách đã được phê chuẩn dưới thời ông Moon liên quan tới việc tăng lương tối thiểu và giảm giờ làm việc trong tuần cũng sẽ được điều chỉnh lại theo hướng linh hoạt hơn.

Về chính sách năng lượng, ông Yoon từng bày tỏ nghi ngại về khả năng đạt được các mục tiêu về bền vững hệ sinh thái vào năm 2050 mà chính phủ hiện nay đặt ra. 

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng trong nước, ông muốn khởi động lại việc sản xuất năng lượng hạt nhân, một lĩnh vực mà chính phủ ông Moon dường như có ý muốn xóa bỏ dần.

Một trong những vấn đề chính sách xã hội gây nhiều tranh cãi nhất là việc ông Yoon đề nghị xóa bỏ Bộ Bình đẳng giới và gia đình. 

Ông cho rằng cách tiếp cận này chỉ càng khoét sâu thêm những chia rẽ, bất bình đẳng giới, trong khi theo ông, người ta chỉ nên tập trung vào các nhu cầu cụ thể của mỗi cá nhân, bất kể giới của họ là gì. 

Cần nhắc, Hàn Quốc xếp hạng 118/144 nước trong Báo cáo khoảng cách bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2017.

Có thể thấy việc hàn gắn những chia rẽ về tư tưởng, đảng phái, xung đột quan điểm về giới, về thế hệ đang ngày càng sâu sắc hơn trong xã hội Hàn Quốc sẽ là nhiệm vụ trọng yếu với ông Yoon. 

Giới quan sát cũng cho rằng ông có nguy cơ rơi vào những bế tắc lớn khi đối mặt một quốc hội vẫn đang do Đảng Dân chủ kiểm soát.

 
 Ông Yoon muốn Mỹ triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Washington “thở phào”

Về đối ngoại, ông Yoon nói sẽ hành xử cứng rắn với những động thái khiêu khích của Triều Tiên, thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Mỹ, Nhật Bản và vô hiệu hóa các đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. 

Tổng thống tân cử nói rõ ông coi việc tạo dựng quan hệ liên minh vững chắc hơn với Mỹ là tâm điểm trong chính sách đối ngoại và mong muốn nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ, vốn tạm dừng từ 2018. Ông cũng khẳng định sẽ có một lập trường quyết đoán hơn với Trung Quốc.

Trong một bài xã luận đăng tháng 2-2022 trên tạp chí Foreign Affairs, ông Yoon cũng đề nghị triển khai thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tới Hàn Quốc vì “quyền tối cao của Hàn Quốc là bảo vệ người dân”.

Giáo sư Lee Sung Yoon, chuyên gia về Triều Tiên, Hàn Quốc và khu vực Đông Á ở Trường Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts (Mỹ), cho rằng ở Mỹ giới ngoại giao “đã thở phào với chiến thắng của ông Yoon”: “Nền tảng chính sách đối ngoại của ông Yoon trùng khớp với các lợi ích của Mỹ hơn nhiều so với ông Lee [tức ông Lee Jae Myung, ứng viên của Đảng Dân chủ]”.

Cũng theo giáo sư Lee, những phát biểu của ông Yoon còn cho thấy ông sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Những khác biệt trong diễn giải lịch sử giữa Seoul và Tokyo và tranh chấp chủ quyền với quần đảo Dokdo (mà Nhật Bản gọi là Takeshima) từng nhiều lần làm chệch hướng các nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển một cấu trúc an ninh bao trùm hơn tại Đông Á.

Nền tảng chính sách đối ngoại của ông Yoon trùng khớp với các lợi ích của Mỹ…

Giáo sư Lee Sung Yoon, chuyên gia về Triều Tiên, Hàn Quốc và khu vực Đông Á ở Trường Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts (Mỹ)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận