Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tìm điều đáng tin

TỪ PHONG 15/03/2014 19:03 GMT+7

TTCT - Chỉ số chứng khoán sẽ chỉ tốt lên một cách vững bền khi nền kinh tế thật sự phát triển, chứ không phải là ngược lại như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Những lời đồn đại có thể kéo giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng chỉ có báo cáo tài chính mới có thể giữ được nó ở đẳng cấp thích hợp.

Sàn giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần chứng khoán SJC TP.HCM (ảnh chụp ngày 12-3) - Ảnh: Quang Định

Sau nhiều năm trôi dạt loanh quanh trong khoảng từ 400-500 điểm bất chấp lãi suất tiền gửi ngân hàng rơi mạnh từ 18% (bao gồm cả lãi suất trả thêm) về đến 6% và nhiều hỗ trợ khác từ Nhà nước, rốt cuộc chỉ số VN-Index đã vọt lên rất nhanh trong khoảng cuối năm 2013 đầu năm 2014 và tiến rất sát đến ngưỡng tâm lý 600.

Nhưng khó mà tìm được lý giải nào có vẻ thật sự hợp lý cho đợt tăng giá mạnh mẽ này của thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi lẽ tình hình chung của nền kinh tế vẫn chưa mấy sáng sủa, các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, lãi suất tiền gửi khó giảm thêm được nữa.

Nhìn lại cơn sốt chứng khoán 2006-2007 

Chưa ai tính toán chi tiết được số người đã phá sản và số tiền đã mất sau cơn say chứng khoán ở Việt Nam vào thời gian cuối năm 2006 đầu năm 2007 ấy, nhưng chắc hẳn tác hại của nó lên đời sống của nhiều gia đình, lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp là hết sức khủng khiếp.

Không có gì khó viết bằng các dự đoán cũng như phân tích về thị trường chứng khoán, thị trường luôn bất ngờ, và những gì được viết ra hôm nay có khi sẽ hoàn toàn lạc hậu ngay trong ngày mai. Thế nhưng người ta vẫn liên tục đưa ra các dự đoán, dù rằng như Warren Buffett nói: “Các dự đoán thường nói cho chúng ta biết về người đưa ra dự đoán hơn là về chính chúng (1)”.

Hầu hết những người có liên quan đến thị trường chứng khoán đều luôn đưa ra các dự đoán lạc quan về tương lai, và nếu bạn hỏi bất cứ nhân viên công ty chứng khoán nào về việc có nên mua hay bán cổ phiếu hay không, thì câu trả lời thường trực là “nên mua vào”.

Công ty môi giới chứng khoán sống nhờ phí giao dịch của khách hàng và nhờ sự tăng giá của thị trường, tất nhiên họ phải có niềm tin tuyệt đối vào sự tăng trưởng không ngừng của các chỉ số chứng khoán. Khách hàng càng tích cực mua bán thì họ càng được lợi.

Còn nhớ khi VN-Index ở đỉnh cao kỷ lục vào tháng 3-2007, với những mức giá cổ phiếu có thể nói là cao đến mức không thể tin nổi, thì các “chuyên gia” vẫn khuyến cáo mua vào, vẫn vẽ ra những viễn cảnh hoang đường với các mức giá cổ phiếu liên tục phá các đỉnh cao mới.

Và rồi khi VN-Index rơi về 1.000, 900, 800, thậm chí 500, 400..., ở bất cứ mốc nào người ta vẫn nghe và đọc thấy những tư vấn hết sức khoa học và uyên bác khuyến cáo người dân mua vào, mua vào và mua vào tiếp cho đến tận những thời điểm mà có lẽ là không mấy nhà đầu tư còn tiền nữa, khi VN-Index chỉ còn loanh quanh ở mức 300 điểm, thậm chí thấp hơn.

Nhiều người vẫn rùng mình khi nhớ lại những ngày sốt chứng khoán cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi giá cổ phiếu tăng kịch trần liên tiếp hàng chục phiên, kéo giá cổ phiếu của nhiều công ty lên những con số trong mơ, như FPT ~ 666.000 (ngày 27-2-2007 (*)), SSI - 300.000...

Ngày nay, nếu tính cả chỉ số trượt giá và các lần chia tách cổ phiếu thì những người mua phải FPT và SSI đúng đỉnh có lẽ đã đánh mất đến 90% giá trị đầu tư ban đầu.

Không chỉ người Việt chúng ta bị quyến rũ bởi các bong bóng đầu cơ. Người ta từng chứng kiến những cơn sốt còn cuồng loạn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như vào “Hội chứng hoa tulip” (Tulipomania) - một giai đoạn trong thời kỳ hoàng kim của Hà Lan - về sau được ghi nhận như hiện tượng bong bóng đầu cơ (bong bóng kinh tế) đầu tiên được ghi lại trong lịch sử. Giá thỏa thuận của một củ tulip khi ấy tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ.

Khi cơn sốt hoa tulip lên tới đỉnh điểm vào tháng 2-1637, một số củ tulip được bán với giá gấp hơn 10 lần thu nhập hằng năm của một thợ thủ công lành nghề. Sự kiện này trở nên nổi tiếng sau cuốn sách Những ảo giác nổi tiếng và sự điên loạn của đám đông xuất bản năm 1841 của nhà báo Anh Charles Mackay.

Theo Mackay, đã có lúc người ta sẵn sàng trả 5ha đất để có một củ tulip loại Semper Augustus (loại có màu sặc sỡ và sọc).

Sự tương đồng giữa các cơn sốt tài sản của Việt Nam và Nhật?

Có thể thấy những điểm tương đồng nhất định giữa cơn sốt tài sản ở Nhật vào những năm 1980 và cơn sốt tài sản ở Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ này. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật đã đạt con số kỷ lục 38.957,44 (đóng cửa: 38.915,87) vào ngày 29-12-1989, ngay đúng lúc bong bóng tài sản ở Nhật phình to nhất. 

Sau đó, giá nhà đất ở Nhật đã lao dốc không phanh, kéo theo hàng thập kỷ trì trệ của nền kinh tế. Chỉ số Nikkei 225 đã xuống đến đáy 7.054,98 vào ngày 10-3-2009. Hiện nay, mặc dù đã hồi phục phần nào, đạt đến mức 15.000, nhưng Nikkei 225 vẫn còn rất xa so với đỉnh cao kỷ lục nó từng đạt được trong quá khứ.

So sánh các mốc kỷ lục của Nikkei 225 và VN-Index có thể thấy một số điểm thú vị: từ mức cao nhất đến mức thấp nhất sau khi sụp đổ, Nikkei 225 giảm 82%. Từ mức 1.179,32 (12-3-2007) về mức 234,66 (24-2-2009), VN-Index giảm 80%.

Hiện nay, VN-Index đang ở mức 580 điểm, tương đương khoảng 50% con số cao kỷ lục của nó, còn Nikkei 225 ở mức 15.000, tương đương khoảng 38% con số kỷ lục của nó. Cả hai chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Việt Nam và Nhật đều đạt đỉnh vào lúc giá bất động sản đang bùng nổ, và đều sụp đổ khi nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái và thị trường bất động sản lao dốc không phanh.

Chưa ai tính toán chi tiết được số người đã phá sản và số tiền đã mất sau cơn say chứng khoán ở Việt Nam vào thời gian cuối năm 2006 đầu năm 2007 ấy, nhưng chắc hẳn tác hại của nó lên đời sống của nhiều gia đình, lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp là hết sức khủng khiếp.

Vô số doanh nghiệp đã lơ là thị trường kinh doanh truyền thống của mình để lao đầu vào các khoản đầu tư trái ngành, để rồi ôm những khoản nợ không thể trả nổi khi thị trường chứng khoán lao dốc. Trong một thị trường xuống giá thì rất khó có tay chơi nào được lợi, chỉ có sự may mắn mới cứu được người ta không phá sản khi chỉ số chứng khoán giảm đến hơn bốn lần từ đỉnh như những năm vừa qua.

Rất nhiều người đã mất tiền ở thị trường chứng khoán nhiều đến mức họ chỉ còn hi vọng lấy lại được từ chính nó. Nhưng thật khó có thể tin rằng một ngày nào đó các “bluechips” thời xưa có thể tăng giá hàng chục lần so với mức giá hiện nay để nhà đầu tư có thể vớt vát lại khoản vốn ban đầu của mình.

Nhìn về thị trường chứng khoán Nhật, đã 25 năm trôi qua từ thời hoàng kim ấy mà chỉ số Nikkei 225 vẫn chưa đạt nổi 40% con số đỉnh cao của nó, mới thấy rằng cơ hội để lấy lại những gì đã mất của các “nhà đầu tư” Việt Nam quả thật là hết sức gian nan.

Những bài học về các bong bóng tài sản có ở khắp mọi nơi, và người Việt chúng ta không liều mạng hơn và cũng không nhát gan hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Nhưng, các nhà đầu tư thành công nhất ở Phố Wall đều có chung một nhận định, rằng không có mấy cơ may thành công cho những nhà đầu tư cá nhân luôn tìm cách lướt sóng trong một đại dương nhung nhúc cá mập và nhằng nhịt đá ngầm như thị trường chứng khoán.

Sóng lên này liệu có bền?

Tuy nhiên, trong cơn mưa bão vẫn có những lúc trời hửng sáng, xen kẽ giữa những đợt sóng xuống dìm chết vô số “nhà đầu tư” thì vẫn có những chói sáng lấp lánh ánh vàng của các đợt lên giá mạnh mẽ như những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 vừa qua. 

Trong vài ba tháng ngắn ngủi, rất nhiều cổ phiếu đã lên giá 50%, thậm chí 100%, đem về cho nhà đầu tư mức lợi nhuận ngang với gửi ngân hàng cả chục năm. Và đâu đó bắt đầu có những tiếng nói lạc quan rằng xu hướng tăng còn kéo dài nhiều tháng nữa, thậm chí kéo dài cho đến cuối năm 2014 này. Và đã xuất hiện những dòng người đem đồng tiền quý giá của mình đến đặt vào cửa quầy nộp tiền của các công ty chứng khoán.

Nói cho cùng thì chẳng ai có thể biết trước về tương lai, nhất là một tương lai bất định như thị trường chứng khoán. Nhưng rõ ràng là sự bất đồng ý kiến luôn diễn ra hằng ngày trên sàn chứng khoán, người bán tin rằng giá chứng khoán sẽ xuống cũng với một niềm tin mãnh liệt như người mua tin rằng giá chứng khoán sẽ lên.

Và sự bất đồng đó thể hiện rõ nhất là qua thanh khoản, tổng giá trị giao dịch càng cao thì càng thể hiện rằng các tay chơi đang bất đồng lớn về xu hướng của thị trường.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng chỉ số chứng khoán sẽ chỉ tốt lên một cách vững bền khi nền kinh tế thật sự phát triển, chứ không phải là ngược lại như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Người ta không thể thoát khỏi vũng bùn bằng cách tự nắm tóc mình nhấc lên như nam tước Münchhausen.

Những lời đồn đại có thể kéo giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng chỉ có báo cáo tài chính mới có thể giữ được nó ở đẳng cấp thích hợp.

Và những người ưa mạo hiểm với chứng khoán có lẽ không nên quên một câu nói cũng rất nổi tiếng nữa của nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha: “Đừng bao giờ hỏi thợ cạo xem bạn có cần phải cắt tóc hay chưa (2)”, bởi dù bạn không còn sợi tóc nào chăng nữa, anh thợ cạo vẫn có thể tìm ra chỗ nào đó có thể cắt mà kiếm chút thù lao.

(1): “Forecasts usually tell us more of the forecaster than of the forecast”. 58. The Tao of Warren Buffett.

(2): “Never ask a barber if you need a haircut”.

Nguồn: Nikkei 225 (http://en.wikipedia.org/wiki/Nikkei_225)VN-Index: (http://www.hsx.vn/)

(*): http://www.stockbiz.vn/Stocks/FPT/HistoricalQuotes.aspx

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận