Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1: “Ngừng bắn” mong manh

LOAN PHƯƠNG 21/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận “ngừng bắn” giai đoạn 1 về quan hệ thương mại, nhưng những bất trắc vẫn còn rất nhiều phía trước.

Ảnh: Newsweek
Ảnh: Newsweek

Thỏa thuận 86 trang chỉ được tiết lộ hạn chế cho truyền thông, nhưng Reuters nói nó bao gồm các điều khoản giảm một số loại thuế Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc đổi lấy việc Trung Quốc tăng mua nông sản, nhiên liệu, và hàng hóa chế tạo từ Mỹ, cũng như đề cập bước đầu tới một số tranh cãi về bản quyền sở hữu trí tuệ.

Thông tin chủ yếu được cung cấp từ phía Mỹ, do giới chức Trung Quốc rất kín kẽ khi nói về thỏa thuận cuối cùng. Về cơ bản, Mỹ sẽ đình chỉ các khoản thuế dự kiến 15% lên lượng hàng hóa trị giá 160 tỉ đôla của Trung Quốc gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo, trong khi Trung Quốc cũng hoãn khoản thuế trả đũa 25% lên xe hơi do Mỹ sản xuất.

Một khoản thuế 15% khác đánh lên 120 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc từ 1-9 sẽ được giảm còn 7,5%, trong khi khoản thuế cuối cùng, 25% lên 250 tỉ đôla hàng hóa nữa, được Mỹ giữ nguyên và sẽ chỉ đưa ra thương thảo ở giai đoạn 2 của các đàm phán vào năm tới, theo Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).

Trung Quốc, trong khi đó, nhất trí mua hàng hóa và dịch vụ giá trị ít nhất 200 tỉ đôla từ Mỹ trong hai năm tới, tức tăng gần gấp đôi lượng nhập khẩu từ Mỹ so với hiện nay là 130 tỉ đôla, với mục tiêu chung là giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ với Trung Quốc, hiện lên tới 419 tỉ đôla.

Về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ, USTR nói Trung Quốc hứa sẽ có các quy định pháp lý mạnh tay hơn với tác quyền, quyền nhãn hiệu, bản quyền phát minh, bao gồm cải cách pháp luật để chống vi phạm bản quyền trên mạng, ăn cắp bản quyền, và chống hàng giả.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen (Vương Thụ Văn) xác nhận hai nước đã đạt được thỏa thuận về chống hàng giả và tăng cường bảo vệ bản quyền, nhưng “theo các bước do Trung Quốc đề xuất”, theo Tân Hoa xã.

Cuối cùng, trong thỏa thuận cũng đề cập tới các cam kết của Trung Quốc không phá giá nội tệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và mở cửa dần thị trường dịch vụ tài chính.

Ông Trump thua cuộc?

Trong một bài xã luận đăng trên The New York Times ngày 16-12 dưới tiêu đề “Trump đã thất bại trong cuộc chiến tranh thương mại ra sao?”, kinh tế gia đoạt giải Nobel Paul Krugman khẳng định “Donald Trump rõ ràng là người thua cuộc” trong thỏa thuận vừa rồi.

“Trước tiên và quan trọng nhất, Trump muốn giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ”, Krugman viết. “Các kinh tế gia về cơ bản nhất trí rằng mục tiêu này sai, nhưng Trump khăng khăng như thế và khó ai thuyết phục được ông nghĩ khác”.

Nhưng ngay cả với mục tiêu đơn lẻ này, “thật đáng nói là thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên, chứ không giảm xuống, dưới thời Trump, từ 544 tỉ đôla vào năm 2016 thành 691 tỉ đôla trong 12 tháng tính tới tháng 10-2019”, Krugman viết.

Một mục tiêu lớn hơn, giảm bớt động năng của Trung Quốc trên đường trở thành siêu cường kinh tế áp đảo, cũng chỉ là “ảo tưởng vĩ cuồng”. “Nước Mỹ không bao giờ có thể thành công khi tìm cách bắt nạt một quốc gia khổng lồ, kiêu hãnh, mà nền kinh tế, trên một số phương diện, đã lớn hơn chúng ta rồi - nhất là khi chúng ta lại liên tục tạo ra sự xa cách với những nền kinh tế phát triển khác lẽ ra đã có thể cùng chúng ta gây áp lực lên Trung Quốc”, Krugman viết.

Vượt ra ngoài bình diện kinh tế, Washington Post ngày 17-12 nhận định: “Thỏa thuận giai đoạn 1 nhỏ mọn được công bố tuần trước cho thấy điều đó [Trump đã thất bại]”. Bài viết chỉ ra ba nhóm vấn đề mà Mỹ phải đối phó với Trung Quốc: (1) tình báo công nghiệp, các rào cản thương mại, và hành vi thương mại gây bất lợi cho Mỹ trong khi thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc; (2) sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Đông Á; và (3) vấn đề nhân quyền; để rồi kết luận rằng thỏa thuận vừa rồi “không giúp Mỹ đạt được bất cứ mục tiêu nào”.

Bài viết cũng nghi ngờ tuyên bố của USTR rằng Trung Quốc sẽ mua lượng hàng hóa dịch vụ trị giá 200 tỉ đôla từ Mỹ, và “trong khi những lợi ích của cuộc thương chiến chủ yếu mang tính tinh thần, tổn thất từ đó là rất thật: Tổ chức Thuế quan Hoa Kỳ ước tính các khoản thuế của ông Trump làm người Mỹ thiệt hại hơn 88 tỉ đôla tính tới giờ, khiến đây là một trong những đợt đánh thuế gây thiệt hại lớn nhất lịch sử”, và để hỗ trợ các nông dân kẹt trong làn đạn thương chiến, chính quyền Mỹ đã chi ra “28 tỉ đôla - gấp đôi chi phí của cuộc giải cứu ngành xe hơi năm 2009”.

Sự hài lòng tạm thời

Một nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở New York tháng 11-2019 thấy rằng trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 2 tới 6 điểm phần trăm trong giai đoạn một năm sau khi bị áp thuế nhập khẩu, giá những hàng hóa này vẫn gần như không đổi, chỉ giảm 2%.

Từ phía Trung Quốc, một báo cáo trong nước của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trung Quốc (DRC) mới công bố khẳng định thương chiến không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế nước này. Theo đó, dù đang có mức tăng trưởng thấp kỷ lục, nền kinh tế Trung Quốc không phải đối mặt “những khó khăn nghiêm trọng”. Thăm dò của DRC cho thấy cứ tám công ty Trung Quốc thì chỉ một phải cắt giảm lao động trong năm 2019, trong khi các chỉ số tháng 11 cho thấy sự phục hồi sản lượng công nghiệp.

Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời DRC nói nền kinh tế 13.000 tỉ đôla của Trung Quốc “không phải chịu áp lực nào nghiêm trọng và đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát vẫn nghĩ trước khi Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Washington”.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm còn 6% vào quý 3-2019, mức thấp kỷ lục từ khi chỉ số này được ghi nhận vào tháng 3-1992, và có thể còn giảm nữa trong những quý tới. Tuy nhiên, Sheng Songcheng (Thịnh Tùng Thành), cựu giám đốc thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương của nước này), tuần trước nói rằng nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chạm đáy ở mức 6% và có thể lại tăng trưởng trên mức này vào năm 2020 vì các đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự hài lòng đó rất có thể chỉ là tạm thời. Shi Yinhong (Thời Ân Hoằng), giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói rằng thỏa thuận giai đoạn 1 “chỉ đẩy những khó khăn lùi xa hơn về tương lai” thay vì giải quyết dứt điểm chúng, và “tương lai đó có thể sẽ sớm thành hiện thực, vì ông Trump là một người rất khó lường”.

“Trung Quốc đang cần thỏa thuận này hơn ai hết”, Plenum, một hãng nghiên cứu độc lập có cơ sở cả ở Bắc Kinh và Washington, bình luận trong một báo cáo của họ.

Việc đạt được thỏa thuận thêm phần phức tạp khi Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu ở hàng loạt vấn đề chính trị: Quốc hội Mỹ đã thông qua một số dự luật nhắm vào Hong Kong và Tân Cương có thể mở ra các biện pháp trừng phạt với giới chức Trung Quốc. Hai nước cũng còn rất nhiều vướng mắc trong các vấn đề Triều Tiên và sự mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tác động giảm với các nước châu Á

Cả dấu hiệu xuống thang và thực tế là các nền kinh tế khác trong khu vực bắt đầu dần quen với thực tế mới của cuộc đối đầu Trung - Mỹ nhiều khả năng khiến tác động của cuộc thương chiến lên các nền kinh tế châu Á trong năm 2020 sẽ giảm bớt.

Adrian Mowat, chiến lược gia trưởng của hãng tư vấn tài chính Hong Kong CLSA, cho rằng cuộc thương chiến đã khiến nhiều nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của khu vực “nhận ra rằng môi trường tăng trưởng trong nước quan trọng hơn là các yếu tố bên ngoài”. “Thuế đã tăng, tác động đã bộc lộ hết, và tác động không lớn như người ta vẫn tưởng”, Mowat nói với SCMP. “Đó là lý do tôi nghĩ [cuộc thương chiến] ít có tác động tiêu cực hơn [trong năm 2020]”.

HSBC Global Asset Management thì dự báo mức tăng trưởng chậm, nhưng ổn định cho các nền kinh tế khu vực trong năm tới khi lạm phát vẫn thấp và các ngân hàng trung ương tiếp tục thực thi các giải pháp thận trọng trước những bất trắc khó lường phía trước.

“Chúng ta sống trong một thời đại bất trắc. Rõ ràng là quan hệ thương mại Mỹ - Trung là một nguồn gây bất ổn”, Dominic Bryant, chiến lược gia kinh tế vĩ mô cấp cao của HSBC Global Asset Management, nói. “Căng thẳng có thể lại bùng lên, nhưng nhìn vào những gì xảy ra trong năm 2019 thì tình hình đã sáng sủa hơn sáu hay chín tháng trước. Năm 2019 dạy chúng ta rằng chính sách tiền tệ có lẽ vẫn còn hữu dụng và các ngân hàng nhà nước vẫn có thể can thiệp để ổn định nền kinh tế”.■

Chủ nghĩa đơn phương thương mại

Tạp chí Harvard Business Review ngày 16-12 nói chủ nghĩa đơn phương trong thương mại sẽ “làm giảm khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài của các công ty Mỹ trong một thời gian dài sắp tới”. Theo đó, trong khi Mỹ rút lui, thương lượng lại, hoặc thu hẹp quy mô các thỏa thuận thương mại, thì gần như cả thế giới vẫn tiếp tục mà không có Mỹ.

11 nước khác trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định tiếp tục với một hiệp định điều chỉnh; 7 nước, bao gồm Việt Nam, đã đưa hiệp định mới đi vào hiệu lực. Từ năm 2016, Liên minh châu Âu cũng đạt được thỏa thuận tự do thương mại với 6 nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Cuối cùng, Trung Quốc đang chạy đua để chốt lại thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) 15 nước, cũng bao gồm Việt Nam. Mỹ vắng bóng trong tất cả các thỏa thuận này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận