Thượng đỉnh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Bằng mặt và bằng lòng

TƯỜNG ANH 03/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - “Đối đầu giữa sói và gấu” là ví von của báo Nga Luận chứng và sự kiện cho cuộc gặp của hai nguyên thủ Nga Vladimir Putin và Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29-9 tại Sochi.

Bối cảnh của cuộc gặp là những sự kiện không lấy gì làm thuận thảo trong quan hệ song phương. 

Mới một tuần trước ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York hôm 22-9, Tổng thống Erdogan công khai tuyên bố Ankara không công nhận Crimea thuộc Nga: “Chúng tôi coi việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, trong đó có lãnh thổ Crimea, là quan trọng, mà việc sáp nhập lãnh thổ đó [của Nga] chúng tôi không công nhận”. 

Ảnh: The Economist

 

Phát biểu này được đưa ra không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kết quả bầu cử Đuma Nga (17 đến 19-9) ở Crimea là “không có hiệu lực pháp lý”. 

Mát lòng mát dạ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn ông Erdogan ngay tại New York. 

Từ Nga, thư ký báo chí của ông Putin, ông Dmitry Peskov, phản ứng: “Kremlin không chấp nhận tuyên bố của Ankara về sự bất hợp pháp của cuộc bầu cử ở Crimea và đã công khai nói về điều đó với các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ”. 

“Mặt đối mặt”

Quan hệ Matxcơva - Ankara những năm gần đây không êm đẹp, từ chuyện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga năm 2015 ở biên giới Syria, vụ đại sứ Nga bị sát hại tại Ankara năm 2016, cho đến cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria mà Nga giúp đỡ Tổng thống Bashar Al-Assad trụ vững, còn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm đối lập. 

Nhưng vì sao trước cuộc thượng đỉnh đã lên kế hoạch từ trước, ông Erdogan lại lôi đề tài Crimea nhạy cảm với người Nga ra mà đàm tiếu?

Chắc chắn một trong những đề tài cho cuộc gặp “mặt đối mặt, chứ không qua các đoàn đại biểu” như ông Erdogan khẳng định trên báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah hôm 23-9 là Syria, mà mấu chốt là “vấn đề Idlib”. 

Idlib là một tỉnh ở tây bắc Syria còn nằm trong tay phe đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3-2020, sau nhiều tuần giao tranh khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần một cuộc xung đột trực diện có thể khiến hàng triệu người phải di tản, một thỏa thuận đặc biệt đã được ký kết.

Thỏa thuận nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “chống khủng bố trong khu vực Idlib, tách các nhóm này ra khỏi các nhóm vũ trang không phải khủng bố”. 

Tuy nhiên, TASS đưa tin Nga không hài lòng với tốc độ thực hiện cam kết của Ankara. Gần đây, có tin quân đội Syria chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực, trong khi ông Erdogan cũng ra lệnh điều binh về đây, sau khi Ankara mất 3 binh sĩ do một vụ nổ bom ngày 11-9.

Ngoài Idlib, hai bên còn những vấn đề quan trọng khác cần thảo luận, mặc dù như ông Erdogan nhấn mạnh, thỏa thuận mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga đã chốt, bất chấp áp lực của Mỹ, vốn cho rằng hệ thống này đe dọa máy bay tiêm kích F-35 của NATO. 

Người ta chưa quên vì việc mua S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Washington áp đặt lệnh trừng phạt. Rõ ràng, quan hệ song phương có nhiều tính toán lợi ích được thua đan xen chằng chịt, khó lòng nhìn một chiều và đơn giản.

Nhìn từ hai phía

Một thực tế là hai nước cùng đóng vai trò quan trọng trong khu vực này lại có quá nhiều nghi ngại về nhau.

Người Nga nghĩ gì về đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy qua lời giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á (Nga) Semyon Bagdasarov trả lời tờ Luận chứng và sự kiện:“...Quan hệ [song phương] tốt đẹp chỗ nào ở Syria?" 

"Theo chính Erdogan, trên thực tế, họ đã thôn tính 4.000 cây số vuông lãnh thổ Syria. Và trên một lãnh thổ thậm chí còn lớn hơn - không chỉ ở Idlib, mà còn ở Bắc Latakia..., có các đội vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ. Ở những nơi đó, liên tục xảy ra đụng độ với quân đội chính phủ”.

Việc tranh giành ảnh hưởng không chỉ xảy ra ở Syria, mà ngay ở sân sau của Nga, Nam Caucasus. 

Theo ông Bagdasarov, ở đó “Azerbaijan thực tế là đối tác cấp dưới của Ankara... Gruzia nằm dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Armenia cũng đang đi theo hướng tương tự. 

Trong tương lai gần..., quan hệ ngoại giao giữa Ankara và Yerevan sẽ được khôi phục, mọi thứ sẽ bị mua chuộc và trấn áp. Và trong 2 - 3 năm nữa, sự hiện diện của Nga trong khu vực sẽ không còn”.

Riêng việc không công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga, ông Bagdasarov còn đi xa hơn trong dự báo: “Tôi nghĩ Erdogan tin rằng cuối cùng Crimea sẽ trở thành một phần của Thổ Nhĩ Kỳ. Đừng quên 2,5 triệu người Tatar Crimea sống trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ". 

"Việc ủng hộ lập trường của Ukraine là có lợi cho Erdogan, vì ông coi đây là một đối tác yếu hơn mà sớm muộn gì ông ta cũng sẽ kiểm soát. Và bạn có còn nhớ ai sở hữu Crimea trước năm 1783? Hãn quốc Crimea là một quốc gia chư hầu và Nam Crimea là lãnh thổ Đế quốc Ottoman”.

Ông Bagdasarov không quên nhắc lại kế hoạch đầy tham vọng của ông Erdogan: xây kênh đào Istanbul (vừa khởi công tháng 6-2021), tạo ra tuyến đường thủy nối biển Marmara với biển Đen, nhằm giảm lượng lưu thông hàng hải dày đặc qua eo biển Bosphorus. 

Matxcơva đã bày tỏ lo ngại về tuyến đường thủy mà họ cho rằng có thể vi phạm Công ước Montreux 1936 về hạn chế sự tiếp cận của tàu chiến nước ngoài tới biển Đen qua eo biển Bosphorus.

Đặc biệt, ông Bagdasarov lưu ý sự kiện hội nghị “Hội đồng Thổ Nhĩ Kỳ” vào tháng 11 tới. Dự kiến ở đó, tổ chức này sẽ đổi tên thành “Liên minh các quốc gia nói tiếng Thổ”, bao gồm 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ: Azerbaijan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, và Kazakhstan, với Turkmenistan là quan sát viên. 

Đây được đánh giá là bước đi không thân thiện với Nga, mà theo lời Bagdasarov, hai con gấu không thể sống cùng một hang, hay nói cách khác, “sói Thổ đang muốn đuổi gấu Nga khỏi hang”.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ e ngại gì trong quan hệ với Nga? 

Tuần san Life.ru giới thiệu bài viết trên báo Thổ Nhĩ Kỳ về Nga: “Nga đang... gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực quân sự, đồng thời sử dụng các mối quan hệ thương mại song phương như khí đốt, du lịch, nông sản làm vũ khí..." 

"Nga đang cố gắng bao vây Thổ Nhĩ Kỳ qua Crimea ở phía bắc và Syria ở phía nam để khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, lệ thuộc vào mình. Sevastopol [căn cứ hải quân ở Crimea] và Khmeimim [căn cứ không quân của Nga ở Syria] là những mối đe dọa quân sự lớn nhất trong bối cảnh này..."

Liên bang Nga, do ông Putin lãnh đạo, đã triển khai hơn 70.000 quân tại các căn cứ được thiết lập xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ... 

Ở cả hai nơi [Syria và Crimea] đều có lực lượng hải, lục và không quân, trong khi lực lượng quân sự của Nga ở Nam Ossetia, Abkhazia, Armenia, Karabakh, Moldova và Libya cũng hàm ý bao vây và đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ. 

Về vấn đề này, người ta chú ý đến các hành động quân sự - chính trị do Nga thực hiện ở Nam Cyprus. Một mặt, chính quyền Hy Lạp đang cố gắng đặt các hệ thống tên lửa S-300 mua từ Nga trên đảo. 

Mặt khác, các tàu chiến của hạm đội Nga, bao gồm một trong những tàu lớn nhất - Đô đốc Kuznetsov, đang vào cảng Limassol [thuộc Cyprus]”.

Cân bằng mong manh

Có bao nhiêu phần trăm trong những lo ngại này của hai bên là sự thật? Lịch sử đã chứng kiến không ít lần đụng độ giữa các thực thể tiền thân của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì những nghi kỵ liên quan tới lãnh thổ như thế. 

Tuy nhiên ở thời hiện đại, khía cạnh kinh tế hy vọng mang tới một cái nhìn khác, giúp Matxcơva và Ankara tính toán được mất thận trọng hơn nếu quan hệ lâm vào khủng hoảng.

Tờ Báo Tự do (Nga) cảnh báo: Quy tắc hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là làm sao để Nga sẽ mất nhiều hơn nếu quan hệ hai bên rạn nứt. 

Tờ này dẫn phân tích của chiến lược gia người Thổ Nhĩ Kỳ Timothy Ash lập luận sau khi tham khảo các số liệu thống kê chính thức: Mặc dù doanh thu du lịch từ Nga lên tới 3 - 4 tỉ đôla, nhưng đối tác tài chính chủ yếu của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là phương Tây. 

Báo cáo năm 2019 của EDAM (Hiệp hội Nghiên cứu chính sách kinh tế và đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết đến cuối năm 2017, các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành các hợp đồng trị giá 65 tỉ USD ở Nga.

Ở chiều ngược lại, các khoản đầu tư của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ, không tính công trình Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, cũng ở mức tương đương. 

Tuy nhiên, như báo cáo nhận định, người Nga nợ người Thổ “sự hào nhoáng và quyến rũ” ở một số thành phố quan trọng. 

Ví dụ, niềm tự hào của thủ đô - những tòa nhà chọc trời của Matxcơva - là công trình của các nhà xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nhìn chung, ngay trong lĩnh vực này, “sự phụ thuộc của Nga cao hơn nhiều so với lợi ích của các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khi Nga đang thiếu rất nhiều công nhân trong lĩnh vực xây dựng”, báo cáo kết luận.

Thế “cân bằng mong manh” này là lý do khiến ông Putin vẫn phải mềm mỏng với ông Erdogan, kể cả khi bị “bắn sau lưng” (như lời ông Putin sau vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ). 

Đó cũng là lý do mà tại cuộc gặp gần đây của ông Putin với Tổng thống Syria Assad, đã không có lời nào về sự ủng hộ vô điều kiện của Nga cho Damascus.

Vì vậy, cuộc gặp 29-9 đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc chạy đua mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. 

Hai bên cần nỗ lực sao cho cuộc cạnh tranh không chuyển thành xung đột, nhất là khi lòng tin có vẻ đang là điều xa xỉ: Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Nga Yevgeny Satanovsky bày tỏ trên kênh Telegram cá nhân rằng những hứa hẹn của ông Erdogan chẳng khác gì “lá cây xào xạc trong rừng”. ■

Ấn bản Dunya giải thích lý do ông Erdogan tung “quân bài Crimea”: “Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào hợp tác quốc phòng toàn diện với Ukraine, bao gồm trước hết là sản xuất vũ khí. 

Thời Liên Xô, Ukraine là một trong những trung tâm của ngành hàng không. Sau khi tách khỏi Liên Xô, Ukraine giữ lại một phần những năng lực đó, bao gồm sản xuất trực thăng, máy bay và các động cơ máy bay, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ thiếu... 

Nói cách khác, không công nhận cuộc bầu cử ở Crimea, người Thổ muốn một viên đá giết hai con chim: làm hài lòng người Mỹ và lấy được công nghệ hàng không của Ukraine”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận