Xu hướng đảo chiều trong tuyển sinh: Những điều đáng lo

PHẠM THỊ LY 21/05/2014 03:05 GMT+7

TTCT - Cùng với tình trạng thất nghiệp của người có bằng ĐH (ĐH) là hiện tượng giảm sút số lượng hồ sơ vào ĐH diễn ra đồng loạt ở tất cả địa phương với mức giảm phổ biến từ 20-30% trước thềm kỳ thi năm nay.


Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Như Hùng


Từ chỗ ồ ạt mở trường, ồ ạt vào ĐH, nay con số nộp đơn giảm sút một cách đáng lo ngại. Hiện tượng đảo chiều này cần được nhìn nhận như thế nào từ góc độ tác động đến sự phát triển chung của nền kinh tế và của xã hội?

Bất ngờ là cả những trường vốn có sức hút, có nhiều ngành điểm chuẩn rất cao như Trường ĐH Y Hà Nội, số hồ sơ cũng giảm hơn 1/3 so với năm ngoái. Với 60 trường được tuyển sinh riêng, lượng hồ sơ dự thi ở phần lớn các sở cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Các tỉnh xa trung tâm như Sơn La, Hòa Bình... có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.

Hệ thống nào, sản phẩm đó

Phải chăng có thể giải quyết tình trạng cử nhân thất nghiệp bằng cách giảm bớt số lượng cử nhân, thạc sĩ, tức siết chặt đầu vào ĐH, như Bộ GD-ĐT đang dự định làm, với việc công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo, căn cứ trên kết quả thi của thí sinh? Liệu siết chặt đầu vào có nhất thiết dẫn đến tăng chất lượng, nếu chúng ta vẫn duy trì cách dạy và học, cách quản lý nhà trường và quản lý hệ thống như hiện nay?

Câu trả lời là không. Hệ thống nào thì sản phẩm đó. Nếu không có sự thay đổi trong những vấn đề cốt lõi của cách tổ chức hệ thống, thì siết chặt đầu vào không tự động nâng cao giá trị gia tăng cho đào tạo ĐH. Cho dù số người có bằng cấp sẽ ít hơn, cũng không có nghĩa là những người ấy có đủ năng lực đảm nhận những công việc đòi hỏi khả năng, phẩm chất và kỹ năng bậc cao.


 Nếu chính sách không can thiệp, chúng ta sẽ thiếu hụt lượng lao động có kỹ năng trong tương lai không xa và không thể nào tăng cường được năng lực cạnh tranh trong thế giới toàn cầu hóa. Chúng ta không thừa cử nhân, không thừa thạc sĩ, ta chỉ đang thừa những người có bằng cấp mà không có năng lực phù hợp với những gì thị trường cần đến, và cái gốc vấn đề vẫn là chất lượng đào tạo của các trường.

Cạnh tranh trên thị trường lao động đang là cuộc cạnh tranh toàn cầu, nếu nền giáo dục của chúng ta không tạo ra đủ những người có thể đảm nhận công việc bậc cao thì người khác ở nước khác sẽ làm những công việc ấy, còn những người có năng lực hạn chế hơn, kỹ năng thấp hơn, tư duy chậm hơn, giản đơn hơn và có ít khả năng tự học thì sẽ làm những việc không sản sinh nhiều giá trị và hiển nhiên là lương thấp.

Có ý kiến cho rằng hiện tượng đảo chiều này là tất yếu và là một sự phản ứng của thị trường đối với tình trạng mở trường, mở ngành, tuyển sinh ồ ạt trong lúc chất lượng bị thả nổi thời gian qua. Điều đó đúng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là các nhà làm chính sách cần đáp ứng với thực tế đó như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là có quả thật chúng ta dư thừa những người có trình độ cử nhân, thạc sĩ, trong lúc rất thiếu những người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, nói cách khác, thừa thầy thiếu thợ?

Hiện nay, tỉ lệ người vào ĐH trong độ tuổi 18-22 trong năm 2012 của Việt Nam là 25%, trong khi tại các nước phát triển là 40-50% (55,6% ở châu Âu và Trung Á, theo WB, 2012). Các nền kinh tế có thu nhập cao là các nền kinh tế theo định hướng sáng tạo (innovation driven), cạnh tranh bằng khả năng áp dụng các quy trình sản xuất phức tạp và bằng việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

Các nền kinh tế này cần hệ thống giáo dục sau trung học cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và năng lực nghiên cứu cần thiết để duy trì các quy trình sản xuất phức tạp và đạt được sự cách tân trong sản xuất. Có những nền kinh tế với tỉ lệ người có học vấn sau phổ thông rất cao như tại Phần Lan, tỉ lệ vào ĐH trong độ tuổi là 96% hay Hàn Quốc là gần 100%.

Việt Nam không phải là ngoại lệ, chúng ta cần nhiều hơn nữa những người đạt trình độ cử nhân trong mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, nhất là khi ta đã và đang khẳng định mục tiêu xây dựng nền kinh tế tri thức. Vậy, có gì mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển nhân lực bậc cao và tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ?

Có hai vấn đề nổi bật: Một là, xã hội vẫn đang vướng víu trong tâm lý coi ĐH là dành cho một bộ phận tinh hoa, học ĐH là để làm quan, làm chủ, làm sếp, mà không nghĩ rằng học vấn ĐH cần trước hết cho tư cách công dân và tư cách người lao động trong nền kinh tế tri thức. Chúng ta hạn chế số người vào ĐH vì quan niệm cái gì ít mới quý, nếu ai cũng có bằng ĐH thì bằng ĐH đâu còn giá trị để làm quan, làm chủ, làm sếp nữa?

Chúng tôi cho rằng phải thay đổi quan niệm về trường ĐH, về việc học ĐH và về bằng cấp nói chung. Cũng không cần phải la hoảng về việc cử nhân đi làm lao động giản đơn. Nếu những năm tháng học ĐH không mang lại cho người học một kỹ năng, kiến thức hay phẩm chất nào đủ để làm được những việc phải có kỹ năng cao thì đi làm lao động giản đơn là hợp lẽ.

Nếu người có bằng ĐH quả thật có những kỹ năng, kiến thức, phẩm chất khác biệt với những người chưa được học ĐH thì họ sẽ làm công việc giản đơn ấy với con mắt quan sát, phân tích và sẽ nhìn thấy vô vàn cơ hội để làm khác đi, để tạo ra lợi nhuận và để tiến bộ.

Hai là, quan niệm về bằng cấp. Cả nhà trường và người học đều xem tấm bằng là vật trao đổi, thay vì coi nó chỉ là sự ghi nhận cho một tập hợp năng lực nhất định chứ không thể thay thế cho những năng lực ấy. Rất nhiều người đi học chỉ vì tấm bằng, mà không tận dụng được cơ hội những năm tháng ĐH để thật sự nâng cao giá trị của mình về trí tuệ, tâm hồn, phẩm chất, kỹ năng.

Vì coi tấm bằng là mục đích nên chạy theo những yêu cầu trước mắt để có tấm bằng, bất kể những bất hợp lý và thiếu sót trong chương trình đào tạo. Nhà trường cấp bằng cho sinh viên xong là hoàn tất hợp đồng, bởi họ coi sinh viên là khách hàng của mình, thay vì phải coi sinh viên là sản phẩm của mình và thị trường lao động mới là khách hàng thật sự tiêu thụ những sản phẩm ấy.

Những ý kiến cho rằng Nhà nước cần mở rộng cửa tuyển sinh để “cứu” các trường tư rất không thuyết phục. Các trường tư cần biện minh sự tồn tại của mình bằng cách chứng minh được những đóng góp thiết yếu của mình cho xã hội, thông qua việc tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt có thể dùng được, chứ không thể nhân danh phi lợi nhuận để đòi hỏi đặc quyền, ân huệ của Nhà nước hay xã hội, càng không thể biện minh sự tồn tại của mình dựa trên lý lẽ bởi đã trót được sinh ra cho nên phải được sống.

Nhà nước cần mở rộng cửa tuyển sinh, nói đúng hơn là cải cách tuyển sinh, nhưng không phải nhằm để cứu các trường tư, mà là dựa trên một quan niệm khác về đào tạo ĐH.

Nếu một học sinh bị loại khỏi trường ĐH chỉ vì lý do không đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người, điều này liệu có chính đáng về phương diện đạo đức và xã hội?

Nếu chúng ta coi tất cả mọi người đều bình đẳng về danh dự, phẩm giá và quan niệm rằng một xã hội lý tưởng là xã hội tạo ra cơ hội công bằng cho mọi người, thì việc dành ưu tiên cho những người có năng lực trí tuệ cao hơn (giả sử là điểm thi cao hơn thì năng lực trí tuệ tốt hơn) phải chăng đã khoét sâu thêm hố ngăn cách: người có năng lực tốt hơn sẽ được tiếp tục đào tạo để giỏi hơn nữa và tiến xa hơn nữa, trong lúc người không được thông minh bằng sẽ bị tước mất cơ hội cải thiện mình và thu hẹp khoảng cách?

Đó là chưa nói đến việc những em có điểm cao có thể là những em có điều kiện học tốt hơn, được kèm cặp, luyện thi và không phải dành thời gian kiếm sống như những em gia cảnh khó khăn. Một trong những động lực quan trọng của giáo dục ĐH chính là tạo ra cơ hội thay đổi cuộc đời, từ đó thúc đẩy sự vận động xã hội và dịch chuyển các giai tầng.

Cần nhấn mạnh một điều căn bản rằng bằng tốt nghiệp ĐH là tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng thông thường cho một nền kinh tế tri thức.

Trọng tâm chính sách

Để đáp ứng với những lo ngại loạn chuẩn nếu buông lỏng kiểm soát chất lượng đầu vào, rất cần một chính sách hỗ trợ cho chất lượng. Thay vì Bộ GD-ĐT phải trực tiếp tăng cường công tác quản lý và giám sát hoạt động của các trường (một việc không dễ dàng và chắc chắn quá tải), cần đặt hoạt động của các trường dưới sự giám sát của các hội nghề nghiệp (như kiểm định độc lập hay các hội chuyên ngành) và nhất là dưới sự giám sát của toàn xã hội.

Chủ trương “ba công khai” (công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai về thu - chi tài chính) của bộ cần được đẩy mạnh và thực thi sâu rộng hơn nữa. Các trường cần phải làm quen và thực thi trách nhiệm giải trình của mình trước xã hội về việc sử dụng ngân sách và về kết quả công việc của mình.

Bộ GD-ĐT nên tập trung làm chính sách. Chính sách không chỉ có nghĩa là những quy định và đòi hỏi hay cấm đoán, mà là những khuôn khổ pháp lý nhằm khích lệ hoạt động đào tạo hay nghiên cứu của các trường đi theo những định hướng chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ.

Hiện nay vấn đề cấp bách là khẩn cấp cải thiện chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tài liệu giáo trình và môi trường đào tạo bậc ĐH nói chung. Nếu các trường ĐH thật sự có chất lượng, họ sẽ tạo ra một thế hệ mới không ngồi chờ may mắn hay cơ hội, không chỉ mơ ước bán được sức lao động ăn lương, mà sẽ có can đảm chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn và thử thách, tự tạo ra cơ hội và công ăn việc làm cho mình cũng như cho người khác.

Muốn có một thế hệ như thế, trường ĐH phải chuyển từ chỗ là nơi cung cấp kiến thức một chiều thành một môi trường trải nghiệm và khích lệ sự đối thoại, sự độc lập và đa dạng của sinh viên. Trong sự hạn chế về kết quả đào tạo hiện nay của các trường, sự yếu kém của các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn phải nhận một phần trách nhiệm quan trọng. Nếu không sửa từ gốc thì những sản phẩm mà nhà trường Việt Nam đang tạo ra sẽ tiếp tục bị thị trường từ chối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận