Biết để "chung sống" với các em

TTCT - Mục đích của giáo dục là đào tạo những công dân tương lai có nhân cách, có chuẩn mực về đạo đức..., giúp họ hòa nhập và thích ứng với cuộc sống đang đổi mới từng ngày, phát triển ở học sinh những cảm xúc, tình cảm tích cực.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD


Để làm được điều này, các phương pháp và phương tiện giáo dục cần được các chủ thể giáo dục sử dụng phù hợp với các đối tượng, giúp học sinh chuyển hóa dần những chuẩn mực xã hội thành hành vi và thói quen như đã nói.

Tâm lý của học sinh ngày nay đã có nhiều thay đổi từ những đổi thay của xã hội và từ chính sự khôn lớn của các em. Các bạn trẻ có xu hướng thích sáng tạo với những nhận thức và hành vi phá cách để thể nghiệm mình.

Những câu nói “chơi chữ” của các em thường mang lại ấn tượng mới mẻ trong tư duy hiện thực của mình, giúp các em phấn chấn hơn, những cảm xúc tích cực dễ dàng hình thành hơn trong tính đặc thù của giới trẻ.

Biết các em, để có tác động chủ động giáo dục các em với tính đặc thù này sẽ mang lại nhiều hiệu quả và biết các em để cùng tương tác và “chung sống” với các em, để người lớn được trải nghiệm và thêm kinh nghiệm giáo dục các em.

Nghị quyết trung ương 8 khóa XI đã có những định hướng rõ ràng và triết lý cơ bản để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được xác định là “nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người”. Giáo dục chính là con người.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong ngày nhậm chức có đề cập đến nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu ngành giáo dục là “tạo ra niềm tin” để đáp ứng “mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình”.

Đó là điều mà cả xã hội đang mong đợi và kỳ vọng, phù hợp với mục đích giáo dục rất nhân văn của nền giáo dục VN. Các chủ thể giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện triết lý giáo dục và hướng đến bản chất thực của giáo dục là con người.

Với clip về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhiều người cảm thấy bất an khi vấn đề được đẩy lên mức độ rất nghiêm trọng: ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế đã có văn bản báo cáo công an nhờ tìm ra thủ phạm và xem xét “động cơ” của nhóm thực hiện clip. Gần đây có khá nhiều trường hợp, sự “quậy” của các em học sinh đã được trình báo với cơ quan công an để bằng mọi cách tìm ra thủ phạm và trừng phạt...

Thưởng phạt là điều đương nhiên trong tác động giáo dục cũng như chuyện “quậy” của các em cũng là điều đương nhiên phản ánh tâm lý bình thường của các em trong tính đặc thù của mình. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều tác dụng giáo dục khi sự trừng phạt đó lại mong chờ vào lực lượng chuyên chính, vào các anh công an điều tra.

Một khi trông cậy vào công an với những sự kiện “phá cách” của học sinh không có liên quan gì đến sự nhạy cảm chính trị sẽ chỉ cho thấy sự bất lực của nhà giáo dục, với những hành vi thể hiện cảm xúc nhất thời và bồng bột của các bạn trẻ.

Thông qua việc trình báo công an, các nhà giáo dục làm cho khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, đối tượng giáo dục ngày càng xa cách hơn, thậm chí mang tính đối lập trong tương tác giáo dục.

Và cũng thông qua việc mời công an vào cuộc, học sinh sẽ có cảm giác làm gì vui cũng có thể “bị” công an xem xét. Điều này làm cho môi trường giáo dục trở nên thiếu thân thiện, thiếu cởi mở và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của chúng ta với mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người thật sự nhân văn, theo tiêu chí của UNESCO là học để biết, học để làm việc, học để làm người, học để cùng chung sống với nhau.

Cần có sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình, xã hội và sự phối hợp này một khi xuất phát từ niềm tin và lòng nhân ái thì chắc chắn giáo dục nước nhà sẽ có thêm những thành công hơn nữa. Sứ mệnh của nhà trường nói riêng và của ngành giáo dục nói chung luôn được đề cao trong việc chủ động thực hiện các tác động giáo dục với chức năng và nhiệm vụ của mình.

Xin được kết thúc với quan điểm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Giáo dục không phải là một trận đánh, “Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”. Hãy thực hiện các tác động giáo dục bằng trí tuệ, khoa học, tâm huyết và niềm tin...■

Cảnh cáo, nhắc nhở người dựng clip về kỳ thi THPT quốc gia

Tại buổi họp báo định kỳ do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 14-7, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng việc tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề liên quan vụ dàn dựng clip chế giễu kỳ thi THPT quốc gia tại Huế là hợp lý.

Clip do Nguyễn Hữu Phi Long (23 tuổi), tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế dàn dựng. Tham gia clip có 5 học sinh THPT tại Huế và 2 sinh viên CĐ nghề Du lịch Huế. Công an đã gặp Long và Long đã tự nguyện gỡ bỏ clip trên khỏi Facebook cá nhân. Động cơ của Long và nhóm học sinh chỉ nhằm bắt chước các clip hài trên Internet, không nắm quy định pháp luật và không nghĩ sẽ gây dư luận xã hội như vừa qua.

Việc sản xuất, đăng tải clip nói trên vi phạm nghị định 72CP/2013 của Chính phủ về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nhưng trước thái độ hợp tác của Long và Long mới vi phạm lần đầu nên công an tỉnh chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, hướng dẫn Long thực hiện các quy định của pháp luật. Riêng các sinh viên, học sinh tham gia clip, cơ quan chức năng sẽ xem xét hình thức xử lý thích hợp, trên tinh thần giáo dục và khuyên răn các em.P.H.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận